202002LGBT_Vietnam_main

“Giáo viên nói tôi bị bệnh”

Những rào cản đối với quyền giáo dục của thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam

© 2020 Sally Deng for Human Rights Watch

 

Tóm tt

Thanh thiếu niên thuộc các nhóm thiểu số về tính dục và giới ở Việt Nam phải đối mặt với nạn kỳ thị và hắt hủi ở nhà cũng như ở trường. Dù trong những năm gần đây chính phủ Việt Nam đã có những cam kết đáng kể nhằm công nhận các quyền của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT) nhưng các tiến bộ hữu hình vẫn ít hơn nhiều so với lời hứa, và khoảng cách giữa chính sách và thực tế nói trên làm nhức nhối những người trẻ tuổi.

Năm 2016, khi đang giữ ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết chống bạo hành và kỳ thị do xu hướng tính dục và bản dạng giới (SOGI). Phái đoàn Việt Nam có bài tường trình về ý kiến ủng hộ trước khi bỏ phiếu, trong đó nói rõ: “Nguyên nhân Việt Nam bỏ phiếu thuận xuất phát từ các thay đổi về chính sách liên quan đến quyền của người LGBT cả ở trong nước lẫn quốc tế.”

Có lẽ thay đổi pháp lý có tác động lớn nhất bao gồm việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình vào năm 2014, và Luật Dân sự vào năm 2015. Trong năm 2014, Quốc hội Việt Nam loại bỏ hôn nhân đồng tính ra khỏi danh sách các quan hệ hôn phối bị cấm; tuy nhiên, việc sửa đổi này chưa dẫn đến sự công nhận pháp lý đối với các mối quan hệ cùng giới. Năm 2015, Quốc hội Việt Nam sửa đổi Luật Dân sự để loại bỏ điều khoản cấm người chuyển giới được thay đổi giới tính trên giấy tờ pháp lý; tuy nhiên, nội dung luật sửa đổi chưa đưa ra được một quy trình minh bạch và thuận lợi đối với việc thay đổi giới tính trên giấy tờ pháp lý.

Và dù các lời tuyên bố và các thay đổi nói trên là chỉ dấu cho một tương lai nhiều hứa hẹn cho những người LGBT ở Việt Nam, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức đáng kể. Chính phủ Việt Nam vừa có vị thế vừa có trách nhiệm phải giải quyết các vấn đề này.

Những thông tin không chính xác về xu hướng tính dục và bản dạng giới vẫn lan tràn ở Việt Nam. Một phần trong số đó bắt nguồn từ các trường học. Chính sách cũng như việc thực hành giáo dục giới tính ở Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, và thiếu phần thảo luận bắt buộc về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Các giáo trình chuẩn quốc gia cũng thiếu hẳn phần các vấn đề LGBT. Dù một số trường và giáo viên có tự lực đưa những bài học đó vào chương trình giảng dạy, khoảng trống ở cấp quốc gia khiến đa số học sinh Việt Nam không có kiến thức cơ bản về xu hướng tính dục và bản dạng giới.

Có bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt đó đã gây ra hậu quả tai hại. Như được ghi nhận trong bản phúc trình này, thanh thiếu niên nhận thức rõ ràng về niềm tin phổ biến rằng sự hấp dẫn đồng tính là một chứng bệnh tâm lý có thể chẩn đoán được. Thất bại của chính phủ Việt Nam trong việc khắc phục thông tin sai lệch này khiến luận điểm đó tiếp tục lan truyền vô tội vạ. Niềm tin phổ biến nói trên đã có những tác động đáng kể đến cuộc sống của những thanh thiếu niên LGBT được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn, từ trở thành nguyên nhân chính của tình trạng kỳ thị và sách nhiễu, đến việc các bậc cha mẹ đưa con là người đa dạng tính dục đến gặp các chuyên gia sức khỏe tâm lý để tìm cách chữa trị. Ngay cả những thanh thiếu niên sau này xác định họ là người đa dạng tính dục cũng ghi nhận rằng họ lớn lên cùng các định khuôn và thông tin sai lệch về bản thân và về những người khác. Trong một số trường hợp, những kiến thức sai lầm đó đã nuôi dưỡng sự thù ghét, thậm chí bạo lực đối với những người LGBT.

Do thiếu vắng thông tin từ các nguồn chính thức, thanh thiếu niên Việt Nam phải đi tìm những thông tin chính xác và tích cực về xu hướng tính dục và bản dạng giới ở những nơi khác. Một số sinh viên kể lại việc họ tìm kiếm thông tin từ các nguồn không chính thức – đặc biệt là tìm kiếm và tra cứu trên mạng internet. Dù việc tìm ra được thông tin tích cực bằng các cách nói trên cũng đáng khích lệ, nhưng các thông tin đó không thể đầy đủ và thậm chí không tiếp cận được đối với rất nhiều thanh thiếu niên Việt Nam.

Trong các trường học Việt Nam, tình trạng sách nhiễu bằng lời nói đối với học sinh LGBT rất phổ biến. Học sinh từ nhiều loại trường học khác nhau – ở đô thị và nông thôn, công lập cũng như tư thục – kể với chúng tôi rằng nhiều học sinh và giáo viên sử dụng những từ ngữ miệt thị để nói về những người LGBT, đôi khi nhằm vào chính họ, kèm theo những lời đe dọa bạo lực. Các nghiên cứu khác, trong đó có nghiên cứu của các cơ quan Liên hiệp quốc và của một số nhóm người Việt, cũng xác thực ý kiến này.

Dù ít xảy ra hơn, một số thanh thiếu niên LGBT cũng cho biết đã bị bạo hành thân thể. Ví dụ như, một người trả lời phỏng vấn nói: “[Việc bắt nạt] đa phần là bằng lời, nhưng có một lần cháu bị năm sáu thằng đánh hồi cháu học lớp tám – chỉ vì chúng không ưa ngoại hình của cháu.” Điểm tương đồng giữa các vụ xâm hại bằng lời nói và bạo hành cơ thể là sự thiếu vắng phản ứng nhất quán từ phía nhân viên nhà trường, và tình trạng thiếu niềm tin của học sinh vào sự hiện diện của cơ chế giải quyết các vụ bạo hành và kỳ thị.

Đa số các thanh thiếu niên LGBT là những người đã trải nghiệm tình trạng bị bắt nạt ở học đường được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn nói rằng các em không thấy yên tâm khi báo cáo những vụ việc đó với nhân viên nhà trường. Nguyên nhân của việc đó, trong một số trường hợp, là cách hành xử đầy định kiến, công khai của nhân viên; trong nhiều trường hợp khác, là do học sinh có ý nghĩ rằng việc phải nhờ cậy những người lớn can thiệp sẽ không an toàn.

Và ngay cả trong những trường hợp học sinh không bị xâm hại bằng lời nói hay bạo hành thân thể, nhiều em cho biết rằng gia đình, bạn bè và thầy cô giáo, vừa trực tiếp lẫn gián tiếp, áp đặt các thông lệ xã hội về dị tính luyến ái và người hợp giới. Việc này xảy ra trong lớp học khi các giáo viên gọi những quan hệ không phải là luyến ái dị giới hướng tới sinh đẻ là “phi tự nhiên” hay khi cha mẹ dọa con mình bằng bạo lực, ruồng bỏ hay đưa đi chữa trị nếu đứa con thể hiện là đồng tính nam hay đồng tính nữ.

Thanh thiếu niên LGBT bị bắt nạt hay cô lập ở học đường phải chịu hàng loạt tác động tiêu cực. Như bản phúc trình này ghi nhận, các em cảm thấy căng thẳng vì bị bắt nạt và sách nhiễu, và tình trạng căng thẳng đó ảnh hưởng tới khả năng học tập. Một số học sinh nói rằng do bị bắt nạt vì xu hướng tính dục hay bản dạng giới của mình khiến các em trốn lớp hoặc nghỉ hẳn ở nhà.

Ngược lại, những thanh thiếu niên LGBT cho biết đã nhận được những thông tin chính xác, tích cực về xu hướng tính dục và bản dạng giới ở nhà trường, hay sự ủng hộ từ phía bạn bè hoặc thầy cô, nói rằng những điều đó rất có ý nghĩa. Các em cảm thấy được khích lệ để đi học đều hơn và tự bảo vệ trước những tình huống bị sách nhiễu hay thông tin sai lệch. Và những học sinh cảm thấy có đầy đủ thông tin hơn cũng cho biết rằng hiểu biết sự thật về xu hướng tính dục và bản dạng giới– cụ thể rằng đó không phải là “trục trặc tâm lý” gì hết – khiến các em được tăng cường khả năng phòng chống kỳ thị và bạo hành.

Các thanh thiếu niên LGBT không đơn độc trong việc nhận biết và đẩy lùi tình trạng ngược đãi nhằm vào họ. Nhiều bậc cha mẹ có con là thanh thiếu niên LGBT cũng bắt đầu nhận lấy vai trò phải hành động vì sự đa dạng và dung hợp, và đứng ra tổ chức các hội thảo phổ biến thông tin khắp đất nước, và tình nguyện tư vấn cho các bậc phụ huynh đồng cảnh, những người lớn lên và được dạy dỗ trong một hệ thống giáo dục coi đồng tính luyến ái là một căn bệnh.

