Các nhà hoạt động phản đối nạn hành hung ở Hà Nội, tháng Năm năm 2015. Các tấm biểu ngữ có nội dung “Cực lực phản đối hành động bạo lực đê hèn” và “Đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng”.

Không Chốn Dung Thân Cho Các Nhà Hoạt Động Vì Nhân Quyền

Các Nhà Vận Động Dân Chủ Và Blogger ở Việt Nam Bị Hành Hung

Các nhà hoạt động phản đối nạn hành hung ở Hà Nội, tháng Năm năm 2015. Các tấm biểu ngữ có nội dung “Cực lực phản đối hành động bạo lực đê hèn” và “Đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng”. © 2015 ẩn danh

Tóm tắt

Sáng ngày mồng 6 tháng Chạp năm 2015, để kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế, luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài có một cuộc nói chuyện về quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam tại giáo xứ Vạn Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Buổi chiều hôm đó, ông về lại Hà Nội, cùng đi còn có các nhà hoạt động Lý Quang Sơn, Vũ Văn Minh (còn gọi là Vũ Đức Minh) và Lê Mạnh Thắng. Trên đường đi, xe taxi chở họ bị một nhóm khoảng hơn chục người mặc thường phục và đeo khẩu trang che mặt chặn lại. Nguyễn Văn Đài kể những người này lôi họ ra khỏi xe taxi và đánh bằng gậy vào đùi và vai, rồi đẩy ông vào lại xe. Trong xe, họ tiếp tục đánh đập ông:    

Họ dùng tay tát liên tục vào mặt, rồi đánh vào mang tai, vào mồm… Khi chở tôi đến bãi tắm Cửa Lò, họ tiếp tục lột hết cả áo rét và giày. Họ đẩy tôi xuống bãi biển rồi bỏ đi.

Ba nhà hoạt động cùng đi cũng bị đánh tàn bạo. Theo Lý Quang Sơn:

Vũ Văn Minh bị bọn côn đồ cố lôi ra, họ cầm gậy liên tiếp quất…vào chân bạn Minh… Chúng lôi anh bạn Thắng (ở cửa bên trái) ra ngoài, vừa lôi vừa cầm gậy vụt vào ngực Thắng, bạn Minh liền giữ lấy Thắng, còn tôi thì đưa tay ra bắt lấy gậy của nó. Tôi giằng co cái gậy… thì bị một thằng khác vụt vào tay, tôi phải buông gậy, tôi dùng chân đạp vào mặt và đầu của chúng thì bị chúng đánh vào mắt cá chân, ống đồng và bắp chân, bạn Minh cũng không giữ nổi Thắng nữa.

Lý Quang Sơn nói rằng những người này dùng một chiếc ô tô khác chở Lê Mạnh Thắng đến một địa điểm lạ, lột lấy điện thoại và ví rồi bỏ mặc anh bên lề đường. Trên đường đi, Thắng bị bọn họ đấm liên tiếp vào mặt và người. Theo Nguyễn Văn Đài và Lý Quang Sơn, người lái xe taxi cũng bị bọn họ đánh đập.

Vụ việc ngày mồng 6 tháng Chạp không phải là lần đầu tiên Nguyễn Văn Đài bị hành hung theo kiểu này. Hồi tháng Năm năm 2014, khi đang uống cà phê cùng một vài nhà hoạt động nhân quyền trong một quán cà phê ở Hà Nội, một nhóm người xuất hiện, ném ly vào người và đánh đập ông. Tháng Giêng và tháng Ba năm 2015, nhiều nhóm người tấn công vào tư gia và cố phá cửa chính nhà ông.

***

Các vụ tấn công vào Nguyễn Văn Đài và bạn bè ông thể hiện một xu hướng đáng lo ngại ở Việt Nam: có các nhóm hành hung các nhà hoạt động, dường như dưới sự chỉ đạo hoặc cho phép của những người có thẩm quyền. Từ trước đến giờ, hầu hết các đánh giá chính thức về tình hình nhân quyền ở Việt Nam chủ yếu dựa trên con số thống kê về các biện pháp đàn áp theo hệ thống pháp luật (các số liệu về bắt giữ, xét xử, kết tội và kết án của các tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát, hoặc những nhân viên thi hành pháp luật chính thức) còn tần suất và hậu quả của loại tấn công được ghi nhận trong phúc trình này, thực chất là một hình thức đàn áp ngoài hệ thống pháp luật, lại nhận được quá ít sự chú ý.    

Bản phúc trình này là một nỗ lực bổ sung vào phần còn thiếu, bằng cách tường trình 36 vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, khi các nhà hoạt động nhân quyền bị “côn đồ” đánh đập ở Việt Nam. Tất cả vụ việc được ghi nhận ở đây đều dựa trên các nguồn có sẵn trên mạng, bao gồm lời kể trực tiếp của nhân chứng về các vụ hành hung được đăng trên blog hay mạng xã hội bằng tiếng Việt, thường có kèm theo hình ảnh làm bằng chứng, cũng như các tin bài của báo chí nước ngoài, có đối chiếu với các nguồn độc lập về cùng vụ việc nếu điều kiện cho phép.

Tất cả các vụ hành hung được ghi nhận ở đây đều diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017. Một số vụ hành hung diễn ra ngay trước mắt công an mặc sắc phục mà họ không can thiệp. Nhiều vụ đánh đập xảy ra cùng thời điểm, và dường như để hỗ trợ chính quyền áp dụng các biện pháp đàn áp nhằm vào các nhà hoạt động bị để ý. Trong hầu hết các vụ việc, các nhà hoạt động bị “côn đồ” để mắt tới cũng phải chịu các biện pháp đàn áp chính thức của chính quyền, kể cả bị bắt giữ.

Dù mối liên hệ chính xác giữa những kẻ côn đồ và chính quyền thường không thể minh xác được, nhưng trong một nhà nước công an trị sát sao như Việt Nam, gần như không có gì phải nghi ngờ về việc những kẻ này có quan hệ với, và hành động theo sự chỉ đạo của mật vụ nhà nước.

Việc hành hung nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam không phải là một hiện tượng mới có gần đây. Một ví dụ là từ tháng Chạp năm 2005, khi về lại Việt Nam sau chuyến đi Mỹ chữa bệnh, nhà bất đồng chính kiến quá cố Hoàng Minh Chính và gia đình ông bị một đám chừng năm chục người bao vây. Đám người này chửi rủa Hoàng Minh Chính đã dám công khai phê phán việc vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian ở nước ngoài. Họ dùng gậy gỗ đập phá cửa chính và cửa sổ nhà ông, ném mắm tôm, cà chua và trứng thối vào nhà, và đấm đá, đánh đập người trong gia đình ông. Gia đình có gọi công an, và công an có đến nhưng chỉ đứng ngoài chứng kiến vụ tấn công mà không làm gì để ngăn chặn.

Các blogger và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng là nạn nhân từng bị hành hung từ trước thời gian nghiên cứu trong phúc trình này gồm có các cựu tù nhân chính trị nổi tiếng như Huỳnh Ngọc Tuấn, Lê Quốc Quân, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Bá Hải, Lê Thị Công Nhân, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh… hay các nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Vi, Lê Quốc Quyết, Dương Thị Tân, Ngô Duy Quyền, Phạm Lê Vương Các, Huỳnh Thục Vy và nhiều người khác.

Thông tin về những thể loại tấn công này không thể đầy đủ do bị hạn chế về tiếp cận tin tức và kiểm duyệt báo chí ở Việt Nam. Nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho thấy rằng trong năm 2013, Việt Nam xét xử ít nhất 65 blogger và nhà hoạt động nhân quyền và kết án họ với mức án cộng lại lên đến hàng trăm năm tù. Cũng trong năm đó, theo một báo cáo của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, có ít nhất 18 vụ hành hung nhằm vào 71 nhà vận động nhân quyền.

Năm 2014, trong giai đoạn thương lượng căng thẳng về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, số người bị kết án về các tội chính trị ở Việt Nam giảm xuống còn 31. Tuy nhiên, theo Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, số vụ hành hung tăng lên ít nhất là 31 vụ nhằm vào 135 blogger và nhà hoạt động nhân quyền.

Năm 2015, con số vụ kết án được biết tiếp tục giảm, xuống chỉ còn có 7 nhà hoạt động bị kết án trong suốt cả năm. Mặt khác, theo nghiên cứu riêng của chúng tôi, có khoảng 50 blogger và nhà hoạt động cho biết họ bị hành hung trong 20 vụ việc khác nhau. Trong năm 2016, có ít nhất 21 nhà vận động nhân quyền bị kết án và ít nhất 20 vụ hành hung xảy ra với hơn 50 nạn nhân.

Các vụ hành hung thân thể nhằm vào những người vận động nhân quyền thường xảy ra trong bốn tình huống. Thứ nhất là tấn công một cá nhân đơn lẻ, ở nhà riêng hay ngoài đường. Các ví dụ có thể kể là vụ tấn công Nguyễn Văn Thế vào tháng Năm năm 2016, Nguyễn Văn Thạnh vào tháng Sáu năm 2016, Lã Việt Dũng vào tháng Bảy năm 2016, và Nguyễn Trung Tôn vào tháng Hai năm 2017.

Trường hợp thứ hai là khi một nhóm các nhà vận động nhân quyền bị tấn công, thường vào lúc họ đang cùng hành động để ủng hộ các nhà hoạt động khác, như đi thăm một cựu tù nhân chính trị mới ra tù, hay đi dự đám cưới của một nhà vận động nhân quyền. Các ví dụ của thể loại tấn công này gồm có các vụ hành hung những người đến thăm cựu tù nhân chính trị Trần Minh Nhật vào tháng Tám năm 2015 và Trần Anh Kim hồi tháng Giêng năm 2015.

Trường hợp thứ ba là hành hung các nhà hoạt động đang tham gia các sự kiện công cộng như tuần hành vì môi trường, hay biểu tình bên ngoài đồn công an đòi thả các nhà hoạt động bạn bè.

Tình huống thứ tư là ở trong đồn công an, như trường hợp Trần Thị Hồng và Trương Minh Tam được biết đã bị đánh đập trong khi đang bị câu lưu, thẩm vấn vào tháng Tư năm 2016.

Trong rất nhiều vụ, được biết những kẻ thủ ác thường đeo khẩu trang. Có một số vụ, như đã nêu ở trên, các nhà hoạt động cho biết rằng công an mặc sắc phục có mặt tại đó nhưng không làm gì để ngăn chặn việc hành hung. Trong hầu hết các vụ, không có ai bị truy cứu trách nhiệm vì hành vi hành hung. Rất nhiều nhà hoạt động đã trình báo công an về các vụ hành hung, nhưng việc điều tra hầu như chưa bao giờ được tiến hành. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được biết chỉ có một vụ duy nhất những kẻ thủ ác và cán bộ công an được cho là phải chịu trách nhiệm về vụ hành hung bị điều tra.

Bất chấp những rủi ro lớn về an toàn và tự do cá nhân, cộng đồng blogger và các nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục lớn mạnh ở Việt Nam. Được sự trợ giúp của internet, nhất là các mạng xã hội như Facebook và Youtube, những nhà vận động nhân quyền càng ngày càng kết nối và hỗ trợ nhau chặt chẽ hơn trong cuộc đấu tranh vì các quyền tự do chính trị và các quyền cơ bản của con người.

Nhiều nhóm nhân quyền đã được thành lập trong vòng năm năm gần đây, như Câu lạc bộ Bóng đá No-U, Hội Bầu bí Tương thân, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam, Hội Anh em Dân chủ và Hội Hỗ trợ Nạn nhân Bạo hành.

Bên cạnh việc tiến hành những hoạt động vận động nhân quyền truyền thống như biểu tình ôn hòa, xuất bản các tài liệu phê bình chính quyền và ký thỉnh nguyện thư, các blogger và các nhà hoạt động còn đến thăm gia đình các tù nhân chính trị hay các nhà hoạt động đang gặp khó khăn, và đóng góp những khoản hỗ trợ tài chính tuy nhỏ nhưng rất có ý nghĩa. Họ đợi ở sân bay để đón chào những nhà hoạt động bạn bè vừa đi nước ngoài vận động trở về, và thường bị công an câu lưu. Họ lên tận đồn công an để đòi thả bạn bè bị câu lưu vì tham gia biểu tình ôn hòa. Bàn tay đàn áp tàn bạo, kể cả việc hành hung thân thể như được ghi nhận trong bản phúc trình này, đương nhiên đã làm một số người ở Việt Nam ngại tham gia hoạt động, nhưng nhiều người khác vẫn dũng cảm tiếp tục lên tiếng kêu gọi xây dựng một xã hội dân chủ và tôn trọng nhân quyền.

Các khuyến nghị chủ chốt

Với Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

  • Các nhà lãnh đạo cấp trung ương, tỉnh thành và địa phương cần công khai và thẳng thắn lên án mọi hành vi hành hung cơ thể và các hình thức sách nhiễu, trả thù khác nhằm vào các blogger và nhà hoạt động nhân quyền, nhấn mạnh rằng các hành vi như thế là phạm pháp và sẽ không được dung thứ, và bất kỳ cá nhân nào tham gia chỉ đạo hay tạo điều kiện cho các vụ hành hung như thế sẽ bị truy cứu trách nhiệm.
  • Các nhà lãnh đạo cần lập tức yêu cầu tiến hành điều tra kỹ càng và công minh về tất cả các vụ việc mà các blogger và các nhà hoạt động tố cáo bị hành hung, đe nẹt hay dọa dẫm; cần truy tố những cá nhân có đủ bằng chứng khả tín là liên quan đến các vụ hành hung và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
  • Các nhà lãnh đạo cấp trung ương cần quy trách nhiệm cho cấp dưới, là các lãnh đạo cấp tỉnh thành và địa phương, nếu để xảy ra hành vi bạo hành với các blogger và nhà hoạt động nhân quyền trong thời gian tại nhiệm.

