Skip to main content

Thư của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền gửi Tổng thống Biden

Về: Chuyến thăm Việt Nam của ngài và các vấn đề nhân quyền

Thưa ngài Tổng thống Biden,

Tôi viết thư này với tư cách người đại diện cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Chúng tôi giám sát và đưa tin về khoảng 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi được biết chính phủ dưới quyền ngài đã và đang tìm cách nâng cấp quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lên thành “đối tác chiến lược,” và ngài sắp sang thăm Hà Nội để củng cố mối bang giao mới này.

Các tiến triển ngoại giao nói trên và chuyến thăm của ngài mở ra một cơ hội quan trọng để nhắc lại và khuếch trương các quan ngại về hồ sơ đàn áp nhân quyền của chính quyền Việt Nam. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị ngài công khai nêu các quan ngại về nhân quyền trước và trong chuyến thăm, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị và cam kết thực hiện các cải cách cần thiết. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng trưởng bền vững trong mấy thập niên gần đây, nhưng việc quan trọng là cần thông báo với Hà Nội rằng nếu Việt Nam không có các bước tiến đáng kể nhằm giảm thiểu đàn áp và thực hiện các cải cách về nhân quyền thì sẽ gây hạn chế cho các tiến bộ xa hơn trong quan hệ Việt – Mỹ.

Trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã kết án tù giam hàng trăm người vì các hành vi không nên bị coi là tội hình sự. Như ngài đã biết, Đảng Cộng sản Việt Nam tìm cách duy trì vị thế độc tôn quyền lực của mình với việc bắt bớ và truy tố người dân trong các phiên tòa không công bằng, chỉ vì họ viết hay đăng trên mạng xã hội các ý kiến phê phán chính quyền, hay tham gia các tổ chức độc lập, và vận động cải cách chính trị. Ngoài việc hình sự hóa các hành vi tự do ngôn luận và nhóm họp ôn hòa, cũng như hạn chế gắt gao các quyền tự do dân sự và chính trị, nhà cầm quyền Việt Nam thắt chặt quy định việc thành lập các tổ chức độc lập và cấm ngặt báo chí, các ấn phẩm và truyền thông độc lập khác.

Chính quyền Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất là 159 tù nhân chính trị và 22 người khác đang bị tạm giam chờ điều tra xét xử. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị ngài nêu đích danh vài người trong số đó tại các dịp phát biểu trước công chúng. 

Trong số những người đang bị giam giữ có blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang, người đang thụ án chín năm tù vì vận động cho tự do ngôn luận. Chính quyền Việt Nam bắt bà vào ngày mồng 6 tháng Mười năm 2020, chỉ vài giờ sau khi kết thúc cuộc Đối thoại Nhân quyền song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm đó. Tháng Ba năm 2022, Đệ nhất Phu nhân Ts. Jill Biden đã có lời phát biểu ghi nhận Phạm Đoan Trang là một trong những nhà báo can đảm nhất thế giới. Chúng tôi mong ngài sẽ nêu vụ của bà Trang trong chuyến thăm, cũng như vụ của ông Nguyễn Bắc Truyển, một tù nhân đã được Ủy hội Tự do Quốc tế của Hoa Kỳ ghi nhận, người không những đã thúc đẩy các giá trị nhân quyền và dân chủ mà còn thu hút sự chú ý tới các vi phạm nhân quyền nhằm vào các nhóm tôn giáo bị đàn áp, Phật giáo Hòa Hảo và các nhóm Thiên Chúa giáo. Giới lãnh đạo Việt Nam cần lắng nghe tiếng nói của công chúng về hai người nói trên cùng với các tù nhân ghi trong danh sách kèm theo dưới đây; chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc với họ và phóng thích họ khỏi nhà tù hay trại tạm giam.