Trong một sự kiện nghệ thuật, là một phần của ngày hội của người đồng tính Hanoi Pride năm 2019, một nhóm các nhà hoạt động và nghệ sĩ đã trưng bày một cuộc triển lãm tìm hiểu về lịch sử đa dạng tính dục ở Việt Nam qua nhiều từ ngữ miệt thị đã được cộng đồng LGBT cải tạo trong những năm gần đây. Những người tổ chức hy vọng rằng “xã hội sẽ có hiểu biết tốt hơn để, khi chúng ta sử dụng những từ này, chúng ta hiểu rõ định nghĩa của chúng.” Cuộc triển lãm đề cao một mục tiêu đơn giản mà quan trọng: phá bỏ một số hiểu biết sai lệch cơ bản, dẫn đến tình trạng vi phạm nhân quyền của những người LGBT – nhất là thanh thiếu niên - ở Việt Nam ngày nay.

Chính phủ Việt Nam có một số điều luật cấm kỳ thị và bảo đảm quyền giáo dục đối với tất cả trẻ em. Chính phủ cũng đưa ra tuyên bố sẽ theo xu hướng toàn cầu về tôn trọng quyền của những người LGBT, là các tín hiệu về ý chí chính trị nhằm thực hiện những thay đổi cần thiết để thực sự bao gồm tất cả mọi người, không phân biệt xu hướng tính dục hay bản dạng giới, tại các cơ sở giáo dục cũng như trong toàn xã hội. Những bước đi đầu tiên phải có cả việc sửa đổi lại quan niệm cố hữu phổ biến rằng đồng tính luyến ái là một căn bệnh và cần được chữa trị.

Khuyến ngh

Đối với Quốc hội Việt Nam

  • Sửa đổi lại Luật Bình đẳng Giới năm 2006 để có các điều khoản cụ thể nhằm bảo vệ bản dạng giới và thể hiện giới tính
  • Sửa đổi lại Luật Hôn nhân và Gia đình để cho phép các cặp vợ chồng đồng tính được công nhận đầy đủ về pháp lý.
  • Phê chuẩn Công ước Chống Kỳ thị trong Giáo dục của UNESCO.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

  • Đề xướng và thực thi các tài liệu hướng dẫn về giảng dạy giáo dục giới tính toàn diện, cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
  • Ký kết Bản Kêu gọi của UNESCO về Hành động đối với bạo lực nhằm vào người đồng tính và chuyển giới, để thể hiện cam kết của Bộ về cải cách chính sách nhằm bảo vệ học sinh, sinh viên LGBT.
  • Minh xác rằng Quyết định 2018 về tư vấn tâm lý tại học đường do Bộ GD-ĐT ban hành có đối tượng áp dụng bao gồm cả các học sinh, sinh viên LGBT và chỉ thị việc thực hiện quyết định nói trên có bao gồm giảng dạy về xu hướng tính dục và bản dạng giới.
  • Ngay lập tức tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn bắt buộc cho tất cả các giáo viên về giới tính và tính dục, bao gồm cả nội dung về sức khỏe tình dục, và các thông tin chính xác về xu hướng tính dục và bản dạng giới.
  • Ban hành một văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục về các biện pháp cụ thể cần thực hiện nhằm phòng chống sách nhiễu và kỳ thị tại học đường.
  • Đưa các học phần về xu hướng tính dục, bản dạng giới và nhân quyền vào các chương trình giảng dạy tại các trường cao đẳng và đại học sư phạm.

Đối với Bộ Y tế

  • Chính thức công bố, theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, rằng có ham muốn tính dục với người đồng giới không phải là một chứng bệnh tâm thần chẩn đoán được.
  • Ban hành một văn bản hướng dẫn rằng tất cả các tài liệu giảng dạy về y khoa ở tất cả các cấp, bao gồm cả cho các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, phải điều chỉnh lại để ghi nhận rằng việc thấy hấp dẫn tính dục đồng giới là một biến thể tự nhiên trong các hành vi của con người.
  • Chính thức áp dụng Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế phiên bản 11 của Tổ chức Y tế Thế giới, chú trọng đặc biệt tới chương mới về sức khỏe tình dục, trong đó đã cập nhật các tiêu chuẩn chẩn đoán đối với người chuyển giới.

Đối với Bộ Ngoại giao

  • Cố vấn cho chính phủ mời các chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc về bảo vệ chống kỳ thị và bạo hành có nguyên nhân từ xu hướng tính dục và bản dạng giới đến thăm Việt Nam và tư vấn về các tiến bộ của chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực quyền của người LGBT và các bước tiếp theo.

 

Phương pháp nghiên cu

Các nhân viên của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và một cố vấn đã tiến hành nghiên cứu cho bản phúc trình này trong giai đoạn từ tháng Năm năm 2018 đến tháng Ba năm 2019 tại Việt Nam.

Các nghiên cứu viên đã thực hiện 59 cuộc phỏng vấn, bao gồm 12 cuộc với trẻ em dưới 18 tuổi được xác định là thuộc các nhóm thiểu số về tính dục và giới tính; 40 cuộc với những người thuộc các nhóm thiểu số về tính dục và giới tính trong độ tuổi từ 18 đến 23 về các trải nghiệm thời niên thiếu của họ; và 7 cuộc với các giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường và phụ huynh.

Theo luật Việt Nam, một người được coi là trưởng thành khi đủ 16 tuổi. Tuy nhiên, trong phạm vi bản phúc trình này, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền coi tất cả những người dưới 18 tuổi là trẻ em, theo định nghĩa “trẻ em” trong Công ước Liên hiệp quốc về Quyền Trẻ em.[1] Ủy ban về Quyền Trẻ em, cơ quan thẩm quyền của Liên hiệp quốc có chức năng giám sát việc thực hiện công ước nói trên của các quốc gia, đã kêu gọi Việt Nam sửa đổi luật pháp cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.[2]

Những người trả lời phỏng vấn không được trả tiền thù lao. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có thanh toán chi phí di chuyển bằng phương tiện công cộng cho những người trả lời phỏng vấn để đến gặp những người trong nhóm nghiên cứu tại các địa điểm an toàn, kín đáo. Một số cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt có phiên dịch trực tiếp, tại chỗ sang tiếng Anh; một số cuộc khác được thực hiện bằng tiếng Anh; và một số cuộc do một người nói tiếng Việt thực hiện, sau đó được đánh máy lại và dịch ra tiếng Anh. Tất cả các cuộc phỏng vấn với những người đã trải nghiệm tình trạng bị bắt nạt tại học đường được tiến hành riêng, mỗi lần chỉ thực hiện với một người trả lời phỏng vấn.

Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã được sự đồng ý bằng lời của những người tham gia phỏng vấn sau khi được thông báo đầy đủ, và đã cung cấp bản giải thích bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt về mục đích của dự án và về việc các câu chuyện của những người trả lời phỏng vấn sẽ được sử dụng như thế nào trong bản phúc trình cũng như trong các tài liệu liên quan. Những người trả lời phỏng vấn đã được thông báo rằng họ có thể dừng cuộc phỏng vấn bất cứ lúc nào, hoặc từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào mà bản thân họ không thấy thoải mái khi trả lời.

Trong phúc trình này, chúng tôi không sử dụng tên thật của những người trả lời phỏng vấn. Tất cả những thông tin xác định cá nhân của những người trả lời phỏng vấn như nơi sinh sống và học tập, tên trường học, đã được chủ động tránh đề cập nhằm bảo vệ sự riêng tư của những người trả lời phỏng vấn. Những người tham gia đã học tập ở cả hai loại trường công và trường tư, có một số người đã chuyển trường qua lại giữa cả hai hệ thống. Dù đa số các thanh thiếu niên tham gia trả lời phỏng vấn lớn lên và đi học tại các trung tâm đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ hay Đà Nẵng, có 16 em tham gia trả lời phỏng vấn cho dự án này đã đi học ít nhất là một phần của chương trình cấp hai hay trung học ở các tỉnh, vùng nông thôn, trong đó có Bắc Giang, Hải Dương, Đồng Nai, Hà Giang, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Lào Cai, Nam Định, Quảng Ninh, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, và Thái Bình.

I. Thanh thiếu niên và người đa dng tính dc ở Vit Nam

Tôi không thấy an toàn ở trường học. Trước khi tôi công khai giới tính, các bạn cùng lớp không biết vì tôi khéo giấu kín. Và tôi biết nếu công khai ra, tôi sẽ thường xuyên bị nhắm vào, nhưng tôi vẫn quyết định làm thế, vì sống không đúng với bản thân và giới tính thật của mình rất bức bối.


—Khanh, người chuyển giới nam 22 tuổi, tháng Giêng năm 2019

Các thanh, thiếu niên được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn trong phúc trình này kể lại cho chúng tôi về các nỗ lực thể hiện bản thân, giữ an toàn và tiếp cận thông tin trong thời niên thiếu, khi họ bắt đầu thấy khác biệt và nhận ra xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình.

Gần như tất cả những người được phỏng vấn đều nói các em bắt đầu thắc mắc và khám phá về giới tính của chính mình, hay có cảm giác bị hấp dẫn tình cảm với người cùng giới từ khi còn nhỏ; một số em nói đã biết rằng mình không phải là người dị tính luyến ái hay người hợp giới ngay từ khi mới lên 4 tuổi. Đối với đa số các em, những nỗi khó khăn đầu tiên, theo lời giải thích của chính họ, không phải đến từ việc chấp nhận sự khác biệt đó của bản thân, mà là quá trình tìm kiếm thông tin về giới tính và tính dục ngược lại với dòng chính lưu đầy các định khuôn, thông tin sai lệch và diễn ngôn đối nghịch với LGBT.

