Tóm tắt
“Dao,” một người đàn ông dân tộc Lào ở độ tuổi 40, từng có một cuộc sống tự túc tương đối đầy đủ ở làng Srekor thuộc tỉnh Stung Treng vùng đông bắc Campuchia. Ông đánh bắt cá trên sông Sesan và làm ruộng, trồng cây trái trên khu đất màu mỡ ven bờ sông. Cả gia đình ông đi hái rau cỏ, hái nấm, thu hoạch nhựa cây và cây thuốc từ khu rừng chung của làng để bán ở chợ địa phương.
Nhưng cũng như nhiều người dân khác trong cộng đồng ông và các khu lân cận, năm 2017 cuộc sống của ông Dao bị xáo trộn sau khi con đập thủy điện lớn, Đập Hạ Sesan 2, được xây dựng ở gần đó, giữa điểm giao cắt vùng hạ lưu của sông Sesan và sông Srepok, ngay trên đoạn sông Sesan chuẩn bị nhập dòng vào sông lớn Mê Kông.
Dao kể rằng một công ty Việt Nam tiến hành khảo sát dự án ban đầu đã thực hiện một số cuộc tham vấn hạn chế với cộng đồng ông, nhưng một công ty khác của Trung Quốc tiếp nhận dự án vào năm 2012 không tham vấn đầy đủ với cộng đồng của Dao kể từ sau năm 2012. “Không có ai đến hỏi ý kiến cộng đồng” sau khi công ty Việt Nam dời đi, ông nói. Sau khi bắt đầu khởi công xây dựng, ông nói, các cuộc thảo luận với chính quyền Campuchia và công ty Trung Quốc, cả về tác động của dự án lẫn mức đền bù cho dân, không phải là tham vấn mà giống các cuộc họp gây áp lực buộc Dao và người dân trong cộng đồng ông chấp nhận các điều khoản đặt ra từ trước.
Công trình xây dựng đập được bắt đầu từ năm 2013. Chủ dự án đập thủy điện đề nghị tái định cư gia đình ông Dao sang một khu khác cách đó vài cây số, nhưng đất đai và nhà cửa tái định cư xấu hơn những gì ông đang có rất nhiều, và khoản đền bù thu nhập bị mất thì quá thấp. Ông từ chối nhận gói đền bù đó.
Các cửa xả của con đập bắt đầu đóng vào năm 2017, và mực nước của hồ chứa làm ngập nhà ông Dao. Ông buộc phải dời nhà. Ông tốn vài ngàn đô để xây một căn nhà mới ở ngoài vùng ngập nước, nhưng thu nhập của gia đình từ đánh bắt cá, nông nghiệp và thu hoạch lâm sản gần như mất trắng. “Những giống cá được tiền đã biến mất,” ông nói. “Chỉ còn lại những loại cá rẻ tiền và nhỏ hơn… rồi chúng tôi chỉ bắt được lượng cá đủ cho gia đình ăn.”
Khi hoàn thành vào năm 2018, Đập Hạ Sesan 2 đã khiến phải di dời gần năm ngàn người, hầu hết là dân Bản địa và thuộc các sắc tộc thiểu số như Bunong, Brao, Kuoy, Lao, Jarai, Kreung, Kavet, Tampuan, và Kachok – những người đã sống trong các thôn bản ven hai con sông Sesan và Srepok qua nhiều thế hệ.
Ngoài ra, dự án còn ảnh hưởng tới hàng chục ngàn người khác ở thượng lưu và hạ lưu đập, những người trông chờ vào nghề đánh bắt cá trên dòng sông này để có thực phẩm và thu nhập. Dự án có thể cũng góp phần gây ra việc giảm sút sản lượng cá của toàn bộ hệ thống sông Mê Kông, là một hậu quả nghiêm trọng vì hàng chục triệu người ở Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Lào phải phụ thuộc vào nguồn thực phẩm là cá tôm đánh bắt được từ hệ thống sông Mê Kông. Với một người dân bình thường ở Campuchia, cá chiếm từ 60 đến 75 phần trăm lượng đạm trong thành phần thức ăn.
Công trình xây dựng Đập Hạ Sesan 2 từ năm 2013 đến năm 2018 là một phần của “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) – một dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ đô la được khởi xướng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2013 để thúc đẩy phát triển và tăng cường lợi ích ngoại giao của Trung Quốc trên toàn cầu. Báo chí nhà nước Trung Quốc đã gọi Đập Hạ Sesan 2 là “dự án trọng yếu” trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, và là một trong bảy dự án thủy điện ở Campuchia thuộc BRI.
Nhiều dự án BRI ở châu Á và các nơi khác đã bị chỉ trích vì thiếu minh bạch, bất chấp các mối quan ngại của cộng đồng địa phương, và tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường.
Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc (CHNG), một công ty điện lực lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đảm nhận việc xây cất con đập, đã mô tả đó là “dự án kiểu mẫu” cho BRI. Tập đoàn CHNG, thông qua một doanh nghiệp trực thuộc, Công ty Năng lượng Quốc tế Hydrolancang, sở hữu 51% – là phần hùn nắm quyền kiểm soát dự án. Tập đoàn Hoàng Gia – Royal Group, một trong những doanh nghiệp lớn nhất và có quan hệ chính trị mạnh nhất của Campuchia, nắm 39%. Một công ty con của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) là Công ty Cổ phần Quốc tế EVN (EVNI) giữ 10% của liên doanh. Ngân hàng Công Thương Trung Quốc và Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank) cung cấp phần quan trọng trong tổng số vốn của dự án. Ngân sách dành cho dự án được thông báo vào khoảng 800 triệu đô la.