Một điều đặc biệt quan trọng là cần công khai nêu các vụ tù nhân chính trị nói trên, vì chính quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến. Trong năm năm gần đây, mức án tù áp đặt cho các nhà bất đồng chính kiến đã tăng lên đáng kể, và việc giảm án trong các phiên phúc thẩm giờ đây còn hiếm hoi hơn. Các tòa án ở Việt Nam không xét xử độc lập: các bản án đã được ấn định từ trước do Đảng Cộng sản cầm quyền, vốn đã kiểm soát chặt chẽ chính phủ, Quốc Hội, ngành tư pháp và công an.

Chính quyền theo dõi gắt gao việc sử dụng mạng Internet của người dân, và áp dụng các biện pháp đe dọa, sách nhiễu, xử phạt hành chính, bắt giữ và truy tố bất kỳ ai dám thách thức chính quyền hoặc đảng trên mạng. Về quyền tự do lập hội, những người lao động không được thành lập công đoàn độc lập ngoài Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do đảng kiểm soát, và chính quyền hạn chế sát sao hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế ở Việt Nam.

Chính quyền nắm quyền sở hữu đất đai ở Việt Nam và thường cưỡng chế người dân dời khỏi ruộng đất họ đã chiếm hữu nhiều thế hệ mà không có đền bù thỏa đáng, để lấy đất cho các dự án phát triển mà người dân địa phương không hề được tham khảo ý kiến.

Chúng tôi cũng mong ngài sẽ nhấn mạnh hậu quả của chính sách đàn áp của chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền của các nhà bảo vệ môi trường. Mặc dù chính quyền đã có các cam kết về giải quyết biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đã bắt giữ và truy tố một cách có hệ thống các nhà bảo vệ môi trường vì tham gia phản đối việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhất là than đá.

Tháng Năm năm 2023, công an bắt giữ nhà bảo vệ môi trường nổi tiếng toàn quốc Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc ngụy tạo về tội trốn thuế. Năm 2018, Hoàng Thị Minh Hồng là học giả trong chương trình Obama, và nguyên tổng thống Barack Obama đã ghi nhận vai trò lãnh đạo về môi trường của bà trong một dòng tweet vào thời điểm đó. Bà bị đưa vào cùng nhóm các nhà lãnh đạo môi trường Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương, những người đã bị kết án tù giam với các cáo buộc mang động cơ chính trị về tội trốn thuế. Bà Ngụy Thị Khanh, người từng nhận giải thưởng Goldman Environmental Prize uy tín về môi trường cũng bị xử tù về tội tương tự nhưng được phóng thích hồi tháng Năm năm 2023, năm tháng trước khi mãn hạn bản án một năm chín tháng tù.

Chúng tôi cũng đề nghị ngài đề cập tới các vụ việc chính quyền Việt Nam tạo điều kiện cho chính quyền Trung Quốc đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền xuyên quốc gia, hoặc chính Việt Nam ra tay đàn áp xuyên quốc gia – một đề tài mà chính phủ của ngài từng đề cập riêng với nước láng giềng Trung Quốc.

Tháng Tám năm 2022, Việt Nam bắt giữ và cưỡng chế dẫn độ về Trung Quốc nhà hoạt động nhân quyền Đổng Quảng Bình mặc dù các nhà ngoại giao Mỹ và Canada ở Hà Nội đang tích cực thương lượng khả năng đưa ông đi Canada đoàn tụ với vợ và con gái tại thời điểm đó.

Người của chính quyền Việt Nam trực tiếp tham gia vụ bắt cóc bằng vũ lực đối với blogger Đường Văn Thái, người đã được Cao ủy Liên Hiệp Quốc UNHCR công nhận là người tị nạn, ở tỉnh Pathum Thani, Thái Lan, vào ngày 13 tháng Tư năm 2023 và bị ép đưa về Việt Nam.