Với Quốc hội Việt Nam (QHVN)

  • QHVN cần ra một nghị quyết nhằm công khai và thẳng thắn lên án mọi hành vi hành hung cơ thể và các hình thức sách nhiễu, trả đũa nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền, nhấn mạnh rằng các hành vi như thế là phạm pháp và sẽ không được dung thứ.
  • QHVN cần hủy bỏ hay sửa đổi các điều khoản trong bộ luật hình sự có nội dung hình sự hóa hành vi bất đồng chính kiến ôn hòa với các tội danh về “an ninh quốc gia” được định nghĩa không chính xác, như được nêu chi tiết trong phần khuyến nghị ở cuối bản phúc trình này.

Phương pháp

Số liệu nêu ra trong bản phúc trình này về các vụ hành hung nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian khoảng 27 tháng, từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017 được sàng lọc (và đối chiếu nếu điều kiện cho phép) từ bốn loại nguồn chủ yếu được truy cập từ mạng internet:

  1. các thông tấn xã nước ngoài;
  2. các trang mạng xã hội như Facebook và YouTube;
  3. các trang mạng và blog độc lập ở Việt Nam; và
  4. các trang mạng và blog độc lập ở bên ngoài Việt Nam.

Các nguồn này bao gồm cả ẩn danh và có nêu danh. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã kiểm chứng kỹ lưỡng các vụ việc mỗi khi điều kiện cho phép, bằng cách đối chiếu những lời tự thuật của nạn nhân và nhân chứng với các lời kể của các nhân chứng khác về chính sự việc đó được đưa tin trên báo chí hay đăng tải trên các blog, trang web hay mạng xã hội khác.

Các dịch vụ thông tấn nước ngoài được viện dẫn trong phúc trình này bao gồm Đài Á Châu Tự do (RFA), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài BBC, Đài RFI, báo Người Việt và Mạng lưới Truyền hình Sài Gòn SBTN. Dù các cơ quan thông tấn nêu trên thường không có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhưng họ đã tiến hành phỏng vấn kỹ lưỡng qua điện thoại hay qua mạng internet với các nạn nhân và nhân chứng trực tiếp.

Facebook và YouTube đã trở thành những mạng xã hội chủ chốt được các nhà hoạt động sử dụng để thuật lại những tình huống họ bị ngược đãi hay tấn công. Trong số các trang mạng và blog độc lập quan trọng nhất ở ngoài Việt Nam, có Dân Làm Báo, Dân Luận và Ba Sàm.

Các blog và trang mạng có uy tín ở Việt Nam (hoặc do người đang sinh sống ở Việt Nam điều hành) gồm có Thanh niên Công giáo, Tin mừng cho người nghèo, Defend the Defenders, Bauxite Việt Nam và Thời báo Việt Nam.

Một điểm cần lưu ý về thuật ngữ: những người lạ mặt ra tay thực hiện các vụ hành hung nêu trong phúc trình này thường được các nguồn tiếng Việt gọi chung bằng thuật ngữ “côn đồ”, và chúng tôi dịch sang từ tương đương trong tiếng Anh. Việc chúng tôi sử dụng từ đó không có nghĩa rằng nó mang ẩn ý về một dạng người, hay nhằm xác định danh tính một cá nhân cụ thể. Cũng theo cách dùng từ của nguồn tiếng Việt, chúng tôi sử dụng thuật ngữ chung “gậy” để chỉ loại vũ khí những kẻ thủ ác sử dụng. Thuật ngữ này bao gồm các loại công cụ không chính thức, như côn tự tạo, cây gỗ, và tre.

I. Bối cảnh

Đàn áp có lịch sử lâu dài

Từ khi được thành lập vào năm 1945, chính quyền cộng sản luôn mạnh tay với những tiếng nói phê phán mình.[1] Trong cuộc chiến chống Pháp từ cuối thập kỷ 1940 đến đầu thập kỷ 50, Đảng Cộng sản đã loại bỏ hàng ngàn người dân Việt không ủng hộ đường lối chiến tranh của mình.[2] Sau khi chấm dứt chế độ thực dân Pháp và thành lập một nhà nước độc lập ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1954, Đảng đã giết hàng ngàn “kẻ thù giai cấp” theo một chương trình cải cách ruộng đất đầy tai tiếng là tàn độc, và đàn áp hàng chục trí thức có đầu óc cải cách đã lên tiếng đòi cởi mở chính trị dù chỉ với mức độ khiêm tốn.[3]

Trong cuộc nội chiến chống Việt Nam Cộng Hòa được Hoa Kỳ hậu thuẫn trong hai thập kỷ 1960 và 1970, chính quyền miền Bắc đã ra lệnh ám sát hàng chục ngàn thường dân bị coi là “kẻ phản bội” và “ngụy” ở miền Nam.[4] Chính quyền cộng sản dường như liên tục phải tham chiến trong vài thập kỷ đầu từ khi ra đời, có tư tưởng đối lập với tinh thần cởi mở, nên dường như không có, hoặc chỉ có ở mức độ rất thấp, khả năng dung thứ đối với bất đồng chính kiến trong nước.

Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975 và thành lập được một nhà nước thống nhất, chính quyền bên thắng cuộc từ Hà Nội bắt đầu đàn áp khốc liệt những người bất đồng chính kiến và triển khai một chương trình quy mô nhằm “cải tạo” cưỡng ép đối với cựu binh sĩ, công chức và viên chức chính quyền miền Nam.[5] Cuối thập niên 1980, khi thực hiện các cải cách kinh tế, chính quyền nới lỏng phần nào bàn tay đàn áp đối với các ý kiến bất đồng, nhưng khi tình trạng tự do hóa kinh tế bắt đầu làm dấy lên những đòi hỏi về cải cách chính trị tương ứng vào thập kỷ 1990, Đảng lại siết chặt lại.[6]

Một phần của các hành động đàn áp được thực hiện thông qua hệ thống pháp luật có mục đích bảo vệ quyền lực tuyệt đối của Đảng và từ chối các quyền công dân cơ bản của người dân Việt Nam. Hiến pháp khẳng định rõ quyền lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cả chính phủ và nhân dân. Các quyền cơ bản, như tự do ngôn luận, tự do chính kiến, tự do báo chí, tự do nhóm họp và lập hội bị hạn chế. Các công đoàn độc lập bị cấm. Các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với chính quyền và hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ trong hệ thống. Các nhóm chính trị - xã hội không vừa ý chính quyền có thể bị giải tán dễ dàng.

Chính quyền sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để hạn chế các hoạt động chính trị, như sách nhiễu tâm lý và thân thể, cho công an theo dõi, quản chế tại gia trái pháp luật và gây sức ép lên chủ thuê lao động, chủ nhà và thân nhân các nhà hoạt động.[7] Được biết nhiều trường hợp nhân viên nhà nước đã ép buộc vợ chồng, cha mẹ, anh chị em thuyết phục các blogger và nhà hoạt động nhân quyền chấm dứt các việc họ đang làm. Công an thường buộc những người vận động nhân quyền chịu những cuộc thẩm vấn kéo dài và đầy tính dọa nạt. Chính quyền thường xuyên câu lưu những người ủng hộ nhân quyền trong thời gian dài mà không được tiếp xúc với gia đình hay nguồn hỗ trợ pháp lý.

Chính quyền cũng lợi dụng các điều khoản mơ hồ trong bộ luật hình sự để xử tù nhiều nhà bất đồng chính kiến ôn hòa về chính trị và tôn giáo. Những điều luật này nhằm vào những người dân “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79 bộ luật hình sự, khung hình phạt lên tới tử hình); “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” (điều 87, khung hình phạt lên tới 15 năm tù); “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88, khung hình phạt lên tới 20 năm tù); và “phá rối an ninh” (điều 89, khung hình phạt lên tới 15 năm tù). Bộ luật hình sự cũng đặt ra các “hình phạt bổ sung” tước đi một số quyền của những người từng bị kết án về các tội “an ninh quốc gia,” buộc họ phải chịu quản chế, và bị tịch thu tài sản (điều 92). Các điều khoản khác trong bộ luật nhằm vào những người phản đối ôn hòa, như quy định về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” (điều 258) hay “gây rối trật tự công cộng” (điều 245). Các cáo buộc ngụy tạo về trốn thuế cũng thường được sử dụng đối với các nhà bất đồng chính kiến.[8] Tháng Mười một năm 2015, Quốc hội thông qua Bộ luật hình sự luật sửa đổi. Đáng lẽ phải loại bỏ các điều khoản trái với tiêu chuẩn nhân quyền chung, thì các nhà lập pháp Việt Nam lại đưa ra các quy định hà khắc hơn, ví dụ như bổ sung thêm một hình phạt vào nhiều tội danh, với nội dung “người nào chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt tù từ một đến năm năm.” Đến tháng Ba năm 2017, Bộ luật hình sự sửa đổi vẫn chưa có hiệu lực.

Tại thời điểm viết phúc trình này, có khoảng 110 tù nhân chính trị được biết đang bị giam giữ ở Việt Nam. Trong năm 2016, có ít nhất 21 nhà hoạt động và người lên tiếng phê phán chính quyền bị xử tù chỉ vì thực thi các hành động tự do chính kiến ôn hòa. Các mức án dành cho họ là từ ba đến 13 năm tù. Trong số những tù nhân nói trên, có các blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Ba Sàm) và Nguyễn Đình Ngọc (bút danh Nguyễn Ngọc Già), nhà hoạt động Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng và Cấn Thị Thêu.[9] Có ít nhất 14 blogger và nhà hoạt động nhân quyền khác, như luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hồ Văn Hải và Trần Thị Nga bị bắt giữ nhưng chưa bị đưa ra xử, tính đến tháng Ba năm 2017.[10]

II. Đánh đập các nhà hoạt động và blogger

Chương này thuật lại 36 trường hợp các blogger và nhà hoạt động chính trị bị “côn đồ” lạ mặt hành hung về thể xác trong thời gian 27 tháng tính từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017. Các hình ảnh kèm theo minh chứng cho mức độ nghiêm trọng của các vụ tấn công. Ngoại trừ vụ của Linh mục Đặng Hữu Nam, không có bằng chứng về việc bất kỳ vụ nào khác được công an tiến hành điều tra, chưa nói đến việc kẻ thủ ác bị trừng phạt.

Vụ tấn công Huỳnh Thành Phát và Trần Hoàng Phúc, ngày 13 tháng Tư năm 2017

Nhà hoạt động nhân quyền Huỳnh Thành Phát, 18 tuổi, và Trần Hoàng Phúc, 23 tuổi, đang chờ ở bến xe buýt ở thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), thì bị một nhóm người mặc thường phục và đeo khẩu trang tấn công. Nhóm người này dùng áo trùm đầu Huỳnh Thành Phát và Trần Hoàng Phúc, đẩy họ lên 1 chiếc xe 7 chỗ, và chở đi. Trên đường đi, Phát và Phúc bị đánh liên tục. Phát kể lại:

Trong lúc xe di chuyển thì cứ 10 phút họ đánh 1 lần. Họ thường đánh tập trung vào phần mang tai, thái dương, đầu, xương sườn, xương sống và phần phổi.[11]

Trần Hoàng Phúc sau khi bị hành hung ở Quảng Bình ngày 13 tháng Tư năm 2017. Ảnh cắt từ một đoạn video trên YouTube của Dân Làm Báo. © 2017 nguồn ẩn danh

Phúc viết trên trang Facebook của mình, “Tôi được nếm đòn đấm và tát vào mặt, đấm vào sườn và đùi…”[12] Nhóm người này chở hai nhà hoạt động đến một khu vực vắng vẻ trong rừng và “dùng gậy tre và dây thắt lưng để quất liên tục vào 2 bạn.”[13] Họ lột ví và điện thoại của Phúc và Phát, rồi bỏ mặc hai nhà hoạt động ở đó.[14]

Đây không phải là lần đầu tiên Huỳnh Thành Phát bị đánh. Vào ngày 10 tháng Năm năm 2016, anh bị công an Phường 1, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh câu lưu, và bị thẩm vấn không có mặt luật sư hay người đại diện gia đình. Khi đó anh mới 17 tuổi. Công an chất vấn anh về các hành vi bị nghi là liên quan tới các cuộc biểu tình vì môi trường ngày mồng 1 và mồng 8 tháng Năm.[15] Phát được thả lúc 11 giờ đêm. Trên đường về nhà, hai người đeo khẩu trang và mặc thường phục chặn Phát và tấn công anh.[16] Anh bị nhiều vết rách phía trên và dưới mắt trái.

