Skip to main content

Nhật Bản: Hãy nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến công du Đông Nam Á

Thủ tướng Kishida cần gây sức ép về cải tổ ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam

Japan's Prime Minister Fumio Kishida speaks during a press conference at the prime minister's official residence in Tokyo, Japan, April 8, 2022. © 2022 Rodrigo Reyes Marin, Pool via AP

(Tokyo) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cần gây sức ép với chính quyền các nước Indonesia, Thái LanViệt Nam nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền của các quốc gia này trong chuyến công du sắp tới đến ba nước nói trên. Được biết ông Kishida sẽ tới thăm ba nước từ cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm năm 2022.

“Nhật Bản cần vận dụng ảnh hưởng của mình, với tư cách là một nhà đầu tư kinh tế và tài trợ lớn, để gây sức ép với Indonesia, Thái Lan và Việt Nam nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền của các nước này,” bà Kanae Doi, giám đốc chuyên trách Nhật Bản của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Thủ tướng Kishida cần xác định rằng uy tín của Nhật Bản phụ thuộc vào khả năng hoàn thành các cam kết về nhân quyền của chính quyền đương nhiệm, qua việc nêu các mối quan ngại về nhân quyền trong các dịp riêng tư cũng như công khai khi công du ở nước ngoài.”

Ở Indonesia, ông Kishida cần thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Joko Widoto chống lại nạn kỳ thị tôn giáo của các chính trị gia và tướng lĩnh Hồi giáo, và chống việc áp dụng luật cấm báng bổ như một thứ vũ khí nhằm vào phe đối lập và các cộng đồng tôn giáo thiểu số. Ông Kishida cần nhấn mạnh rằng dự thảo luật hình sự với đề xuất nới rộng luật cấm báng bổ là sự đe dọa đối với các quyền tự do tôn giáo, lập hội, và biểu đạt.

Chính quyền của Tổng thống Widodo đã cố gắng phủ quyết các quy định bắt buộc về mặc hijab trùm kín có tính vi phạm nhân quyền trong các trường công lập vào tháng Hai năm 2021, nhưng Tòa án Tối cao đã vô hiệu hóa quyết định nói trên của chính phủ. Ông Kishida cần kêu gọi Tổng thống Widodo ban hành một quy định mới của chính quyền trung ương để hủy bỏ các quy định ở cấp quốc gia và hơn 60 địa phương có tính vi phạm nhân quyền của các phụ nữ và trẻ em gái khi bắt buộc họ phải mặc hijab. Chính quyền Indonesia cũng cần hủy bỏ các quy định mang tính phân biệt đối xử với người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới (LGBT).

Ở Thái Lan, Thủ tướng Kishida cần nêu các quan ngại nghiêm trọng với Thủ tướng chính phủ Thái Lan - Tướng Prayut Chan-o-cha về xu thế gia tăng hạn chế đối với các quyền cơ bản, nhất là tự do chính kiến và nhóm họp ôn hòa, của chính quyền nước này, qua việc bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ và những người lên tiếng phê phán hoàng gia. Chính quyền Thái Lan cũng áp đặt các quy định hạn chế đối với các hoạt động và sự kiện nhóm họp mang tính đối lập chính trị bằng cách tùy tiện thực thi các quy định về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, mượn cớ bệnh dịch Covid-19, và đôi khi đàn áp nặng tay đối với các cuộc biểu tình dân chủ của thanh niên. Ông Kishida cần công khai phản bác dự luật của chính phủ Thái Lan với nội dung ràng buộc ngặt nghèo các tổ chức phi chính phủ, trong đó có các nhóm được chính phủ Nhật Bản tài trợ, vì vi phạm các quyền tự do lập hội và tự do biểu đạt.

Chuyến thăm Thái Lan của ông Kishida trùng với dịp kỷ niệm 135 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Mối quan hệ chặt chẽ về chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội tạo cho Nhật Bản vị thế quan trọng để có thể thẳng thắn và thành thực phát biểu rõ ràng rằng sẽ không thể tái lập trạng thái giao thương như bình thường giữa Tokyo và Bangkok nếu Thái Lan không thật sự hướng tới nền pháp trị dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Đặc biệt là ông Kashida cần gây sức ép với đồng nhiệm Prayut để chấm dứt đàn áp quyền tự do biểu đạt và nhóm họp ôn hòa.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Kishida cần công khai bày tỏ các mối quan ngại về việc chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền. Tính từ tháng Mười hai năm 2020 đến tháng Tư năm 2022, đã có ít nhất 51 người ở Việt Nam bị xét xử, kết luận có tội và xử án nhiều năm tù giam vì thực thi các quyền cơ bản của mình về tự do biểu đạt, lập hội và tự do tôn giáo. Ông Kishida cần kêu gọi phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện các tù nhân chính trị, trong đó có Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Phạm Chí Thành, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung, Lê Trọng Hùng, và Lê Văn Dũng.

Nhật Bản là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất của Việt Nam. Ông Kishida cần công khai bày tỏ quan ngại về việc Đảng Cộng sản Việt Nam cấm bất kỳ tổ chức hoặc nhóm hội nào bị coi là mối đe dọa tới vị thế độc tôn quyền lực của mình được thành lập và hoạt động. Ông cần gây sức ép để Việt Nam tôn trọng quyền tự do biểu đạt trên mạng và chấm dứt việc chặn đường truy cập tới một số trang mạng hay buộc các công ty truyền thông và mạng xã hội gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị.

Những người lên tiếng phê phán chính quyền độc đảng, kể cả trên mạng xã hội, phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, hành hung và bị câu lưu và bắt giữ tùy tiện. Công an giam giữ các nghi can chính trị hàng tháng trời mà không cho tiếp xúc với luật sư và thẩm vấn họ thô bạo, rồi các tòa án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia và áp đặt các bản án tù giam nhiều năm.

Trong tháng Hai, Tổ chức Nhân quyền công bố phúc trình “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam,” ghi nhận chi tiết việc hạn chế quyền tự do đi lại một cách có hệ thống và nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam từ năm 2004 đến năm 2021. Vào tháng Ba năm 2022, an ninh đã ngăn cản tám nhà ủng hộ dân chủ khiến họ không tham dự được một sự kiện ở Hà Nội để bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga.

Ông Kishida cần công khai thúc giục chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả những người đang bị giam giữ vì thực thi các quyền con người của mình, như phê phán chính quyền, tham gia các nhóm nhân quyền, hay thực hành tôn giáo tín ngưỡng theo cách không được Đảng Cộng sản chuẩn thuận.

“Nhật Bản đã hãnh diện tuyên bố cam kết bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, nhưng trên thực tế đã làm quá ít trong việc gây sức ép với các chính phủ vi phạm nhân quyền ở chính Châu Á để họ cải thiện hồ sơ của mình,” bà Doi nói. “Chuyến thăm Đông Nam Á của Thủ tướng Kishida là một cơ hội quan trọng để phá vỡ tình trạng im lặng lâu dài của Tokyo về các vi phạm nhân quyền ở nước ngoài và, thay vào đó, khởi xướng vai trò lãnh đạo toàn cầu về các vấn đề nhân quyền.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.