Skip to main content

Việt Nam: Hãy hủy bỏ mọi cáo buộc với ‘Nhà báo công dân’

Lê Văn Dũng đối mặt với án tù giam vì bày tỏ ý kiến trên mạng Internet

Le Van Dung. © 2019 Le Van Dung

Cập nhật: Vào ngày 23 tháng Ba năm 2022, một tòa án ở Hà Nội xử Lê Văn Dũng 5 năm tù giam và 5 năm quản chế.

(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị nhằm vào nhà bình luận xã hội Lê Văn Dũng và phóng thích ông.

Công an bắt giữ Lê Văn Dũng vào ngày 30 tháng Sáu năm 2021 ở Hà Nội và cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước vì một số đoạn video và bài đăng trên Facebook và YouTube. Một tòa án ở Hà Nội dự kiến sẽ xử vụ án của ông vào ngày 23 tháng Ba năm 2022. Nếu bị kết luận có tội, ông Dũng sẽ đối mặt với bản án lên tới 12 năm tù giam.

“Lê Văn Dũng là một trong hơn 60 người dân đang bị nhà cầm quyền Việt Nam truy tố hoặc giam cầm chỉ vì lên tiếng phê phán chính quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Các điều khoản về tuyên truyền trong bộ luật hình sự Việt Nam hướng tới mục đích làm người dân khiếp sợ với thông điệp đe dọa hãy câm miệng, nếu không sẽ bị nhốt lại.”

Lê Văn Dũng, còn gọi là Lê Dũng Vova, 51 tuổi, là một kỹ sư xây dựng từng tham gia nhiều cuộc biểu tình kể từ năm 2011, trong đó có các cuộc đưa ra lời kêu gọi hành động vì môi trường và phản đối Trung Quốc. Sau khi chứng kiến chính quyền đàn áp những người biểu tình ôn hòa, ông bắt đầu tham gia các hoạt động dân chủ và vận động nhân quyền.

Ông đã tới những địa bàn có cưỡng chế trưng thu đất đai để ghi lại các hành vi bạo lực của nhà cầm quyền địa phương nhằm vào người nông dân, như ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định hồi tháng Năm năm 2012. Ông tham gia cùng các nhà hoạt động khác điều tra độc lập hiện tượng sinh vật biển chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung Việt Nam hồi tháng Tư năm 2016 do công ty Thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty thuộc Tập đoàn Nhựa Formosa của Đài Loan, gây ra sau khi xả chất thải độc xuống biển. Lê Văn Dũng cũng tham gia các chương trình vận động hỗ trợ nạn nhân thiên tai ở Việt Nam.

Năm 2017, Lê Văn Dũng và các nhà hoạt động thân hữu lập ra một kênh YouTube gọi là CHTV (Chấn Hưng Tivi). Họ sử dụng kênh này, cùng với chức năng phát trực tiếp trên Facebook, để bình luận về nhiều vấn đề chính trị và xã hội. Họ cũng phỏng vấn và đưa ra các lời khuyên cho những người nông dân có nguy cơ bị tịch thu đất và những người dân bị chính quyền đàn áp hay đối xử bất công, như người mẹ của tử tù Hồ Duy Hải. Các thành viên của CHTV cũng cung cấp thông tin về pháp luật và các quyền cơ bản cho người xem, và phân phát miễn phí các cuốn Hiến pháp Việt Nam.

Tháng Hai năm 2021, Lê Văn Dũng muốn thử tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập trong kỳ bầu cử quốc hội tháng Năm năm 2021, nhưng chính quyền địa phương tìm cách làm ông bị loại vì không đủ tiêu chuẩn. Ngày 25 tháng Năm năm 2021, tức là hai ngày sau bầu cử, công an tới nhà Lê Văn Dũng ở Hà Nội để bắt ông, nhưng ông đã đi trốn. Ngày 28 tháng Năm, công an ban hành lệnh truy nã ông. Đáp lại, ông viết trên trang Facebook của mình rằng “Nếu có bị bỏ tù vì nói đúng lương tâm thì tôi vẫn nói như thế. Dù biết rằng để nói thật thì sẽ thiệt thòi cho không chỉ riêng mình mà cả gia đình vợ con mình cũng phải chịu những thiệt thòi từ kỳ thị, sự khác biệt về nhận thức.”

Công an bắt ông vào ngày 30 tháng Sáu tại nhà của một người họ hàng ở Hà Nội, và cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước. Tháng Bảy, công an cáo buộc Nguyễn Văn Son, người họ hàng của ông, tội “che giấu tội phạm” theo điều 389 của bộ luật hình sự.

Cũng trong tháng Bảy, báo Công an Nhân dân có bài cáo buộc Lê Văn Dũng “xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, xúc phạm đời tư của một số lãnh đạo; kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự; tuyên truyền, cổ súy “xã hội dân sự”, đa nguyên, đa đảng; đào tạo, huấn luyện kỹ năng hoạt động chống đối, cách thức thực hiện “cách mạng màu”, lật đổ chế độ tại Việt Nam…”

Bài báo buộc tội Lê Văn Dũng và các nhà hoạt động thân hữu của ông “thực hiện hàng ngàn đoạn video clip” về các vấn đề nhạy cảm đang gây tranh cãi trong công luận ở Việt Nam như quy hoạch Bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng hay trạm thu phí BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang. Bài báo cũng lên án ông và những người khác đã “hỗ trợ pháp lý” cho những người nông dân xã Đồng Tâm, địa bàn của vụ tranh chấp đất đai kéo dài.

“Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục coi bất cứ lời phê phán chính quyền nào cũng là nguy cơ nghiêm trọng phải đưa ra truy tố với mức án tù lâu dài,” ông Robertson nói. “Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần gây sức ép để Hà Nội lắng nghe những người lên tiếng phê bình thay vì đàn áp họ.”

 

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country