Trong những trường hợp hiếm hoi có giáo viên hay nhân viên nhà trường ủng hộ học sinh LGBT, các biểu hiện thông cảm đó chủ yếu dựa vào động thái cá nhân của giáo viên, nhân viên trong trường hơn là xuất phát từ chính sách hay quy chế. Trong đa số các trường hợp được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận, các giáo viên, nhân viên nhà trường hoặc tránh nhắc đến xu hướng tính dục và bản dạng giới, hoặc lan truyền thông tin không chính xác và kỳ thị, ví dụ như nói rằng đồng tính luyến ái là một loại “bệnh tâm thần.”

iSEE, một tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực quyền của người LGBT, nhận định qua một cuộc khảo sát hơn 2,300 người LGBT vào năm 2015 rằng, hai phần ba trong số những người từng đi học đã chứng kiến các phát ngôn thù nghịch với LGBT từ phía bạn bè, và một phần ba đã chứng kiến lối hành xử tương tự từ các giáo viên, nhân viên nhà trường.[3] Một nghiên cứu năm 2012 của CCIHP, một NGO khác ở Việt Nam, cho thấy rằng hơn 40 phần trăm thanh thiếu niên LGBT tham gia nghiên cứu – có độ tuổi trung bình là 12 tuổi – đã từng bị bạo hành hay kỳ thị ở học đường.[4]

Quyền của người LGBT ở Việt Nam

Xét cả quá trình lịch sử, xu hướng tính dục và bản dạng giới không được quan tâm mấy trong luật pháp và chính sách của Việt Nam.[5] Cuộc vận động xã hội dân sự trong thập niên vừa qua đã mang lại những thành quả đầy ý nghĩa về sự xuất hiện công khai và những kết quả về quyền của người LGBT.[6]

Trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã thực hiện những bước tiến đáng kể trong việc công nhận quyền của người LGBT. Trong số những thay đổi về pháp luật có tác động lớn nhất chắc phải kể đến những sửa đổi đối với Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 và Luật Dân sự năm 2015.

Trước những năm cuối thập niên 1990, khái niệm “vợ chồng” trong pháp luật Việt Nam không loại trừ cụ thể sự tồn tại của các cặp đồng tính. Sau khi có hai đám cưới đồng tính được công luận chú ý trong hai năm 1997 và 1998, Quốc hội Việt Nam sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình vào năm 2000 để quy định cụ thể rằng các đám cưới đồng tính là bất hợp pháp.[7]

Chủ yếu nhờ vào phong trào vận động cho quyền của người LGBT do xã hội dân sự dẫn dắt, ý kiến công luận đã dần thay đổi. Năm 2010, một thanh niên 18 tuổi viết một lá thư ngỏ đăng trên trang web của Tuổi Tr, một tờ báo nhà nước, bày tỏ nỗi đau vì bị cha mẹ từ chối khi họ phát hiện ra anh là đồng tính nam. Sau khi có làn sóng ý kiến ủng hộ, tờ báo tiếp nối bằng một bài hỏi – đáp với Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. “Hãy nhìn nhận đồng tính như một vấn đề bình thường,” Tiến sĩ Sơn nói với độc giả.[8] Năm 2012, các nhà hoạt động tổ chức buổi diễu hành của người LGBT lần đầu tiên[9]. Kể từ đó, văn hóa đại chúng cũng cởi mở hơn, với các chương trình truyền hình như “Nghe Cầu Vồng Nói,” “Bước Ra Ánh Sáng” và “Love Wins.”

Năm 2013, Quốc hội đổi ý và loại bỏ hôn nhân đồng tính khỏi danh mục cấm; tuy nhiên, việc thay đổi này chưa triệt để đến mức chính thức công nhận pháp lý đối với quan hệ đồng tính [10]. Năm 2015, Quốc hội sửa đổi Luật Dân sự để loại bỏ quy định cấm người chuyển giới được đổi tên và giới tính pháp lý; tuy nhiên việc sửa đổi chưa triệt để đến mức đưa ra một quy trình công nhận giới tính pháp lý mới.[11]

Năm 2016, khi đang giữ ghế Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam bỏ phiếu thuận cho nghị quyết về bảo vệ chống bạo hành và kỳ thị có nguyên nhân từ xu hướng tính dục và bản dạng giới (SOGI). Phái đoàn Việt Nam có đưa ra tường trình về việc ủng hộ nghị quyết trước khi bỏ phiếu, nói rằng: “Lý do Việt Nam bỏ phiếu thuận có căn cứ từ các thay đổi về chính sách cả trong nước lẫn trên thế giới về quyền của người LGBT” và “Việt Nam hoan nghênh sáng kiến và các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm phòng chống bạo hành và kỳ thị do xu hướng tính dục và bản dạng giới.”[12] Nghị quyết cũng bầu ra Chuyên gia Độc lập đầu tiên của LHQ về SOGI, Giáo sư Vitit Muntarbhorn đến từ Thái Lan.

Các quan chức chính phủ khác cũng đưa ra các phát biểu công khai ủng hộ các quyền cơ bản của người LGBT. Trong đó có lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vào tháng Tám năm 2015, nói rằng: “Hôn nhân đồng tính không chỉ là vấn đề xã hội của Việt Nam, mà còn là mối quan tâm toàn cầu, nên cần phải được bàn bạc cẩn thận, kỹ lưỡng.”[13] Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã công khai ủng hộ đề xuất công nhận quan hệ của các cặp đồng tính.[14]

Tuy nhiên, dù đã có những tiến bộ hữu hình, những người trẻ tuổi vẫn nhận thấy rõ sự thiếu vắng cơ chế bảo vệ và các chương trình chủ động cho người LGBT ở Việt Nam, như được ghi nhận trong phúc trình này. Trong một bản phúc trình năm 2017 về môi trường pháp lý đối với người LGBT ở Việt Nam, iSEE ghi nhận rằng các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ pháp lý của chính phủ bị thiếu hụt, khiến người LGBT ở Việt Nam phải tìm kiếm những ý kiến không chính thức từ các NGO.[15] Hơn nữa, như iSEE nhận xét, chỉ có một phần ba những người LGBT thành niên nói rằng họ biết tìm nguồn tư vấn và khiếu nại ở đâu khi các quyền của mình bị xâm phạm.[16]

Sự chấp nhận của xã hội cũng được gia tăng nhiều trong những năm gần gây. Trong hai năm 2013-14, một phong trào truyền thông xã hội có tên là “Tôi Đồng Ý” đã ghi danh hơn 53.000 cá nhân đăng ảnh để ủng hộ hôn nhân đồng tính.[17] Vào năm 2018, trong một màn của chương trình hẹn hò Anh chàng Độc thân, the Bachelor phiên bản Việt Nam, hai phụ nữ rời chương trình với tư cách một cặp tình nhân chứ không phải với anh chàng độc thân vai chính, khán giả hầu như không hề bị sốc.[18]

Trong buổi diễu hành Hanoi Pride năm 2019, một nhóm các nhà hoạt động và nghệ sĩ đã trưng bày triển lãm “Từ PêĐê tới Buê Đuê” giới thiệu tiến trình phát triển của cộng đồng LGBT Việt Nam thông qua ngôn ngữ. “Cộng đồng chúng ta đã tiến rất xa, chúng ta phát triển vượt qua tất cả những sự thù ghét và kỳ thị nhắm thẳng vào chúng ta,” những người tổ chức viết trong tập kèm theo triển lãm.[19] Mục tiêu của triển lãm là phơi bày các thuật ngữ từng bị dùng để nhục mạ và đã được cộng đồng đa dạng tính dục cải tạo và sử dụng lại trong những năm gần đây. Những người tổ chức hy vọng rằng “xã hội sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn, để khi chúng ta sử dụng những từ ngữ này, chúng ta có thể hiểu đầy đủ.” Đó là một nhiệm vụ đơn giản nhưng quan trọng. Như bản phúc trình này ghi nhận, hiểu biết sai sự thật và định khuôn tiêu cực là các yếu tố góp phần nuôi dưỡng sự vi phạm nhân quyền đối với những người LGBT ở Việt Nam ngày nay.

Thông tin sai lệch về xu hướng tính dục và bản dạng giới

Tôi lên mạng. Tôi cũng kết bạn trong cộng đồng LGBT và đặt các câu hỏi từng ám ảnh trong đầu tôi. Tôi rất hào hứng được biết thêm những thông tin mới và dần nhận ra rằng đó không phải là một căn bệnh.


—Sinh, một người đàn ông lưỡng tính 23 tuổi, tháng Chín năm 2018

Rất nhiều người ở Việt Nam tin rằng cảm giác hấp dẫn đồng giới là một chứng bệnh tâm thần có thể chẩn đoán, điều trị và chữa khỏi. Niềm tin sai lầm này bắt nguồn từ một thực tế là các hiệp hội y tế chuyên ngành và chính phủ không có giải pháp hữu hiệu để lan truyền được sự thật rằng cảm giác hấp dẫn đồng giới là một biến thể tự nhiên của tâm sinh lý con người.