Huỳnh Thành Phát sau khi bị hành hung ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10 tháng Năm năm 2016.  © 2016 nguồn ẩn danh

Vào tháng Mười hai năm 2015, Huỳnh Thành Phát cùng các nhà hoạt động khác tới đồn công an phường Hòa Thạnh để đòi thả người bạn hoạt động Hoàng Đức Bình, người đã bị giữ trước đó, khi đang phân phát tờ rơi về quyền của người lao động. Huỳnh Thành Phát kể với phóng viên Đài Á châu Tự do về sự việc xảy ra khi họ tới đồn công an phường Hòa Thạnh:

Cảnh sát giao thông, cơ động, dân phòng rất là nhiều chưa kể phía an ninh thường phục đứng vây chặn không cho đi vào. Thì lúc đó tụi em đi vào nhưng mà họ không chấp nhận cho tụi em đi vào. Chúng em đi vào thì bị những người tự xưng ‘câu thần chú: Tao là dân’ rồi bắt đầu đánh đập thoải mái trước mặt công an. Những người đó đánh em từ đầu hẻm 70, đánh dài vô tới đồn khoảng 50 mét, vô tới trong phòng rồi bắt đầu lấy còng tay em lại dồn vô chân tường đánh tiếp. Khoảng mười mấy - hai mươi người… tướng rất là to con, họ cứ nói ‘tao là dân’ rồi xông vào đánh không cần nói lý do gì cả. Chẳng hiểu sao những người tự xưng ‘tao là dân’ và mặt thường phục lại có còng tay đi còng, thì công an cũng chỉ đứng nhìn thôi. Có một anh cũng mặc sắc phục đánh em, em nhớ tên anh này là Phạm Khắc Đông.[17]

Huỳnh Thành Phát cũng từng bị công an câu lưu và bị hành hung trong hai lần khác. Lần thứ nhất là vào tháng Giêng năm 2016, khi anh cố đi dự lễ tưởng niệm trận hải chiến giữa quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Trung Quốc tại Hoàng Sa năm 1974. Sự kiện này do các nhà hoạt động nhân quyền tổ chức tại tượng đài Trần Hưng Đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh.[18] Huỳnh Thành Phát kể với một nhà báo tự do:

Những nhân viên mang thường phục nhào đến đánh liên tục vào mặt và nhiều nơi trên cơ thể. Sau đó, họ kẹp cổ kéo em lên xe và chở em về đồn công an.[19]

Lần thứ hai là vào ngày mồng 1 tháng Năm năm 2016, khi anh đang tham gia cuộc biểu tình bảo vệ môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh.[20] Vài người đã giật kính đeo mắt của anh và ném xuống đất, túm tóc lôi anh vào một chiếc xe và áp giải về đồn công an phường 7 quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.[21] Theo lời Huỳnh Thành Phát, lúc ở trong đồn công an, một người tên là Huỳnh Văn Phúc đã dùng tay và dùng một cuốn sách đánh anh.[22] Ngày 14 tháng Năm năm 2016, công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức một cuộc họp báo và cáo buộc một số người tham gia biểu tình bảo vệ môi trường, trong đó có Huỳnh Thành Phát là bị Việt Tân – một đảng chính trị bị cấm ở Việt Nam – “lôi kéo.” Cáo buộc này được phát đi rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của nhà nước. Sau khi Huỳnh Thành Phát gọi cho một phóng viên ở báo Tuổi Trẻ để phản đối việc nêu tên mình trong bài báo, Tuổi Trẻ đã sửa lại bài báo và xóa tên Phát đi.[23]

Vụ tấn công Nguyễn Trung Tôn và Nguyễn Viết Tứ, ngày 27 tháng Hai năm 2017

Ngày 27 tháng Hai năm 2017, Nguyễn Trung Tôn và Nguyễn Viết Tứ đi xe buýt từ xã Quảng Thịnh, tỉnh Thanh Hóa tới thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Khi tới nơi, một nhóm khoảng bảy, tám thanh niên mặc thường phục kéo họ lên một chiếc xe 7 chỗ. Theo lời Nguyễn Trung Tôn:

Họ lột hết y phục, tư trang hành lý, rồi lấy áo của chúng tôi trùm đầu chúng tôi lại và dùng gậy sắt đánh liên tục vào người. Họ không hề nói lý do vì sao làm vậy. Xe của họ chuyển bánh và cứ thế họ vừa chạy xe vừa đánh chúng tôi. Trên xe có một tài xế và ít nhất 6 người nữa. 3 người đánh tôi và 3 người đánh anh Nguyễn Viết Tứ. Tôi không rõ họ chạy đường nào, nhưng khi tới một nơi rất vắng người qua lại, họ dừng xe và kéo tôi xuống khỏi xe. Tôi nhận ra đây là một triền núi giáp đường, có một mương bê tông thoát nước. Họ tiếp tục dùng gậy sắt đập vào thân thể tôi, lấy chân đi giày dẫm lên các ngón chân của tôi, rồi dùng gậy sắt đập lên mu bàn chân cho tới khi tóe máu.[24]

Sau đó những người này bỏ mặc Nguyễn Trung Tôn và Nguyễn Viết Tứ trong một khu rừng hoang ở tỉnh Hà Tĩnh.[25]

Nguyễn Trung Tôn với cái chân bị thương sau khi bị hành hung ở Quảng Bình ngày 27 tháng Hai năm 2017. © 2017 nguồn khuyết danh/Hội Anh em Dân chủ

Nguyễn Trung Tôn là mục sư Tin Lành đồng thời là một blogger chuyên viết về tình hình thiếu tự do tôn giáo và các vấn đề nhân quyền khác ở Việt Nam. Ông đã viết về các trường hợp tịch thu đất đai ở địa phương khiến nhiều người nông dân lâm vào cảnh mất ruộng đất. Ông cũng chỉ trích chính quyền chi tiêu hoang phí tiền thuế vào những việc ông coi là lễ hội phù phiếm thay vì xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học hay giúp đỡ người dân nghèo. Ông bênh vực những nhà hoạt động tôn giáo cùng chí hướng, như lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo Lê Quang Liêm và mục sư Tin Lành Mennonite Dương Kim Khải. Ngoài ra, Nguyễn Trung Tôn còn viết về sự sách nhiễu và hành hung của công an đối với bản thân và gia đình mình. Hồi tháng Sáu năm 2010, con trai ông lúc đó mới mười mấy tuổi, Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, bị năm người đàn ông lạ mặt đánh trên đường đi học, sau khi người cha tố cáo những hành vi lạm quyền của công an.

Nguyễn Trung Tôn bị bắt hồi tháng Giêng năm 2011 về hành vi “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự. Ông bị kết án 2 năm tù. Sau khi mãn hạn tù vào tháng Giêng năm 2013, ông phải chịu thêm 2 năm quản chế và không được đi khỏi xã cư trú. Hiện tại ông là người đại diện của Hội Anh em Dân chủ, một nhóm ủng hộ dân chủ có người sáng lập, là Nguyễn Văn Đài, đã bị bắt từ tháng Mười hai năm 2015.

Vụ tấn công Nguyễn Thị Thái Lai, ngày 12 tháng Hai năm 2017

Ngày 12 tháng Hai năm 2017, nhà hoạt động vì môi trường Nguyễn Thị Thái Lai cùng một người bạn vừa rời một quán ăn ở phường Vạn Thạnh, Nha Trang thì bị một nhóm bốn người đàn ông mặc thường phục chặn đường và đánh đập.

Bốn thằng thanh niên, bốn thằng như con trâu, nó chặn xe lại nó nắm cổ, nó nắm cổ mình, nó quăng xuống đất. Đánh vô mặt. Nó đánh mình bất tỉnh. Rồi nó đá vô mặt. Coi cái mặt. Nó đá vô mặt vậy này. Nó đá nó đánh mình đến bất tỉnh.[26]

Nguyễn Thị Thái Lai bị sưng môi, mặt bị bầm dập và một cánh tay bị sưng tím. Chị đã trình báo về vụ hành hung với công an phường Vạn Thạnh nhưng không có thủ phạm nào bị bắt.[27]

Nguyễn Thị Thái Lai sau khi bị hành hung ở Nha Trang ngày 12 tháng Hai năm 2017. © 2017 nguồn ẩn danh

Nguyễn Thị Thái Lai tham gia các vụ biểu tình phản đối công ty thép Đài Loan Formosa gây ra thảm họa môi trường vào tháng Tư năm 2016. Chị cũng biểu tình chống Trung Quốc và lên tiếng ủng hộ những nhà hoạt động như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm),

Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu và Nguyễn Đặng Minh Mẫn, tất cả những người này đều bị tù chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của mình. Nguyễn Thị Thái Lai đã bị công an thẩm vấn hồi tháng Sáu năm 2016 sau khi chị bị nghi là đã đăng bài về Hồ Chí Minh trên Facebook. Tháng Mười một năm 2016, chị bị công an thẩm vấn về quan hệ với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người vừa bị bắt cách đó một tháng vì các hành vi liên quan đến blog cá nhân của mình.

Vụ tấn công Nguyễn Hồ Nhật Thành, ngày 26 tháng Mười hai năm 2016

Buổi chiều ngày 26 tháng Mười hai năm 2016, Nguyễn Hồ Nhật Thành đang ngồi trong một quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh thì một nhóm người đàn ông mặc thường phục tiến đến và hành hung anh.[28] Họ bẻ quặt tay anh ra sau lưng và đánh vào đầu, ngực và lưng. Sau đó những người này lấy áo khoác trùm mặt Thành, lôi anh vào một chiếc xe hơi và đưa về đồn công an phường Tân Mỹ, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh và câu lưu anh suốt mấy tiếng.[29] Tới khoảng 11h30 đêm hôm đó Nguyễn Hồ Nhật Thành mới được thả ra. Trong khi anh đang đi trên xe taxi để về nhà, một nhóm người đi xe máy quây lấy chiếc xe taxi buộc lái xe phải dừng lại. Họ lôi Nguyễn Hồ Nhật Thành ra khỏi xe và đánh đập anh.[30]

Kéo tôi ra ngoài đường họ đánh ngay giữa đường. Họ đánh tôi khoảng 5 phút, đánh hội đồng, liên hồi liên hồi. Sau đó tôi hơi bất tỉnh khoảng chừng 2, 3 phút thì tôi mới tỉnh lại.[31]

Nguyễn Hồ Nhật Thành là một nhà hoạt động dân chủ đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và tổ chức các lớp học cho thanh niên về xã hội dân sự, nhân quyền và quyền công dân. Vợ anh, Trịnh Kim Tiến, cũng là một nhà hoạt động nhân quyền từng vận động phản đối nạn công an bạo hành. Cha cô bị công an đánh chết năm 2011 do một lỗi vi phạm giao thông.[32] Cả hai vợ chồng Nguyễn Hồ Nhật Thành và Trịnh Kim Tiến đều đã bị công an sách nhiễu, dọa nạt nhiều lần.

Vụ tấn công Nguyễn Văn Dũng, ngày 23 tháng Mười hai năm 2016

Nguyễn Văn Dũng (tên khác là Dũng Aduku) sau khi bị hành hung ở Thanh Hóa ngày 23 tháng Mười hai năm 2016. © 2016 nguồn ẩn danh/Việt Nam Thời Báo

Ngày 23 tháng Mười hai năm 2016, Nguyễn Văn Dũng (còn gọi là Dũng Aduku) đang đi xe máy ở khu vực huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa thì bị sáu người đàn ông đi trên ba xe máy chèn ngã.[33] Những người này mặc thường phục và đeo khẩu trang. Họ lột áo khoác của anh, trùm lên đầu và mũ bảo hiểm rồi kéo anh vào một chiếc xe 7 chỗ.[34] Ở trong xe, những người này:

lột quần dài và giầy của tôi ra và liên tục đấm đá loạn xạ vào vai, ngực, bụng, đùi tôi. Họ dùng thắt lưng quật vào đùi tôi. Sau đó họ lật tôi nằm sấp, cởi áo khoác, mũ bảo hiểm và kính cận của tôi, dùng áo len của tôi trùm đầu tôi, kéo quần cộc của tôi xuống và đánh vào lưng, hông, mông, đùi tôi, họ dùng thắt lưng quật vào hông và mông tôi. Cuối cùng họ lại lật ngửa tôi ra và sờ nắn giữa ngực tôi chọn một điểm và đấm liên tiếp vào điểm đó làm tôi rất đau đớn và khó thở.[35]

Sau đó, những người này đẩy Nguyễn Văn Dũng vào một cái ao nhỏ, vẫn bị áo len trùm lên đầu.[36] Nguyễn Văn Dũng bị nhiều vết bầm khắp cơ thể. Anh đã trình báo vụ hành hung với công an xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, ở gần đó.

Nguyễn Văn Dũng là thành viên Hội Anh em Dân chủ. Anh đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và tới gần khu vực tòa án khi có các phiên tòa xử các nhà hoạt động vì nhân quyền, để bày tỏ sự ủng hộ.

