Skip to main content

Việt Nam: Không chốn dung thân cho phong trào #MeToo

Quan hệ với chính quyền là bùa hộ mệnh cho những kẻ bị cáo buộc bạo hành tình dục

Published in: The Diplomat
© 2020 Brian Stauffer for Human Rights Watch

Tháng Mười một, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường tới Chile, một thành viên của bộ phận an ninh trong đoàn, Lại Đắc Tuấn, bị bắt với cáo buộc tấn công tình dục. Một quan tòa nước sở tại ra phán quyết buộc ông ta phải rời khỏi đất nước Chile và cấm nhập cảnh trong vòng hai năm. Ông Tuấn mang hàm thượng tá trong Bộ Công an Việt Nam, cơ quan được biết đến với các chiến dịch đàn áp thẳng tay những người bất đồng chính kiến. Dù vụ việc này đã được báo chí Chile và quốc tế đưa tin, nhưng không có một lời nào về chuyện này xuất hiện trên báo chí do chính quyền Việt Nam kiểm soát.

Tháng Ba năm ngoái, hai nhân viên phục vụ nhà hàng ở New Zealand tố cáo hai công an Việt Nam đã sàm sỡ trong khi tới New Zealand để chuẩn bị tiền trạm cho chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Những người bị tố cáo đã rời New Zealand trước khi có thể bị bắt giữ. Tháng Mười hai, khi giới báo chí đưa ra các câu hỏi về vụ việc này, cảnh sát New Zealand xác nhận rằng họ “không có nghi ngờ gì về việc hai người phụ nữ đó đã bị hai người đàn ông sàm sỡ trong khi đang làm việc, và nếu hai người đàn ông nói trên vẫn còn ở New Zealand thì chúng tôi có thể tiến hành tố tụng hình sự.” Báo chí trong nước Việt Nam cũng im lặng về vụ việc này.

Bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm cả bạo hành tình dục, tràn lan ở Việt Nam, và rất hiếm khi các nạn nhân cảm thấy mình có thể tìm kiếm được sự trợ giúp. Trên đây chỉ là hai vụ việc, được ghi nhận vì xảy ra ở nước ngoài, nơi các nạn nhân có thể tìm đến cảnh sát và báo chí để tố cáo. Trong nước Việt Nam, các vụ tấn công tình dục hiếm khi được thông báo tới nhà cầm quyền do ám ảnh sẽ vướng tai tiếng, đổ lỗi cho nạn nhân, và một nền văn hóa bao che trong đó những thủ phạm có quan hệ tốt với chính quyền hiếm khi bị truy cứu trách nhiệm.

Tháng Hai năm 2022, tạp chí Forbes Việt nam công bố danh sách “nhân vật dưới 30 tuổi của năm 2022” trong đó có Ngô Hoàng Anh, một thành viên lãnh đạo nhóm công nghệ thông tin phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế Việt Nam. Sau khi một số phụ nữ lên tiếng tố cáo ông ta quấy rối tình dục, Forbes tuyên bố rằng họ đã bỏ Ngô Hoàng Anh ra khỏi danh sách. Nhưng không có chỉ dấu nào về việc ông ta phải đối mặt với các hành động pháp lý.

Tháng Ba năm 2022, trong một vụ việc hiếm hoi được báo với chính quyền, một người phụ nữ được công chúng biết dưới cái tên viết tắt là V.N.H trình báo với công an rằng ông Lê Minh Tiến, Trưởng khoa Luật Quốc tế của Đại học Luật Hà Nội, đã tấn công tình dục mình nhiều lần từ năm 2020 đến 2022. Đại học Luật Hà Nội là một trường Đại học công lập trực thuộc Bộ Tư pháp. Tháng Bảy năm 2022, Bộ Tư pháp nói rằng vụ việc đang được công an điều tra, và đến tháng Tư năm 2023, lãnh đạo ngành Tư pháp nói rằng ông Tiến bị “cảnh cáo” và đã rời vị trí công tác. Không có thêm thông tin nào về quá trình điều tra vụ việc nói trên được công bố.