Những nhà nghiên cứu đã phân tích rằng Việt Nam chưa bao giờ chính thức công nhận quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng đồng tính luyến ái là một căn bệnh có thể chẩn đoán được vào năm 1969, vì thế chính phủ Việt Nam chưa từng chính thức loại bỏ quan điểm chẩn đoán cũ, như nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã làm khi WHO công bố đưa đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các loại bệnh vào năm 1990. Tuy nhiên, dù quan điểm chẩn đoán đồng tính luyến ái như một loại bệnh có vẻ chưa từng được chính thức xuất hiện trên giấy tờ ở Việt Nam, nhưng cách chính phủ đối xử với đồng tính luyến ái như một dạng hành vi biến thái, kết hợp với việc các nhân vật của công chúng trong ngành y tế cứ tiếp tục giải thích đồng tính luyến ái như một căn bệnh, khiến nhiều người dân vẫn tin chắc rằng đó là một dạng bệnh lý. Nhà nhân chủng học Natalie Newton, chuyên gia nghiên cứu văn hóa đa dạng tính dục và các phong trào nhân quyền ở Việt Nam, giải thích rằng:

Hiện tượng chung của quan niệm bệnh lý hóa đồng tính luyến ái ở Việt Nam cũng không khác với phương Tây hay các vùng khác trên thế giới. Tuy nhiên, cách thức các cơ sở y tế, Nhà nước và các dự án NGO tranh biện với nhau về vấn đề đồng tính luyến ái thì rất đặc thù, trong bối cảnh lịch sử đương đại riêng biệt của Việt Nam…[20]

Bà Newton đã trình bày rằng hàng loạt chế độ pháp lý ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 1950, đã coi đồng tính luyến ái là một thứ “tệ nạn xã hội,” và các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam thường dùng khái niệm “gián tiếp làm băng hoại đạo đức xã hội.” Theo Newton, ““Tệ nạn xã hội” là một thuật ngữ rộng thường được nhà nước và các cấp chính quyền địa phương định danh và vận dụng thành công cụ để kiểm soát xã hội ở nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh vực, trong đó có đồng tính luyến ái.” Bà viết rằng:

Hiện nay, các tranh luận xung quanh việc chẩn đoán y tế và tâm lý đồng tính luyến ái như một căn bệnh vẫn chỉ ở mức các diễn đàn báo chí và công luận. Các định chế trong ngành y tế và tâm lý học ở Việt Nam chưa công nhận quyết định loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh mục các bệnh tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới.[21]

Nghiên cứu của Newton ghi nhận hiện tượng các nhân vật công chúng, từ các nhà thơ tới các chuyên gia tâm lý, vẫn duy trì quan điểm cho rằng đồng tính luyến ái là một căn bệnh. Có một thực tế là các tổ chức y tế chuyên môn và bộ y tế vẫn giữ im lặng, khiến ý kiến cho rằng đó là một dạng bệnh vẫn nổi trội. Hậu quả của nó là các bậc phụ huynh và thầy cô không được trang bị đầy đủ thông tin và thanh thiếu niên có những mối băn khoăn về xu hướng tính dục và bản dạng giới bị cô lập và phải đối mặt với những rào cản lớn khi muốn tiếp cận thông tin chính xác.

Khi học sinh, sinh viên LGBT gặp phải sự thù nghịch ở nhà hay trong các nhóm bạn, việc tiếp cận được thông tin và nguồn trợ giúp đồng cảm trở nên cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên rất ít thanh thiếu niên LGBT được chúng tôi phỏng vấn cảm thấy rằng nhà trường đã tạo đủ điều kiện cho các em tiếp cận thông tin và các nguồn trợ giúp về xu hướng tính dục, bản dạng giới và việc là LGBT.

Để hiểu được tính dục của bản thân và chọn lựa một cách có trách nhiệm, các học sinh, sinh viên LGBT, cũng như các em khác, cần tiếp cận được thông tin về tính dục không mang tính phán xét và bao quát đầy đủ các cung bậc của tính dục loài người. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các chương trình giáo dục giới tính. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã hướng tới việc cung cấp một chương trình giáo dục giới tính toàn diện.[22] Theo Hướng dẫn Kỹ thuật Quốc tế về Giáo dục Giới tính của UNESCO, giáo dục giới tính toàn diện “là một tiến trình dựa trên giáo trình giảng dạy và học tập về các khía cạnh xã hội, sinh lý, cảm xúc và nhận thức của tính dục. Nó nhằm trang bị cho thanh thiếu niên kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị nhằm mang lại sức mạnh để họ: nhận thức được về sức khỏe, phúc lợi, và nhân phẩm của mình; phát triển các mối quan hệ tình dục và xã hội được tôn trọng; cân nhắc việc lựa chọn của họ sẽ ảnh hưởng đến phúc lợi của chính họ và những người khác như thế nào; hiểu và đảm bảo sự bảo vệ các quyền của họ trong cuộc đời.”[23] Trong khuôn khổ chương trình giáo dục giới tính toàn diện, tất cả các học sinh, sinh viên, không phân biệt xu hướng tính dục hay bản dạng giới, cần phải được tiếp cận các tài liệu thích hợp về sự phát triển tâm sinh lý, các mối quan hệ và tình dục an toàn.

Kế hoạch Chiến lược Phát triển Giáo dục (2009 – 2020) của Việt Nam đặt vấn đề cần sửa đổi chương trình giảng dạy để có các học phần về “giáo dục công dân, kỹ năng sống, sức khỏe tình dục, giới tính và giáo dục về HIV – AIDS.” [24] Tuy nhiên, thông tin không chính xác về xu hướng tính dục và bản dạng giới vẫn tràn ngập ở Việt Nam. Trong bản báo cáo năm 2014 về quyền của người LGBT ở Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) viết:

[C]ác cơ sở giáo dục không an toàn đối với học sinh, sinh viên LGBT do thiếu chính sách ngăn ngừa bắt nạt và kỳ thị. Hơn nữa, giáo dục tính dục và SOGI ở Việt Nam vẫn rất hạn chế và bị coi là chủ đề nhạy cảm nên các giáo viên thường tránh né.[25]

Bốn cơ quan của Liên hiệp quốc – UNAIDS, UNESCO, UNFPA, và UNICEF trợ giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển hướng dẫn kỹ thuật để đưa nội dung giáo dục giới tính toàn diện (CSE) vào các chương trình giảng dạy ở mẫu giáo, tiểu học và trung học. Bản hướng dẫn kỹ thuật được hoàn thành vào tháng Mười một năm 2019. Xu hướng tính dục và bản dạng giới đã được đưa vào hướng dẫn, và Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thực hiện. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã viết thư gửi bộ này (xem phục lục 2) để hỏi thông tin về kế hoạch cho chương trình giảng dạy mới, và đề nghị bộ khẳng định là chương trình có bao gồm nội dung liên quan đến LGBT, nhưng vào thời điểm viết phúc trình, vẫn chưa nhận được hồi âm.

Các bằng chứng được đưa ra trong bản phúc trình này khẳng định kết quả đánh giá vào năm 2014 của UNDP về hiện trạng CSE ở Việt Nam và nhấn mạnh tính cấp thiết của các chương trình cải cách đang được triển khai. Đối với những thanh thiếu niên có câu hỏi về giới tính và tính dục – trong đó có các câu hỏi về những vấn đề sức khỏe tình dục quan trọng – điều này có nghĩa là các em phải tự tìm kiếm trên mạng internet thay vì có thể trông cậy vào các nguồn đáng tin cậy và đã được sàng lọc về mặt khoa học.

Ví dụ như, Đức, một người đồng tính nam 22 tuổi ở Hà Nội, kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về lần đầu tiên em nghe nói tới đồng tính luyến ái ở trường học: “Một lần trong giờ sinh học lớp 9, chúng em đang học về giới tính và cô giáo nhắc tới đồng tính luyến ái với các từ ngữ miệt thị, nói rằng đó là điều phi tự nhiên, và mọi người cần phải sợ.” [26] Một vài tuần trước giờ học đó, Đức nói, em đã xem một cuốn phim trong đó có nhân vật đồng tính nam, khiến em muốn tìm hiểu thông tin về đồng tính luyến ái trên mạng. Quá trình đó đã giúp em bắt đầu hiểu về các cảm giác của chính mình và không bị ảnh hưởng bởi các lời nhận xét của giáo viên. “Em đã tìm hiểu về LGBT và biết rằng đó là xu hướng tự nhiên, không phải là một loại bệnh. Nên khi cô giáo nói thế, em chỉ bỏ qua – em nghĩ rằng thế là do cô thiếu thông tin hoặc có thông tin sai,” Đức nói.[27]

Đức nghĩ rằng các giáo viên của Đức có nghi ngờ em là đồng tính nam, do cử chỉ và phong cách của em. Nhưng ngay cả khi một giáo viên khác đưa ra tiếng nói bảo vệ Đức, thì ý kiến của cô lại thể hiện sự thiếu hiểu biết và chuyển tải một thông điệp có hại: “Khi cô giáo chủ nhiệm lớp nói chuyện với cả lớp vào cuối tuần, cô nhắc các bạn không trêu chọc em,” em nói. Cô giáo giải thích với lớp rằng hãy để cho Đức yên, “vì theo bài đã học trong lớp sinh học, các em biết rằng có những người như thế [đồng tính luyến ái] và một ngày nào đó họ có thể thay đổi.”[28]

Hạn chế về nguồn lực và thiếu tập huấn cho giáo viên

Một chướng ngại vật đối với việc cải thiện điều kiện cho học sinh LGBT trong các trường học ở Việt Nam nằm ở thực tế thiếu các giáo viên và chuyên gia tư vấn được đào tạo đầy đủ để hỗ trợ đúng mức cho các học sinh LGBT, phần nào phản ánh thực tế chung về tình trạng hạn chế nguồn lực của các trường học. Trong bản đánh giá năm 2012, Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên hiệp quốc đã đưa ra nhận xét với quan ngại về “năng lực giáo viên thấp” ở các trường học của Việt Nam.[29]