Vụ tấn công ông Trương Minh Hưởng, ngày 22 tháng Mười hai năm 2016

Trương Minh Hưởng sau khi bị hành hung ở Hà Nam ngày 22 tháng Mười hai năm 2016. © 2016 nguồn ẩn danh

Ngày 22 tháng Mười hai năm 2016, ông Trương Minh Hưởng đi ăn trưa cùng một nhóm người dân khiếu kiện về đất đai ở thị trấn Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Khi ông đang đi trên xe taxi về Hà Nội cùng với luật sư nhân quyền Hà Huy Sơn thì bị cảnh sát giao thông chặn xe và buộc họ xuống xe.[37] Những người đàn ông mặc thường phục đấm và đá ông Trương Minh

Hưởng ngay trước mắt luật sư Hà Huy Sơn và hai người cảnh sát giao thông. Theo luật sư Hà Huy Sơn:

Sáu bảy an ninh mặc thường phục xông vào đấm đá, đánh thẳng vào mặt ông Hưởng, ông quỵ xuống lề đường trước sự chứng kiến của hai cảnh sát giao thông vừa dừng xe. Tôi can ngăn ko được và yêu cầu CSGT bảo vệ dân, không để cho bọn chúng đánh ông Hưởng. CSGT bỏ chạy, trốn tránh.[38]

Người dân xung quanh cho biết, trong số người đánh tôi bị thương, có một công an tên Long đang công tác tại công an Phủ Lý, Hà Nam.[39]

Trương Minh Hưởng trở thành nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai vào năm 2007, sau khi đất của gia đình ông bị chính quyền địa phương trưng thu để làm dự án du lịch. Ông và gia đình đã phải chịu nhiều cảnh dọa nạt, sách nhiễu và hành hung. Tháng Mười hai năm 2014, ba người đàn ông mặc thường phục chặn ông giữa đường, đánh đập làm ông bị thương.[40]

Tháng Chín năm 2015, hàng chục người đàn ông mặc thường phục ném đá vào nhà ông làm vỡ cửa kính.[41]

Vụ tấn công Nguyễn Công Huân, ngày mồng 2 tháng Mười hai năm 2016

Ngày mồng 2 tháng Mười hai năm 2016, Nguyễn Công Huân (còn được gọi là Nguyễn Thành Huân) đi xe buýt từ Yên Thành tới thành phố Vinh ở tỉnh Nghệ An để dự đám cưới cựu tù nhân chính trị Nguyễn Đình Cương.[42] Một nhóm người mặc thường phục lôi anh từ xe buýt xuống lề đường và đánh anh.[43] Những người này đá anh vào mặt, đầu và người cho đến khi anh bất tỉnh.[44] Họ kéo anh lên một chiếc xe 7 chỗ, chạy đến một chỗ vắng, lấy hết điện thoại và tài sản rồi bỏ anh bên lề đường.[45] Anh bị rất nhiều vết bầm tím trên mặt và cơ thể. Nguyễn Công Huân kể với phóng viên:

Chúng dùng thắt lưng vụt tới tấp vào tôi. Thằng khác lấy giày đạp liên tục vào mặt và cạnh sườn, chúng thổ nhiều đòn vào ngực và các bộ phận trên thân thể tôi.[46]

Nguyễn Công Huân sau khi bị hành hung ở Nghệ An ngày mồng 2 tháng Hai năm 2016. © 2016 nguồn ẩn danh

Nguyễn Công Huân là một nhà hoạt động nhân quyền đã biểu tình phản đối công ty thép Đài Loan Formosa gây ra thảm họa môi trường hồi tháng Tư năm 2016. Anh cũng lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động dân chủ bè bạn và tù nhân chính trị.

Vụ tấn công Đinh Hồng Quyền, ngày mồng 2 tháng Mười hai năm 2016

Đinh Hồng Quyền sau khi bị hành hung ở Hà Đông ngày mồng 2 tháng Mười hai năm 2016. © 2016 nguồn ẩn danh

Đinh Hồng Quyền là một nhà hoạt động nhân quyền tham gia biểu tình phản đối công ty thép Đài Loan Formosa gây ra thảm họa môi trường hồi tháng Tư năm 2016. Đinh Hồng Quyền đã tới khu vực trước Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội để bày tỏ sự ủng hộ với nhà hoạt động đất đai Cấn Thị Thêu trong phiên xử phúc thẩm vào ngày 30 tháng 11 năm 2016.[47]

Hai ngày sau đó, vào ngày mồng 2 tháng Mười hai năm 2016, Đinh Hồng Quyền bị một nhóm người mặc thường phục tấn công ở phường Yên Nghĩa (Hà Đông). Anh bị thương ở mũi.[48]

Các vụ tấn công ông Tô Oanh, ngày 13 tháng Bảy năm 2016 và 24 tháng Tư năm 2015

Là một nhà giáo đã nghỉ hưu, ông Tô Oanh trở thành người viết blog ủng hộ dân chủ và tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường.[49] Ông đã phát biểu về tự do báo chí ở Việt Nam trước phiên điều trần của Hạ Nghị viện Hoa Kỳ vào tháng Tư năm 2014.[50] Khi trở về Việt Nam, ông bị giữ ở sân bay Nội Bài và bị thẩm vấn nhiều giờ.

Buổi sáng ngày 13 tháng Bảy năm 2016, blogger Tô Oanh và vợ là bà Hoàng Thị Như Hoa đang đi trên một chiếc xe máy thì thấy một người đàn ông mặc thường phục đi theo họ rất lâu.[51] Khi họ đã cách nhà ở tỉnh Bắc Giang chừng 60 cây số thì người này ngoặt ngay trước đầu xe của ông Oanh khiến ông phải rẽ tránh đột ngột và bị đổ xe.[52] Người đàn ông này phóng xe đi mất sau cú ngã xe của ông Oanh. Theo lời vợ ông Oanh, ông bị “hai cục máu ở não… gãy một xương ở bên má” và nhiều vết bầm tím.[53] Ông phải đi khám, điều trị ở bệnh viện tỉnh Bắc Giang.[54] Vợ ông chỉ bị thương nhẹ.

Tô Oanh sau khi bị tấn công ở Bắc Giang ngày 13 tháng Bảy năm 2016. © 2016 nguồn ẩn danh

Đây không phải là lần đầu ông Tô Oanh bị tấn công. Ngày 24 tháng Tư năm 2015, khi ông đang đi xe máy tới xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thì một người đàn ông lạ tông xe vào ông rồi chạy mất. Ông Oanh bị thương ở đầu gối và khuỷu tay phải.[55] Ông đã phải hủy bỏ chuyến đi này.

Các vụ tấn công Lã Việt Dũng, ngày mồng 10 tháng Bảy năm 2016 và mồng 7 tháng Năm năm 2016

Buổi chiều ngày mồng 10 tháng Bảy năm 2016, Lã Việt Dũng tham gia một trận bóng đá, sau đó giao lưu cùng các thành viên khác của Câu lạc bộ Bóng đá No-U.[56] Trên đường về nhà, anh bị ba bốn người mặc thường phục tấn công bằng gạch và làm vỡ đầu.[57] Lã Việt Dũng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.[58]

Lã Việt Dũng sau khi bị hành hung ở Hà Nội ngày mồng 10 tháng Bảy năm 2016.  © 2016 nguồn khuyết danh/Dân Làm Báo

Lã Việt Dũng cũng từng bị tấn công cách đó hai tháng. Ngày mồng 7 tháng Năm năm 2016, có người ném đá làm vỡ cửa kính xe ô tô của anh nhằm đe dọa và ngăn cản anh tham gia cuộc biểu tình vì môi trường vào ngày hôm sau.[59] Lúc đó anh còn bị đài truyền hình trung ương nêu tên là phản động, chống phá chế độ.[60] Ngày 29 tháng Năm năm 2016, Lã Việt Dũng bị công an câu lưu một thời gian ngắn vì đã tọa kháng yên lặng ở nơi công cộng, yêu cầu chính quyền công bố kết quả điều tra vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại về sức khỏe khi ăn cá.[61]

Các thành viên của Câu lạc bộ Bóng đá No-U, được thành lập từ tháng Mười năm 2011 với tư cách một câu lạc bộ thể thao, gặp gỡ nhau hàng tuần để chơi bóng, trao đổi về chính trị, hỗ trợ các nhà hoạt động nhân quyền và tham gia các hoạt động xã hội trong đó có các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường.[62] Câu lạc bộ này liên tục bị công an theo dõi và sách nhiễu. Trong một bữa tiệc kỷ niệm bốn năm ngày thành lập câu lạc bộ vào tháng Mười năm 2015 ở một nhà hàng tại Hà Nội, nhiều người mặc thường phục xông vào đập phá bàn ghế và tấn công những người dự tiệc.[63]

Các vụ tấn công Đỗ Đức Hợp, ngày mồng 8 tháng 5 và 25 tháng Sáu năm 2016

Đỗ Đức Hợp sau khi bị tấn công ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25 tháng Sáu năm 2016. © 2016 nguồn ẩn danh

Ngày 25 tháng Sáu năm 2016, nhà hoạt động nhân quyền Đỗ Đức Hợp cùng vợ là Trần Thị Thược đi xe máy về nhà sau khi dự đám cưới của nhà hoạt động Huỳnh Công Thuận. Một nhóm người mặc thường phục chặn đường hai vợ chồng và hành hung Đỗ Đức Hợp. Một người dùng dao uy hiếp vợ Đỗ Đức Hợp không cho chị kêu cứu.[64] Anh bị sưng trán và tím bầm góc mắt phải.

Đây không phải là lần đầu Đỗ Đức Hợp bị hành hung. Ngày mồng 8 tháng Năm năm 2016, anh bị tấn công ngay bên ngoài đồn công an phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Sáng hôm đó, đặc vụ mặc thường phục đã chặn trước nhà ngăn cản không cho anh tham gia cuộc tuần hành vì môi trường. Một số nhà hoạt động đã bị bắt giữ vì tham gia biểu tình. Buổi chiều, Đỗ Đức Hợp đến đồn công an phường Bến Nghé để bày tỏ tình đoàn kết với những người bạn hoạt động đang bị câu lưu.

Đỗ Đức Hợp sau khi bị tấn công ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày mồng 8 tháng Năm năm 2016. © 2016 nguồn ẩn danh

Khi thấy một trong những người biểu tình bị đưa đi trên xe ô tô ngoài đồn công an, anh chụp vài tấm hình. Có khoảng sáu, bảy người mặc thường phục ào vào đánh đập và lôi
anh vào đồn công an. Trong một đoạn băng ghi hình do Dân Làm Báo đăng tải, Đỗ Đức Hợp nói rằng anh bị “đấm đá liên tục.”[65]

Họ cứ đấm đá tôi, vào mặt vào người; họ bẻ tay tôi, còn môi thì họ cứ giộng thẳng vào. Tôi cố che mặt, nhưng mà họ bẻ tay tôi để đấm tôi… rồi một người khác đá vào sườn tôi.[66]

Tới buổi tối cùng ngày hôm đó, Đỗ Đức Hợp mới được thả. Anh bị rất nhiều vết bầm dập. Vào ngày 1 tháng Năm năm 2016, một số người đàn ông mặc thường phục câu lưu và đánh Đỗ Đức Hợp cùng các bạn hoạt động khác của anh như chị Dương Thị Tân, và hai cựu tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú và Phạm Thanh Nghiên, nhằm ngăn cản họ tham gia tuần hành bảo vệ môi trường.

Đỗ Đức Hợp sau khi bị tấn công ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày mồng 8 tháng Năm năm 2016.  © 2016 nguồn ẩn danh

Vụ tấn công Mai Thị Dung, ngày 22 tháng Sáu năm 2016

Buổi sáng ngày 22 tháng Sáu năm 2016, công an ngăn cản cựu tù nhân chính trị Mai Thị Dung tham dự lễ kỷ niệm ngày thành lập Phật giáo Hòa Hảo ở Quang Minh Tự, một ngôi chùa Phật giáo Hòa Hảo độc lập ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Theo lời chồng bà Mai Thị Dung, ông Võ Văn Bửu, cũng là một cựu tù nhân chính trị, bà Mai Thị Dung cùng con gái Võ Thị Tuyết Linh rời nhà từ huyện Chợ Mới để đi đến Quang Minh Tự thì bị hơn một chục người chặn đường và buộc họ quay về.[67]

Bốn năm người vây đánh vợ tôi đến sưng môi. Họ cũng lấy nón bảo hiểm đánh vào phía sau.[68]

Bà Mai Thị Dung là một nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo đã tham dự rất nhiều cuộc biểu tình phản đối đàn áp các nhóm tôn giáo không được chính quyền công nhận. Trong đợt đàn áp các nhóm Phật giáo Hòa Hảo độc lập hồi năm 2005, chính quyền kết án bà gây rối trật tự công cộng theo điều 245 bộ luật hình sự và xử bà năm năm tù. Năm 2007, trong khi đang thụ án tù, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long lại xử bà về tội tham gia một cuộc biểu tình của các nhóm Phật giáo Hòa Hảo độc lập từ năm 2001 và kết án bà thêm sáu năm tù, cũng với tội danh theo điều 245. Tháng Tư năm 2015, do áp lực trong nước và quốc tế, bà được phóng thích. Chồng bà, ông Võ Văn Bửu cũng bị bắt năm 2005 và bị kết án bảy năm tù. Ông hoàn thành bản án vào tháng Tám năm 2012. Cả hai vợ chồng bà luôn bị công an theo dõi.

