Cập nhật: Ngày 31 tháng Mười hai, một tòa án ở Hà Nội xử Lê Trọng Hùng 5 năm tù giam và 5 năm quản chế.
(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam nên hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích ứng cử viên chính trị độc lập Lê Trọng Hùng ngay lập tức. Ông Lê Trọng Hùng vận động tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập cho kỳ bầu cử Quốc Hội khóa 15 vào tháng Năm năm 2021.
Công an bắt giữ ông Lê Trọng Hùng ngày 27 tháng Ba, hai tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra, và cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 (khoản 1) của bộ luật hình sự Việt Nam. Một tòa án Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên xử ông vào ngày 31 tháng Mười hai. Nếu bị kết tội, ông phải đối mặt với bản án tối đa là 12 năm tù.
“Việc bỏ tù các nhà hoạt động như ông Lê Trọng Hùng – người dám đứng ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập cho thấy các cuộc bầu cử ở Việt Nam đã bị dàn dựng đến mức nào,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Thay vì truy tố ông Hùng chỉ vì muốn thay đổi hiện trạng, nhà cầm quyền Việt Nam nên phóng thích ông ấy ngay lập tức và vô điều kiện.”
Lê Trọng Hùng (còn gọi là Hùng Gàn), 41 tuổi, từng là giáo viên trung học cơ sở công lập. Năm 2015, sau khi kiến nghị yêu cầu thực hiện các cải cách vì lợi ích của học sinh tại một trường học ở Hà Nội mà không có kết quả gì, ông xin nghỉ dạy. Năm 2017, ông bắt đầu đăng tin trên Facebook và YouTube như một nhà báo công dân, bình luận về các vấn đề xã hội và tư vấn cho người dân khiếu nại chính quyền.
Ông đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, và biểu tình bảo vệ môi trường. Ông sử dụng mạng xã hội để chia sẻ các tin tức về biểu tình ở Myanmar và nỗ lực đấu tranh của các nhà hoạt động Việt Nam như Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Phạm Đoan Trang. Ông cũng đề cao giáo dục và kiến thức về Hiến pháp Việt Nam, và mang những cuốn hiến pháp đi tặng cho mọi người.
Tháng Hai năm nay, ông Lê Trọng Hùng tuyên bố dự định ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập trong kỳ bầu cử Quốc Hội. Ông công bố chính sách dự kiến của mình, cam kết rằng nếu đắc cử sẽ tăng cường giáo dục về các quyền công dân quy định trong hiến pháp và vận động ra luật cho phép người dân biểu tình ôn hòa, tự do lập hội, và đề cao vai trò giám sát chính phủ của người dân. Chương trình về chính sách của ông cũng bao gồm việc vận động sửa đổi hiến pháp và hủy bỏ các điều khoản như đảm bảo vị trí độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam (điều 4), chỉ cho phép một công đoàn duy nhất (điều 10), và khẳng định quyền sở hữu nhà nước đối với đất đai, nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên (điều 53), trong số các nội dung khác.
Ngày 23 tháng Hai, Lê Trọng Hùng thách thức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng ra tranh luận trên truyền hình vì ông Nguyễn Phú Trọng cũng tranh cử đại biểu Quốc Hội trong cùng một khu vực nơi ông Lê Trọng Hùng cư trú. Một tuần sau đó, công an bắt đầu liên tục triệu tập Lê Trọng Hùng để thẩm vấn, và theo dõi ông gắt gao.
Sau khi ông bị bắt vào ngày 27 tháng Ba, trên trang mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết luận tội ông Lê Trọng Hùng “dùng mạng xã hội để đăng tải các bài viết, hoặc livestream xuyên tạc, nói xấu chính quyền.” Bài viết mắng mỏ ông đã “bình luận một cách méo mó các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.” Bài viết của đảng còn kể lể rằng ông Lê Trọng Hùng “liên tục có những hành vi, phát ngôn phỉ báng chính quyền, chống phá Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.” Bài báo bác bỏ những lời bình “phản động” cho rằng ông Lê Trọng Hùng bị bắt vì ra tranh cử như một ứng cử viên độc lập, và tuyên bố rằng nhà cầm quyền bắt ông ta vì đã vi phạm pháp luật một thời gian dài.
Nhà cầm quyền cũng sách nhiễu cả gia đình ông Lê Trọng Hùng. Họ triệu tập để thẩm vấn vợ ông, bà Đỗ Lê Na, là một người khiếm thị và phải chăm sóc hai đứa con nhỏ của họ. Quan chức chính quyền cũng gây sức ép để bà bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng Năm, nhưng bà từ chối. Có tin cho biết một số người lạ mặc thường phục bám theo cậu con trai 10 tuổi của họ trên đường cháu đi từ trường học về nhà.
Trong năm 2021, công an đã bắt hai người khác cũng tự ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập là Lê Văn Dũng (bút danh Lê Dũng Vova) ở Hà Nội và Trần Quốc Khánh ở Ninh Bình. Cả hai người đều bị cáo buộc theo điều 117 của bộ luật hình sự. Tháng Mười, một tòa án tỉnh Ninh Bình kết tội và xử án Trần Quốc Khánh sáu năm rưỡi tù.
Tháng Tư, công an ở tỉnh Bình Thuận câu lưu một nhà thơ, Nguyễn Quốc Huy (bút danh Đồng Chuông Tử) là người dân tộc thiểu số Chăm và thẩm vấn ông ba ngày về việc tự ứng cử đại biểu quốc hội. Họ đã tịch thu hộ chiếu của ông trước khi thả ông.
“Chính quyền Việt Nam tàn nhẫn trừng phạt bất kỳ ai dám thách thức mình, và ông Lê Trọng Hùng lại là một nạn nhân nữa của chính sách đàn áp ấy,” ông Robertson nói. “Chừng nào mà giới lãnh đạo đất nước chưa cho phép bầu cử tự do và công bằng, thì Đảng Cộng sản Việt Nam còn thoải mái làm gì tùy thích và dân chúng chỉ biết chịu trận mà thôi.”