Kính thưa Thủ tướng Kishida,
Chúng tôi xin thay mặt cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền gửi thư này mong ngài lưu ý tới tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam trước chuyến đi của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Tokyo dự quốc tang cố Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 27 tháng Chín. Cụ thể là, chúng tôi mong ngài nêu các vấn đề này một cách công khai cũng như trong các cuộc họp riêng với Chủ tịch nước Việt Nam. Xét thực tế Nhật Bản hiện là quốc gia có nguồn tài trợ và hỗ trợ phát triển lớn nhất của Việt Nam, chúng tôi tin rằng chính phủ của ngài có vị thế rất thuận lợi để thuyết phục Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền của mình.
Ai cũng biết rằng nếu muốn thay đổi chính sách hà khắc về nhân quyền của Việt Nam phải vượt qua những thách thức đáng kể, nhưng rõ ràng là có thể đạt được những bước tiến bộ một khi cộng đồng quốc tế, với sự chủ trì của Nhật Bản và các quốc gia có tư tưởng tương đồng, cùng chung sức nỗ lực. Quyền của người đồng tính nam, nữ, song tính và chuyển giới (LGBT) là một ví dụ tích cực, như chúng ta đã chứng kiến vào ngày mồng 3 tháng Tám năm 2022, khi Bộ Y tế Việt Nam chính thức xác nhận rằng đồng tính luyến ái và chuyển giới không phải là bệnh tâm thần và chỉ đạo các cơ sở và cá nhân cung cấp dịch vụ y tế chấm dứt đối xử kỳ thị và vi phạm quyền của người LGBT. Việc thay đổi chính sách nêu trên phù hợp với hướng vận động của nhiều quốc gia, thông qua các đại sứ quán của mình tại Hà Nội, và các cơ quan Liên Hiệp Quốc, kiến nghị rằng Việt Nam cần đưa chính sách y tế về người LGBT của mình cho phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền và y tế toàn cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế gắt gao các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp ôn hòa, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo. Bất kể một tổ chức hay nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản đều bị chính quyền cấm thành lập và hoạt động. Nhà cầm quyền chặn đường truy cập tới các trang mạng và yêu cầu các công ty viễn thông và mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị. Những người lên tiếng phê phán chế độ độc đảng, bao gồm cả việc phê phán trên mạng xã hội, phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị hành hung thân thể, câu lưu, bắt giữ tùy tiện và tù giam. Công an thường giam giữ các nhà hoạt động chính trị hàng tháng trời mà không cho tiếp xúc với luật sư và thẩm vấn họ thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết tội các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia, và tuyên những án tù dài hạn.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị rằng, xét hiện trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, chính quyền của ngài nên tập trung vào bốn lĩnh vực cần ưu tiên như sau: 1) những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị; 2) tình trạng đàn áp quyền tự do đi lại; 3) tình trạng đàn áp quyền tự do thông tin; và 4) tình trạng đàn áp quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo.
1. Những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị
Việt Nam thường sử dụng các điều khoản có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các luật khác để truy tố và xử tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo. Các điều khoản đó bao gồm “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 109); “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” (điều 116); “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 117)/ hoặc “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88 của bộ luật hình sự 1999), và “phá rối an ninh” (điều 118). Nhà cầm quyền Việt Nam cũng sử dụng các điều khoản khác trong bộ luật hình sự để đối phó với những người vận động nhân quyền, như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (điều 331) và “gây rối trật tự công cộng” (điều 318). Gần đây, chính quyền Việt Nam truy tố và kết án tù giam các nhà hoạt động về môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó có chủ nhân Giải thưởng Anh hùng Môi trường Goldman năm 2018 Ngụy Thị Khanh, theo các tội danh có động cơ chính trị về “trốn thuế” (điều 200).
Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất là 164 tù nhân chính trị. Chỉ trong chín tháng đầu năm 2022, các tòa án đã xử có tội ít nhất là 25 người vì họ đã lên tiếng phê phán chính phủ, vận động cho nhân quyền, môi trường hay dân chủ, và kết án họ nhiều năm tù giam, trong đó có nhà báo Mai Phan Lợi và luật sư Đặng Đình Bách, và nhà báo công dân Lê Văn Dũng (bút danh Lê Dũng Vova). Tháng Tám, tòa án ở Hà Nội phủ quyết yêu cầu kháng án của blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang, và các nhà hoạt động đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm. Công an Việt Nam cũng đã bắt thêm ít nhất là 14 người với các cáo buộc mang động cơ chính trị, trong đó có các nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Lân Thắng và Bùi Tuấn Lâm.
Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam có quy định rằng viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể quyết định tạm giam nghi can phạm các tội về an ninh quốc gia cho đến khi kết thúc điều tra (điều 173, khoản 5), và có thể không cho can phạm tiếp xúc với người bào chữa cho đến khi kết thúc điều tra (điều 74). Trên thực tế, điều này có nghĩa là những người bị tình nghi phạm các tội gọi là an ninh quốc gia trong bộ luật hình sự thường xuyên bị công an giam giữ mà không được tiếp xúc với luật sư với thời hạn tùy ý chính quyền.
Nhật Bản cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Ngay lập tức phóng thích toàn bộ những người đang bị giam, giữ vì lý do chính trị, bao gồm cả những người bị giam, giữ vì đã thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản.
- Hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự cho phù hợp với các nghĩa vụ theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) đã được Việt Nam ký kết tham gia vào năm 1982.
- Hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều 74 và 173 của Bộ luật Tố tụng Hình sự để cho phép tất cả những người bị tạm giam vì bất cứ hành vi gì bị tình nghi, kể cả các tội danh về an ninh quốc gia, được lập tức tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý ngay khi bị bắt.
2. Tình trạng đàn áp quyền tự do đi lại
Chính quyền Việt Nam thường xuyên vi phạm quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác bằng cách buộc các nhà hoạt động, các nhà bất đồng chính kiến, những người bảo vệ nhân quyền và những người khác phải chịu quản thúc tại gia vô thời hạn, sách nhiễu và nhiều hình thức câu lưu khác. Nhà cầm quyền thường câu lưu các nhà hoạt động trong thời gian vừa đủ lâu để ngăn họ không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hình sự xử các nhà hoạt động bạn bè, các cuộc gặp với các nhà ngoại giao nước ngoài, và các sự kiện liên quan đến nhân quyền khác.
An ninh Việt Nam quản thúc người dân tại gia bằng cách cho nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào bằng khóa ổ, dựng rào chắn và các chướng ngại vật khác để ngăn cản việc người trong nhà đi ra và người khác tới nhà, huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân phải ở nhà, và thậm chí đổ keo đa năng vào các ổ khóa nhà riêng của người dân.
Chính quyền Việt Nam cũng ngăn cản một cách có hệ thống các nhà hoạt động, các blogger, các nhà bất đồng chính kiến và cả người thân của họ đi lại trong nước hay xuất cảnh đi nước ngoài, trong đó có các vụ chặn giữ tại sân bay hoặc cửa khẩu, và từ chối cấp hộ chiếu hay các giấy tờ khác theo quy định để họ đủ điều kiện xuất cảnh hoặc trở về Việt Nam.
Tháng Hai năm 2022, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố phúc trình, “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam,” ghi nhận việc Việt Nam hạn chế gắt gao và có hệ thống quyền tự do đi lại trong khoảng thời gian từ năm 2004-2021.
Tháng Ba năm 2022, nhân viên an ninh đã ngăn cản tám người ủng hộ dân chủ không thể tham gia một sự kiện ủng hộ Ukraine ở Hà Nội sau khi Nga thực hiện cuộc chiến toàn diện xâm lược Ukraine vào tháng Hai.
Nhật Bản cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Lập tức chấm dứt việc tùy tiện hạn chế quyền tự do đi lại đối với các nhà hoạt động và những người phê phán chính quyền, bao gồm quản thúc tại gia, câu lưu, sách nhiễu, theo dõi, cấm đi lại trong nước và xuất nhập cảnh.
- Lập tức chấm dứt hành xử đưa người dân vào danh sách cấm xuất nhập cảnh. Bất cứ ai bị đưa vào danh sách cấm xuất nhập cảnh một cách hợp pháp cần được thông báo ngay lập tức và thỏa đáng, được biết lý do tại sao bị cấm xuất nhập cảnh, và có khả năng khiếu nại quyết định cấm trước một tòa án độc lập và vô tư.