Trong bản phúc trình năm 2016 về giáo dục, UNICEF và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã ghi nhận rằng, trong khi tỷ lệ sinh viên trên giáo viên đã giảm xuống ở gần như tất cả mọi địa phương trong nước, đa số giáo viên – đặc biệt là ở các vùng nông thôn – vẫn bị quá tải và chưa được đào tạo đầy đủ về các nhiệm vụ được giao. Bản phúc trình viết:

Việt Nam cũng tích cực thực hiện việc giảm tỷ lệ học sinh trên giáo viên nhằm tạo điều kiện cho giáo viên có thể quan tâm cụ thể hơn đến từng học sinh, tuy nhiên việc áp dụng các phương pháp giảng dạy mới vẫn còn hạn chế, vì các giáo trình sư phạm ở các trường cao đẳng và đại học chưa chú trọng về đổi mới giáo dục. Các giáo viên thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công tác giảng dạy đủ chất lượng thì không thể tạo ra tác động tích cực đối với chất lượng học tập của học sinh.[30]

Một mảng bị thiếu hụt trầm trọng là các chuyên gia tư vấn (counselor) tại học đường. Trong những năm gần đây, các khảo sát cho thấy tình trạng thiếu niềm tin của học sinh vào dịch vụ tư vấn học đường ở những trường học có cung cấp dịch vụ đó.[31] Các nghiên cứu khác đã làm rõ tình trạng thiếu các chuyên gia tư vấn được đào tạo đầy đủ ở các trường học – đặc biệt là khi cần trợ giúp các học sinh thiểu số và các em có tình trạng sức khỏe tâm thần.[32] Một thông tư do Bộ Giáo dục ban hành năm 2017 ghi nhận rằng các vị trí tư vấn/cố vấn trong trường thường do các giáo viên kiêm nhiệm bán thời gian và nói chung đều bị quá tải; với cơ cấu 28 tiết dạy mỗi tuần, người giữ vị trí đó thường được cắt ra ba hoặc bốn tiết một tuần để làm nhiệm vụ tư vấn.[33] UNICEF và Bộ Lao động đã nêu rõ trách nhiệm của chính phủ đối với việc nâng cao năng lực và quyền hạn của giáo viên: “[Các] nguồn lực cần được phân bổ để hỗ trợ sự phát triển của mạng lưới chuyên gia tư vấn và/hoặc công tác xã hội tại trường học, và hỗ trợ giáo viên về chăm sóc và bảo vệ trẻ em để giảm thiểu bạo lực nhằm vào trẻ em ở học đường.”[34]

Giáo viên phát tán thông tin sai lệch

Tôi chưa bao giờ được dạy về LGBT…Có rất ít người nghĩ rằng điều đó là bình thường.


—Tuyến, một phụ nữ luyến ái song tính 20 tuổi, tháng Giêng năm 2019

Câu chuyện của Đức, được nêu trong chương trước, không phải là cá biệt. Trong số 52 thanh thiếu niên được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn, 40 em cho biết đã nghe được các lời nhận xét tiêu cực về người LGBT từ các giáo viên. Ý kiến phổ biến nhất xoay quanh việc nhìn nhận đồng tính luyến ái như một loại “bệnh tâm thần.” Và, như trường hợp của Đức, ngay cả khi nhân viên ở trường cố thể hiện sự đồng cảm hay ủng hộ, họ thường làm vậy trên cơ sở coi sự hấp dẫn với người đồng giới là một triệu chứng có thể chữa trị được hay một dạng lầm lạc chứ không phải là một biến thể tự nhiên.

Ví dụ như, Tuyết, một phụ nữ song tính, 18 tuổi, nói rằng: “Các thầy cô giáo ở trường trung học của em nói những điều không tốt về người LGBT. Trong một lớp dạy về hôn nhân và gia đình, giáo viên nói rằng “Đồng tính luyến ái là một dạng bệnh hoạn và rất xấu.” [35] Quân, một nam đồng tính 18 tuổi, nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng giáo viên môn sinh ở trường trung học của em nói với lớp rằng “LGBT là một loại bệnh” và “những người LGBT cần đi khám bác sĩ và tiêm nội tiết tố nữ.” Quân nói rằng giáo viên đó kể một câu chuyện cá nhân về vấn đề này: “Thầy cứ nói đi nói lại về chuyện đó, vì thầy có hai đứa con, và gần nhà thầy có một cậu bé thích mặc đồ con gái.”[36] Quân nói rằng giáo viên kể câu chuyện đó theo cách gợi ý rằng các con thầy cần được bảo vệ tránh xa khỏi những người như thế.

Sinh, 23 tuổi Khi học lớp 10, Sinh thích một cậu con trai khác. Sinh cảm thấy bối rối và nghĩ rằng mình hẳn có vấn đề sai trái gì đó. Khi mẹ Sinh phát hiện ra điều này, bà phản ứng vô cùng dữ dội. Bà khóc lóc và đưa cậu đến gặp bác sĩ tâm lý. Bà bảo Sinh rằng cậu “bị ốm, mắc bệnh.” Sinh nói với mẹ mình là người song tính luyến ái, và bà hỏi Sinh tại sao cậu lại bất bình thường thế. Ở trường, giáo viên sinh học của Sinh dạy cả lớp rằng tình yêu chỉ có thể xảy ra giữa đàn ông và đàn bà, và chỉ có đàn ông cùng với đàn bà mới có thể tạo ra các gia đình tốt vì họ có thể sinh con.  © 2020 Sally Deng minh họa cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Những người khác kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền các phiên bản khác của câu chuyện tương tự. Phổ biến nhất là chuyện về giáo viên sinh học nói với học sinh rằng đồng tính luyến ái là phi tự nhiên hoặc là một loại bệnh. Giang, 22 tuổi, nói “Một lần trong giờ sinh học lớp 9, chúng em đang học về giới tính và giáo viên nhắc đến đồng tính luyến ái, nói rằng đó là điều phi tự nhiên và học sinh cần phải e sợ, với các từ ngữ miệt thị.” [37] Sinh, 23 tuổi, nói rằng: “Giáo viên sinh học của em nói rằng tình yêu chỉ có thể xảy ra giữa người nam với người nữ. Chỉ có một nam một nữ mới có thể tạo nên một gia đình tốt vì họ có thể sinh con.”[38]

Nhưng những ý kiến như vậy không chỉ giới hạn trong giờ dạy sinh học. Một học sinh kể rằng giáo viên môn xã hội học nói, “Có những người đồng tính luyến ái và họ chạy theo trào lưu đồng tính.” [39] Phương, một học sinh 17 tuổi, giải thích:

Cô giáo dạy hóa hình như không ưa những người đồng tính. Cô nói với lớp em rằng có một học sinh đồng tính nam ở lớp khác, và cô không hiểu tại sao lại có những người như thế.[40]

Cũng như câu chuyện của Đức, sự bao dung từ các giáo viên, nhân viên trong trường học thường đi kèm với quan niệm sai lệch về bản chất của sự hấp dẫn đồng giới. Tui, 17 tuổi, kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “[Giáo viên] nói rằng có cách chữa khỏi bệnh đó. Nhưng cùng lắm là nếu cố gắng chữa trị mà vẫn không khỏi thì cũng chẳng sao – chỉ nên thấy xấu hổ thôi.”[41]

Dù dự án này chỉ tập trung vào trải nghiệm của các em học sinh ở trường học Việt Nam và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không có dự định ghi nhận góc nhìn của giáo viên, chúng tôi có phỏng vấn một thầy giáo, tên là Hòa, từng dạy môn sinh học 20 năm ở cấp trung học, về vấn đề này. Ông khẳng định với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng vấn đề LGBT không được đưa vào giáo trình ở trường mình. Ông giải thích:

Vấn đề LGBT vẫn bị coi là nhạy cảm. Có thể được kết hợp trong các môn khác như Sinh học hay Giáo dục Công dân. Nhưng như thế phải có hiểu biết đầy đủ về xu hướng tính dục và bản dạng giới, và đa số các thầy cô giáo không có, nên họ thường tránh né hoàn toàn chủ đề đó.[42]

Thầy Hòa cũng nói rằng khi trò chuyện với các đồng nghiệp khác, “nhiều người vẫn coi LGBT là một căn bệnh hay một hiện tượng bất thường” do đó “khiến họ không biết cách đối xử với học sinh LGBT như thế nào.”[43] Nếu không tập huấn cho giáo viên về vấn đề và căn cước LGBT, các định khuôn và thông tin sai lầm sẽ lan truyền không kiểm soát được.

Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều học sinh đã xác nhận rằng sự hấp dẫn đồng giới bị che phủ trong im lặng. Ví dụ như, Thám, một học sinh 17 tuổi nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng không một thầy cô nào của em từng nhắc đến xu hướng tính dục và bản dạng giới. Thám kể lại một chuyện:

Ở lớp chín, chúng em phải làm thuyết trình về tình yêu và quan hệ cho lớp Giáo dục Công dân. Giáo viên nói rõ với chúng em rằng chúng em chỉ có thể trình bày về tình yêu giữa nam và nữ, chứ không phải một dạng tình yêu nào khác.[44]

Thiếu vắng thông tin trong các nguồn chính thức

Em phải mất hơn một tiếng đồng hồ giải thích [cho chuyên gia tư vấn ở trường] về LGBT. Nếu họ [các chuyên gia] đã biết về LGBT thì tốt hơn rất nhiều và họ có thể giúp được nhiều người hơn.