Tập đoàn CHNG tuyên bố rằng con đập có thể tạo ra 400 megawatts nếu hoạt động ở công suất cao nhất và 1.998 gigawatt giờ mỗi năm, tương đương khoảng một phần sáu sản lượng điện hàng năm của Campuchia. Tuy nhiên, như phúc trình này ghi nhận, sản lượng thực tế dường như thấp hơn mức đó rất nhiều, chỉ được khoảng một phần ba các con số nêu trên và có thể chỉ thu về chưa tới 70 triệu đô la tiền điện một năm.
Bản phúc trình này, căn cứ trên các cuộc phỏng vấn với hơn 60 người trong hai năm, cho thấy rằng các quan chức trong chính phủ Campuchia, và Tập đoàn CHNG cùng các doanh nghiệp phụ thuộc, không tham vấn đầy đủ với các cộng đồng chịu tác động và các gia đình bị ảnh hưởng trước khi cũng như trong khi tiến hành xây dựng đập Hạ Sesan 2. Phúc trình này ghi nhận các quan chức đã bỏ qua các mối quan ngại và lời phản đối của cộng đồng, phớt lờ các lời kêu gọi thảo luận về các giải pháp thiết kế khác cho dự án, không thực hiện đền bù đầy đủ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng và không xây dựng được cơ chế khiếu nại hữu hiệu để giải quyết các bất đồng. Các quan chức chính quyền và công ty không hề có động thái nào để đạt được “sự đồng thuận tự nguyện, từ trước và trên cơ sở được thông tin đầy đủ” của những người dân bản địa bị ảnh hưởng, như đã quy định trong Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Các Dân tộc Bản địa.
Hậu quả thực sự nghiêm trọng. Đập Hạ Sesan 2 đã gây tác hại sâu sắc tới các cộng đồng địa phương, đẩy họ vào cảnh nghèo và túng quẫn hơn. Dự án đã phá hủy trầm trọng hệ sinh thái ở cả vùng thượng và hạ lưu công trình, khiến số lượng lớn cá tôm bị mất đi.
Chính phủ Campuchia và các nhà đầu tư xây dựng con đập dường như đã không nghiêm túc cân nhắc tới các hậu quả nói trên cũng như các thiệt hại kinh tế lớn hơn đối với các cộng đồng cư dân ở vùng thượng và hạ lưu công trình. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, chính quyền Campuchia liên tục gạt đi các ý kiến phản đối dự án, không có động thái tích cực và hữu hiệu nào nhằm bảo vệ các quyền con người của những người dân phải chịu tác động của dự án, và từ khi hoàn thành con đập không thực hiện các bước cần thiết nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của nó.
Chính quyền Campuchia phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc bảo vệ các quyền con người cho người dân của mình và đảm bảo rằng các dự án phát triển cùng với các quy trình tái định cư kèm theo đó phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước. Hiến pháp Campuchia và các công ước nhân quyền quốc tế mà quốc gia này đã tham gia đều đảm bảo rằng các quyền cơ bản phải được bảo vệ, trong đó có các quyền được hưởng mức sống hợp lý, nhà cửa, thực phẩm, nước sinh hoạt, y tế và giáo dục. Một nguyên tắc cốt lõi về trách nhiệm của chính phủ theo công pháp quốc tế là đảm bảo cải thiện và không để thụt lùi các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Các quyền đó phải được tôn trọng không phân biệt, bao gồm phụ nữ, các nhóm bị thiệt thòi và người dân tộc bản địa.
Nhưng bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc cũng phải chịu trách nhiệm. Các vi phạm nhân quyền nêu trong phúc trình này cũng tương tự như các vi phạm đã được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lập hồ sơ về một dự án BRI khác cách đó hàng ngàn cây số. Trong tháng Tư năm 2020, chúng tôi đã nêu quan ngại sâu sắc về các vi phạm liên quan tới việc di dời số lượng lớn dân chúng để xây dựng Đập Souapiti ở Guinea, hủy hoại an ninh lương thực và nguồn mưu sinh của hàng ngàn người dân. Như đã ghi nhận trong hồ sơ phúc trình đó – và trong một bản thông cáo trước khi diễn ra Diễn đàn Hợp tác Quốc tế về Con đường và Vành đai năm 2019 – chính quyền Trung Quốc chưa thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo rằng các công ty tham gia vào những dự án BRI quy mô lớn phải thực hiện nghiêm cẩn và công bố đánh giá tác động môi trường và xã hội; cũng như không tiến hành tham vấn hữu hiệu với các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng từ các dự án trong quá trình hoạch định và xây dựng.
Báo cáo này thể hiện rằng chính phủ Trung Quốc, khi đưa ra các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng khổng lồ thông qua BRI mà không bắt buộc tuân thủ các tiêu chuẩn đầy đủ nhằm bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương và bảo vệ nhân quyền, đã tạo tiền đề cho các vi phạm xảy ra trên diện rộng. Không có bằng chứng nào cho thấy chính quyền Trung Quốc từng đặt ra trách nhiệm cho những công ty Trung Quốc và Campuchia tham gia dự án xây dựng đập phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế cũng như tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hay phải đền bù đầy đủ cho các thiệt hại mà dự án gây ra, hoặc thậm chí chỉ là tuân thủ các tiêu chuẩn sẽ áp dụng cho dự án nếu con đập được xây ở Trung Quốc.
