Cập nhật: Vào ngày 16 tháng 12 năm 2021, một tòa án ở tỉnh Nam Định xử Đỗ Nam Trung 10 năm tù giam và 4 năm quản chế.
(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam nên ngay lập tức phóng thích nhà hoạt động nhân quyền Đỗ Nam Trung và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông. Đỗ Nam Trung, 40 tuổi, đã từng ngồi tù 14 tháng sau khi công khai vận động cho nhân quyền và dân chủ hồi đầu thập niên 2010.
Công an bắt Đỗ Nam Trung ngày mồng 6 tháng Bảy năm 2021, và cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 (khoản 1) của bộ luật hình sự. Từ năm 2015 đến 2021, Đỗ Nam Trung đã tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường và chống Trung Quốc, và phản đối tham nhũng trong chính quyền. Một tòa án ở tỉnh Nam Định dự kiến sẽ xử vụ của ông vào ngày 16 tháng Mười hai. Nếu bị kết tội, ông phải đối mặt với mức án lên tới 12 năm tù.
“Đỗ Nam Trung là nạn nhân mới nhất của chính sách trả đũa của chính quyền Việt Nam đối với các công dân không chịu tiếp tục im lặng trước bất công và vi phạm nhân quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Cần có sức ép toàn cầu đối với chính quyền Việt Nam để hủy bỏ điều luật hình sự ngang nhiên vi phạm quyền tự do biểu đạt này.”
Tháng Năm năm 2014, công an bắt Đỗ Nam Trung và các bạn của ông là Vũ Thị Phương Anh và Phạm Minh Vũ ở tỉnh Đồng Nai khi họ đang chụp ảnh và quay phim các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Nhà cầm quyền cáo buộc họ theo điều luật hình sự lúc đó còn là điều số 258. Cụ thể họ bị cáo buộc về các hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ như: tự do ngôn luận, tự do hội họp, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền sử dụng dịch vụ Internet… để thu thập hình ảnh, tình hình khiếu kiện, tụ tập đông người viết bài vu khống, đăng tin sai sự thật qua hình thức đăng lên facebook của cá nhân… làm tổn hại đến uy tín, làm suy giảm đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam.”
Sau khi hoàn thành bản án 14 tháng tù giam, Đỗ Nam Trung nói với Đài Á châu Tự do rằng ngục tù chỉ làm ông mạnh mẽ và tự tin hơn.
Không chỉ tham dự các cuộc biểu tình phê phán chính quyền, Đỗ Nam Trung còn tham gia các nhóm nhân đạo để hỗ trợ các nạn nhân bị thiên tai và công khai ủng hộ các nhà hoạt động khác, trong đó có Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Hữu Vinh, Cấn Thị Thêu, Phạm Đoan Trang, và Nguyễn Thúy Hạnh.
Trong bản cáo trạng ra ngày 26 tháng Mười, công an viết “Đỗ Nam Trung không khai nhận hành vi phạm tội của bản thân, không viết, không ký vào bất kỳ tài liệu nào.”
Chính quyền thường xuyên sử dụng điều luật hình sự 117 để dập tắt các tiếng nói phê phán chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính riêng trong năm 2021, các tòa án đã kết tội ít nhất 18 người theo điều luật nói trên và xử họ mức án từ 4 đến 15 năm tù, gồm có: Nguyễn Trí Gioãn (7 năm); Trần Quốc Khánh (6 năm 6 tháng); Nguyễn Văn Lâm (9 năm); Phạm Chí Thành (5 năm 6 tháng); NLĐ Khánh (4 năm); Cao Văn Dũng (9 năm); Đặng Hoàng Minh (7 năm); Cấn Thị Thêu (8 năm); Trịnh Bá Tư (8 năm); Trần Thị Tuyết Diệu (8 năm); Nguyễn Thị Cẩm Thúy (9 năm); Ngô Thị Hà Phương (7 năm); Lê Viết Hòa (5 năm); Vũ Tiến Chi (10 năm); Đinh Thị Thu Thủy (7 năm); Phạm Chí Dũng (15 năm); Nguyễn Tường Thụy (11 năm); và Lê Hữu Minh Tuấn (11 năm).
Cũng trong thời gian đó, công an đã bắt giữ ít nhất 10 người khác vì vi phạm điều 117: Lê Văn Quân, Đinh Văn Hải, Nguyễn Duy Linh, Bùi Văn Thuận, Trần Hoàng Huấn, Lê Văn Dũng (bút danh Lê Dũng Vova), Nguyễn Bảo Tiên, Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Trọng Hùng, và Nguyễn Duy Hướng.
“Phát biểu ý kiến ngược lại với nội dung tuyên truyền của chính quyền không phải là phạm tội,” ông Robertson nói. “Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam cần công nhận rằng biểu đạt ý kiến cá nhân là một quyền đã được bảo đảm cho tất cả mọi người theo cả hiến pháp Việt Nam lẫn công pháp quốc tế.”