Skip to main content

Việt Nam: Hãy hủy án đối với nhà hoạt động nổi tiếng

Blogger Phạm Đoan Trang kháng cáo bản án 9 năm tù

Pham Doan Trang with two books that she co-authored, 2019. © Private

(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam nên hủy bản án đối với nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, blogger Phạm Đoan Trang và phóng thích bà ngay lập tức. Vào tháng Mười hai năm 2021, một tòa án ở Hà Nội kết luận Phạm Đoan Trang có tội với cáo buộc ngụy tạo “tuyên truyền chống nhà nước” và kết án bà chín năm tù giam. Một tòa cấp cao dự kiến sẽ mở phiên phúc thẩm vụ này vào ngày 25 tháng Tám năm 2022.

“Phạm Đoan Trang trở thành mục tiêu đàn áp của chính quyền vì bà đã lên tiếng phản đối bất công, phơi bày các vi phạm nhân quyền, ủng hộ các tù nhân chính trị và gia đình họ,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt sự đàn áp này bằng cách hủy bỏ bản án và ban hành lệnh phóng thích bà.”

Phạm Đoan Trang, 44 tuổi, là một trong những blogger nổi tiếng nhất ở Việt Nam, đồng thời là một nhà hoạt động được nhiều giải thưởng. Bà đã đăng hàng trăm bài viết về các chủ đề văn hóa, xã hội và chính trị. Bà là đồng tác giả của nhiều cuốn sách lưu hành trên mạng, như Chính trị của nhà nước công an trị, Phản kháng phi bạo lực, Chính trị bình dân, và Cẩm nang nuôi tù.

Công an bắt bà Phạm Đoan Trang vào ngày mồng 6 tháng Mười năm 2020 ở Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, rồi áp giải bà ra Hà Nội. Sau khi đưa ra cáo buộc, nhà cầm quyền tạm giữ bà hơn một năm trước khi xét xử mà không cho tiếp xúc với luật sư. Gia đình bà cho biết họ vẫn chưa được gặp bà kể từ khi bà bị bắt. Vụ án ngụy tạo và tình trạng ngược đãi bà Trang trong khi giam giữ là sự vi phạm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, đã được Việt Nam phê chuẩn từ năm 1982.

Trong cáo trạng, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội cho rằng các bài viết của Phạm Đoan Trang từ tháng Mười một năm 2017 đến tháng Mười hai năm 2018 đã vi phạm điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Nhà cầm quyền cáo buộc bà đã tàng trữ trái phép các văn bản sau bằng tiếng Anh: 1) “Brief Report on the Marine Life Disaster in Vietnam” (Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam); 2) “General Assessments on the Human Rights Situation in Vietnam” (Đánh giá chung về tình hình nhân quyền ở Việt Nam); 3) “Report Assessment of the 2016 Law on Belief and Religion in Relation to the Exercise of the Right to Freedom of Religion and Belief in Vietnam” (Báo cáo đánh giá về Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực thi quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam); và 4) Tài liệu tiếng Việt của bản báo cáo về Luật Tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016.

Bản cáo trạng tuyên bố rằng “các tài liệu này có nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân.” Nhà cầm quyền Việt Nam cũng cáo buộc Phạm Đoan Trang đã tham gia một cuộc hội luận bàn tròn trên đài BBC Việt ngữ và trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự do (RFA) Việt ngữ.   

Phạm Đoan Trang đã chuẩn bị một bài phát biểu được công bố trong khi diễn ra phiên xử sơ thẩm vào tháng Mười hai. Bà tuyên bố rằng “bản án càng dài thì càng chứng tỏ bản chất độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Bà đã công bố toàn văn lời phát biểu bằng tiếng Anhtiếng Việt.

“Việc Việt Nam truy tố vô lối một nhà hoạt động về hành vi sở hữu các tài liệu về thảm họa môi trường, nhân quyền và quyền tự do tôn giáo cho thấy mức độ trầm trọng của chính sách đàn áp,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần lưu ý tới tình trạng đàn áp đã gia tăng đối với những người bất đồng chính kiến và mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi phóng thích họ.”

Trước khi bị bắt giam lần gần đây nhất, Phạm Đoan Trang thường xuyên bị các lực lượng an ninh của chính quyền sách nhiễu và hành hung. Năm 2009, công an câu lưu bà chín ngày với lý do “an ninh quốc gia” vô căn cứ. Nhiều lần khác, các nhân viên an ninh câu lưu và thẩm vấn bà cũng như quản chế tại gia để ngăn cản bà không được đi tham gia biểu tình hay gặp gỡ các nhà ngoại giao nước ngoài.  Bà đi lại khó khăn với một bên chân bị tập tễnh trông thấy từ khi bị chấn thương do an ninh dùng vũ lực giải tán một cuộc biểu tình vì môi trường ở Hà Nội vào tháng Tư năm 2015.

Phạm Đoan Trang được nhận nhiều giải thưởng quốc tế uy tín về nhân quyền như Giải Martin Ennals 2022 và Giải Phụ nữ Quốc tế Can đảm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tháng Mười một năm 2022, bà dự kiến sẽ được nhận giải của Ủy ban Bảo vệ Tự do Báo chí Quốc tế.   

Tháng Sáu, bà Bùi Thiện Căn, người mẹ 81 tuổi của Phạm Đoan Trang, đã rời Việt Nam đi Geneva để thay mặt con gái mình nhận giải Martin Ennals. Khi bà trở về Việt Nam, nhà cầm quyền câu lưu bà Bùi Thiện Căn ở sân bay Nội Bài và thẩm vấn bà hơn bốn tiếng đồng hồ.  

“Vụ án Phạm Đoan Trang cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam sợ những người dám phê phán chính quyền đến thế nào,” ông Robertson phát biểu. “Chính quyền Việt Nam nên bắt đầu lắng nghe quan điểm của các nhà hoạt động thay vì cứ bắt họ bỏ tù.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country