Các công ty, dù hoạt động trong nước hay ở nước ngoài, cũng có nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền trong các hoạt động của mình theo công ước quốc tế về nhân quyền. Với tư cách chủ sở hữu chính của công ty chủ chốt về xây dựng, điều hành và sẽ liên tục thụ hưởng lợi ích kinh tế từ con đập, Tập đoàn CHNG cũng có trách nhiệm thường trực trong việc bảo đảm rằng quá trình tái định cư và đền bù phải phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền.
Các lập luận của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mang hàm ý rộng hơn về các chính sách của Campuchia đối với thủy điện, về vai trò của Trung Quốc trong việc khuyến khích và tài trợ các dự án phát triển quy mô lớn ở Campuchia cũng như các quốc gia khác, và, một cách khái quát hơn, tới cái giá về môi trường và nhân quyền của các dự án phát triển quy mô lớn thực hiện trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tất cả các bên liên quan tới dự án Hạ Sesan 2, từ những người lãnh đạo trong công ty địa phương tới giới chức cấp cao trong chính phủ Trung Quốc và Campuchia, đều cần ý thức được và công nhận các việc đã làm hay bỏ qua không làm đã dẫn tới các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nêu trong phúc trình này. Các tổ chức hữu quan cần thực hiện các bước khắc phục nêu trong phần khuyến nghị dưới đây để giảm thiểu các tổn hại đã gây ra, và thực hiện cải tổ có hệ thống nhằm bảo đảm rằng các vi phạm tương tự sẽ không xảy ra trong các dự án tương lai.
Các Tổn hại đã được Tiên liệu
Các chính quyền quốc gia và các công ty tham gia vào dự án Hạ Sesan 2 đều ý thức được các tổn hại mà dự án có thể gây ra từ trước khi khởi động dự án.
Một bản Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) năm 2008 do một bên đối tác của dự án, Tổng Công ty EVN, hợp đồng thực hiện đã chỉ ra các vấn đề chính: một số lượng lớn người dân bị di dời tới vùng đất nông nghiệp kém chất lượng hơn; tác động nghiêm trọng và lâu dài tới thu nhập nông ngư nghiệp của người dân; tác động tiêu cực có quy mô lớn tới nguồn mưu sinh của các cộng đồng khác làm ngư nghiệp ở thượng và hạ lưu dự án; và mất đi các vùng đất về phía biên giới Việt Nam và vùng hạ lưu tiếp giáp sông Mê Kông, với con số ước tính chừng 300.000 người dân bị “ảnh hưởng gián tiếp.”
Sau đó Tập đoàn CHNG phát triển thêm các phiên bản bổ sung và mới hơn của bản EIA, cũng như một số kế hoạch nội bộ về đền bù và tái định cư, nhưng không chia sẻ các tài liệu này với các cộng đồng bị ảnh hưởng hay các nhóm xã hội dân sự, chỉ lưu hành hạn chế.
Một nghiên cứu do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ công bố năm 2012 ước tính rằng đập Hạ Sesan 2 sẽ ảnh hưởng nặng nề tới trữ lượng tôm cá của cả hệ thống sông Mê Kông, làm mất đi gần 10 phần trăm trữ lượng cá tôm trên cả “tổng lưu vực sông.” Đáng lưu ý là mức ước tính này chỉ áp dụng riêng đối với dự án Hạ Sesan 2; các tác giả của phúc trình này nhận thấy rằng việc xây dựng các con đập khác trên hệ thống sông Mê Kông, với nhiều công trình xây sau Hạ Sesan 2, sẽ làm vấn đề còn trầm trọng hơn. (Như bản phúc trình này cho thấy, dự án Hạ Sesan 2 có biểu hiện đã gây ra tác động rộng hơn đối với ngành ngư nghiệp trên toàn hệ thống sông Mê Kông.)
Nhiều cộng đồng bị tác động, các nhóm xã hội dân sự Campuchia và quốc tế, và các nhóm bảo vệ môi trường cũng đã nêu những mối quan ngại lớn về nhân quyền liên quan tới con đập từ trước khi dự án xây dựng được phê duyệt.
Tuy nhiên, chính phủ Campuchia, sau khi tiến hành tham vấn qua loa với các cộng đồng địa phương trong diện buộc phải di dời và bị ảnh hưởng trầm trọng tới nguồn mưu sinh và văn hóa, đã phê duyệt dự án vào năm 2012.
Tiếng nói Phản đối của các Cộng đồng
Từ trước khi dự án Hạ Sesan 2 khởi công, người dân ở các vùng lân cận đã có cuộc sống khá ổn định, bền vững trong các căn nhà sàn bằng gỗ tốt và mặc dù thiếu tích lũy cũng như thường không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế và giáo dục, nhưng vẫn có thể đảm bảo được cuộc sống gia đình nhờ nghề đánh bắt cá, trồng trọt nông sản, và thu hái lâm sản ở các khu rừng cộng đồng. Hầu hết mọi người dân đều tự nhận bản thân là người dân tộc thiểu số hoặc bản địa sống quần cư cùng cộng đồng.
Sau khi giữ một lượng cá đủ để ăn, nhiều gia đình có thể mang bán số dôi ra, nhất là những con cá loại lớn hơn, ở các chợ trong thị trấn gần đó. Họ cũng có thể bán số thóc gạo và nông sản dôi dư, như dừa, hạt điều, chuối cũng như hoa, gia vị, cây thuốc, nấm, nhựa cây, và trái cây từ các khu rừng xung quanh. Nhiều người sống quần cư, canh tác và sử dụng đất chung, duy trì tín ngưỡng kết nối chặt chẽ cuộc sống với rừng, họ tin rằng rừng là nơi tổ tiên mình đã sống và an nghỉ sau khi chết, tin rằng trong rừng có các vị thần linh bảo vệ và nuôi dưỡng họ.