—Ngọc, một người chuyển giới nam 22 tuổi, tháng Hai năm 2019

Trẻ em có quyền tiếp cận thông tin, bao gồm cả thông tin về giới tính và tính dục. Các cơ quan công pháp của Liên hiệp quốc liên tục thảo luận về mức độ quan trọng của thông tin và các chương trình giáo dục tình dục chính xác và bao dung, như một phương tiện để bảo đảm quyền về sức khỏe, vì sẽ góp phần giảm tỷ lệ tử vong khi sinh, nạo thai, có thai ở tuổi vị thành niên, và lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục trong đó có HIV.

Hạn chế thông tin liên quan đến sức khỏe, trong đó có thông tin liên quan tới xu hướng tính dục và bản dạng giới, có thể vi phạm các quyền cơ bản được bảo đảm trong công pháp quốc tế. Các quyền bị vi phạm bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và chuyển tải thông tin và ý kiến dưới mọi hình thức, và quyền được hưởng tiêu chuẩn y tế cao nhất sẵn có.

Trong báo cáo năm 2014 của mình, UNDP viết:

Ngay cả khi các bài giảng về tình dục được đưa vào, thì nội dung đó cũng thường được đặt ở phần cuối cùng của sách giáo khoa và bị các nhà giáo bỏ qua. Do vậy, học sinh không được giảng dạy về SOGI hay tôn trọng sự đa dạng. Các học sinh LGBT ở hầu hết các trường đều không được trang bị các kiến thức cơ bản hay được trợ giúp về vấn đề SOGI từ các giáo viên hoặc các dịch vụ ở trường như các chuyên gia tư vấn, nhân viên y tế, hay từ các nguồn lực khác.[45]

Các học sinh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn đều đặc biệt lo lắng trước tình trạng thiếu thông tin về xu hướng tính dục và bản dạng giới trong sách giáo khoa. “Hồi ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, em chưa từng được nghe về SOGI từ các giáo viên,” Hằng, 22 tuổi, cho biết. “Không có giáo dục tình dục. Trong lớp sinh học chúng em chỉ học những gì có trong sách. Thầy cô giáo không bao giờ nhắc đến LGBT.”[46]

Minh, 23 tuổi, nhận xét:

Trong lớp sinh học thì sách giáo khoa không hề nhắc đến LGBT. Vậy nên nếu giáo viên có quyết định giảng về vấn đề này thì các thầy cô cũng phải tự chuẩn bị. Nếu giáo viên lựa chọn dạy về tình dục dù chỉ một chút, thì cũng là cách tân rồi.[47]

Trong một nghiên cứu y tế công cộng năm 2014, khảo sát hơn 1.600 học sinh ở các trường trung học của Việt Nam về các nguồn thông tin dẫn tới hiểu biết về tình dục của các em, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng “dù nhiều người tham gia tin rằng các em có hiểu biết về tình dục, chỉ một số ít thực sự có kiến thức chính xác về tình dục.” [48] iSEE đã ghi nhận được các trường hợp trong đó giáo viên buộc học sinh phải loại bỏ các thông tin khoa học về tính dục khỏi các bài trình bày trong lớp với lý do, như một cô giáo nói “điều đó sẽ khuyến khích các em học sinh trở thành đồng tính.”[49]

Các chính sách và việc triển khai giáo dục giới tính ở Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu theo khuyến nghị của đặc sứ của Liên hiệp quốc về giáo dục, các cơ quan công ước, và UNICEF, nhất là về khía cạnh phải đưa vào các thông tin về xu hướng tính dục và bản dạng giới.

 

Cách hiểu đồng tính luyến ái như một chứng bệnh tâm thần

Có rất nhiều sức ép đối với trẻ em phải trở thành người luyến ái dị tính. Luôn luôn có những thông tin tham chiếu gợi ý rằng có rung động với người đồng giới là một triệu chứng có thể và cần được thay đổi và được chữa trị.


—Một chuyên gia tư vấn ở trường học tại Hà Nội, tháng Chín năm 2019

Chỉ vài tháng trước khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Lành, một nữ sinh song tính đang học trung học năm cuối, điện thoại của em bị nhân viên nhà trường thu giữ. “Cô giáo mời cha mẹ em đến gặp. Cô nói về việc học hành của em ở trường, và cũng nhắc đến việc em thích các bạn nữ,” Lành nói. “Cô bảo cha mẹ đưa em đi đến bác sĩ khám kiểm tra giới tính.” Lành không có mặt trong phòng lúc cô giáo nói điều này với cha mẹ em, nhưng, như lời em kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “Sau đó, cha mẹ nói với em khi về nhà rằng: ‘Cô giáo nói với bố mẹ con là ô môi.[50] Con phải đi bác sĩ khám thôi.’” [51]

Những người trả lời phỏng vấn khác thì mô tả về tình trạng phổ biến của quan niệm tin rằng sự rung động với người đồng giới là một triệu chứng tâm thần có thể chẩn đoán được. Tính phổ biến của niềm tin nói trên đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống những thanh thiếu niên LGBT được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn, từ mức độ là căn nguyên của sự kỳ thị và sách nhiễu, cho tới, như trong trường hợp của Lành, việc cha mẹ đưa con cái là người đa dạng tính dục tới gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần để tìm cách chữa trị. Một chuyên gia tư vấn ở trường học, làm việc cho một mạng lưới các trường tư thục ở cả ba cấp tại Hà Nội kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Nhiều khi các giáo viên tìm đến tôi và hỏi: ‘Rồi tôi có một học sinh đồng tính – tôi có thể làm gì? Phụ huynh thì không vui – liệu có cách nào đó để chúng ta chữa cho em đó được không?’”[52]

Nhà nhân chủng học Natalie Newton phân tích trong một bài viết năm 2015 rằng “Báo chí đại chúng ở Việt Nam, các tài liệu giáo dục giới tính, và… sách giáo khoa y học coi đồng tính luyến ái là một căn bệnh.” [53] Theo nghiên cứu của bà Newton:

Các mục tư vấn trên báo ở Việt Nam cũng đăng tải ý kiến các bác sĩ và chuyên gia tâm lý học, những người đã viết về luyến ái đồng tính như một căn bệnh sinh lý, một sự rối loạn di truyền, hay mất cân bằng nội tiết tố, hoặc chứng bệnh tâm thần.[54]

“Đôi khi những người phát thanh viên truyền hình nói về vấn đề LGBT. Cha mẹ tôi xem và bàn luận về vấn đề đó một cách rất tiêu cực,” Tuyến nói. “Họ không hiểu gì mấy, nhưng tin chắc rằng đó là một căn bệnh.”[55] Nguyên, 17 tuổi, nói rằng khi em đang học lớp 7, cha em nói với em rằng “chỉ có 2 phần trăm những người đồng tính là bị bệnh tâm lý thực sự - số còn lại chỉ là cố đu theo trào lưu.” Mẹ em cũng cảnh báo rằng nếu bà phát hiện ra em là đồng tính thì bà sẽ đưa em vào bệnh viện tâm thần. “Nên lúc đó em quyết định rằng sẽ không bao giờ nói với ai,” Nguyên kể.[56]

Sinh kể lại việc mẹ em phản ứng dữ dội như thế nào khi biết được, trong thời gian đang học trung học, em có quan hệ với một bạn trai. “Mẹ em bật khóc. Bà nghĩ em bị ốm, mắc bệnh,” em nói. “Mẹ cấm em không được gặp các bạn trai và đưa em tới một bác sĩ tâm lý [với ý nghĩ] có thể thay đổi em. Em nói với mẹ rằng em là người song tính và mẹ hỏi em tại sao em không phải là người bình thường.”[57]

Một nhân viên của một tổ chức quốc tế điều hành các chương trình tập huấn cho giáo viên về dung hợp LGBT ở Việt Nam nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Chúng tôi nghe được phản hồi từ nhiều giáo viên rằng họ không hiểu vì sao họ bị bắt buộc phải học về LGBT vì đó là một chứng bệnh và phải do các bác sĩ can thiệp”[58]

Tìm kiếm thông tin chính xác và tích cực

Do trường học không cung cấp bất kỳ một thông tin nào như vậy, thanh thiếu niên Việt Nam phải đi tìm các thông tin tích cực và chính xác về xu hướng tính dục và bản dạng giới ở các nơi khác.

Một số tìm được sự công nhận và ủng hộ từ bạn bè. An, một nữ song tính 16 tuổi, nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về việc giáo viên sinh học thường nói rằng đồng tính luyến ái là điều “phi tự nhiên.” Các bạn cùng lớp của An phản ứng lại và nói họ không tin như vậy, nhưng chỉ nói sau lưng giáo viên. “Cả lớp phản ứng [với ý kiến cho rằng LGBT là phi tự nhiên của giáo viên sinh học] nhưng không trực tiếp với cô, vì như thế là không lễ phép,” An nói. “Nhưng khi cô rời lớp, cả lớp đều nói kiểu như, cô chẳng biết gì về LGBT cả.”[59]

Nhưng dù có những học sinh như An, ít ra cũng tin rằng mình được sự ủng hộ âm thầm của các bạn cùng học, nhiều học sinh khác từng bị các bạn học bắt nạt vì ngoại hình hay hành vi, nói rằng các trải nghiệm thực tế khiến các em tin rằng bản thân mình bị những trục trặc cơ bản.