Trong chuyến thăm Hà Nội, chúng tôi đề nghị ngài nêu quan ngại về các vấn đề trên và thúc đẩy chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân chính trị. Chúng tôi cũng đề nghị ngài kêu gọi chính quyền Việt Nam cam kết nới lỏng các hạn chế về quyền tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa, cũng như quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Giới lãnh đạo Việt Nam cần được nghe từ chính ngài và các nhà lãnh đạo khác rằng thực thi các quyền con người cơ bản không thể bị coi là tội phạm, và quan hệ Việt-Mỹ sẽ không bao giờ phát huy hết tiềm năng trừ khi Việt Nam nới lỏng chính sách đàn áp và cải thiện hồ sơ về nhân quyền.

Chúng tôi xin đính kèm một bản phụ lục với thông tin bổ sung về các tù nhân chính trị, các chi tiết về tình trạng hạn chế quyền tự do thông tin, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, cùng với các điểm hành động mà phía Mỹ cần đưa ra làm mốc đánh dấu các tiến bộ nhân quyền ở Việt Nam.

Cảm ơn ngài đã xem xét ý kiến của chúng tôi về các vấn đề quan trọng này. Nếu cần thêm thông tin, mong ngài vui lòng liên hệ với chúng tôi.

 

Kính thư,

 

Elaine Pearson

Giám đốc Ban Á châu

 

Phụ Lục

 

  1. Những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị

Nhà cầm quyền Việt Nam thường sử dụng các điều khoản có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các luật khác để truy tố và xử tù các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền, tôn giáo và môi trường. Các điều khoản đó bao gồm “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 109); “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” (điều 116); “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 117) hoặc “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88 của bộ luật hình sự năm 1999), và “phá rối an ninh” (điều 118). Chính quyền cũng sử dụng các điều khoản khác trong bộ luật hình sự để đối phó với những người vận động nhân quyền, như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (điều 331) và “gây rối trật tự công cộng” (điều 318).

Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất là 159 tù nhân chính trị, và 22 can phạm chính trị đang bị tạm giam chờ điều tra, xét xử. Chỉ tính riêng trong tám tháng đầu năm 2023, các tòa án Việt Nam đã kết luận có tội ít nhất là 15 người vì đã lên tiếng phê phán chính quyền, vận động cho nhân quyền, các giải pháp môi trường hay tôn trọng dân chủ và xử án họ nhiều năm tù, trong đó có các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đăng Phước, Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân ThắngTrần Văn Bang.

Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam có quy định rằng viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể quyết định tạm giam nghi can phạm các tội về an ninh quốc gia cho đến khi kết thúc điều tra (điều 173, khoản 5), và có thể ngăn không cho can phạm tiếp xúc với người bào chữa cho đến khi kết thúc điều tra (điều 74). Trên thực tế, điều này có nghĩa là những người bị tình nghi phạm các tội gọi là an ninh quốc gia thường xuyên bị công an giam giữ mà không được tiếp xúc với luật sư với thời hạn tùy ý chính quyền.

Chính phủ Hoa Kỳ cần công khai kêu gọi chính quyền Việt Nam:

  • Ngay lập tức phóng thích tất cả những người đang bị giam, giữ vì lý do chính trị vì đã thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình.
  • Hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự cho phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR) đã được Việt Nam gia nhập năm 1982.
  • Hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều 74 và 173 của bộ luật tố tụng hình sự và cho phép tất cả những người bị tạm giam vì bị tình nghi về bất cứ hành vi gì, kể cả các tội danh về an ninh quốc gia, được lập tức tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý ngay khi bị bắt.

 

  1. Đàn áp Quyền Tự do Thông tin

Chính quyền Việt Nam tiếp tục cấm các kênh truyền thông độc lập hoặc thuộc sở hữu tư nhân, và áp đặt sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với các kênh truyền hình và truyền thanh cũng như các nhà xuất bản. Những người phát tán các tài liệu bị coi là chống chính quyền, gây nguy hại tới an ninh quốc gia, làm lộ bí mật nhà nước hay lan truyền các tư tưởng “phản động” sẽ bị xử phạt hình sự. Nhà cầm quyền thường chặn đường truy cập các trang mạng nhạy cảm về chính trị, thường xuyên tìm cách đóng các blog và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet gỡ bỏ các nội dung hay các tài khoản mạng xã hội bị chính quyền cho là không chấp nhận được về chính trị.