Các vụ tấn công Nguyễn Văn Thạnh, ngày mồng 5 tháng Sáu năm 2016 và mồng 4 tháng Tám năm 2015

Nguyễn Văn Thạnh sau khi bị tấn công ở Đà Nẵng ngày mồng 5 tháng Sáu năm 2016. © 2016 nguồn ẩn danh

Sáng ngày mồng 5 tháng Sáu năm 2016, Nguyễn Văn Thạnh đang ở trong một quán cà phê ngoài cổng trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng thì bị một thanh niên lạ mặt tới giật túi xách đựng những bài viết chính trị xã hội của anh.[69] Hung thủ đấm vào mặt anh. Một lúc sau, một nhóm rất đông công an mặc sắc phục, an ninh mặc thường phục và dân phòng đến áp giải Nguyễn Văn Thạnh về đồn công an phường Mỹ An, Đà Nẵng, nơi anh bị câu lưu suốt mấy tiếng.[70] Ở trong đồn công an, anh không được khám chấn thương mà lại còn bị công an thẩm vấn về nội dung những bài viết.[71] Sau khi được thả, anh đã đến bệnh viện Đà Nẵng để khám, chữa trị nhiều vết thương trên mặt.[72]

Nguyễn Văn Thạnh sau khi bị hành hung ở Đà Nẵng ngày mồng 4 tháng Tám năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh/Thanh’s Blog

Đây không phải lần đầu tiên Nguyễn Văn Thạnh bị tấn công. Vào ngày mồng 4 tháng Tám năm 2015, khi đang đi trên xe máy ở phường Khuê Mỹ, Đà Nẵng thì bị năm người tấn công. Những kẻ thủ ác túm cổ áo và liên tục đấm đá anh.[73] Nguyễn Văn Thạnh đã tới công an phường Khuê Mỹ trình báo về vụ tấn công.[74]

Nguyễn Văn Thạnh là một kỹ sư hóa, sống ở Đà Nẵng từ năm 2002. Năm 2010, anh bắt đầu viết blog bình luận về những vấn đề chính trị xã hội. Anh cũng đăng các bài viết của mình trên các trang mạng độc lập như Bauxite Việt Nam và Diễn đàn Xã hội Dân sự. Nguyễn Văn Thạnh thường xuyên bị sách nhiễu, đe dọa, bao gồm cả việc bị kiểm tra hộ khẩu giữa ban đêm, dọa nạt người nhà khuyên can anh dừng hoạt động, thậm chí gây sức ép để chủ nhà lấy lại nhà không cho anh thuê. Anh đã từng bị hành hung bốn lần khác vào các ngày mồng 10, 12 và 18 tháng Mười hai năm 2013 và vào ngày 16 tháng Hai năm 2014.

Đe dọa và tấn công các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, ngày mồng 2 và mồng 3 tháng Sáu năm 2016

Ngày mồng 2 tháng Sáu năm 2016, hai tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Điền và Nguyễn Văn Thơ đang trên đường về nhà sau khi tới thăm cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Lía ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thì bị những kẻ lạ mặt chặn đường dọa giết.[75]

Đêm hôm đó và sáng sớm hôm sau, ngày mồng 3 tháng Sáu, một nhóm người lạ mặt khác ném mắm tôm thối vào nhà ông Nguyễn Ngọc Tân và ném đá vào nhà ông Nguyễn Văn Hầu ở tỉnh Vĩnh Long.[76] Cả hai ông đều là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập.

Mối ác cảm của cộng sản đối với Phật giáo Hòa Hảo có từ cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946 – 1954) khi nhiều thành viên trong cộng đồng Hòa Hảo chống lại chính quyền Việt Minh do cộng sản lãnh đạo, sau khi Huỳnh Phú Sổ, nhà lãnh đạo tinh thần của giáo phái này, bị cộng sản ám sát.[77] Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1954 – 1975), các cứ địa của Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chống lại các hoạt động du kích Việt Cộng.[78] Hiềm khích giữa cộng đồng Hòa Hảo và Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975. Năm 1999, chính quyền Việt Nam công nhận Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo.[79] Tuy nhiên, nhiều tín đồ từ chối tham gia Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo do nhà nước quản lý và họ bị theo dõi, đàn áp gắt gao.[80]

Vụ tấn công Nguyễn Phương ngày 19 tháng Năm năm 2016

Buổi tối ngày 19 tháng Năm năm 2016, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Phương đi xe máy từ nhà riêng ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu đến Thành phố Hồ Chí Minh.[81]

Nguyễn Phương sau khi bị hành hung ngày 19 tháng Năm năm 2016 ở Bà Rịa – Vũng Tàu. © 2016 nguồn ẩn danh

Theo ông Nguyễn Phương:

Khi ra khỏi nhà 2 tên an ninh theo sau tôi đến địa bàn xã Nghĩa Thành thì ép xe tôi, tên ngồi sau dùng nón bảo hiểm chọi thì tôi đỡ được và quay đầu xe chạy, sau đó điện 2 em trai đưa tôi về Bà Rịa thì gặp 2 tên này chặn, lúc đấy có công an giao thông đi cùng, tôi bị đánh trước mặt công an giao thông trước sự chứng kiến của nhiều người dân bên đường nhưng CSGT không can thiệp.[82]

Sau đó công an câu lưu Nguyễn Phương và áp giải ông về trụ sở công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu.[83] Ông được thả ra vài giờ sau đó.

Nguyễn Phương là một nhà hoạt động nhân quyền từng tham gia các cuộc biểu tình vì môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng Năm năm 2016. Ông đã công khai ủng hộ các tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức[84] và Cấn Thị Thêu,[85] và tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội tháng Năm năm 2016.[86]

Các vụ tấn công Trần Thị Hồng, ngày 30 tháng Ba, ngày 14 tháng Tư và ngày 13 tháng Năm năm 2016

Ngày 30 tháng Ba năm 2016, Trần Thị Hồng dự định đến gặp ông David Saperstein, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ cùng các nhân viên của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ để nói về tình hình “Giáo hội Lutheran trên vùng cao nguyên” và “tình trạng đàn áp của quản giáo đối với các tù nhân lương tâm sắc tộc.”[87] Trên đường đến khách sạn, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ, nhiều người mặc thường phục chặn xe và yêu cầu bà về đồn công an. Khi bà không chịu làm theo, những người này bẻ tay, túm tóc và lôi bà đi.[88] Họ lấy xe máy của bà và đưa bà lên một chiếc xe taxi để về lại nhà. Sau khi biết tin bà Hồng bị cản trở không tới dự cuộc gặp được, Đại sứ Saperstein và các thành viên khác của phái đoàn Hoa Kỳ đã đến nhà riêng để gặp bà.[89]

Ngày 14 tháng Tư, chính quyền triệu tập Trần Thị Hồng tới trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai để chất vấn về cuộc gặp với phái đoàn Hoa Kỳ.[90] Khi bà từ chối đi, bốn người túm chân túm tay và dùng xe ô tô đưa bà tới trụ sở. Họ khiêng bà vào một căn phòng trên tầng ba, ở đó bà bị một người phụ nữ tát.[91] Theo lời bà Hồng, hai người phụ nữ đã túm tóc lôi bà. Họ dẫm lên chân và đấm bà.[92] Bà bị câu lưu ở đó vài giờ rồi được thả về.

Trong các ngày 11, 12, 13 và 14 tháng Năm năm 2016, chính quyền liên tục đến nhà bà Hồng và ép buộc bà tới trụ sở, vẫn nhằm chất vấn về cuộc gặp ngày 30 tháng Ba. Bà nói trong ngày 13 tháng Năm, bà đã bị hành hung tại đồn công an phường Hoa Lư.[93]

Đã từ lâu nay, gia đình bà bị chính quyền đàn áp. Chồng bà, mục sư Nguyễn Công Chính, bị bắt hồi tháng Tư năm 2011 và xử về tội “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” theo điều 87 bộ luật hình sự. Ông đang phải thụ án tù 11 năm. Được biết, ở trong tù ông đã chịu nhiều cảnh vi phạm nhân quyền, trong đó có việc bị các tù nhân khác đánh đập trước sự làm ngơ của quản giáo.

Vụ tấn công Linh mục Nguyễn Văn Thế, ngày mồng 7 tháng Năm năm 2016

Ngày mồng 7 tháng Năm năm 2016, Nguyễn Văn Thế, linh mục giáo xứ Đồng Chương, giáo phận Bắc Ninh, đang trên đường đi từ xã Hợp Hòa tới thị trấn Sơn Dương, thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thì bị bốn người đàn ông lạ mặt đeo khẩu trang và mũ bảo hiểm tấn công. LM Nguyễn Văn Phong kể với Đài RFA rằng những người này “đánh [LM Thế] vào mặt, vào đầu, vào tay chân, vào người.”[94] Trong một bài phỏng vấn trên trang mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo, LM Nguyễn Văn Thế nói với phóng viên rằng những người đàn ông này “đánh đập tới tấp vào tôi.”[95] LM Thế cho rằng nguyên nhân của vụ hành hung có thể là vì ông đã “can thiệp vào việc khai thác cát trái phép trên sông Lô và lên án nhà cầm quyền huyện Sơn Dương cố tình chiếm đất của giáo xứ.”[96]

LM Nguyễn Văn Thế bị nhiều vết thương nặng trong vụ tấn công, và phải vào bệnh viện Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ để chữa trị. Ông bị nhiều vết rách và bầm tím trên hai cánh tay, bàn tay và đầu gối phải. Vụ việc đã được trình báo với công an địa phương.

Vụ tấn công Nguyễn Ngọc Tân và Nguyễn Thị Liên, ngày 22 tháng Tư năm 2016

Ngày 22 tháng Tư năm 2016, hai tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập Nguyễn Ngọc Tân và Nguyễn Thị Liên đang trên đường về nhà sau khi dự lễ cầu nguyện tại nhà một đồng đạo, nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo Lê Văn Sóc ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long thì bị những người mặc thường phục tấn công. Lê Văn Sóc kể với Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do rằng những người này tách Nguyễn Ngọc Tân và Nguyễn Thị Liên ra khỏi một nhóm sáu người và hành hung họ.[97]

Nó đạp xe, xe ngã xuống thì 4 người nhảy xuống đánh cô [Nguyễn Thị Liên] và đánh Nguyễn Ngọc Tân. Hai người đạp vào người cô này.[98]

Nguyễn Ngọc Tân bị nhiều vết bầm và Nguyễn Thị Liên phải vào bệnh viện cấp cứu.[99] Ngày mồng 3 tháng Sáu năm 2016, những người lạ mặt ném mắm tôm vào nhà Nguyễn Ngọc Tân ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Vụ tấn công Nguyễn Đình Cương, ngày 14 tháng Tư năm 2016

Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Đình Cương đang trên đường về nhà sau khi dự một lễ ăn hỏi vào ngày 14 tháng Tư năm 2016 thì bị công an chặn xe và đưa về trụ sở công an xã Diễn Đông, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Anh kể với một phóng viên tự do từ trang Thanh niên Công giáo rằng ở đồn công an

mấy tên công an mặc thường phục đã nhảy vào đánh đấm liên tục vào người, cổ và vào đầu tôi. Họ còn lấy cốc nước uống đánh vào đầu tôi nữa.[100]

Anh nói rằng công an cũng lột mất chiếc áo phông anh đang mặc có dòng chữ “No China.”

Trước đó, Nguyễn Đình Cương đã bị bắt hồi tháng Mười hai năm 2011 vì bị cho là đã “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị kết án bốn năm tù. Anh hiện đang chịu bốn năm quản chế, và không được ra khỏi phạm vi xã đang cư trú.

Vụ tấn công Trương Văn Dũng, Trung Nghĩa, Từ Anh Tú, và Cấn Thị Thêu, ngày mồng 8 tháng Tư năm 2016

Từ Anh Tú sau khi bị hành hung ở Hà Nội ngày mồng 8 tháng Tư năm 2016. © 2016 nguồn khuyết danh/Tin Mừng Cho Người Nghèo

Ngày mồng 8 tháng Tư năm 2016, vài chục nhà hoạt động nhân quyền tụ tập tại một quán cà phê gần Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội để kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Khối dân chủ 8406. Những người tham gia quyết định tuần hành đòi thả luật sư nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà bị bắt hồi tháng Mười hai năm 2015 với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Công an đã giải tán cuộc tuần hành và câu lưu bảy nhà hoạt động.

Một nhân chứng tên là Mai Phương Thảo (còn gọi là Thảo Teresa) cho biết chị nhìn thấy nhiều người mặc thường phục đánh nhà hoạt động Trương Văn Dũng. Họ cũng túm cổ nhà hoạt động Trung Nghĩa, kẹp cổ và lôi anh lên một chiếc xe buýt do công an dùng để chở những người bị bắt, rồi đưa anh về một đồn công an. Nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Cấn Thị Thêu kể lại rằng những người đàn ông mặc thường phục đập gáy bà vào thành xe buýt.[101] Nhà hoạt động nhân quyền Từ Anh Tú thuật lại sự việc với một nhà báo tự do:

Hôm nay, kỷ niệm thành lập 10 năm Khối 8406 thì một số anh em hẹn nhau, gặp gỡ nhau tại quán cà phê và đồng thời kêu gọi trả tự do cho anh Nguyễn Văn Đài. Mọi người mới gặp nhau khoảng 30 phút thì công an yêu cầu chủ quán đóng quán, rồi công an bắt bớ mọi người. Tôi thấy công an bắt một người bạn của tôi là Thái Văn Dung, tôi lao vào kéo bạn tôi ra nhưng không được, công an xúm vào đánh đập tôi, lúc họ lôi tôi bị ngã, công an đã xúm vào, lấy giày đạp vào mặt tôi. Hiện nay, tôi rất nhức đầu.[102]

Vụ tấn công tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, ngày mồng 2 tháng Tư năm 2016

Nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập bị tấn công trong ngày mồng 2 tháng Tư năm 2016 khi họ tới chùa Quang Minh ở thôn Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới ở tỉnh An Giang để tưởng niệm ngày giỗ của nhà sáng lập Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ. Nguyễn Văn Lía, một cựu tù nhân chính trị bị xử án vì lý do tín ngưỡng, đã bị những người mặc thường phục chặn đường và đấm vào mặt.[103] Một nhóm 14 nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo trong đó có Đinh Thị Hồng Trang và Cao Văn Hùng tới giúp Nguyễn Văn Lía thì bị một nhóm khoảng 40 người mặc thường phục tấn công.[104]

Vụ tấn công Trần Minh Nhật, ngày 22 tháng Hai năm 2016

Cựu tù nhân chính trị Trần Minh Nhật và gia đình bị một nhóm người mặc thường phục tấn công vào buổi tối ngày 22 tháng Hai năm 2016 khi họ tụ tập xung quanh nhà anh và chửi bới. Khi Trần Minh Nhật mở cửa xem ai đang ở bên ngoài, thì một người ném đá trúng và làm vỡ đầu anh.[105] Khi người nhà tìm cách đưa anh tới bệnh viện thì những người này chặn đường và dọa đánh họ. Gia đình Nhật đành phải đưa anh tới nhà người anh trai.

