Cập nhật: Vào ngày 15 tháng 12 năm 2021, một tòa án ở Hà Nội xử Trịnh Bá Phương 10 năm tù giam và 5 năm quản chế. Tòa xử Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù giam và 3 năm quản chế.
(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam nên lập tức hủy bỏ các cáo buộc mang động cơ chính trị và phóng thích hai nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai ở Hà Nội.
Công an bắt Nguyễn Thị Tâm và Trịnh Bá Phương từ tháng Sáu năm 2020 vì đã “soạn thảo, đăng tải, phát tán các video clip, bài viết có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm mục đích chống Nhà nước,” vi phạm điều 117 của bộ luật hình sự. Một tòa án ở Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên xử họ vào ngày 15 tháng Mười hai năm 2021. Nếu bị kết tội, mỗi người sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù.
“Chính quyền Việt Nam đang vận dụng luật hình sự để dọa nạt và cấm đoán những người biểu tình ôn hòa phản đối trưng thu đất đai,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền nên phóng thích hai nhà hoạt động nói trên và tất cả những người đang bị giam giữ theo điều 117, và hủy bỏ điều luật lạm quyền này.”
Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam đưa ra quy định rất rộng để cấm các hành vi “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Chỉ tính riêng trong năm 2021, có ít nhất 16 người – trong đó các blogger độc lập nổi tiếng Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành – đã bị kết tội và xử án tù vì đã vi phạm điều 117. Có 11 người khác, trong đó có nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh, đã bị bắt và đang bị tạm giam chờ xét xử cũng theo điều luật nói trên.
Nguyễn Thị Tâm, 49 tuổi, đã biểu tình phản đối trưng thu đất đai ở xã Dương Nội, hiện trực thuộc Hà Nội, từ giữa thập niên 2000. Tháng Sáu năm 2008, bà đã tham gia một cuộc biểu tình đông người bên ngoài trụ sở Ủy ban Nhân dân, lúc đó còn là tỉnh Hà Tây. Tháng Mười một năm 2008, một tòa án đưa bà Nguyễn Thị Tâm và những người dân làng khác ra xét xử về tội “chống người thi hành công vụ,” kết luận bà có tội và xử bà mức án 12 tháng tù treo.
Trịnh Bá Phương, 36 tuổi, xuất thân trong một gia đình có nhiều nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai. Trong suốt thập niên vừa qua, anh cùng mẹ, bà Cấn Thị Thêu, và bố, ông Trịnh Bá Khiêm, và em trai Trịnh Bá Tư tham gia nhiều cuộc biểu tình và vận động ủng hộ nhân quyền, quyền lợi đất đai và bảo vệ môi trường. Nhà cầm quyền bắt bố anh vào tháng Tư năm 2014 trong một đợt trưng thu đất đai ở Dương Nội về tội “chống người thi hành công vụ,” theo điều 257 của bộ luật hình sự, và giam giữ ông 14 tháng. Mẹ anh đã thi hành xong hai bản án – 15 tháng vào năm 2014 và 20 tháng vào năm 2016.
Cùng ngày Trịnh Bá Phương bị bắt ở Hà Nội, công an tỉnh Hòa Bình cũng bắt mẹ và em trai anh với cáo buộc tương tự. Trước khi bị bắt, ba mẹ con họ là nhân tố quan trọng trong việc lan tỏa tiếng nói của người dân xã Đồng Tâm, thành phố Hà Nội, nơi một cuộc tập kích của công an vào tháng Giêng năm 2020 đã dẫn tới cái chết của một lão nông 84 tuổi, ông Lê Đình Kình, và ba người công an. Trịnh Bá Phương là một trong số các tác giả của “Báo cáo Đồng Tâm,” làm sáng tỏ vụ xung đột bạo lực vì đất đai. Tháng Mười năm 2020, công an bắt giữ một tác giả nữa của Báo cáo Đồng Tâm, là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Phạm Đoan Trang. Một tòa án ở Hà Nội dự kiến sẽ xử vụ án của bà vào ngày mồng 4 tháng Mười một.
Tháng Năm, mẹ và em trai Trịnh Bá Phương, bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư, mỗi người bị kết án tám năm tù. Khi bị hỏi tên trong phiên tòa, cả hai đều nói “tên tôi là Nạn nhân Cộng sản.” Cả hai đều đã kháng án. Gần đây, một thành viên trong gia đình kể với Đài phát thanh Á châu Tự do rằng có tin công an đã đánh đập Trịnh Bá Tư trong khi bắt tạm giam anh hồi tháng Sáu năm 2020, khiến anh phải đi bệnh viện để trị thương.
Cả Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư dường như đã lường trước được rằng mình sẽ bị bắt. Ngay trong ngày họ bị bắt, các đoạn băng video ghi từ trước đã được đăng tải trên Facebook, trong đó họ bày tỏ quan ngại về khả năng bị công an tra tấn và bị giết. Họ yêu cầu nếu mình bị giết thì những người ủng hộ và gia đình hãy công khai phô bày thân thể họ để bộc lộ những dấu vết tội ác.
Tháng Hai năm 2020, báo công an chụp mũ Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu là những kẻ “phản động chống đối” đã “thu thập và phát tán” thông tin về vụ xung đột thảm khốc ở xã Đồng Tâm.
“Đất đai bị trưng thu đã trở thành một trong những chủ đề nhân quyền nóng nhất ở Việt Nam, và kiểu chính quyền đối phó bằng cách đàn áp càng làm tình hình trở nên xấu đi,” ông Robertson nói. “Chính quyền cần công nhận quyền biểu tình của người dân và tìm ra một quy trình công bằng và minh bạch để thương lượng mức đền bù thỏa đáng cho số đất đai bị mất.”