“Tôi không thể bỏ tổ tiên mình ở đây,” Nat Sota, một già làng người dân tộc Bunong nói. “Tôi không thể rời bỏ linh hồn tổ tiên. Nếu làm vậy, tôi sẽ bị mất bản sắc… sẽ không còn biết mình là ai nữa.”
Ngay từ những dịp đầu tiên được nghe về dự án, các cộng đồng đã bày tỏ ý kiến phản đối dự án Hạ Sesan 2 mạnh mẽ và liên tục, suốt một thập niên tính đến ngày hoàn thành. Một nghiên cứu xã hội dân sự năm 2009, qua việc phỏng vấn nhiều người dân các cộng đồng bị ảnh hưởng, ghi nhận “100 phần trăm những người tham dự các cuộc họp ở làng… phát biểu rằng họ phản đối xây đập Hạ Sesan 2.” Một người dân ở Srekor nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Mới nghe về dự án này là chúng tôi đã phản đối rồi. Chúng tôi nói ‘Không.’ Có lúc, họ [chính quyền địa phương] hỏi chúng tôi, ‘Ai không đồng ý với việc xây dựng đập thì giơ tay lên.’ Tất cả người dân đều giơ tay.”
Suốt hơn một thập kỷ, nhà cầm quyền Campuchia đã chụp mũ những người phê phán dự án Hạ Sesan 2, và những gia đình không chịu di dời là các phần tử gây rối, chống đối. Quan chức chính quyền nhắc đi nhắc lại rằng các cuộc tham vấn với cộng đồng đã được thực hiện đầy đủ và theo đúng pháp luật hiện hành, và hầu hết thành viên cộng đồng đều hài lòng với việc di dời và tự nguyện nhận đền bù.
Tại buổi lễ khánh thành đập năm 2018, Thủ tướng Hun Sen phát biểu: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng đa số người dân địa phương ở đây ủng hộ việc xây dựng đập. Chỉ có một số ít người gây rắc rối cho dự án. Những phần tử gây rối đó là do người nước ngoài kích động.”
Nhưng như bản phúc trình này cho thấy, chính quyền Campuchia luôn giữ chủ ý phê duyệt dự án bất chấp quan điểm của cộng đồng người dân và các ý kiến phản đối rộng rãi từ người dân tới lãnh đạo. Các quan chức chính quyền Campuchia và đại diện Tập đoàn CHGN tại chi nhánh Campuchia liên tục thông báo với người dân rằng dự án sẽ được triển khai và họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận gói đền bù đã đề nghị và chịu di dời. Các cuộc họp với cộng đồng cư dân không phải là tham vấn đúng nghĩa mà chỉ là các cuộc “khảo sát” qua đó người dân được hỏi về tài sản và được thông báo mức đền bù sẽ nhận được.
“Nhuy” – một người dân từ thôn Kbal Romeas nói về dự án Sesan: “Tất cả chúng tôi đều phản đối. Chúng tôi nói với họ rằng không muốn thấy con đập được xây dựng… Trong buổi họp tham vấn, họ quyết định mọi thứ cho chúng tôi. Họ không buồn hỏi chúng tôi muốn gì hay cần gì.”
Gói đền bù di dời còn lâu mới đạt mức thỏa đáng. Dù các chủ dự án chưa bao giờ công bố kế hoạch di dời tổng thể và chung cuộc, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có thể hình dung được mô hình cơ bản qua nhiều cuộc trao đổi với các thành viên cộng đồng và các nhà hoạt động.
Đại thể, Tập đoàn CHNG đề nghị trả cho những người bị buộc di dời một lô đất trong vùng tái định cư với diện tích khoảng năm héc ta, kèm theo một căn nhà xây sẵn hay sáu ngàn đô để gia đình tự xây nhà mới. Khu tái định cư này cách nơi canh tác, đánh bắt cũ khoảng vài cây số, và ở trên vùng đất khô cằn, nhiều sỏi đá, ít màu mỡ và khó canh tác hơn ruộng đất cũ. Hầu hết người dân đều thấy rằng căn nhà xây sẵn chất lượng thấp hơn nhà họ đang có, và khoản tiền 6000 đô la không đủ để xây một căn nhà tử tế. “Samphy,” một người dân ở thôn Kbal Romeas nói: “Đất ở ruộng cũ của chúng tôi tốt hơn khu mới nhiều vì ở ngay gần sông. Đất bãi ở đó tơi dễ cày và có phù sa màu mỡ hơn nhiều.”
Các dịch vụ cơ bản tại khu tái định cư cũng thiếu thốn. Nhuy, người dân thôn Kbal Romeas nói trên, kể rằng trạm xá ở khu tái định cư thôn Kbal Romeas còn không có nhân viên y tế tới làm việc mãi cho đến tận đầu năm 2019, và khi đó mái nhà trạm xá đã bị dột phải sửa bằng tiền quyên góp được từ cộng đồng: “Mái trạm xá của chúng tôi bị dột nát. Nhiều bức tường trong trường học đã nứt rạn. Hầu như tất cả các giếng nước đều không sử dụng được, [nên] chúng tôi mua nước [bơm từ các hồ gần đó] để ăn uống và tắm rửa.”
