(Bangkok, ngày 28 tháng Ba năm 2024) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Thượng Nghị viện Thái Lan nên nhanh chóng thông qua luật về hôn nhân đồng giới vừa được Hạ Nghị viện thông qua với đa số áp đảo vào ngày 27 tháng Ba năm 2024. Thái Lan sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á, và quốc gia thứ hai ở châu Á công nhận quan hệ đồng giới.
Hạ Nghị viện Thái Lan đã thông qua Luật Bình đẳng Hôn nhân với sự chuẩn thuận của 400 trong số 415 đại biểu hiện diện. Mười đại biểu bỏ phiếu chống, hai người bỏ phiếu trắng và ba người không bỏ phiếu.
“Thái Lan đã sẵn sàng gửi một thông điệp quan trọng tới các quốc gia còn lại của châu Á qua việc công nhận các mối quan hệ đồng giới,” ông Kyle Knight, đồng giám đốc đương nhiệm chương trình quyền của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT) thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Các nhà lập pháp không nên trì hoãn cơ hội quan trọng này, để có thể tạo đà cho toàn khu vực công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của người LGBT.”
Quyền kết hôn và xây dựng gia đình là các quyền cơ bản được công nhận tại điều 23 của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Thái Lan đã tham gia ký kết. Nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế, trong đó có Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên Hiệp Quốc, và Ủy ban Chống Phân biệt Đối xử với Phụ nữ đều đã bác bỏ ý tưởng cho rằng “gia đình” – hiểu theo công pháp quốc tế về quyền con người, phải phù hợp với một mô hình nhất định.
Luật Bình đẳng Hôn nhân của Thái Lan đưa ra các sửa đổi quan trọng đối với luật dân sự và thương mại về người phối ngẫu, đặc biệt là sửa các cụm từ “nam và nữ” và “vợ chồng” thành “các cá nhân” và “người kết hôn.” Tuy nhiên, những người vận động cho quyền LGBT đã nêu các quan ngại rằng dự luật vẫn giữ nguyên các từ “mẹ” và “cha” chứ không thay thế bằng thuật ngữ khái quát về giới tính hơn như “cha mẹ,” có thể khiến các cặp đồng giới gặp khó khăn trong việc nhận con nuôi và nuôi con.
Hiện có ba mươi bảy quốc gia đã chính thức công nhận kết hôn đồng giới trong luật tư pháp. Đài Loan là quốc gia đầu tiên ở Châu Á công nhận hôn nhân đồng giới vào năm 2019. Nepal đã công nhận một số cuộc hôn nhân đồng giới vào các năm 2023 và 2024 theo các án lệnh tạm thời của Tòa án Tối cao trong khi chờ phán quyết cuối cùng.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng việc thông qua luật hôn nhân đồng giới là một cơ hội để Thái Lan chứng minh uy tín toàn cầu của mình về quyền LGBT bằng sự bảo hộ pháp luật cụ thể. Từ nhiều thập niên trước, Thái Lan đã là một điểm đến dành cho du lịch LGBT, và đặc biệt là cho những người chuyển giới muốn tìm dịch vụ y tế để điều chỉnh giới tính. Nhưng Thái Lan vẫn chưa có sự bảo hộ pháp luật cho những người chuyển giới, và các nhà lập pháp cũng nên nghiêm túc cân nhắc việc thông qua các cải cách cần thiết về quyền của người chuyển giới.
“Sự chấp nhận về mặt xã hội có những hạn chế riêng và không thể thay thế cho sự bảo hộ được quy định rõ ràng bằng luật pháp,” ông Knight nói. “Thái Lan đang ở ngưỡng cửa của việc mở rộng sự bảo hộ bằng luật pháp cho người LGBT với mức độ chưa từng có trong lịch sử quốc gia này, và nêu một tấm gương tích cực cho toàn khu vực.”