Hưng, 21 tuổi, nói rằng em chưa bao giờ nghe các giáo viên nói điều gì về người LGBT, nhưng em bị bắt nạt từ khi còn học tiểu học. “Các bạn cùng lớp kể chuyện cười về người đồng tính với thái độ miệt thị, nhằm chính vào em,” em nói và tâm sự rằng:

Em rất sợ hãi. Em nghĩ có điều gì đó bất ổn ở bản thân. Em nghĩ em đã làm điều gì đó sai dù không biết điều đó là gì. Em không hỏi được ai – em quá sợ hãi – để có thông tin về những vấn đề hay cảm giác đó. Em không biết phải làm thế nào nên cứ phải tự chịu đựng.[60]

Nhiều em kể lại mình đã tìm kiếm thông tin từ các nguồn không chính thức ra sao – cụ thể là bằng cách tìm kiếm và lướt mạng internet.

Đi ngược lại dòng chảy của quan niệm phản đối LGBT, một tín hiệu dù nhỏ lẻ của thông tin tích cực cũng là một sự an ủi lớn. “Khi em được 18 tuổi, em tìm thông tin trên mạng. Em nghĩ mình bị bệnh,” Thương, 23 tuổi, kể lại. “Em tìm trên trang Google “vì sao một người con gái thích một người con gái khác?” Em tìm được một trang web nói rằng con trai có thể yêu con trai và con gái có thể yêu con gái. Điều đó làm em thấy nhẹ người.”[61]

Nguyệt, một người đồng tính nữ 19 tuổi, nói rằng việc tìm kiếm các thông tin tích cực trên mạng internet lúc còn nhỏ hơn rất hữu ích. “Em tìm thấy các câu chuyện về con gái thích con gái. Không hẳn đó là thông tin tích cực, khẳng định trực tiếp rằng điều đó bình thường, nhưng rất có tác dụng vì câu chuyện đã cho em thấy rằng cảm giác đó không phải chỉ riêng mình em có,” em nói. Nhưng các câu chuyện, dù có tính tích cực, cũng không có tính giáo dục như một giáo trình đủ thông tin dung hợp. “Câu chuyện không chứa đựng nhiều kiến thức thực tế,” Nguyệt nói. “Và vì thế em có hiểu biết sai lệch về giới tính và tính dục trong một thời gian dài.”[62]

Ngay cả các thanh thiếu niên đã công khai xác định là người đa dạng tính dục cũng nói rằng ở độ tuổi dậy thì các em từng gặp phải các định khuôn căng thẳng và thông tin sai lệch về bản thân và những người khác. Ví dụ như, Chính, 16 tuổi, nói rằng em đã hiểu lầm về các bạn là người đa dạng tính dục cho đến khi tìm được các thông tin tốt hơn và bản thân em công khai về giới tính của mình. “Em từng có nhiều định kiến trong đầu, và về hùa với các bạn trong lớp trêu chọc những bạn đồng tính,” em nói.[63]

Sách nhiễu bằng lời nói

[Sau khi em công khai] một số người chấp nhận, một số người không và nghĩ rằng LGBT là một dạng bệnh, nên bắt đầu bắt nạt và cô lập em. Lúc đầu, khi em kể với người bạn thân nhất, cô ấy chỉ ngạc nhiên. Nhưng sau đó có lần bạn ấy nói, “Tại sao cái loại đồng tính thối tha chúng mày lại sống được nhỉ?”


—Liễu, một phụ nữ song tính, 19 tuổi, tháng Hai năm 2019

 

Bị sách nhiễu bằng lời nói đã in dấu lên trải nghiệm học đường của rất nhiều học sinh LGBT được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn. Trong hầu hết các trường hợp, bạn bè cùng lớp cô lập các học sinh là người đa dạng tính dục, những người có biểu hiện ngược lại với thông lệ về giới tính – cụ thể là các học sinh nam có cách hành xử bị coi là “quá ẻo lả.”

Ví dụ như, Phúc, một đồng tính nam 20 tuổi, nói rằng các bạn cùng lớp trung học bắt nạt em. “Các bạn cùng lớp thường đùa giỡn về chuyện bê đê,” em nói. “Họ gọi thẳng em như vậy. Em tính rất hướng nội và có một phần nữ tính. Và các bạn nam nói rằng em không chơi thể thao, em không hành xử giống con trai, nên em là bê đê.”[64] Nguyên, 17 tuổi, kể lại các trải nghiệm bị bắt nạt liên quan trực tiếp tới cách hành xử ẻo lả. “Từ lớp 2 đến lớp 5 em bị bắt nạt vì tên em “lạ.” Rồi lên lớp sáu nguyên nhân bắt nạt thay đổi vì mọi người nghĩ em ẻo lả và vì em toàn chơi với con gái.”[65]

Phúc kể lại các bạn đầu trò bắt nạt em thường chỉ ra các hành vi không phù hợp với giới tính của em, bắt em phải thay đổi, rồi dùng những từ lóng miệt thị đồng tính. Em nói:

Họ không bao giờ nói rằng em là đồng tính nam nhưng nghĩ rằng em quá giống con gái – rằng sở thích và hành vi của em quá con gái. Họ nói rằng đáng lẽ em phải là con gái, và gọi em là ‘bê đê” rồi khi em đi ngang thì gọi “em gái ơi.”[66]
Thương, 23 tuổi Khi Thương ở độ tuổi teen, cô tự hỏi vì sao cô lại cảm thấy những người con gái khác hấp dẫn mình. Cô tìm kiếm thông tin trên mạng, “vì sao một người con gái lại thích một người con gái khác?” và tìm thấy một trang web nói rằng con trai có thể yêu con trai và con gái có thể yêu con gái. Điều đó làm Thương cảm thấy nhẹ người. Rồi khi vào đại học, lần đầu tiên trong đời Thương ngỏ lời với một cô gái là mình thích cô ấy. Cô gái này kể lại với các bạn cùng lớp, và họ bảo Thương rằng cô thật “bệnh hoạn.”  © 2020 Sally Deng minh họa cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Chính, một người song tính nam 16 tuổi, nói rằng em chưa bao giờ bị sách nhiễu trực tiếp dù có thổ lộ xu hướng giới tính với vài bạn trong lớp. Tuy nhiên, em nhớ lại rằng: “Một bạn ở lớp em là đồng tính nam, và mới đây bạn ấy bị gọi bằng từ lóng chỉ gái điếm vì giọng nói của bạn ấy hơi nữ tính.”[67] Khánh, một người chuyển giới nam 22 tuổi, nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Em thấy nhiều bạn ở các lớp khác luôn bị trở thành tâm điểm trêu chọc. Họ là những cậu con trai hơi giống con gái, nên người ta rất dễ chế giễu các bạn ấy.”[68]

Đối với những người khác, bị sách nhiễu bằng lời nói là một chuyện thường ngày trong cuộc sống. “Lúc đó em nghĩ rằng, nếu chưa bị bạo hành thân thể, thì chưa đáng báo với thầy cô.” Quý, một nam song tính 23 tuổi nói. “Nhìn lại, thì thấy thật là tồi tệ. Lúc đó em chỉ chưa ý thức được việc đó – vì đó là chuyện xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của em.”[69]

Bạo hành thể chất

[Việc bắt nạt] chủ yếu là bằng lời nói, nhưng có một lần em bị năm sáu đứa con trai đánh hồi lớp tám – chỉ vì họ không ưa ngoại hình của em.


— Đức, một nam đồng tính 22 tuổi, tháng Chín năm 2018

Liễu, một phụ nữ song tính 19 tuổi, kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về trải nghiệm của em trong trường trung học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đang học lớp 10, Liễu nói với người bạn thân nhất rằng mình là người song tính luyến ái, vì lúc đó em nghĩ như vậy. Người bạn phản ứng rất tệ, rồi sau đó xin lỗi Liễu. “Rồi bạn ấy kể với cả trường về em,” Liễu nói.

Việc bộc lộ xu hướng tính dục của Liễu như thế đã đưa em vào tình thế rất nguy nan. “Ở lớp, các bạn khác không chơi với em nữa,” em nói. Lớp học của em trên tầng hai, nhưng khi em đi dưới sân ở tầng một, các bạn cùng lớp hắt nước xuống người em. “Các bạn ấy giấu cặp sách hay giày dép của em,” em nói. “Em chơi bóng rổ, và có những lúc các bạn nam cố tình ném bóng vào người hay vào đầu em.” Các bạn khác thì xé sách của Liễu, và có một lần đồng phục của em cũng bị xé. Rồi, lên lớp 11, các bạn cùng lớp đẩy Liễu từ sân hiên tầng hai làm em ngã gãy tay và xây xước nặng nhiều chỗ. “Khi cha mẹ em thấy các vết bầm, và cả khi tay em bị gẫy, em nói với họ là do em chơi bóng rổ,” Liễu nói[70]. Tuy nhiên, ba Liễu không tin lời em nói, và đến trường với danh nghĩa xem em chơi bóng rổ và đã chứng kiến một số hành vi bắt nạt.

Dù bạo hành thân thể có vẻ như hiếm xảy ra hơn so với sách nhiễu bằng lời nói, những người trả lời phỏng vấn khác kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng các em có chứng kiến bạo hành thân thể đối với các bạn cùng lớp, là những người được biết hoặc bị đồn đại là người đa dạng tính dục.[71]

Khác với trường hợp của Liễu, trong khi cha mẹ em quan ngại về việc con mình là nạn nhân của bạo hành ở trường, một số người trả lời phỏng vấn khác cho biết rằng chính người nhà mình là thủ phạm bạo hành.