Tháng Tư năm 2022, nhà thơ Dạ Thảo Phương lên tiếng về việc mình đã bị một đồng nghiệp, ông Lương Ngọc An, hãm hiếp và hành hung trong hai năm 1999 và 2000, khi hai người làm việc ở báo Văn Nghệ Trẻ, một nhánh trực thuộc của tờ báo Văn Nghệ của nhà nước. Tại thời điểm bà Dạ Thảo Phương công khai hóa vụ việc, ông Lương Ngọc An đang là đảng viên thâm niên, và là thành viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt nam đồng thời là phó tổng biên tập báo Văn Nghệ. Bà Dạ Thảo Phương cũng tố cáo ông Trương Vĩnh Tuấn, cố phó tổng biên tập báo Văn Nghệ hồi năm 2000, người được phân công giải quyết vụ tố cáo của bà – đã ngăn cản bà khởi kiện, và có hành động trả đũa bằng cách bôi nhọ, không đăng tác phẩm và dọa đuổi việc bà.

Mười ngày sau khi Dạ Thảo Phương đăng lời tố cáo trên mạng xã hội vào tháng Tư năm 2022, một nhà thơ khác, Bùi Mai Hạnh, tố cáo rằng Lương Ngọc An cũng tấn công tình dục mình. Vài ngày sau đó, Hội Nhà văn Việt Nam công bố rằng từ ngày mồng 1 tháng Năm năm 2022, ông Lương Ngọc An sẽ thôi giữ chức phó tổng biên tập báo Văn Nghệ. Hội không đưa ra lý do cho quyết định này.

Tháng Mười hai năm 2024, sau hai năm rưỡi án binh bất động, ông Lương Ngọc An lại được bổ nhiệm chức vụ phó tổng biên tập một tạp chí khác của nhà nước – một quyết định làm dấy lên một đợt sóng mới trên mạng xã hội. Ngày mồng 4 tháng Giêng năm 2025, Hội Nhà văn Việt Nam đột ngột tuyên bố thu hồi “quyết định bổ nhiệm Lương Ngọc An,” cũng không đưa ra một lời giải thích nào.

Các vụ việc nêu trên cùng có một kịch bản chung: người bị tố cáo là viên chức nhà nước, hoặc có liên quan mật thiết với cơ quan nhà nước, và thường là đảng viên Đảng Cộng sản. Bất chấp tính chất nghiêm trọng của các cáo buộc, không hề có việc điều tra hình sự đối với nghi can, không có quyết định khởi tố và gần như không có chế tài nào được áp dụng. Phản ứng của chính quyền là im lặng tuyệt đối, hoặc tệ hơn thế. Mà đó mới là các vụ đã được công khai hóa.

Nhiều đề tài nghiên cứu về bạo hành đối với phụ nữ ở Việt Nam tập trung vào việc bạo hành đến từ bạn tình. Theo U.N. Women, ở Việt Nam “gần như cứ 3 phụ nữ thì có 2 người…đã phải trải nghiệm một hay nhiều hình thức bạo hành thân thể, tình dục, tình cảm hay kinh tế cùng với cách hành xử mang tính kiểm soát từ chồng/bạn tình trong đời. Hơn 90 phần trăm phụ nữ từng chịu bạo hành tình dục và/hoặc thân thể từ phía chồng/bạn tình không tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan chuyên môn hay nhà cầm quyền.”

Trong một bản phúc trình năm 2016, ActionAid nhận xét rằng “87 phần trăm phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam đã gặp tình huống quấy rối tình dục ở nơi công cộng,” và “89 phần trăm đàn ông và người ngoài cuộc đã chứng kiến các hành động quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.” Nhà nhân chủng học Nguyễn Thu Hương lập luận rằng các vụ tấn công tình dục phổ biến ở Việt Nam vì hệ thống pháp luật không hoàn thiện, cộng thêm nỗi ám ảnh mang tiếng và thông lệ “đổ lỗi cho nạn nhân” đã cản trở các nạn nhân bị tấn công tình dục lên tiếng công khai và tìm cách đòi công lý.

Đáp lại các nhận xét trong đợt kiểm định của Liên Hiệp Quốc mới đây về hồ sơ nhân quyền của mình, Việt Nam đã chấp thuận tất cả các khuyến nghị về tăng cường bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới tính, trong đó có bạo hành tình dục với phụ nữ. Nếu chính phủ Việt Nam muốn nghiêm túc thực hiện các cam kết đó của mình, thì bước đầu tiên là nhà cầm quyền Việt Nam cần tiến hành điều tra kỹ càng và minh bạch về các tố cáo bạo hành tình dục đối với phụ nữ, và truy tố nghiêm minh những kẻ phải chịu trách nhiệm, bất kể địa vị hay quan hệ chính trị.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country