Trần Minh Nhật sau khi bị hành hung ở Lâm Đồng ngày 22 tháng Hai năm 2016. © 2016 nguồn ẩn danh/Dân Làm Báo

Đây không phải là lần đầu tiên Trần Minh Nhật bị hành hung. Ngày mồng 8 tháng 11 năm 2015, anh đón xe buýt về tỉnh Lâm Đồng sau khi tới Thành phố Hồ Chí Minh để đi khám bệnh và gặp gỡ giới chức Lãnh sự quán Hoa Kỳ. Lực lượng an ninh chặn xe buýt tại thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) và bắt giữ anh. Một người đàn ông túm tóc anh và giật sợi dây chuyền thánh giá anh đang đeo trên cổ. Những người khác túm chân túm tay lôi anh xuống xe buýt. Khi Nhật kêu cứu, các nhân viên an ninh tát, bịt miệng, bóp cổ và đá anh để cưỡng bức anh về đồn công an Đinh Văn.[106] Công an buộc tội anh vi phạm điều kiện quản chế vì đã đi tới Thành phố Hồ Chí Minh.[107]

Trần Minh Nhật nói rằng anh lại tiếp tục bị đánh trong thời gian câu lưu: “Thiếu tá Lê Văn Hướng… cho tôi một tát vào đầu, nhéo tai và dúi vào đầu tôi.”[108] Anh cũng nói rằng hai công an viên tên Minh và Long bóp cổ, bẻ tay trái và đánh vào bụng anh.[109] Anh đã gửi đơn khiếu nại tới công an tỉnh Lâm Đồng, nhưng không có tác dụng gì. Chín ngày sau đó, khi Trần Minh Nhật và cha mình đi tới trạm xá huyện Lâm Hà, công an lại câu lưu anh về tội vi phạm quản chế. Trong lúc câu lưu, viên công an tên Minh bóp cổ Nhật và dồn anh vào một thân cây.[110] Vào ngày 16 tháng Tư năm 2016, nhân viên an ninh xông vào vườn nhà Nhật và hành hung anh em Nhật.

Trần Minh Nhật sau khi bị hành hung ở Lâm Đồng ngày mồng 8 tháng Mười một năm 2015. © 2015 nguồn khuyết danh / Defend the Defenders

Trần Minh Nhật bị bắt lần đầu vào tháng Tám năm 2011 vì bị nghi có liên quan tới đảng chính trị hải ngoại Việt Tân bị cấm ở Việt Nam. Anh bị truy tố về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ luật hình sự, rồi phải thụ án tù bốn năm, sau đó còn bị lệnh quản chế thêm ba năm nữa sau khi ra tù hồi tháng Tám năm 2015. Sau khi anh ra tù, gia đình anh nhiều lần bị sách nhiễu và dọa nạt. Côn đồ lạ mặt ném đá vào nhà họ, đánh thuốc độc đàn gà, phun hóa chất giết hại vườn cây trà và hồ tiêu, và phá vườn cà phê và quả bơ của gia đình. Trần Minh Nhật và gia đình đã trình báo những sự việc này với chính quyền địa phương nhưng không có tác dụng gì.[111]

Ngày mồng 7 tháng Tư năm 2016, Trần Minh Nhật nói rằng một nhân viên ngoại giao nước ngoài đã phải hủy cuộc hẹn với anh ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với lý do được biết là chính quyền Việt Nam đưa ra cảnh báo về nguy cơ không an toàn.[112] Theo Trần Minh Nhật, vào ngày cuộc hẹn dự định sẽ diễn ra, nhân viên an ninh gác tất cả các ngả đường ngăn không cho Trần Minh Nhật rời nhà. Đá cũng được mang đổ giữa đường bên ngoài nhà Nhật để ngăn khách tới thăm không vào được nhà.[113]

Vụ tấn công Trần Thị Nga, ngày 21 tháng Hai năm 2016

Vào tháng Năm năm 2014, nhà hoạt động Trần Thị Nga (cũng được biết đến với tên khác là Trần Thúy Nga) bị một nhóm năm người tấn công và dùng ống sắt đánh đập. Chị được đưa tới bệnh viện và sau đó được chẩn đoán bị gãy xương tay và chân.[114]

Côn đồ áp dụng hình thức tấn công nhẹ tay hơn trong vụ ngày 21 tháng Hai năm 2016, khi họ ném mắm tôm vào Trần Thị Nga và hai con trai, Phú lên năm và Tài mới lên ba, khi ba mẹ con chị đang đi về nhà từ một siêu thị ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.[115] Trần Thị Nga bị đau một bên mắt do mắm tôm ném vào, và Phú bị dị ứng.[116]

Trần Thị Nga sau khi bị hành hung ở Hà Nội ngày 25 tháng Năm năm 2014. © 2014 nguồn khuyết danh/Dân Làm Báo

Trần Thị Nga là một nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động đã nhiều năm. Năm 2003, chị đi làm việc ở Đài Loan. Năm 2005, chị bị thương trong một tai nạn giao thông, và không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào của chính phủ Việt Nam lẫn công ty chủ quản. Từ năm 2005 đến năm 2008, trong khi đang điều trị và theo đuổi vụ liên quan đến tai nạn nói trên, chị được một tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan trợ giúp và được khai tâm về luật lao động và quyền của người lao động. Năm 2008, Trần Thị Nga về Việt Nam và tích cực giúp đỡ những người lao động phải chịu cảnh ngược đãi tương tự như mình. Chị tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường, tới khu vực các phiên tòa xử các blogger và nhà hoạt động nhân quyền, và tới thăm nhà các tù nhân chính trị để bày tỏ tình đoàn kết. Chị từng giữ vai trò thành viên ban điều hành tổ chức Phụ nữ Việt Nam Vì Nhân quyền, được thành lập từ tháng Mười một năm 2013.

Trần Thị Nga đã liên tục bị đe dọa, sách nhiễu, câu lưu, thẩm vấn và hành hung chỉ vì các hoạt động xã hội của chị.[117] Tháng Ba năm 2015, chị bị những người mặc thường phục, mà chị tin là lực lượng an ninh, chặn bắt ở Hà Nội và đưa về nhà ở tỉnh Hà Nam. Trên đường đi, một người bẻ cổ và bịt miệng khiến chị không kêu cứu được. Hai người khác khóa tay chị và hai chân trong khi người thứ tư tát và đấm chị.[118]

Tháng Giêng năm 2017, công an tỉnh Hà Nam bắt giữ Trần Thị Nga và cáo buộc chị tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự.

Vụ tấn công Linh mục Đặng Hữu Nam ngày 31 tháng Mười hai năm 2015

Buổi tối ngày 31 tháng Mười hai năm 2015, LM Đặng Hữu Nam ở giáo xứ Phú Yên (giáo phận Vinh) bị nhiều người tấn công ngay bên ngoài trụ sở Ủy ban Nhân dân xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau đó LM Nam kể với phóng viên mạng lưới truyền thông SBTN rằng:

một nhóm côn đồ khoảng 10 người nhảy ra chặn xe bắt dừng lại. Họ nhảy vào đạp tôi ngã xuống đường rồi tiếp tục đánh đập. Sau đó, bọn họ còn đạp tôi ngã xuống kênh nước bên đường. Sự việc này xảy ra trước sự chứng kiến của công an địa phương xã An Hòa. Tuy nhiên, phía công an không tới can ngăn mà chỉ đứng nhìn côn đồ hành hung, đánh đập tôi.[119]

Ngay khi nghe tin về vụ tấn công, các tín đồ Công giáo trong khu vực lập tức đến nơi xảy ra vụ việc để hỗ trợ LM Nam. Họ khống chế được một người trong số các hung thủ và sau đó công an huyện Quỳnh Lưu giải đi.[120] LM Nam nghi rằng vụ tấn công có thể là một hành vi trả thù vì một bài giảng đạo ông đã thực hiện ở giáo xứ Xuân Kiều hồi tháng Mười năm 2015, trong đó ông khuyên giáo dân đừng tin lời những người cộng sản.[121]

Đây là một trường hợp hãn hữu về truy cứu trách nhiệm trong các vụ tấn công kiểu này. Ngày 19 tháng Giêng năm 2016, công an huyện Quỳnh Lưu thông báo với LM Đặng Hữu Nam rằng họ đã khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” với ba đối tượng liên quan đến vụ việc, và một vụ đối với trưởng công an xã Hồ Ngọc Trung và phó công an xã Phạm Ngọc Hữu vì đã “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”[122] Cả Hồ Ngọc Trung và Phạm Ngọc Hữu đều bị đình chỉ công tác.

Sau này, phía lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu đã cùng với hai đương sự đến tận giáo xứ Phú Yên để nhận lỗi. Linh mục Đặng Hữu Nam đã tha thứ và viết giấy bãi nại miễn truy tố hình sự cho họ. Hai công an liên quan đến vụ việc này sau đó được chuyển qua lực lượng công an ở xã khác.

Vụ tấn công Nguyễn Văn Đài, Lý Quang Sơn, Vũ Văn Minh (tên khác là Vũ Đức Minh), và Lê Mạnh Thắng ngày mồng 6 tháng 12 năm 2015

Nhà vận động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài cùng ba nhà hoạt động khác bị hành hung dã man trong buổi sáng ngày mồng 6 tháng Mười hai năm 2015. Để chào mừng Ngày Nhân quyền Quốc tế, Nguyễn Văn Đài có một cuộc nói chuyện về quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, sau đó có một cuộc thảo luận mở, tại giáo xứ Vạn Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Buổi chiều hôm đó, Nguyễn Văn Đài về lại Hà Nội, cùng đi có các nhà hoạt động Lý Quang Sơn, Vũ Văn Minh (còn gọi là Vũ Đức Minh) và Lê Mạnh Thắng. Xe taxi chở họ bị một nhóm hơn chục người mặc thường phục và đeo khẩu trang chặn lại. Nguyễn Văn Đài kể với phóng viên Đài Á châu Tự do rằng ông bị những người này lôi ra khỏi xe taxi, đánh bằng gậy gỗ vào đùi và vai, rồi kéo ông vào trong xe của họ.[123] Trong xe họ tiếp tục đánh đập:

Họ dùng tay tát liên tục vào mặt… rồi đánh vào mang tai, vào mồm… Khi chở tôi đến bãi tắm Cửa Lò, họ tiếp tục lột hết cả áo rét và giày. Họ đẩy tôi xuống bãi biển rồi bỏ đi.[124]

Nguyễn Văn Đài sau khi bị hành hung ở Nghệ An ngày mồng 6 tháng Mười hai năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh/Tin Mừng Cho Người Nghèo

Ba nhà hoạt động khác cũng bị đánh tàn bạo. Theo lời kể của Lý Quang Sơn:

Vũ Văn Minh bị bọn côn đồ cố lôi ra, họ cầm gậy liên tiếp quất… vào chân bạn Minh.[125] Chúng lôi anh bạn Thắng (ở cửa bên trái) ra ngoài, vừa lôi vừa cầm gậy vụt vào ngực Thắng, bạn Minh liền giữ lấy Thắng, còn tôi thì đưa tay ra bắt lấy gậy của nó. Tôi giằng co cái gậy được khoảng 5s thì bị một thằng khác vụt vào tay, tôi phải buông gậy, tôi dùng chân đạp vào mặt và đầu của chúng thì bị chúng đánh vào mắt cá chân, ống đồng và bắp chân, bạn Minh cũng không giữ nổi Thắng nữa.[126]

Chân của Lý Quang Sơn sau khi bị hành hung ở Nghệ An ngày mồng 6 tháng Mười hai năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh

Lý Quang Sơn nói rằng những người này dùng một chiếc xe ô tô chở Lê Mạnh Thắng đến một chỗ vắng vẻ, đoạt lấy máy điện thoại và ví của anh, rồi bỏ mặc anh trên đường. Trên đường đi, những người này đấm Thắng vào mặt và vào người.[127] Theo lời Nguyễn Văn Đài và Lý Quang Sơn, người lái xe taxi cũng bị những người này đánh đập.

Ngày 16 tháng Mười hai năm 2015, công an bắt Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà và cáo buộc họ tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự. Đến đầu tháng Năm năm 2017, Nguyễn Văn Đài vẫn bị tạm giam để điều tra.

