Sau chuyến công du chính thức đầu tiên của Thủ tướng Anthony Albanese đến Việt Nam, người dân Australia nên thắc mắc liệu người lãnh đạo được bầu lên có đang đại diện cho hệ giá trị của quốc gia mình trong khu vực hay không. Hiển nhiên, ông Thủ tướng đã bỏ lỡ cơ hội nêu vấn đề nhân quyền khi Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi tới thăm Australia. Có phải ông Albanese lại một lần nữa thất bại trong việc thảo luận hàng loạt các vấn đề về nhân quyền khi ông tới thăm Việt Nam?
Ông Albanese tới Việt Nam để đánh dấu 50 năm đặt quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Chuyến thăm đã tạo được niềm lạc quan thận trọng về việc một công dân Australia, Châu Văn Khảm, 73 tuổi, có thể được về nhà theo một thỏa thuận chuyển giao tù nhân quốc tế. Ông Khảm đang phải thi hành án 12 năm tù giam vì có các hoạt động và liên quan tới một đảng chính trị đối lập, Việt Tân. Đảng Việt Tân hoạt động công khai và hợp pháp ở nhiều nước, bao gồm cả Australia, nhưng Hà Nội dán nhãn “khủng bố” cho tổ chức này một cách vô căn cứ.
Vụ của ông Châu Văn Khảm không phải là trường hợp cá biệt. Có hơn 150 người hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam vì đã ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình.
Không lâu trước khi ông Albanese tới thăm Việt Nam, một tòa án kết án Bùi Tuấn Lâm năm năm rưỡi tù giam về tội “tuyên truyền chống nhà nước” vì đã đăng các bài phê phán chính quyền trên Facebook. Bùi Tuấn Lâm trở nên nổi tiếng vào tháng Mười một năm 2021 khi làm một đoạn video chế ghi hình bản thân bắt chước đầu bếp nổi tiếng có nghệ danh là Thánh Rắc Muối, người mấy ngày trước đã nổi như cồn ở Việt Nam sau khi rắc muối lên miếng bít tết dát vàng giá 2000 đô la và bón cho ông bộ trưởng công an Việt Nam là Tô Lâm. Bộ trưởng Tô Lâm tận hưởng món ăn đắt tiền đó trong lúc người dân thường ở Việt Nam đang cực nhọc giữa cơn suy thoái kinh tế vì dịch Covid-19 và lạm phát mất kiểm soát. Trong đoạn video chế của mình, Bùi Tuấn Lâm thay miếng bít tết dát vàng bằng tô mì thường nhật với vài lát thịt và hành, là cớ để công chúng trên mạng chê cười Tô Lâm. Công an đã sách nhiễu, đe dọa và cuối cùng bắt giữ Bùi Tuấn Lâm, dẫn đến vụ xử và kết án ông với bản án nhiều năm tù.
Thái độ bất chấp các quyền con người cơ bản của Việt Nam không chỉ dừng ở đó. Trong chuyến thăm của ông Albanese, hai nước đã đồng ý hợp tác giải quyết khủng hoảng khí hậu. Thậm chí Australia còn cam kết dành 105 triệu đô la Úc để tập trung tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu sạch và phát triển cơ sở hạ tầng cho nguyên liệu sạch ở Việt Nam. Thế nhưng chỉ vài ngày trước khi ông Albanese tới thăm, công an Việt Nam đã bắt giữ nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc ngụy tạo về tội trốn thuế. Việc làm vì môi trường ở Việt Nam của bà Hoàng Thị Minh Hồng đã được ghi nhận bởi các cá nhân và tổ chức như Barack Obama, Forbes và TED Đông Nam Á.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, Việt Nam đã kết luận có tội và xử án tù ít nhất là 36 người vì đã lên tiếng phê phán chính quyền hoặc tham gia các tổ chức hay nhóm tôn giáo độc lập. Trong số đó có các nhà báo công dân và các nhà hoạt động dân chủ. Tháng Tám năm ngoái, các tòa án ở Hà Nội từ chối yêu cầu kháng cáo của blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang và các nhà hoạt động đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm. Từ tháng Ba đến tháng Sáu năm 2023, các tòa án Việt Nam đã xử có tội và kết án năm nhà vận động dân chủ từ năm năm rưỡi đến tám năm tù giam. Công an đang tạm giam ít nhất là 18 người khác trong giai đoạn điều tra với các cáo buộc mang động cơ chính trị.
Các quyền tự do biểu đạt, tự do nhóm họp, tự do đi lại, tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng đều bị đe dọa hàng ngày ở Việt Nam. Australia cần vận dụng mọi cơ hội có được để thúc đẩy việc tôn trọng các quyền con người cơ bản nói trên, thể hiện các giá trị lâu dài của Australia.
Chính quyền Australia không nên bỏ quên người dân Việt Nam, những người không có một chính phủ đứng ra bảo vệ mình. Trong khi Australia tiếp tục củng cố quan hệ với Việt Nam, cũng cần lưu ý rằng một nền kinh tế thịnh vượng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bị lũng đoạn trong một hệ giá trị kép và người dân bị từ chối các quyền con người cơ bản.