Giờ đây để tới sông phải đi vài cây số, nên những người dân tái định cư thấy rằng việc đánh bắt cá rất khó khăn hoặc bất khả thi. Và như nhiều người dân nhận biết, sản lượng cá sụt giảm trầm trọng sau khi con đập xây xong không lâu.
Công ty, phối hợp với các quan chức chính quyền Campuchia, đề nghị trả cho các gia đình tái định cư một số tiền đền bù một lần cho khoản thu nhập ước tính bị mất, nhưng số tiền đó chỉ tính trên thu nhập từ đánh bắt cá và trong thời hạn một năm, không tính phần thu nhập lâu dài từ nông nghiệp bị thiệt hại do mất nguồn thu lưu niên từ cây ăn trái và lấy hạt. Điều đó có nghĩa là hầu hết các hộ gia đình chỉ được nhận một lần số tiền thấp hơn mức thiệt hại về thu nhập của họ rất nhiều. Gói đền bù cũng không bao gồm dịch vụ đào tạo nghề hay kỹ năng mới, cho vay vốn hay các khoản tài trợ để giúp người dân có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người dân ban đầu từ chối nhận gói tái định cư theo đề xuất.
Vào thời điểm dự án xây dựng đập được triển khai hết công suất năm 2015, các quan chức chính quyền Campuchia bắt đầu đe dọa và ép buộc người dân địa phương phải chấp nhận gói đền bù và tái định cư, nếu không sẽ bị cắt mọi dịch vụ công hoặc không được nhận đền bù. Nhuy nói rằng có lúc cán bộ nói với dân làng ông: “Nếu không di dời, khi đập bắt đầu vận hành, cả làng này sẽ chìm trong nước. Nếu không chuyển lên sống trên vùng cao hơn – đến con sâu cái kiến còn biết giành giật sự sống… nếu không nghe lời chúng tôi, bị chết thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm đâu.”
“Chúng tôi không có lựa chọn,” Samphy nói. “Tôi đã nghĩ đến khả năng phản đối họ… Nhưng chẳng ích gì… vì trước sau họ cũng cho xây đập thôi.”
Các Ý kiến Phản đối Bị Phớt lờ, Rồi các Nguồn Mưu sinh bị Thiệt hại Nghiêm trọng
Dân làng đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối con đập từ năm 2012 đến tận năm 2018. Vài lần, cảnh sát đã đe dọa những người tổ chức biểu tình hoặc triệu tập thẩm vấn họ về hành vi “kích động phạm tội.”
Trong hai năm 2014 và 2015, những người lãnh đạo cộng đồng dân tộc thiểu số và bản địa đã viết thư phản đối dự án gửi tới các công ty liên quan, các quan chức chính quyền Campuchia, quan chức Trung Quốc ở Campuchia và Bắc Kinh.
Dù ban đầu có vài trăm hộ gia đình chấp nhận gói tái định cư, hơn 100 hộ trong vùng ngập nước của dự án đập đã từ chối nhận. Tính đến thời điểm năm 2017, khi CHNG hoàn thành các vách đập và nước bắt đầu ngập vào làng, hơn 700 hộ đã đồng ý nhận gói đền bù, nhưng có tới hơn 180 hộ vẫn từ chối. Những người không chấp nhận đền bù hầu hết đều di chuyển tới các mảnh đất nhỏ hơn trên vùng đất còn lại của tổ tiên họ gần vùng hồ chứa mới ngập nước. Họ bắt đầu xây nhà rồi sau đó cố gắng xin chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất chung. Nhưng tính đến tháng Ba năm 2021, không một nhóm dân nào trong số những người từ chối tái định cư được cấp giấy chứng nhận đất mới.
Đến đầu năm 2018, khi hồ chứa nước đã hoàn tất, nỗi lo sợ của người dân – cả những người đã chính thức tái định cư và những người chưa – bắt đầu thành hiện thực. Gần như tất cả mọi người sống gần đập và ở các khu tái định cư bị thiệt hại nặng nề về thu nhập và mức sống. Không thu hoạch được sản lượng ngư nghiệp hay nông nghiệp như trước kia, nhiều hộ gia đình giờ đây phải mua thực phẩm từ các chợ địa phương và nhiều người phải chật vật lo miếng ăn cho gia đình.
Người dân ở các khu tái định cư chính thức nhận thấy nước sinh hoạt ở đó không dùng để uống hay nấu nướng được. Nước có mùi vị khó chịu không uống được, và dùng để nấu ăn sẽ tạo nhiều cặn trên xoong nồi và thức ăn. Người dân phải chi thêm tiền mua nước từ các xe téc. “Cơm thì có mà ăn đấy, nhưng nước… tôi lấy đâu ra tiền [mua nước]?” Samphy, một người dân tộc bản địa Bunong nói. “Rồi có ngày tôi chết vì [thiếu] nước ở đây mất.”
Rất đông trong số hàng chục ngàn hộ dân thuộc các cộng đồng bên ngoài vùng phải di dời cũng bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sút nhanh chóng, đúng như Đánh giá Tác động Môi trường ban đầu của dự án đã tiên liệu. Chẳng bao lâu sau khi khánh thành con đập, các cộng đồng ở phía thượng lưu cho biết lượng cá tôm đánh được bị giảm nhanh và mạnh, trong nhiều trường hợp giảm tới hơn hai phần ba, vì luồng di cư của cá bị chặn.