Nguyễn Văn Đài sau khi bị hành hung ở Hà Nội ngày mồng 8 tháng Năm năm 2014. © 2014 nguồn ẩn danh

Vụ việc ngày mồng 6 tháng Mười hai không phải là lần đầu tiên Nguyễn Văn Đài bị tấn công kiểu này. Hồi tháng Năm năm 2014, khi đang ở trong một quán cà phê ở Hà Nội cùng một số nhà hoạt động nhân quyền, một nhóm người kéo vào quán, ném ly vào người ông và đánh ông.[128] Trong tháng Giêng và tháng Ba năm 2015, nhiều nhóm người tấn công ngôi nhà ông và tìm cách phá cửa chính.[129]

Nguyễn Văn Đài, 47 tuổi, từng là một luật sư nhân quyền đã hỗ trợ thành lập nhiều nhóm ủng hộ nhân quyền, trong đó có Công đoàn Việt Nam Độc lập và khối 8406. Ông bị bắt vào tháng Ba năm 2007 và bị kết án năm năm tù. Tháng Mười một năm 2007, tòa án phúc thẩm giảm mức án xuống còn bốn năm.[130]

Tháng Tư năm 2013, Nguyễn Văn Đài giúp thành lập Hội Anh em Dân chủ nhằm “bảo vệ các quyền con người được công nhận trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế” và “xây dựng một xã hội Việt Nam dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh.”

Nguyễn Văn Đài đã được nhận Giải Hellman Hammett năm 2007.[131]

Vụ tấn công Nguyễn Năng Tĩnh ngày 24 tháng Mười một năm 2015

Nguyễn Năng Tĩnh sau khi bị hành hung ở Nghệ An ngày 24 tháng Mười một năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh

Ngày 24 tháng Mười một năm 2015, tám người đàn ông mặc thường phục tấn công nhà hoạt động Công giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở cầu Bến Thủy nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Những người này tước điện thoại và ví rồi đánh đập anh.[132]

Đây không phải lần đầu tiên Nguyễn Năng Tĩnh bị hành hung. Tháng Năm năm 2014, anh bị một người dân phòng chặn ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Rồi một nhóm người mặc thường phục bao vây và đánh đập anh trước mặt rất nhiều công an mặc sắc phục mà họ

không hề can thiệp.[133] Những người này đánh vào mặt và làm anh đổ máu mồm. Nguyễn Năng Tĩnh đã trình báo vụ hành hung với công an.[134]

Vụ tấn công Trịnh Anh Tuấn, ngày 30 tháng Mười năm 2015

Blogger Trịnh Anh Tuấn (bút danh Gió Lang Thang) bị hành hung vào buổi chiều ngày 30 tháng Mười năm 2015, khi khoảng 10 người đàn ông mặc thường phục bao vây nhà anh và ngăn cản anh không cho đi đâu. Khi anh cố tìm cách rời nhà, một người, theo Tuấn là thuộc lực lượng dân phòng, chửi bới và cào xước mặt và cổ anh.[135] Theo blogger Phạm Đoan Trang, trong số những người chứng kiến việc đánh đập có một công an phường sở tại tên Huy.[136]

Đây không phải là lần đầu tiên Trịnh Anh Tuấn bị tấn công. Buổi sáng ngày 22 tháng Tư năm 2015, ba người lạ mặt đẩy anh ngã xe máy và đánh anh ngay gần nhà ở quận Long Biên, Hà Nội.[137] Anh nói với phóng viên Đài Á châu Tự do, “Bị đánh, tôi bỏ chạy nhưng họ đuổi theo.

Trịnh Anh Tuấn sau khi bị hành hung ở Hà Nội ngày 22 tháng Tư năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh

Đánh tiếp và xô ngã xuống rồi họ lấy gạch lát đường đánh tôi vào đầu chảy máu.”[138] Anh đã trình báo vụ tấn công với công an quận Long Biên. Chưa đến bốn tháng sau đó, công an thông báo với anh họ đã “tạm dừng điều tra” vì “không xác định được thủ phạm.”[139]

Trịnh Anh Tuấn cũng đã bị tấn công vào tháng Ba năm 2014 sau khi dự cuộc thảo luận về quyền tự do đi lại do Mạng lưới Blogger Việt Nam tổ chức ở một quán cà phê tại Hà Nội.[140] Sau khi rời cuộc thảo luận, ba người mặc thường phục theo anh, đẩy anh ngã xe và đánh anh ngay giữa đường.[141] Anh bị nhiều vết xây xước và bầm dập.[142] Điện thoại di động của anh cũng bị đập vỡ.

Vụ tấn công Chu Mạnh Sơn, Trần Thị Nga, Trương Minh Tam, Lê Thị Hương, Phan Văn Khanh và Lê Đình Lượng, ngày 28 tháng Tám năm 2015

Trương Minh Tam sau khi bị hành hung ở Lâm Đồng ngày 28 tháng Tám năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh/ Dân Làm Báo

Chu Mạnh Sơn sau khi bị hành hung ở Lâm Đồng ngày 28 tháng Tám năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh/Dân Làm Báo

Buổi sáng ngày 28 tháng Tám năm 2015, sáu người – cựu tù nhân chính trị Chu Mạnh Sơn, nhà hoạt động Trần Thị Nga, Trương Minh Tam, hai vợ chồng Lê Thị Hương và Phan Văn Khanh, và Lê Đình Lượng bị hành hung sau khi tới thăm Trần Minh Nhật ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Trần Minh Nhật khi đó mới được trả tự do sau khi đã hoàn tất bản án bốnnăm tù vì bị cho là có liên quan với đảng chính trị hải ngoại Việt Tân. Tổng cộng khoảng hơn chục nhà hoạt động và blogger đã tới nhà để mừng anh ra tù.[143] Sáng ngày hôm sau, Trương Minh Tam, Trần Thị Nga và Chu Mạnh Sơn đón xe buýt đi thành phố Đà Lạt.[144] Xe buýt của họ bị một nhóm chừng 20 người mặc thường phục chặn lại, 3 người trong số đó xông lên xe và lôi họ xuống. Một người đàn ông bịt miệng Trần Thị Nga, đấm và đá chị.[145] Bốn người đá Chu Mạnh Sơn ngã xuống đất, đấm, đá vào đầu anh. Mấy người khác tấn công Trương Minh Tam.[146]

Một nhóm khác trong số các nhà hoạt động rời nhà Trần Minh Nhật lên một chiếc xe buýt đi Thành phố Hồ Chí Minh, xe buýt của họ cũng bị chặn và họ bị tấn công. Các nhà hoạt động cho biết đã bị đánh đập gồm có Lê Thị Hương, anh Phan Văn Khanh chồng chị và người bạn hoạt động Lê Đình Lượng.[147] Lê Thị Hương kể với một nhà báo tự do rằng bốn người lên xe buýt và đánh hai vợ chồng chị “liên tục vào đầu, vào mặt, vào người.” Vụ việc hành hung không dừng ở đó. Theo lời chị kể:

họ lôi tôi và anh Khanh xuống khỏi xe rồi họ dùng chân đá vào bụng, vào lưng tôi. Họ còn dùng chân đi giày đen đạp vào đầu tôi sau khi xô tôi ngã xuống mặt đường. Riêng chồng tôi bị chúng dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt. Chúng đánh chừng khoảng hơn 10 phút rồi mới dừng lại và rút lui. Đến hôm nay đầu tôi vẫn đang còn u nổi cục, mặt vẫn còn nhiều vết sưng và toàn thân đau nhức.[148]

Lê Đình Lượng sau khi bị hành hung ở Lâm Đồng ngày 28 tháng Tám năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh/Dân Làm Báo

Những người này cũng lôi anh Lê Đình Lượng khỏi xe buýt và đánh anh liên tục. Anh tả lại vụ tấn công như sau:

Họ giật lấy máy tính bảng của tôi và đập nát vào thành xe. Họ khống chế và đánh túi bụi vào mặt, dùng tay đấm vào mạng sườn, dùng chân đạp vào đầu. Họ đánh chừng 5 phút trên xe và sau đó họ kéo tôi xuống khỏi xe và đánh chừng 10 phút. Hiện tại, mặt tôi bị nhiều vết thương, sưng vù và toàn thân ê ẩm.[149]

Trần Thị Nga và Chu Mạnh Sơn đã tới trụ sở công an tỉnh Lâm Đồng để trình báo vụ tấn công.[150]

Các vụ tấn công Trương Minh Tam, ngày 24 và 28 tháng Tám năm 2015

Buổi chiều ngày 24 tháng Tám năm 2015, nhà hoạt động Trương Minh Tam (còn gọi là Trương Ba Không) đang trên đường về nhà từ Trại giam Số 5 ở tỉnh Thanh Hóa, nơi anh vừa đến để nhận giấy tờ về phiên tòa xử anh năm 2013 và bản án một năm tù vì bị cho là có hành vi lừa đảo[151] thì bị hai người mặc thường phục tấn công.[152] Một trong hai người giữ Trương Minh Tam trong khi người kia giật giấy tờ và máy iPad của anh rồi ném xuống con suối gần đó.[153] Bốn ngày sau đó, anh lại bị đánh sau khi tới thăm cựu tù nhân chính trị Trần Minh Nhật và bị nhiều vết trầy xước, bầm tím trên mặt và cổ.[154]

Trương Minh Tam cũng bị công an tỉnh Hà Tĩnh giam giữ từ ngày 28 tháng Tư đến ngày mồng 4 tháng Năm năm 2016 vì đã phỏng vấn và ghi hình những người dân địa phương ở

huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh về tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra từ đầu tháng Tư.[155] Anh kể với một phóng viên:

Trong sáu ngày, tôi bị đánh đập, nhiều lúc bị lột hết quần áo và bị uốn nắn lời khai theo ý họ.[156] Mình thấy đã bị đối xử như một con vật khi ngồi trước nhân viên công vụ. Tại sao lại nói thế, bởi vì khi làm việc với họ thì họ đã yêu cầu mình không được mặc bất cứ đồ gì ở trên người, có nghĩa là, thật sự mà nói là mình đã phải làm việc với họ trong một tình trạng trần truồng. Một điều mình thấy hết sức khủng khiếp trong một xã hội văn minh hiện nay.[157]

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với một nhà báo khác, Trương Minh Tam kể lại:

Họ đã dùng chân tay đánh đập, đạp vào thân thể mình khi thân thể mình không một mảnh vải che thân. Họ đánh vào lúc 3 giờ sáng 29.04.2016.[158]

Vụ tấn công Nguyễn Tường Thụy và những người khác ngày 25 tháng Sáu năm 2015

Trịnh Bá Tư sau khi bị hành hung ở Nghệ An ngày 25 tháng Sáu năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh/Dân Làm Báo

Ngày 25 tháng Sáu năm 2015, vài chục nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai và blogger tới Trại giam số 6 tỉnh Nghệ An để đón nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Trịnh Bá Khiêm được ra tù ngày hôm đó.[159] Blogger Nguyễn Tường Thụy kể với phóng viên Đài Á châu Tự do:

Nhiều côn đồ đông hơn dân Dương Nội nhiều, họ mặc thường phục mà chúng tôi nghĩ là công an mặc thường phục hay là côn đồ, vây và rượt đuổi đánh nhiều anh em chúng tôi rất dã man. Nhiều anh em chúng tôi bị thương. Những người đồng hành với anh em Dương Nội bị đánh hầu hết như anh Trương Văn Dũng, tôi và cô Mai Thanh đều bị đánh đau. Hai đứa con của anh Trịnh Bá Khiêm bị đánh nặng; cháu Trịnh Bá Tư máu me be bét, mắt sưng. Họ đánh cả phụ nữ, cực kỳ
dã man.[160]

Nhiều nhà hoạt động đã phải đi khám, điều trị tại bệnh viện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An.[161]

Vụ tấn công Đinh Quang Tuyến, ngày 19 tháng Năm năm 2015

Nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến (tên thường gọi là Tuyến xích lô) bị hai người đàn ông lạ mặt tấn công tại Thành phố Hồ Chí Minh vào buổi sáng ngày 19 tháng Năm năm 2015. Anh đang đạp xe đi tập thể dục thì hai người đeo khẩu trang chặn xe anh lại và đấm vào mặt.[162]

Sau đó những kẻ tấn công liền bỏ đi.[163] Đinh Quang Tuyến bị gãy xương mũi và mấy ngày sau đó phải đi mổ chỉnh hình.[164]

Đinh Quang Tuyến sau khi bị hành hung ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19 tháng Năm năm 2015. © 2015 nguồn khuyết danh/Dân Làm Báo

Đinh Quang Tuyến được nhiều người biết đến từ mùa hè năm 2014, khi anh tham gia hoạt động chống Trung Quốc. Tháng Sáu năm 2014, anh bị công an câu lưu một thời gian ngắn vì biểu tình một mình bên ngoài Nhà thờ Đức Bà ở Thành phố Hồ Chí Minh, kêu gọi chính phủ Việt Nam nộp đơn kiện Trung Quốc về vùng lãnh thổ đang có tranh chấp.[165] Đến tháng Tư năm 2015, anh lại bị câu lưu trong mấy tiếng đồng hồ, và trong thời gian đó, anh kể có một công an dọa bắn chết anh.[166]

Vụ tấn công Nguyễn Chí Tuyến ngày 11 tháng Năm năm 2015

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến (thường được gọi là Anh Chí) bị tấn công tại Hà Nội vào buổi sáng ngày 11 tháng Năm năm 2015 sau khi anh đưa con trai đi học. Trên đường về, anh bị năm người đánh khi đã gần tới nhà. Anh nói với phóng viên Đài Á châu Tự do rằng những người này chặn đường và hành hung anh. “Họ dùng những vật, mà lúc đó tôi không kịp nhận dạng, chứ không phải tay chân để đánh đấm, và đánh vào đầu và mặt tôi.”[167] Một người bạn tới thăm Tuyến ở bệnh viện sau vụ hành hung này nói:

Tuyến bị thương trên đầu dài 6 cm… Còn chân tay mặt mũi thì bị đánh sưng tím, máu tụ lại trên mắt, còn phía sau gáy sau tai phải thì bị thương nặng, thâm tím bây giờ động vào thì rất đau.[168]

Nguyễn Chí Tuyến sau khi bị hành hung ở Hà Nội ngày 11 tháng Năm năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh/ Dân Luận

Kết quả khám bệnh cho biết Tuyến bị thương ở đầu, ở mắt trái, tai phải, môi và phải khâu sáu mũi.[169]

Nguyễn Chí Tuyến là nhà vận động nhân quyền từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường trong năm năm qua.[170] Anh đã nhiều lần bị công an đe dọa, sách nhiễu, câu lưu và thẩm vấn.

