Tháng Tư năm 2016, Việt Nam trải qua một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia này, khi công ty Thép ở Hà Tĩnh, thuộc Tập đoàn Nhựa Formosa của Đài Loan, xả chất thải độc hại xuống bờ biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh, làm chết hàng triệu con cá và hủy hoại sinh kế của các cộng đồng ngư dân địa phương.
Sau đó, Formosa đã nhận trách nhiệm về thảm họa và cam kết đền bù 500 triệu đô la Mỹ - không phải cho nạn nhân mà cho chính phủ Việt Nam. Cư dân các tỉnh bị ảnh hưởng đã phàn nàn về sự thiếu minh bạch trong quá trình giải ngân tiền đền bù, trong đó có các trở ngại cho người dân đòi đền bù và việc chính quyền địa phương chiếm đoạt tiền quỹ.
Nhà cầm quyền Việt Nam cũng đàn áp các cuộc biểu tình liên quan đến thảm họa nói trên. Không lâu sau vụ thải độc, hàng ngàn người mang theo các biểu ngữ tự tạo kêu gọi “nước sạch, chính quyền sạch, minh bạch” đã tuần hành ôn hòa đòi điều tra vụ việc. Công an và các lực lượng an ninh đã sử dụng vũ lực quá mức và không cần thiết đối với người biểu tình, hành hung và bắt giữ họ. Nhiều năm sau đó, chính quyền Việt Nam tiếp tục dập tắt tiếng nói của những người lên tiếng phê phán. Ít nhất 41 nhà hoạt động tham gia các cuộc biểu tình đó đã bị kết án nhiều năm tù. Trong số đó, 31 người hiện vẫn đang bị giam sau song sắt.
Blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang hiện đang thụ án chín năm tù sau khi bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Một trong những tài liệu mà chính quyền dùng làm bằng chứng kết tội bà là bản báo cáo về vụ Formosa xả hóa chất độc hại.
Nhà hoạt động vì người lao động Hoàng Đức Bình đang thụ án 14 năm tù. Ông đã tham gia các cuộc biểu tình và giúp tổ chức các hoạt động ủng hộ ngư dân bị ảnh hưởng sinh kế đòi bồi thường.
Ông Nguyễn Nam Phong bị bắt sau khi lái xe đưa mọi người tới một sự kiện, nơi hàng trăm người nhóm họp lại để nộp đơn kiện Formosa. Nhiều người biểu tình cho biết đã bị bắt giữ và hành hung.
Đối mặt với nguy cơ bế tắc hoàn toàn trong nỗ lực theo đuổi công lý ở Việt Nam, một số nạn nhân của vụ thải độc đã đưa vụ kiện sang Đài Loan vào năm 2019. Sau nhiều bước, Tòa án Tối cao Đài Loan cuối cùng đã đưa ra phán quyết rằng các hồ sơ kiện của bên nguyên đơn phải được ngoại giao đoàn của Đài Loan ở Việt Nam công chứng trước. Nhưng vì chính quyền Việt Nam tiếp tục trả đũa các nạn nhân và những người vận động cho họ, việc này cũng gần như không thể thực hiện được.
Xét hoàn cảnh bất thường ở Việt Nam, các tòa án Đài Loan cần xem xét các phương thức công chứng khác và nới rộng thời hạn nộp hồ sơ, sẽ kết thúc vào cuối tuần này nếu giữ nguyên hiện trạng. Các Tòa án Đài Loan đừng nên chất thêm sự bất công khi tạo điều kiện cho chính quyền Việt Nam đè nén các nạn nhân.