Nhiều người dân ở phía thượng nguồn cũng phải chịu thiệt hại về nông sản trồng ven sông Sesan, giờ đây liên tục bị ngập sâu hơn trước kể từ khi con đập vận hành từ năm 2018. Những thiệt hại này xảy ra trong khi toàn bộ hệ thống sông Mê Kông và nghề đánh bắt cá ở đó phải đối mặt với tổn hại ngày càng tăng do tác động của các con đập trên thượng nguồn ở Lào và Trung Quốc, biến đổi khí hậu và mức gia tăng lượng nước khai thác để sử dụng vào mục đích tưới tiêu và sinh hoạt. Các chuyên gia ngư nghiệp tin rằng dự án Hạ Sesan 2 đóng vai trò đáng kể trong các tác động trên diện rộng nói trên.
Xâm hại Người dân là Vi phạm Công ước Quốc tế về Nhân quyền
Như phúc trình này nêu ra, trong quá trình hoạch định và thực hiện dự án Hạ Sesan 2, chính quyền Trung Quốc và Campuchia đã không mấy quan tâm đến quyền con người của những người dân bị tác động trực tiếp và gián tiếp. Những quyền đó bao gồm quyền được hưởng tiêu chuẩn đầy đủ về cuộc sống, thực phẩm, nước sinh hoạt, nhà ở, và quyền tham gia và được nhận đền bù. Chính quyền hai nước và các công ty tham gia vào dự án đều có trách nhiệm phải sửa chữa những sai phạm đã xảy ra và vẫn đang tiếp diễn.
Luật nhân quyền quốc tế bảo vệ quyền cho mọi người được hưởng mức sống đầy đủ, bao gồm thực phẩm, nước sinh hoạt và nhà ở. Những người bị buộc tái định cư “có quyền tiếp cận thông tin liên quan, tham vấn đầy đủ và tham gia trong suốt quá trình,” cũng như được đền bù công bằng phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền. Mức đền bù ít nhất phải tương đương với thiệt hại về các công trình hiện hữu và đất đai, và những người tái định cư phải được tiếp cận với nguồn tài nguyên cũ hoặc tương đương về cơ hội mưu sinh và thu nhập, cả thường xuyên lẫn không thường xuyên, và mức đền bù phải bao gồm cả những thiệt hại về cơ hội mưu sinh và thu nhập nếu không thay thế được.
Cư dân chịu tác động của con đập có quyền được thông tin về các chi tiết dự án để họ có thể bày tỏ quan ngại, thương lượng các giải pháp thay thế, và trao đổi về các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực. Để thực hiện các quyền này, chính quyền Campuchia có thể tạo điều kiện cho các cộng đồng bị ảnh hưởng tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý.
Chính phủ mỗi quốc gia có nghĩa vụ cụ thể phải tôn trọng, bảo vệ và phát huy quyền của các dân tộc Bản địa, bao gồm quyền tham gia quyết định các vấn đề có ảnh hưởng tới quyền lợi của mình, và như đã nêu ở phần trên, quyền được tham vấn nghiêm túc để đạt được “sự đồng thuận tự nguyện, từ trước và trên cơ sở được thông tin đầy đủ” như đã quy định trong Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Các Dân tộc Bản địa.
Như tuyên ngôn đã quy định, Campuchia có nghĩa vụ phải đưa ra cơ chế hữu hiệu nhằm ngăn ngừa và khắc phục bất cứ hoạt động nào làm người dân Bản địa bị xói mòn “các yếu tố tổng hòa quy định bản sắc riêng của dân tộc, hay các giá trị văn hóa của họ” hay khiến họ bị mất “đất đai, lãnh thổ hay nguồn tài nguyên.” Người dân Bản địa có quyền thực hành và tái tạo các phong tục và truyền thống văn hóa của riêng mình. Theo pháp luật Campuchia, người dân tộc Bản địa và thiểu số sống quần cư cũng có quyền sở hữu chung đối với đất đai của cộng đồng mình.
Chính quyền Campuchia và Trung Quốc cần yêu cầu các công ty và nhà đầu tư liên quan tới các dự án phát triển quy mô lớn, trong đó có đập Hạ Sesan 2, xem xét lại tác động của dự án đối với các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng, trả đủ mức đền bù bằng tiền và đất đai cho những người chưa nhận được, và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cần thiết với khả năng tiếp cận đầy đủ về y tế, giáo dục, giao thông và việc làm để bù đắp cho các thiệt hại do dự án gây ra. Phải bao gồm cả việc bảo đảm quyền sở hữu đất đai lâu dài cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Với các dự án BRI tương lai, điều cốt yếu là chính quyền Trung Quốc phải không cho phép xảy ra các vi phạm như được nêu trong phúc trình này. Trong tương lai, chính quyền Trung Quốc cần thực hiện vai trò giám sát nghiêm túc hơn đối với các công ty Trung Quốc thực hiện dự án BRI và các nhà thầu của họ để ngăn ngừa các dạng tác hại như đã ghi nhận trong tài liệu này.
Chính phủ Trung Quốc cần cải thiện mạnh mẽ các chính sách và quy định của mình liên quan tới các dự án đầu tư ra nước ngoài với sự hỗ trợ của chính phủ như dự án đập Hạ Sesan 2 và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ người dân chịu tác động của các dự án như vậy.