Vụ tấn công Nguyễn Hồng Quang, ngày 25 tháng Ba năm 2015

Nguyễn Hồng Quang sau khi bị hành hung ở Bình Dương ngày 18 tháng Giêng năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh/Việt Nam Thời Báo

Mục sư Nguyễn Hồng Quang bị hành hung ngày 25 tháng Ba năm 2015 khi ông cùng Lê Quang Du và ba người khác, trong đó có con trai ông, Nguyễn Quang Triệu, đi tới căn nhà thuê ở thị xã Bến Cát tỉnh Bình Dương để lấy đồ đạc.[171] Theo lời Nguyễn Hồng Quang, một nhóm chừng bảy, tám người tiếp cận họ, đá và dùng cây sắt đánh họ.

Họ đánh con trai tôi [Nguyễn Quang Triệu], rồi đánh em Y Thiếu vào đầu, rồi đánh mục sư Du nhưng ông thoát ra ngoài được. Rồi họ kéo khoảng 20 người nữa tới đánh tới tấp, đá dữ dội và đòi giết chúng tôi. Nguyễn Quang Triệu là người bị đánh nặng nhất, họ lấy cây sắt đánh vào xương tay, ống quyển, đánh vào đầu chảy máu. Tôi dập móng tay, bị 5 vết thương trên mặt và đầu.[172]

Nguyễn Quang Triệu sau khi bị hành hung ở Bình Dương ngày 25 tháng Ba năm 2015. © 2015 nguồn ẩn danh/Dân Làm Báo

Ngày 18 tháng Giêng năm 2015, Mục sư Tin lành Mennonite Huỳnh Thúc Khải tới thăm Mục sư Quang. Khi ra về, mục sư Khải bị nhiều người lạ mặt tấn công, làm rơi kính.[173] Khi ông Quang đi ra để giúp tìm kính thì cũng bị những người này tấn công.[174] Theo lời ông Quang, một viên công an mặc sắc phục chứng kiến vụ tấn công nhưng bỏ đi mà không có lời nói hay hành động nào. Nguyễn Hồng Quang phải nhập viện vì gãy xương mũi và chẩn đoán bị tụ máu trong bụng.[175] Ông đã trình báo vụ tấn công với công an phường Thnh Lộc.

Ngày mồng 1 tháng Giêng năm 2015, các thành viên của một nhà thờ Tin lành Mennonite tại gia muốn tập trung tại nhà Mục sư Quang nhưng bị công an, dân phòng và an ninh mặc thường phục dùng vũ lực giải tán. Được biết có nhiều người, trong đó có Mục sư Quang, đã bị đánh đập.[176]

Nguyễn Hồng Quang và Lê Quang Du đều tham gia nhà thờ Tin lành Mennonite tại gia ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Vụ tấn công Nguyễn Thanh Hà và Lại Sơn Tiến, ngày 18 tháng Ba năm 2015

Ngày 18 tháng Ba năm 2015, hai nhà hoạt động Nguyễn Thanh Hà và Lại Sơn Tiến đi thăm các trẻ em nghèo ở phường Dương Nội, huyện Hà Đông, thành phố Hà Nội. Trên đường về, họ bị bốn người đi theo và dùng gậy đánh Lại Sơn Tiến, lúc đó đang cầm lái xe mô tô.[177] Sau khi xe của hai người bị đổ, những kẻ tấn công dùng gậy và mũ bảo hiểm đánh họ.[178] Theo lời kể của Nguyễn Thanh Hà:

Anh Tiến gục xuống đường, ngất xỉu, chảy cả máu miệng. Bọn chúng đánh anh Tiến bầm dập cả mày cả mặt, bởi vì bác ấy là người cầm lái nên không thể chống đỡ hành vi côn đồ đó. Tôi bị bọn chúng cầm gậy vụt vào gáy và vai, tay của tôi bị sái tay khi đỡ đòn thù của bọn chúng. Sau đó, tôi liền la lên cướp, cướp, cướp thì khi người dân đi đường đứng lại thì bọn chúng chùn tay và chạy vụt đi luôn.[179]

Nguyễn Thanh Hà và Lại Sơn Tiến không trình báo vụ việc với công an vì họ tin rằng công an sẽ bao che vụ này.[180]

Vụ tấn công Nguyễn Thị Luyến, Phạm Thị Nhượng và bà Suốt ngày 17 tháng Hai năm 2015

Các nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Nguyễn Thị Luyến, Phạm Thị Nhượng và một phụ nữ tên Suốt bị tấn công vào sáng ngày 17 tháng Hai năm 2015. Ba người cùng với hai người phụ nữ khác tới nhà chủ tịch tỉnh Bắc Giang để khiếu nại về trường hợp đất đai của mình. Công an câu lưu và cáo buộc họ gây rối trật tự công cộng. Họ bị đưa về trụ sở công an phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang.[181]

Buổi chiều hôm đó, họ được thả ra. Ngay sau khi Phạm Thị Nhượng vừa bước ra khỏi đồn công an, bà bị một nhóm người tấn công, trong đó có những người bà nhận ra được là thuộc lực lượng dân phòng, công an mặc sắc phục và an ninh mặc thường phục. Họ tát liên tục làm bà bị chảy máu miệng.[182] Trên đường về nhà, Nguyễn Thị Luyến và bà Suốt bị bốn người đàn ông mặc áo mưa bịt mặt tấn công.[183] Những người này dùng gậy quật liên tiếp vào hai người phụ nữ. Sau khi những kẻ tấn công bỏ đi, hai người được đưa vào bệnh viện gần đó.[184]

Vụ tấn công Huỳnh Công Thuận, ngày 26 tháng Giêng năm 2015

Huỳnh Công Thuận sau khi bị hành hung ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày mồng 8 tháng Chín năm 2011. © 2011 nguồn khuyết danh/Dân Làm Báo

Ngày 25 và 26 tháng Giêng năm 2015, hai người đàn ông lạ mặt chặn trước nhà nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Huỳnh Công Thuận và ngăn không cho anh ra khỏi nhà. Khi Huỳnh Công Thuận cố tìm cách rời nhà vào ngày 26 tháng Giêng thì một người xông vào tấn công anh.[185] Anh đã trình báo sự việc với công an.[186]

Đây không phải là lần đầu tiên Huỳnh Công Thuận bị tấn công. Vào tháng Chín năm 2011, anh đã bị một nhóm ba người lạ mặt tấn công ở một quán cà phê.[187] Anh có nghe chủ quán cà phê gọi một người trong số họ là “công an Tâm.” Hai người kia đã lấy chai đập vào đầu anh.[188] Huỳnh Công Thuận được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Anh có trình báo sự việc với công an.[189]

III. Khuyến nghị

Với Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

  • Các nhà lãnh đạo cấp trung ương, tỉnh thành và địa phương cần công khai và thẳng thắn lên án mọi hành vi hành hung thân thể và các hình thức sách nhiễu, trả thù khác nhằm vào các blogger và nhà hoạt động nhân quyền, nhấn mạnh rằng các hành vi như thế là phạm pháp và sẽ không được dung thứ, và bất kỳ cá nhân nào tham gia chỉ đạo hay tạo điều kiện cho các vụ hành hung như thế sẽ bị truy cứu trách nhiệm.
  • Ngay lập tức yêu cầu điều tra một cách vô tư và kỹ lưỡng tất cả các vụ việc có các nhà hoạt động nhân quyền và blogger bị hành hung, đe nẹt hay dọa dẫm; cần truy tố tất cả những cá nhân khi có đủ bằng chứng khả tín cho thấy có liên quan tới các vụ tấn công và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
  • Các nhà lãnh đạo cấp trung ương cần quy trách nhiệm cho cấp dưới, là các lãnh đạo cấp tỉnh thành và địa phương, nếu để xảy ra các hành vi bạo hành với các blogger và nhà hoạt động nhân quyền trong thời gian tại nhiệm.
  • Truy cứu trách nhiệm của tất cả các quan chức, nhân viên công quyền bị phát hiện có vai trò ra lệnh, tạo điều kiện, hay bao che cho hành vi bạo hành hoặc đe dọa các blogger và nhà hoạt động nhân quyền bằng cách truy tố hay kỷ luật sao cho tương xứng.
  • Cho phép các nhà báo điều tra và đưa tin tự do về các vụ tấn công nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền.

Với Bộ Công an Việt Nam

  • Cần công khai và thẳng thắn lên án việc hành hung thân thể và các hình thức sách nhiễu, trả thù khác nhằm vào các blogger và nhà hoạt động nhân quyền, và nhấn mạnh rằng các hành vi đó là phạm pháp và sẽ không được dung thứ.
  • Thành lập một đội ngũ điều tra độc lập với các nguồn lực cần thiết để tiến hành điều tra kỹ lưỡng, vô tư và minh bạch đối với tất cả các vụ việc hành hung thân thể và các hình thức sách nhiễu, trả thù khác nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền và blogger; truy cứu trách nhiệm tất cả những cá nhân, kể cả các sĩ quan công an, có liên quan tới các hành vi đó.
  • Truy cứu trách nhiệm những công an đã có mặt mà không can thiệp để ngăn chặn các vụ hành hung blogger và nhà hoạt động nhân quyền, hoặc không tích cực điều tra theo các lời trình báo về vụ việc bạo hành với những cá nhân nói trên.
  • Tiến hành điều tra nhằm xác định nguyên nhân và các cá nhân đằng sau các vụ hành hung thân thể các blogger và nhà hoạt động nhân quyền, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm phòng ngừa và xử lý một cách hiệu quả và có hệ thống hơn đối với các vụ hành hung như vậy.

Với Quốc hội Việt Nam

  • QHVN cần ra một nghị quyết nhằm công khai và thẳng thắn lên án mọi hành vi hành hung thân thể và các hình thức sách nhiễu, trả thù nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền, nhấn mạnh rằng các hành vi như thế là phạm pháp và sẽ không được dung thứ.
  • Tổ chức các buổi điều trần công khai về việc hành hung thân thể và các hình thức sách nhiễu, trả thù khác nhằm vào các blogger và nhà hoạt động nhân quyền, và mời công chúng, nạn nhân và nhân chứng ra phát biểu, đồng thời bảo đảm rằng những người ra điều trần sẽ được bảo vệ không bị đe dọa hay trả thù.
  • Hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều luật về “an ninh quốc gia” có nội dung mơ hồ trong bộ luật hình sự đã và đang được sử dụng để hình sự hóa các hành vi bất đồng chính kiến ôn hòa. Trong đó có những điều về: “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79 bộ luật hình sự, khung hình phạt lên tới tử hình); “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” (điều 87 bộ luật hình sự, khung hình phạt tới 15 năm tù); “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88, khung hình phạt tới 20 năm tù); “phá rối an ninh” (điều 89, khung hình phạt tới 15 năm tù); và “các hình phạt bổ sung” tước đi một số quyền nhất định của các cựu tù nhân bị truy cứu về các tội danh “an ninh quốc gia,” buộc họ phải chịu quản chế tới năm năm, cho phép thu hồi một phần hay toàn bộ tài sản (điều 92); và  tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (điều 258, khung hình phạt tới bảy năm tù).

Với các Tổ chức Tài trợ và các Quốc gia Hữu quan, như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Liên Hiệp Anh, Nhật Bản, Australia, Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á

  • Trong các cuộc gặp công khai cũng như riêng tư với quan chức Việt Nam, cần thể hiện quan ngại sâu sắc về việc hành hung thân thể và các hình thức sách nhiễu, trả thù khác nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền và blogger, và nhấn mạnh rằng các hành vi đó không những vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm pháp luật quốc tế, và thủ phạm cần phải bị trừng phạt.
  • Đề xuất với nhà cầm quyền Việt Nam trách nhiệm ngăn ngừa, điều tra và trừng phạt các hành vi hành hung thân thể và các hình thức sách nhiễu, trả thù khác nhằm vào công dân trong các chương trình cải cách pháp luật và đào tạo an ninh, bao gồm các dự án đào tạo, tập huấn liên quan.

Lời cảm ơn

Bản phúc trình này do một nhà nghiên cứu thuộc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tập hợp và soạn thảo. Văn bản đã được các ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu, Dinah PoKempner, cố vấn trưởng, và Joseph Saunders, phó giám đốc chương trình xét duyệt hoặc biên tập. James Ross, giám đốc chính sách và luật pháp đã giúp xem xét về khía cạnh pháp lý và chương trình. Hỗ trợ xuất bản còn có sự đóng góp của Seashia Vang, trợ lý Ban Á châu; Olivia Hunter, trợ lý nhiếp ảnh và xuất bản; và Fitzroy Hepkins, quản trị hành chính.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn tất cả các nhà hoạt động nhân quyền, những người ủng hộ và các nhà bất đồng chính kiến đã dũng cảm chia sẻ trải nghiệm của mình để bản phúc trình này được thành hình.