- Cần hủy bỏ hoặc sửa đổi điều 14 (khoản 2) và điều 15 (khoản 4) của Hiến Pháp, có nội dung cho phép hạn chế nhân quyền vì các lý do an ninh quốc gia vượt quá giới hạn cho phép của công pháp quốc tế về nhân quyền.
- Cần hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều trong Luật Xuất Nhập Cảnh có nội dung cho phép nhà cầm quyền tùy tiện cấm công dân Việt Nam ra nước ngoài hoặc trở về Việt Nam nhân danh các điều luật có nội dung mơ hồ về an ninh quốc gia.
3. Tình trạng đàn áp quyền tự do thông tin
Chính quyền Việt Nam tiếp tục cấm các kênh truyền thông tư nhân hoặc độc lập hoạt động và kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và cơ sở in ấn. Việt Nam sẽ áp dụng các chế tài hình sự đối với những người phát tán các tài liệu bị cho là chống chính quyền, đe dọa tới an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật nhà nước hay tuyên truyền các tư tưởng “phản động.” Nhà cầm quyền thường chặn đường kết nối tới các trang mạng nhạy cảm về chính trị, thường xuyên tìm cách đóng các blog. Chính quyền Việt Nam cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải gỡ bỏ các nội dung hay tài khoản mạng xã hội bị coi là không chấp nhận được về mặt chính trị.
Từ tháng Giêng năm 2019 bộ luật an ninh mạng đầy rẫy vấn đề của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Bộ luật quá mơ hồ và lỏng lẻo này trao cho nhà cầm quyền khả năng tùy tiện kiểm duyệt ngôn luận tự do và buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung bị chính quyền coi là vi phạm trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu.
Tháng Chín năm 2022, chính phủ Việt Nam ban hành một Nghị định mới yêu cầu các công ty công nghệ phải mở văn phòng thực tế và lưu trữ dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam. Nghị định cũng nhiều vấn đề này, với điều khoản cho phép chính quyền xâm phạm quyền riêng tư của người sử dụng mạng, sẽ có hiệu lực từ ngày mồng 1 tháng Mười năm 2022.
Nhật Bản cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Đưa nội dung tất cả các quy định pháp luật về báo chí truyền thông cho phù hợp với điều 19 của ICCPR.
- Cho phép xuất bản các tờ báo và tạp chí tư nhân, độc lập và không bị kiểm duyệt.
- Gỡ bỏ chặn lọc, theo dõi, và các hạn chế khác về sử dụng Internet.
- Trả tự do cho những người bị tù hoặc giam giữ vì đã phát tán quan điểm của mình trên mạng Internet một cách ôn hòa.
- Sửa đổi Luật An ninh mạng và Nghị định 53/2022 liên quan đến luật này cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, trong đó có ICCPR.
- Đảm bảo rằng tất cả các văn bản dưới luật liên quan đến Luật An ninh mạng phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, trong đó có ICCPR.
4. Tình trạng đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo
Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định về đăng ký, sách nhiễu và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị quy định phải được sự phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước kiểm soát. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn thường xuyên cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tùy tiện cho là đi ngược với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội,” hay “khối đoàn kết dân tộc.” Tính đến tháng Chín năm 2021, chính quyền Việt Nam xác nhận rằng họ chưa công nhận chính thức khoảng 140 nhóm tôn giáo với xấp xỉ một triệu tín đồ. Nhiều nhóm trong số này thực hành tín ngưỡng tại các nhà thờ tại gia hoặc địa điểm thuê tạm. Chính quyền dán nhãn “tà đạo” đối với Tin lành Đề Ga, Công giáo Hà Mòn, Pháp Luân Công cùng vài nhóm tôn giáo khác, sách nhiễu và đàn áp những người thực hành các tín ngưỡng nói trên.
Công an giám sát, và đôi khi dùng vũ lực đàn áp đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống do nhà nước kiểm soát. Các nhóm tôn giáo độc lập không được công nhận phải liên tục đối mặt với việc bị theo dõi, bị sách nhiễu và đe dọa và các tín đồ của họ có thể bị đấu tố trước đông người, bị buộc từ bỏ đạo, bị giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và truy tố.
