Skip to main content

Australia: Cần gây sức ép để phóng thích công dân bị giam ở Việt Nam

Quan ngại về quy trình pháp lý ám ảnh phiên tòa xử tội khủng bố

(Sydney, ngày mồng 5 tháng Mười hai năm 2019) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu trong một bức thư gửi bà Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Australia, vừa được công bố hôm nay, rằng chính phủ Australia cần gây sức ép trong cả những dịp công khai và riêng tư để chính quyền Việt Nam hủy bỏ bản án đối với một công dân Australia và hai cộng sự người Việt đang bị giam giữ.

Châu Văn Khảm. © 2017 Private

Hồi tháng Mười một năm 2019, ông Châu Văn Khảm, công dân Australia, và các cộng sự Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền, bị kết án lần lượt là 12, 11 và 10 năm tù vì liên quan đến đảng Việt Tân ở hải ngoại, bị chính quyền Hà Nội coi là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, đảng này đã công khai từ chối bạo lực, tuyên bố họ “tin rằng bất bạo động là phương thức hữu hiệu nhất để huy động sự tham gia tối đa của công chúng… góp phần cải cách và canh tân đất nước Việt Nam.” Châu Văn Khảm đang kháng cáo bản án. Ông gần như không được tiếp cận các luật sư bào chữa và mọi cuộc thăm gặp lãnh sự đều bị giám sát.

“Bà Payne đã lên án rất đích đáng về điều kiện giam giữ nhà văn người Australia Dương Hằng Quân, và yêu cầu trả tự do cho ông, nên thật khó hiểu khi bà không có một động thái tương tự bày tỏ quan ngại về cách ông Châu Văn Khảm bị đối xử dù ông đã bị bắt giam từ hồi tháng Giêng,” bà Elaine Pearson, Giám đốc Phụ trách Australia của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Có nhiều mối quan ngại sâu sắc về tình trạng bất cập của quy trình pháp lý và mức án nặng nề, sau vụ xử chỉ có thể gọi là ‘phiên tòa trình diễn.’”  

Bộ trưởng Payne cũng đã lên tiếng mạnh mẽ về vụ của cầu thủ túc cầu Hakeem al-Araibi, người Australia gốc Bahrain. Ngày mồng 2 tháng Mười hai, bà kêu gọi trả tự do cho Dương Hằng Quân và phát biểu rằng cách thức nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử với ông là “không thể chấp nhận được”. 

Chính quyền Việt Nam truy tố ba người nêu trên về tội “khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và cáo buộc họ có liên quan tới Việt Tân. Bộ Công an Việt Nam chính thức đặt Việt Tân là tổ chức khủng bố vào tháng Mười năm 2016. Việt Tân có quá khứ chống đối chính quyền cộng sản Việt Nam từ những năm 1980, nhưng trong thời gian gần đây đã tuyên bố “cam kết đấu tranh hòa bình, bất bạo động.” Đảng này mô tả mục tiêu của mình là “chấm dứt độc tài và xây dựng nền móng cho một nền dân chủ bền vững.” Các hành vi nêu trong bản cáo trạng và quy kết cho Việt Tân, như tìm cách vào Việt Nam, chuẩn bị tờ rơi cho biểu tình, mở rộng mạng lưới và viết bài hay đưa người ra nước ngoài tập huấn, không cấu thành tội khủng bố.

“Ba người này không phải là những kẻ khủng bố,” bà Pearson nói. “Họ bị truy tố chỉ vì liên quan tới một nhóm chính trị nước ngoài bị coi là nguy cơ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Phiên xử chỉ diễn ra trong vòng bốn tiếng rưỡi, cho thấy khả năng bản án đã được quyết định từ trước. Trong cùng phiên tòa, còn có ba bị cáo khác nữa, là Bùi Văn Kiên, Nguyễn Thị Ánh và Trần Thị Nhài bị kết tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức,” và bị xử mức án từ ba đến bốn năm tù giam. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, với sáu bị cáo, phiên tòa chỉ đủ thời gian tiến hành các thủ tục thông thường bao gồm nêu danh tính và đọc cáo trạng, chưa kể đến việc nghe bên bào chữa đưa ra các bằng chứng và lý lẽ biện hộ một cách công bằng vô tư. Tất cả các thẩm phán ở Việt Nam bắt buộc phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo luật sư người Australia của ông Châu Văn Khảm, một số thành viên trong gia đình còn bị từ chối không cho vào phòng xử án.

Ông Châu Văn Khảm có được gặp đại diện lãnh sự của Đại sứ quán Australia hàng tháng, nhưng khi gặp luôn có mặt những người quản giáo và các quan chức khác của chính quyền Việt Nam và các cuộc gặp bị ghi hình, khiến ông có thể không dám trao đổi một cách tự do.

“Với thời gian xét xử ngắn ngủi của phiên sơ thẩm, tính chất của các bằng chứng do bên công tố đưa ra và tình trạng không được tiếp cận đầy đủ với các luật sư biện hộ - đã phát sinh vô vàn quan ngại về quy trình pháp lý trong vụ án này, đáng được chính phủ Australia nêu ra với chính quyền Việt Nam,” bà Pearson nói. “Ông Châu Văn Khảm năm nay đã 70 tuổi và có vấn đề về tiền liệt tuyến. Điều kiện khắc nghiệt trong nhà tù Việt Nam khiến việc ông được phóng thích càng sớm càng tốt phải trở thành một vấn đề thiết yếu.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country