(Bangkok) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng trong chuyến thăm Hà Nội dự định vào ngày 10 tháng Chín, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nên công khai thúc giục các nhà lãnh đạo Việt Nam lập tức phóng thích tất cả tù nhân chính trị và cải tổ những điều luật hà khắc.
Trong một lá thư viết ngày mồng 1 tháng Chín, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Tổng thống Biden nêu các quan ngại về nhân quyền, cả công khai cũng như trong những cuộc gặp riêng với chính phủ Việt Nam. Những vấn đề nhân quyền then chốt bao gồm việc bức hại các nhà bảo vệ môi trường và nhân quyền, đàn áp tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa, và vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
“Tổng thống Biden nên nói rõ với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng các mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước sẽ phụ thuộc vào những tiến bộ cụ thể và có thể kiểm chứng được trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam,” ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Hoa Kỳ không nên gạt các mối quan ngại về nhân quyền sang một bên khi phát triển quan hệ đối tác về kinh tế và ngoại giao với Hà Nội.”
Việt Nam hiện đang giam cầm ít nhất 159 tù nhân chính trị - những người bị bỏ tù chỉ vì đã ôn hòa thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình. Ít nhất có 22 người khác đang bị tạm giam chờ điều tra và xét xử tại các tòa án do Đảng Cộng sản cầm quyền kiểm soát. Chỉ trong tám tháng đầu 2023, các tòa án Việt Nam đã kết án và xử ít nhất 15 người nhiều năm tù giam trong các phiên tòa không công bằng.
Tổng thống Biden nên nêu các trường hợp của các nhà hoạt động vì dân chủ và nhân quyền Bùi Tuấn Lâm, Trần Văn Bang, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Bắc Truyển, và các nhà bảo vệ môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương, và những người khác. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Việt Nam cần hủy bỏ các án tù, và phóng thích họ ngay lập tức và vô điều kiện.
Tổng thống Biden cũng nên thúc giục các nhà lãnh đạo Việt Nam hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều luật mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các luật khác, thường được sử dụng để truy tố các nhà hoạt động, như “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và “phá hoại chính sách đoàn kết.” Việt Nam cần cải tổ luật pháp cho phù hợp với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là một thành viên, ví dụ như Luật Tố tụng Hình sự, để bảo đảm rằng mọi nghi can bị bắt vì bị cho là đã phạm luật, kể cả những điều luật về an ninh quốc gia, được tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý ngay tại thời điểm họ bị bắt giữ.
Tổng thống Biden nên kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ hoặc sửa đổi Luật An ninh mạng, và Nghị định 53/2022 kèm theo, cho hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.
Cuối cùng, Tổng thống Biden nên công khai kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam cho phép tất cả các nhóm tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo, và được tự quản lý. Các cơ sở thờ tự và dòng tu không muốn gia nhập những tổ chức tôn giáo được chính thức công nhận với các ban trị sự do chính quyền phê chuẩn cần được cho phép hoạt động độc lập.
“Tổng thống Biden nên nhận thấy rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vượt qua mối quan hệ giữa hai chính phủ, và cũng cần phải đến được với người dân Việt Nam,” ông Robertson nói. “Sự im lặng của Hoa Kỳ trước các vấn đề nhân quyền có thể bị xem là đồng lõa với việc đàn áp nhân quyền ngày càng mở rộng của chính quyền Việt Nam, và làm tổn hại tới mối quan hệ lâu dài giữa hai nước.”