Skip to main content

Thái Lan: Nhà hoạt động người Việt có nguy cơ bị cưỡng bức hồi hương

Y Quynh Bđăp đối mặt với nguy cơ bị tra tấn, giam giữ tùy tiện

Y Quynh Bdăp. © Private

(Bangkok) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Thái Lan cần ngay lập tức khước từ yêu cầu của Việt Nam về việc dẫn độ một nhà hoạt động nhân quyền người Thượng bản địa và cho ông ta đi tái định cư ở nước ngoài.

Y Quynh Bđăp, 32 tuổi, một nhà hoạt động người dân tộc Êđê ở Tây Nguyên, đã phải trốn khỏi Việt Nam từ năm 2018 khi nhà cầm quyền theo dõi ông ráo riết sau một chuyến xuất ngoại của ông. Theo yêu cầu dẫn độ của chính quyền Việt Nam, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ ông hồi tháng Sáu năm 2024. Ông có nguy cơ bị tra tấn và chịu các hình thức ngược đãi khác ở Việt Nam và đã đăng ký trở thành người tị nạn với cơ quan về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc, UNHCR.  

“Nhà hoạt động Y Quynh Bđăp chạy trốn khỏi Việt Nam sang Thái Lan để tránh bị đàn áp,” ông John Sifton, giám đốc vận động Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính phủ Thái Lan không nên hỗ trợ Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động và nên cho họ đi tái định cư ở nước ngoài.”

Tháng Chín, Tòa án Hình sự Bangkok ra phán quyết rằng chính phủ Thái Lan có thể trả ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam, và ông có thể bị trục xuất ngay vào ngày 30 tháng Mười tới đây. Trong yêu cầu dẫn độ Y Quynh Bđăp, chính quyền Việt Nam cáo buộc ông tham gia vào các vụ bạo loạn ở tỉnh Đắk Lắk hồi tháng Sáu năm 2023. Sau một phiên xử án đông người ngắn ngủi vào tháng Giêng năm 2024, một tòa án Việt Nam xử vắng mặt ông Bđăp và kết luận ông có tội rồi tuyên mức án 10 năm tù.

Đầu năm nay, có tin chính phủ Canada đã cân nhắc việc cho ông Y Quynh Bđăp đi tái định cư ở Canada. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng chính phủ Canada và các quốc gia khác nên theo đuổi khả năng đòi phóng thích ông Bđăp với mục đích tạo điều kiện cho ông sang một nước thứ ba là nơi cư trú an toàn.

Chính phủ Thái Lan sẽ vi phạm luật của chính quốc gia này đồng thời làm trái nghĩa vụ theo luật quốc tế về tị nạn nếu họ đưa trả Y Quynh Bđăp về Việt Nam. Luật Phòng Chống Tra tấn và Cưỡng bức Mất tích của Thái Lan đã có quy định cấm dẫn độ trong trường hợp có nguy cơ đáng kể về tra tấn hoặc ngược đãi sau khi hồi hương.

Ngoài ra, Thái Lan có trách nhiệm tôn trọng nguyên tắc “không cưỡng bức trở lại” - nonrefoulement của luật quốc tế, nghiêm cấm các quốc gia đẩy bất cứ người nào trở lại nơi mà họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị đàn áp, tra tấn hay các hình thức ngược đãi khác, hoặc bị nguy hiểm tới tính mạng. Nguyên tắc này đã được luật hóa trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống Tra tấn mà Thái Lan là một thành viên, cũng như luật tập quán quốc tế.

Y Quynh Bđăp đã phải chịu đàn áp ở Việt Nam từ nhiều năm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. Báo chí nhà nước Việt Nam đã tố cáo ông sinh ra trong một gia đình “có truyền thống” chống Đảng Cộng sản Việt nam và kết tội ông nội ông làm “tay sai” cho Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Thân phụ ông bị đi tù ba năm vì đã “kích động” một cuộc biểu tình.

Năm 2012, công an Việt Nam giam giữ Y Quynh Bđăp năm tháng liền mà không cho gặp luật sư với cáo buộc “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” theo điều 87 của bộ luật hình sự năm 1999. Nhà cầm quyền địa phương ở Tây Nguyên thường xuyên áp dụng điều luật này để trừng phạt những người Thượng có liên hệ với các nhóm tôn giáo độc lập bị nhà nước dán nhãn “tà đạo.” Cuối cùng chính quyền cũng trả tự do cho ông. Tháng Mười hai năm 2013, chính quyền địa phương buộc Y Quynh Bđăp ra kiểm điểm đông người để ép ông phải hứa chấm dứt mọi hoạt động về tôn giáo.

Năm 2016, Y Quynh Bđăp sang Thái Lan dự một cuộc hội thảo về tự do tôn giáo. Khi ông trở về Việt Nam, công an câu lưu ông trong bảy ngày và thẩm vấn về chuyến đi của ông. Sau đó ông bị theo dõi gắt gao, khiến ông phải trốn sang Bangkok để xin tị nạn chính trị vào năm 2018. Ở Thái Lan, ông thành lập Hội Người Thượng Vì Công Lý, nhằm bảo vệ và tăng cường quyền tự do tôn giáo và các quyền con người khác của người Thượng ở Tây Nguyên. Tháng Ba năm 2024, chính quyền Việt Nam dán nhãn tổ chức này và Nhóm Hỗ Trợ Người Thượng là các “tổ chức khủng bố” liên quan đến các vụ bạo động năm 2023.

Trong một phúc trình vào tháng Năm năm 2023, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi nhận rằng trong mấy năm gần đây chính quyền Thái Lan đã và đang ủng hộ Việt Nam và một số quốc gia khác tiến hành các hoạt động bất hợp pháp nhằm vào các nhà bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền, khiến Thái Lan ngày càng trở nên kém an toàn hơn cho những người trốn tránh đàn áp.

Một nhà hoạt động khác, ông Đường Văn Thái, 42 tuổi, người đã nhiều năm vận động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, trốn sang Thái Lan vào năm 2019 giữa đợt đàn áp căng thẳng. Ông đang chờ đi tái định cư ở một nước thứ ba thì bị bắt cóc vào tháng Tư năm 2023 và bị đưa về Việt Nam bằng vũ lực, rồi bị chính quyền cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Dự kiến ông sẽ bị đưa ra xử vào ngày 30 tháng Mười tại Hà Nội, và nếu bị kết luận có tội sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 12 năm tù.

Ngày 14 tháng Ba, công an Việt Nam, có cảnh sát Thái Lan đi cùng, đã tới tận hai khu tị nạn người Thượng ở Thái Lan, đe dọa và ép buộc người tị nạn trở về Việt nam và dò hỏi nhiều người trong cộng đồng về tung tích của ông Y Quynh Bđăp. Ba tháng sau đó, cảnh sát Thái tìm ra và bắt giữ ông.

“Ông Y Quynh Bđăp đã nhiều năm vận động cho quyền của người Thượng Bản xứ ở Việt Nam,” ông Sifton nói. “Việt Nam không nên truy tố ông vì đã thực hành quyền tự do ngôn luận của mình, và Thái Lan không nên tham gia cùng với Việt Nam xâm phạm các quyền tự do cơ bản của ông Bđăp.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country