Bộ luật an ninh mạng đầy vấn đề của Việt Nam có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2019. Với nội dung điều chỉnh quá rộng và mơ hồ, bộ luật tạo điều kiện cho chính quyền tùy nghi kiểm duyệt quyền tự do biểu đạt và bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung trái ý chính quyền trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu.

Chính phủ Hoa Kỳ cần công khai kêu gọi chính quyền Việt Nam:

  • Bảo đảm tất cả các điều luật về truyền thông và các văn bản dưới luật phải phù hợp với quy định của điều 19 Công ước ICCPR.
  • Cho phép xuất bản các tờ báo, tạp chí và tài liệu mạng thuộc sở hữu tư nhân, độc lập và không bị kiểm duyệt.
  • Gỡ bỏ việc chặn lọc, theo dõi và các hạn chế khác trên mạng internet.
  • Sửa đổi Luật An ninh Mạng, Nghị định 53/2022 và các văn bản dưới luật liên quan để đảm bảo các văn bản này phù hợp với tất cả các quy định về tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, trong đó có Công ước ICCPR.

 

  1. Đàn áp Quyền Tự do Thực hành Tôn giáo và Tín ngưỡng

Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định về đăng ký, sách nhiễu và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị quy định phải được sự phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước kiểm soát. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn thường cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tùy tiện cho là đi ngược với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội,” hay “khối đoàn kết dân tộc.” Tới tháng Chín năm 2021, Việt Nam thừa nhận rằng chính quyền đã không công nhận khoảng 140 nhóm tôn giáo với xấp xỉ một triệu tín đồ. Đa số các nhóm không được công nhận này thực hành tín ngưỡng tại các cơ sở thờ cúng tại gia hoặc các địa điểm thuê mướn. Chính quyền dán nhãn “tà đạo” đối với Tin lành Đề Ga, Công giáo Hà Mòn, Pháp Luân Công và vài nhóm tôn giáo khác, sách nhiễu và đàn áp những người thực hành các tín ngưỡng này.

Công an giám sát, và đôi khi dùng vũ lực đàn áp đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống do nhà nước kiểm soát. Các nhóm tôn giáo không được công nhận phải liên tục đối mặt với việc bị theo dõi, bị sách nhiễu và đe dọa và các tín đồ của họ có thể bị đấu tố trước đông người, bị buộc từ bỏ đạo, bị giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và truy tố.

Công an bắt giữ Y Krếc Byă (tên khác là Ama Guôn) vào tháng Tư năm 2023, và bắt giữ Nay Y Blang (tên khác là Ma Tương) vào tháng Năm, vì liên quan tới các nhóm tôn giáo độc lập.

Chính phủ Hoa Kỳ cần công khai kêu gọi chính quyền Việt Nam:

  • Cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và tự quản lý. Các cơ sở thờ tự và dòng tu không muốn gia nhập một tổ chức tôn giáo được chính thức công nhận với các ban trị sự do chính quyền phê chuẩn cần được cho phép hoạt động độc lập.
  • Chấm dứt việc chính quyền sách nhiễu, bắt buộc từ bỏ tín ngưỡng, bắt bớ, truy tố, bỏ tù và ngược đãi người dân vì họ là tín đồ của các tôn giáo không vừa ý nhà nước.
  • Cho phép những quan sát viên bên ngoài, bao gồm các cơ quan của Liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ, và các nhà ngoại giao nước ngoài, được đi lại không bị cản trở hay kèm cặp tới Tây Nguyên, bao gồm cụ thể việc được tới các thôn xã của người Thượng và các dân tộc thiểu số khác có những người mới chạy ra nước ngoài tìm cách tị nạn trong thời gian gần đây. Bảo đảm rằng những người nói chuyện hoặc tiếp xúc với những quan sát viên bên ngoài đó không bị trả đũa hay trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào.

 

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country