Skip to main content

Việt Nam: Các nhà hoạt động bị ngăn chặn không tới được sự kiện của Ukraine

Hãy chấm dứt việc cản trở quyền tự do đi lại với động cơ chính trị

Một người đàn ông đọc báo tiếng Việt trên trang nhất có bài viết về Nga xâm lược Ukraine tại một quầy báo ở Hà Nội, ngày 25 tháng Hai năm 2022. © 2022 Hình của Nam Nguyen/AFP

(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã ngăn chặn một số người ủng hộ dân chủ không thể tới tham dự một sự kiện ủng hộ Ukraine ở Hà Nội vào ngày mồng 5 tháng Ba, sau khi Nga xâm lược đất nước này. Đại sứ quán Ukraine tổ chức một “hội chợ nhân đạo với mục đích gây quỹ cho những người cần sự hỗ trợ ở Ukraine.”

Chính quyền Việt Nam thường xuyên vi phạm quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác bằng cách buộc các nhà hoạt động, các nhà bất đồng chính kiến, những người bảo vệ nhân quyền và những người khác phải chịu quản thúc tại gia vô thời hạn, sách nhiễu và nhiều hình thức câu lưu khác để ngăn họ không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hình sự hay cuộc gặp với các nhà ngoại giao nước ngoài, và nhiều sự kiện khác nữa. Nhiều khi chính quyền câu lưu họ trong thời gian vừa đủ lâu để bị lỡ thời gian diễn ra sự kiện.

“An ninh Việt Nam thường cản trở việc đi lại của các nhà hoạt động, chặn không cho họ rời khỏi nhà hay khu vực sinh sống để ngăn cản họ tham dự một sự kiện mà chính quyền coi là có vấn đề,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Giờ đây chính quyền Việt Nam lại mở rộng chính sách kiềm tỏa sang việc ngăn chặn người dân thể hiện sự ủng hộ với người dân Ukraine đang bị tấn công.”

Hoàng Hà (Sông Quê), một người ủng hộ nhân quyền, cho biết rằng buổi tối hôm trước sự kiện nhân đạo của Ukraine, các nhân viên an ninh cấp phường và quận đã hỏi chị có dự định tham dự hay không. Buổi sáng ngày mồng 5 tháng Ba, một nhân viên an ninh mặc thường phục ngăn cản không cho chị rời khỏi nhà mặc dù chị đã hứa chỉ đi đến nhà một người bạn ăn trưa.

Đặng Bích Phượng viết trên trang Facebook của mình, “Rất mong nhân dân Ukraina thông cảm với chúng tôi. Ủng hộ trên mạng thì bị khóa fb. Ủng hộ ngoài đường thì bị chặn cửa. Ít nhất nhân dân Ukraina còn được tự do hơn chúng tôi.” Trong số sáu người bạn được Đặng Bích Phượng mời tới nhà ăn trưa trước khi tới sự kiện nhân đạo vào buổi chiều, chỉ có ba người được cho tới nhà chị. Mỗi người mang theo một “cái đuôi” là hai nhân viên an ninh chắc có nhiệm vụ ngăn cản họ tới hội chợ sau bữa trưa. Đặng Bích Phượng viết rằng khi chị xuống nhận thức ăn đã đặt, chị “thấy ngồi nguyên một dãy 6 mạng trong sảnh.” Đặng Bích Phượng và bạn chị hiểu rằng họ sẽ không được phép tới hội chợ đó.

An ninh đã ngăn cản ít nhất là tám nhà vận động dân chủ không tới được sự kiện của Đại sứ quán Ukraine: Nguyễn Xuân Diện, Hoàng Hà, Nguyễn Nguyên Bình, Nguyễn Khánh Trâm, Nguyễn Văn Viễn, Phạm Thị Lân (vợ tù nhân chính trị Nguyễn Tường Thụy), Đặng Bích Phượng, và Nguyễn Hoàng Ánh.

Trong phiên bỏ phiếu ngày mồng 2 tháng Ba tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc về nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt tấn công quân sự ở Ukraine và lên án Nga vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, Việt Nam bỏ phiếu trắng.

Như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã nêu chi tiết trong phúc trình công bố vào tháng Hai “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam,” chính quyền Việt Nam thường áp dụng nhiều phương pháp để quản thúc người dân tại gia, như cử các nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào của người bất đồng chính kiến bằng khóa ổ, dựng rào chắn và các chướng ngại vật để ngăn người bên trong không rời khỏi nhà và những người khác không vào nhà được, huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân ở nguyên trong nhà, và đổ các chất kết dính mạnh – như keo đa năng – vào ổ khóa.

Trong một vụ việc khác vào ngày mồng 2 tháng Ba, nhà thơ Thái Hạo rời nhà riêng ở Thanh Hóa để ra sân bay. Ông dự định đi máy bay vào Thành phố Hồ Chí Minh để nhận một giải thưởng về thơ tại một buổi lễ thân mật do Văn Việt tổ chức. Thái Hạo kể lại rằng trước chuyến đi, an ninh tới nhà riêng và “khuyên” ông đừng đi. Ông vẫn quyết định đi, nhưng chưa đi được bao xa thì bị công an mặc sắc phục chặn xe ông giữa đường. Rồi hai người mặc thường phục từ bên kia đường vượt qua đường để tấn công ông, đấm thẳng vào mặt ông.   

Thoạt tiên công an mặc sắc phục không hề can thiệp. Chỉ đến khi Thái Hạo kêu cứu nhiều lần thì công an có mặt ở đó mới bảo hai người thôi không đánh ông nữa. Công an xử phạt Thái Hạo vì vi phạm luật giao thông và đưa ông về đồn, giữ ông ở đó trong ba tiếng đồng hồ. Thái Hạo bị nhỡ chuyến bay và phải trở về nhà.

Hoàng Hưng, một nhà thơ tham gia tổ chức buổi gặp gỡ thân mật của Văn Việt, viết rằng chính quyền ngăn chặn không cho tất cả những người được mời đang sinh sống tại các địa phương khác ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tới dự sự kiện đó. Những người đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhau tại một quán cà phê vào ngày mồng 3 tháng Ba, bao quanh họ toàn các nhân viên an ninh. Khi một người có mặt giơ tờ giấy có tên những người được giải lên, một nhân viên an ninh giật tờ giấy khỏi tay ông.

Ngày mồng 7 tháng Ba, Văn Việt đăng một bản tuyên bố “phản đối việc ngăn cản giải Văn Việt,  sách nhiễu các nhà văn đoạt giải.”

“An ninh và cảnh sát Việt Nam sách nhiễu và xâm hại các nhà hoạt động nhân quyền và những người phê phán chính quyền một cách công nhiên tối đa, và thường được miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm,” ông Robertson nói. “Chính phủ các quốc gia hữu quan cần khẩn thiết lên án tình trạng lạm quyền hàng loạt này và kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt việc vi phạm quyền tự do đi lại của người dân chỉ vì niềm tin và ngôn luận của họ.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country
Topic