Tuy nhiên, các văn bản chính thức hiện hành không đưa ra đủ hướng dẫn về bảo đảm quyền con người và không có các cơ chế chế tài đối với các dự án BRI. Các văn bản liên quan tới BRI quy định rằng các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài cần quan tâm đến các mối quan ngại về môi trường của cộng đồng địa phương, và nhắc lại các khẩu hiệu như “triết lý xanh,” “quan hệ giữa người với người,” “đôi bên cùng có lợi,” và “lợi ích chung,” nhưng các khái niệm này không có nội hàm rõ ràng và không đưa ra được tác dụng thực tế nào cho người dân dễ bị tổn thương ở các vùng thực hiện dự án.
Giới chức Hữu quan Đã Ý thức Được Tác động của Dự án
Tháng Năm năm 2021, Tập đoàn CHNG công bố một bản “Báo cáo Mức độ Bền vững” về con đập do một tổ chức Campuchia, Viện Tầm nhìn Á châu, tổng hợp, trong đó ghi nhận hầu hết các vấn đề được nêu trong bản phúc trình này. Tuy nhiên, bản báo cáo ghi nhận mức độ thiệt hại thấp hơn và kết luận một cách khó hiểu rằng dự án đã cải thiện đời sống của những người dân trong diện phải di dời. (Bản báo cáo không đề cập tới tác động đối với các cộng đồng khác ở vùng thượng và hạ lưu của vùng bị ngập nước.)
Đáng lưu ý là báo cáo của CHNG không phản đối hay phủ nhận các khiếu nại trọng tâm của đa số những người phải di dời do con đập; mà chỉ bỏ qua các ý kiến đó, để nhấn mạnh rằng những người dân tái định cư được nhận “nhà mới” và “năm héc ta đất,” có “trường học mới,” được sử dụng “những con đường tốt hơn,” và ở gần trung tâm thị trấn hơn. Báo cáo có ghi nhận sơ lược rằng đa số người dân tái định cư có thu nhập giảm sút sau khi di dời, và đa số không tiếp cận được nguồn nước uống sạch và an toàn, và lối sống cộng đồng “tự cấp tự túc” trước kia đã bị xáo trộn:
[S]au khi chuyển tới làng mới, họ thấy có khó khăn về thu nhập, khu rừng thường thu hái đã bị ngập và sông không tiện cho việc đánh bắt cá nữa. Những người dân tái định cư thấy làng mới quá xa sông. Ngoài ra, người dân cũng có mối lo lớn về nguồn nước sạch, và họ vẫn phải trả mức giá đắt cho lượng nước phải mua [bằng téc].
Cá tôm và lâm sản khó kiếm hơn, trong khi chi phí sinh hoạt hàng ngày vẫn tăng lên hàng năm, vì phải trả tiền cho đủ thứ, từ điện, thịt, rau, thậm chí nước. Trước đây họ không mất tiền mua bất cứ thứ gì.
Dù đã thừa nhận như vậy, bản báo cáo của CHNG vẫn kết luận rằng đời sống của những người dân phải di dời đã được cải thiện. Bản báo cáo lập luận mà không đưa ra bằng chứng rằng dự án đã góp phần đảm bảo “bảo tồn văn hóa truyền thống, thúc đẩy công bằng xã hội, và duy trì cuộc sống bền vững,” và “tăng cường hiểu biết xã hội và bảo tồn văn hóa bản địa.” Những lập luận đó tương phản hoàn toàn với những nội dung trước đó chính bản báo cáo đã nêu ra, rằng các cộng đồng thiểu số và bản địa bị buộc phải từ bỏ truyền thống tự cấp tự túc (mà bản báo cáo ghi nhận là “không dễ dàng gì”), cuộc sống mới của họ gặp phải các “trở ngại” kinh tế lâu dài, và ‘khiếm khuyết” do thiếu “nguồn nước sạch an toàn và vừa túi tiền.”
Bản báo cáo CHNG có một phần ngắn với các “đề xuất,” trong đó có nêu rằng CHNG và chính phủ Campuchia “cần tiếp tục sử dụng tất cả các nguồn lực và phương tiện sẵn có để thực hiện một cách hữu hiệu các giải pháp hợp lý, trong đó có vấn đề nguồn nước sạch, bảo đảm mức sống và an ninh lương thực, và giải quyết các vấn đề tồn đọng và các mối quan ngại của người dân địa phương.”
Các khuyến nghị chính
(Để đọc các chi tiết cụ thể hơn của các khuyến nghị dưới đây, vui lòng xem phần khuyến nghị đầy đủ ở cuối bản phúc trình.)
Đối với Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc và Công ty TNHH Thủy điện Hạ Sesan 2
- Thẩm định, đánh giá và thương lượng lại các gói đền bù và tái định cư cho các cộng đồng và cá nhân chịu tác động của đập Hạ Sesan 2.
- Công bố tất cả các hồ sơ đánh giá và kế hoạch đền bù và tái định cư đã lập trong quá khứ, và cam kết cải thiện tính minh bạch đối với các kế hoạch và hồ sơ đánh giá trong tương lai.
- Trong khi định giá lại mức đền bù cho các cộng đồng bị tác động, phải đảm bảo rằng tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng được nhận đền bù theo giá thị trường công bằng đối với đất đai, cây cối và các tài sản khác, cũng như nguồn mưu sinh bị thiệt hại, đảm bảo các dịch vụ xã hội đã cam kết. Đảm bảo rằng các cộng đồng bị ảnh hưởng đều được nhận đền bù, không chỉ bao gồm những người phải di dời khỏi vùng xây đập và hồ chứa.
- Xây dựng một kế hoạch dân sinh mới và đảm bảo rằng mức sống của những người bị ảnh hưởng ít nhất cũng được phục hồi ở mức trước khi tái định cư.
