Hầu hết mọi người Australia biết đến Việt Nam qua những món ngon, bãi biển đẹp và lịch sử chiến tranh tàn khốc. Nhưng rất nhiều người có thể không ý thức được rằng quốc gia Đông Nam Á này cũng có tai tiếng khác biệt vì đang giam giữ hơn 150 tù nhân chính trị, những người bị bỏ tù chỉ vì những hành vi ôn hòa thực hành quyền tự do biểu đạt. Người ta hiếm khi nghe được về những tù nhân chính trị này vì chính quyền Việt Nam đang rất cố gắng thể hiện mình là một đối tác an ninh và thương mại đáng tin cậy, hợp thời của phương Tây.
Trong số những tù nhân chính trị này, có nhà hoạt động về đất đai Trương Văn Dũng, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, và nhà báo Phạm Đoan Trang; cả ba người đều bị kết các mức án tù nhiều năm với các cáo buộc nực cười.
Ngày 11 tháng Bảy, nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích công dân Australia Châu Văn Khảm, một người làm bánh đã nghỉ hưu đồng thời là nhà hoạt động, sau khi đã tùy tiện giam giữ ông hơn bốn năm. Hồi tháng Mười một năm 2019, một tòa án Việt Nam kết luận ông Châu có tội “khủng bố” và kết án ông 12 năm tù sau một phiên xử chóng vánh gây nhiều quan ngại sâu sắc về quy trình xét xử công bằng và đầy đủ. Vụ án chủ yếu dựa trên mối liên hệ và các hoạt động của ông với một đảng chính trị đối lập, Việt Tân, đang hoạt động công khai và hợp pháp ở nhiều quốc gia trong đó có Australia, nhưng bị Hà Nội tùy tiện dán cho cái nhãn “khủng bố.”
Hai nhà hoạt động người Việt khác, là Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền, bị đưa ra xử cùng với ông Châu và bị kết án lần lượt là 11 và 10 năm tù. Hiện họ vẫn đang ở sau song sắt trại giam.
Việc ông Châu được phóng thích sớm với lý do nhân đạo là một tin rất vui cho cá nhân và gia đình ông Châu. Đó là kết quả của các hoạt động ngoại giao và vận động kiên trì ở các cấp cao nhất của chính phủ Australia để đạt được quyết định trả tự do cho ông.
Nhưng vụ việc của ông Châu là một lời nhắc nhở cấp bách rằng rất nhiều người khác, từ các nhà bảo vệ nhân quyền đến các nhà hoạt động vì môi trường và nhà báo đang bị tùy tiện giam giữ ở Việt Nam, vì không có quốc tịch nước ngoài nên hiếm khi được các chính phủ ngoại quốc gây sức ép liên tục và mạnh mẽ với Việt Nam để họ được phóng thích.
Kể từ ngày 11 tháng Bảy, công an Việt Nam đã bắt giữ thêm hai nhà hoạt động vì đăng bài trên Facebook phê phán chính quyền.
Ngày 13 tháng Bảy, một tòa án Việt Nam đã bác đơn kháng án của ông Trương Văn Dũng, nhà hoạt động về đất đai. Ông sẽ phải thi hành đủ mức án sáu năm tù giam về tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Ngay từ trước khi bị kết án, ông Trương Văn Dũng đã phải chịu nhiều năm bị chính quyền sách nhiễu và đe dọa, bao gồm bị công an thẩm vấn, quản chế tại gia, bị cấm xuất nhập cảnh, và hành hung thân thể.
Cùng thời gian này, ông Trần Huỳnh Duy Thức, một thời từng là nhà vận động hàng đầu cho công nghệ thông tin và viễn thông kỹ thuật số ở Việt Nam, đang thụ án 16 năm tù. Ông bị kết tội vì kêu gọi dân chủ và một chế độ đa đảng.
Một nhà báo nổi tiếng, Phạm Đoan Trang, đang thi hành bản án chín năm tù. Bà dám viết các bài báo và cuốn sách trái ý Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài viết của bà đề cập tới hàng loạt các vấn đề từ quyền của người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới; quyền của phụ nữ; các vấn đề môi trường; xung đột lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc; và cải cách pháp lý.
Năm 2022, chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà hoạt động vì môi trường. Các tòa án Việt Nam đã kết tội nhà báo Mai Phan Lợi, luật sư môi trường, Đặng Đình Bách, và nhà bảo vệ môi trường Ngụy Thị Khanh, với các cáo buộc mang động cơ chính trị về tội trốn thuế. Việc bà Ngụy Thị Khanh là khôi nguyên của giải thưởng quốc tế danh giá Goldman Environmental Prize năm 2018 nhằm vinh danh các nhà hoạt động môi trường ở cấp cơ sở cũng chẳng tác động được gì. Vào tháng Năm, sau khi có sự lên tiếng mạnh mẽ ở quốc tế, Ngụy Thị Khanh được phóng thích sớm năm tháng trước khi mãn hạn tù.
Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam nhanh tay bắt lại một nhà vận động môi trường nổi tiếng khác, Hoàng Thị Minh Hồng, cũng với các cáo buộc sai trái về trốn thuế.
Hiện giờ chính phủ các quốc gia dân chủ đều đang muốn lấy lòng Việt Nam. Họ coi Việt Nam là một thị trường kinh tế hấp dẫn, một lựa chọn thay thế để các công ty phương Tây đặt nhà máy khi muốn giảm thiểu sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam đang trở thành một nhân tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh chiến lược địa-chính trị với Trung Quốc. Chính vì thế các chính phủ dân chủ từng lên tiếng phê phán các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc lại tránh không muốn chỉ trích Hà Nội về các vi phạm tương tự để lôi kéo nhà cầm quyền Hà Nội về phe mình chống lại Bắc Kinh.
Các chính phủ dân chủ không nên để Việt Nam tự tung tự tác. Làm như thế tức là quay lưng với những người dân Việt Nam đang phải chịu khổ nạn vì chính quyền không bao dung tiếng nói phê phán của họ. Như bà Phạm Đoan Trang can đảm phát biểu khi bị kết án, “nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… chọn một cách làm hèn hạ, ngu xuẩn và độc ác hơn rất nhiều, đó là bắt bớ cầm tù công dân của mình chỉ vì công dân đó viết sách, viết báo và trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài… bản án càng dài thì càng chứng tỏ bản chất độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Trong nỗ lực phát triển quan hệ chặt chẽ hơn, các chính phủ dân chủ như Australia, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ không nên bỏ mặc các tù nhân chính trị Việt Nam. Làm như thế chỉ mời gọi chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp quyền tự do ngôn luận và các tiếng nói phê phán mà bất kỳ một chính phủ quốc gia nào cũng nên cho phép.