Tháng Giêng năm 2022, chính quyền tỉnh Lào Cai công bố rằng “với sự kiên trì” họ đã vận động “nhiều gia đình đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo, quay lại sinh hoạt theo tôn giáo được pháp luật cho phép; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.”
Chính sách đàn áp quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của nhà cầm quyền được ghi nhận rõ qua chính phát ngôn của các quan chức chính quyền. Ví dụ như, vào tháng Năm năm 2022, chính quyền tỉnh Kon Tum công khai tuyên bố rằng họ đã xóa bỏ đạo Công giáo Hà Mòn trên toàn tỉnh. Tháng Sáu năm 2022, chính quyền tỉnh Tuyên Quang phát biểu rằng trong bốn tháng đầu năm 2022, họ đã “tuyên truyền, vận động được 70 hộ dân từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, tin theo Đảng, Nhà nước.” Tháng Bảy năm 2022, chính quyền tỉnh Bắc Kạn cam kết sẽ thực hiện kế hoạch xóa bỏ nhóm Dương Văn Mình trong năm 2023. Họ công bố rằng trong vòng hai tuần đã “tuyên truyền, vận động được 42 hộ, 221 khẩu ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.” Công an tỉnh này hãnh diện phát biểu rằng một người dân “đã đồng ý dỡ bỏ tấm phông trắng, thay bằng bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tổ công tác trao tặng.” Tháng Tám, chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai đưa tin rằng Ban Tôn giáo tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với công an đấu tranh xóa bỏ “tà đạo” như Công giáo Hà Mòn và Tin lành Đề Ga.
Tháng Bảy năm 2022, một tòa án tỉnh Long An kết luận có tội và xử sáu thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai, một nhóm dựa trên Phật giáo, mức án từ ba đến năm năm tù giam về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 của bộ luật hình sự. Chính quyền cáo buộc họ làm ra các đoạn video clip “sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm đến uy tín của Công an huyện Đức Hòa; xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ).” Các bị can phát biểu rằng họ bị ép cung và nhục hình trong lúc lấy khẩu cung, nhưng tòa án không ghi nhận ý kiến đó của họ.
Nhật Bản cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lâp được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và tự quản lý. Các cơ sở thờ tự, dòng tu không muốn gia nhập một tổ chức tôn giáo được chính thức công nhận với các ban trị sự do chính quyền phê chuẩn cần được cho phép hoạt động độc lập.
- Chấm dứt việc chính quyền sách nhiễu, bắt buộc từ bỏ tín ngưỡng, bắt bớ, truy tố, bỏ tù và ngược đãi người dân vì họ là tín đồ của các tôn giáo không vừa ý nhà nước, và phóng thích tất cả những người đang bị giam giữ vì đã ôn hòa thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, biểu đạt, nhóm họp và lập hội.
- Bảo đảm rằng mọi quy phạm pháp luật quốc gia liên quan tới thực hành tôn giáo được ban hành sao cho phù hợp với công pháp quốc tế về nhân quyền, trong đó có ICCPR. Sửa đổi mọi điều luật trong nước có nội dung xâm phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa, trái với ICCPR.
- Cho phép những quan sát viên bên ngoài, bao gồm đại diện các cơ quan của Liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ, và các nhà ngoại giao nước ngoài, được đi lại không bị cản trở hay kèm cặp tới Tây Nguyên, bao gồm cụ thể việc được tới các thôn xã có người Thượng mới đi tị nạn nước ngoài. Bảo đảm rằng những người nói chuyện hoặc tiếp xúc với những quan sát viên bên ngoài đó không bị trả đũa hay trừng phạt.
Cảm ơn ngài đã xem xét ý kiến của chúng tôi về những vấn đề quan trọng nói trên. Nếu cần thêm thông tin gì, mong ngài không ngần ngại liên lạc với chúng tôi.
Kính thư,
Kanae Doi
Giám đốc phụ trách Nhật Bản
Elaine Pearson
Giám đốc Ban Á châu
Sao gửi:
Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi
Tiến sĩ Akihiko Tanaka, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)