- Thiết lập cơ chế giải quyết khiếu nại hữu hiệu.
Đối với Chính phủ Campuchia
- Bảo đảm thực thi đầy đủ pháp luật hiện hành của Campuchia đối với các dự án phát triển, nhất là các dự án liên quan tới quyền của người dân Bản địa hay môi trường.
- Gây sức ép với Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc để đảm bảo các gói đền bù và tái định cư công bằng cho các cộng đồng và cá nhân liên quan tới xung đột đất đai do dự án đập Hạ Sesan 2 gây ra.
- Bảo đảm rằng nhân quyền và nghĩa vụ đầy đủ về môi trường được quan tâm tốt hơn trong các dự án thủy điện tương lai.
- Tiến hành xem xét lại chính sách trên toàn quốc về các dự án thủy điện ở Campuchia.
- Cải thiện khung pháp lý của Campuchia về các dự án phát triển quy mô lớn.
Đối với Chính quyền Trung Quốc
- Yêu cầu Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước tiến hành kiểm toán minh bạch đối với dự án Hạ Sesan 2, đặc biệt là quy trình đền bù và tái định cư.
- Xây dựng và đưa vào áp dụng một bộ quy định có tính ràng buộc để điều chỉnh hoạt động của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài, cũng như các ngân hàng khi cấp vốn cho các dự án đầu tư bên ngoài, trong đó có quy định rằng các công ty Trung Quốc phải quan tâm đầy đủ về nhân quyền để xác định, ngăn ngừa, hạn chế và chịu trách nhiệm về cách giải quyết các tác động về nhân quyền, kể cả những tác động dài hạn.
- Yêu cầu Hội đồng Phát triển và Cải cách Quốc gia cùng với Bộ Thương mại xây dựng các chính sách mới và chỉ phê chuẩn các dự án đầu tư ngoài nước khi các công ty đã thực hiện ráo riết các nghĩa vụ cần thiết về nhân quyền.
- Sửa đổi bộ tiêu chuẩn đánh giá các dự án đầu tư ra nước ngoài, như Các Quy định Hành chính đối với Doanh nghiệp Đầu tư Ngoài nước (do Hội đồng Phát triển và Cải cách Quốc gia ban hành) và Các Quy định Hành chính về Đầu tư Ngoài nước (do Bộ Thương mại ban hành) để bao gồm các tiêu chuẩn về nhân quyền.
- Kết hợp các tiêu chuẩn nhân quyền, trong đó có nội dung cụ thể về tái định cư, vào trong bộ Quy định về Giám sát và Quản lý các Hoạt động Đầu tư Ngoài nước của Doanh nghiệp Trung ương, trong đó quy định cách thức hoạt động ở nước ngoài của các doanh nghiệp cấp trung ương thuộc sở hữu nhà nước.
- Yêu cầu Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc:
- Tiến hành giám sát chặt chẽ hơn với quy trình thương lượng đền bù và tái định cư của dự án Hạ Sesan 2, trong đó có việc gặp gỡ với các nhóm xã hội dân sự để thảo luận về các vấn đề được nêu trong phúc trình này; tổ chức các chuyến thăm thực địa thường xuyên; và yêu cầu bên thứ ba kiểm toán các chính sách và thủ tục tái định cư của dự án.
- Đảm bảo rằng các quy trình đền bù và tái định cư mới hoặc được sửa đổi phải tuân thủ pháp luật nhà nước, các tiêu chuẩn chuyên ngành về tái định cư, và công pháp quốc tế về nhân quyền.
- Đảm bảo rằng tất cả các dự án thủy điện trong tương lai phải tiến hành đánh giá rủi ro và tác động về nhân quyền, trong đó có các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu và giải quyết hậu quả.
Đối với Ngân hàng Thế giới
- Đảm bảo rằng Văn phòng Cố vấn về Tuân thủ (CAO), cơ chế đảm bảo trách nhiệm đối với Tập đoàn Đầu tư Quốc tế, khẩn trương đẩy nhanh công tác đánh giá khiếu nại đang triển khai về dự án Hạ Sesan 2 và góp phần thúc đẩy các bên góp vốn tạo điều kiện tốt hơn cho việc đền bù và khắc phục đối với những người bị dự án ảnh hưởng.
Đối với các nhà tài trợ quốc tế, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia
- Hỗ trợ các nhóm xã hội dân sự độc lập và các tổ chức phi chính phủ để họ giúp đỡ các cộng đồng bị tác động trong suốt quá trình tái định cư cũng như sau đó, kể cả hỗ trợ nộp đơn khiếu nại.
- Hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ dự án xây đập có luật sư đại diện pháp lý theo sự lựa chọn của mình.
- Hỗ trợ các nhóm cộng đồng, bao gồm cả các nhóm đại diện cho phụ nữ và thanh thiếu niên, tạo điều kiện đối thoại giữa các cộng đồng bị ảnh hưởng với các lãnh đạo trong chính quyền và các công ty.
- Hỗ trợ chính phủ Campuchia xây dựng và thực thi các bộ luật và quy tắc nêu trên.
- Gây sức ép để chính phủ Campuchia và Trung Quốc đảm bảo quyền của các cộng đồng dễ bị tổn thương, trong đó có các dân tộc Bản địa, được bảo vệ và đề cập trong các quyết định và quyết sách tương lai liên quan đến các dự án phát triển quy mô lớn, trích dẫn công khai và nhấn mạnh các tác động về nhân quyền của các dự án lớn như các dự án được nêu trong bản phúc trình này.