Liễu, 19 tuổi   Khi đang học lớp 10, Liễu nói với cha mẹ mình là người song tính. Cha cô ủng hộ cô, nhưng ông không nói gì, còn mẹ cô thì lên tiếng phản đối tính dục của con gái. Cô cũng thổ lộ với bạn thân nhất của mình ở trường, và người này kể lại với cả lớp. Sau đó, các bạn cùng lớp bắt đầu bắt nạt và cô lập Liễu. Từ ban công, họ hắt nước xuống người cô; một số dùng kéo cắt sách vở và đồng phục của cô. Khi cô học lớp 11, bạn cùng lớp đẩy Liễu từ sân hiên tầng hai xuống, làm cô bị ngã gãy tay. Liễu nói với cha mẹ rằng các vết thương trên người cô là do chơi bóng rổ, nhưng cha cô không tin. Một hôm, ông theo cô tới trường và chứng kiến việc cô bị bắt nạt. Khi ông nói với giáo viên điều mình thấy, bà bảo cả lớp đừng đối xử với Liễu như vậy, nhưng bà không hề điều tra xem điều gì đã xảy ra.   © 2020 Sally Deng minh họa cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền

Nguyên, 17 tuổi, kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng vì quá háo hức tìm hiểu xem cảm giác rung động trước những người đàn ông khác của mình nghĩa là gì, em thường tìm các trang khiêu dâm trên mạng. “Em thực sự quan tâm đến việc đó, nhưng không biết cách xóa lịch sử chương trình lướt mạng. Nên cha mẹ em phát hiện được,” em nói. “Cha em đánh em đến thâm tím người. Ông đánh em bằng cây gậy cán kim loại đến khi gẫy ra. Em đã quên việc đó cho đến tận mấy ngày sau, khi soi gương thấy những vết bầm trên người.” [72] Sau đó, khi em cố gắng nói chuyện với cha mẹ rằng mình là người đồng tính nam, mẹ Nguyên hét lên với em. “Bà ném các thứ vào người em – một cái loa âm thanh nổi vào đầu, một quả cầu đá trang trí nữa,” em nói, và kể thêm rằng các cơn la hét và bạo hành còn tiếp diễn suốt mấy tháng. “Em bắt đầu có những cơn ác mộng về mẹ la mắng mình – rằng trong đời bà ấy giờ chỉ còn cha và anh trai em.” [73]

Sức ép phải tuân theo thông lệ xã hội

Các bạn bè và thầy cô nói những lời hung hãn về các nhân vật LGBT trên truyền hình, nên em không thấy an toàn [ở trường]. Họ nói những điều như [các nhân vật LGBT] không phải giống người, họ thật kỳ dị, bất thường. Ý họ là người đồng tính thì đáng ghê sợ.


—Phúc, nam đồng tính 20 tuổi, tháng Hai năm 2019

Như đã trình bày ở phần trước trong bản phúc trình này, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc công nhận quyền của người LGBT trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đối với nhiều người LGBT, các thông lệ xã hội thống trội vẫn tiếp tục cản trở việc họ tự do bày tỏ xu hướng tính dục và bản dạng giới, đồng thời ngầm nuôi dưỡng các hành vi kỳ thị và bạo hành. Trong một bài viết về quan hệ gia đình và căn tính LGBT ở Việt Nam, các nhà nhân chủng học Paul Horton và Helle Rydstrom phân tích hiện tượng có vẻ như nghịch lý đó như sau:

Các thông lệ văn hóa-xã hội thống trội về tính dục đã cho phép người ta loại trừ tính dục đồng giới về mặt thực tế cũng như pháp lý ở Việt Nam ngày nay, đồng thời mở ra các không gian có thể phản kháng thông qua việc thực hành phản đối, diễu hành và biểu tình, vận động chính trị và các thay đổi đối với Luật Hôn nhân và Gia đình.[74]

Horton và Rydstrom lập luận rằng có một sức ép lớn buộc người ta phải tuân thủ “sự trông đợi về quan hệ dị giới bình thường để duy trì gia đình.” Họ cũng nhấn mạnh rằng sức ép hướng tới việc tuân thủ cấu trúc gia đình phụ hệ rất phức tạp và không chỉ riêng những người đa dạng tính dục mới phải chịu. Họ ghi nhận trường hợp một người đồng tính nữ 25 tuổi tên là Bùi kể rằng mẹ cô nghi ngờ cô là đồng tính nữ dựa trên cách ăn mặc, và trước khi cô công khai xu hướng giới tính của mình, mẹ cô dọa sẽ tự tử nếu cô công khai tuyên bố rằng mình đồng tính. Họ viết, “bà mẹ nói với Bùi rằng bà ấy có thể chịu đựng được sự lựa chọn xu hướng giới tính của cô, nhưng không chịu được cách người khác sẽ nói về con mình.”[75] Hai vị học giả giải thích rằng:

[C]ác bậc cha mẹ có thể phản ứng tiêu cực trước việc con trai hay con gái mình công khai giới tính, không phải chỉ vì quan niệm của riêng họ về tính dục và tầm quan trọng của hôn nhân, mà còn vì các quy ước văn hóa xã hội rộng hơn và ảnh hưởng tiêu cực của việc đó tới danh dự chung của cả gia đình.[76]

Trong các bài viết khác dựa trên nghiên cứu dân tộc học thực địa, Horton ghi chép lại việc các quan niệm về không theo chuẩn giới đã ảnh hưởng tới những trải nghiệm bị bắt nạt của các học sinh như thế nào, đặc biệt là những em đồng tính nam kể lại cách họ che giấu các hành vi không theo quy chuẩn trong thời thơ ấu để tránh bị dò xét và sách nhiễu.[77]

Đỗ Thị Lan Anh, một giáo sư ở Đại học Quốc gia Việt Nam, ghi nhận trong một bài viết năm 2017 về trường hợp các bậc cha mẹ nhận biết và phán xét các hành vi “ái nam ái nữ” ở những đứa con trai. Tác giả dẫn lời một người mẹ nói rằng: “Với những đứa con trai tuổi dậy thì mà quá yếu đuối và dịu dàng, chúng tôi sẽ mắng nó là bê đê… con trai tuổi dậy thì phải mạnh mẽ thì mới không bị những người đồng tính nam tấn công/ rủ rê…”[78]

Trong một công trình nghiên cứu trên 2600 người thiểu số về giới tính nữ và người chuyển giới nam do các nhà nghiên cứu từ iSEE, ICS (một nhóm LGBT Việt Nam), Đại học John Hopkins và Đại học Harvard tiến hành, các nhà nghiên cứu đã kết luận: “Nhìn chung, cách đối xử tiêu cực của gia đình là chỉ dấu sớm của tình trạng sức khỏe tâm thần xấu hơn, và tỷ lệ tự sát cũng như nghiện hút thuốc và nghiện rượu cao hơn.” Bài nghiên cứu khuyến nghị các biện pháp can thiệp theo cả hai hướng, vừa cải thiện thái độ bao dung của gia đình vừa hỗ trợ những người chuyển giới nam, đồng tính nữ và song tính nữ tăng khả năng chịu đựng với sự hắt hủi của gia đình.[79]

Có một môi trường học tập an toàn là điều đặc biệt quan trọng đối với các thanh thiếu niên LGBT bị hắt hủi hay sách nhiễu ở gia đình. Nhiều em học sinh kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền các phương cách giữ cho bản thân được an toàn ở trường. Các câu chuyện đó thể hiện sức chịu đựng và sáng tạo, nhưng đồng thời cũng cho thấy những điểm yếu mà nhà trường cần hành động. Nhà trường có nghĩa vụ đảm bảo các cơ sở và hoạt động của mình phải an toàn. Hoặc, như cách iSEE đặt vấn đề trong bản phúc trình năm 2016:

Vì không phải [tất cả] học sinh LGBT đều may mắn được đối thoại với giáo viên, các nhà chức trách ở học đường phải có trách nhiệm và đưa ra các quy định rõ ràng để đảm bảo một yêu cầu tối thiểu [là] cách ăn mặc của học sinh không thể trở thành căn cứ phân biệt đối xử với người LGBT.[80]

Góc nhìn của các em học sinh LGBT

Khi Ngọc, năm nay 22 tuổi, đang học trung học, em bắt đầu thay đổi và ngoại hình không phù hợp với thông lệ xã hội của giới tính nữ mà em được chỉ định khi sinh ra. Một hôm, khi em học lớp 11, giáo viên sinh học gọi em tới bàn của cô:

Cô ấy viết bằng phấn hai chữ “nam” và “nữ” lên bàn và bảo em chọn một. Cô hỏi em vì sao lại cắt tóc ngắn. Em nhận ra rằng có thể cô chưa có kiến thức về xu hướng tính dục và bản dạng giới, nhưng cô thấy có một vấn đề rắc rối đang nảy sinh từ việc em là LGBT.[81]

Ngọc nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng em trân trọng cách tiếp cận kín đáo của cô giáo, thay vì gọi em lên trước mặt các bạn trong lớp. “Cô ấy nhận thấy rằng đây là vấn đề nhạy cảm, và cô muốn giúp em theo cách nào đó,” Ngọc nói. Tuy nhiên, sức ép xã hội nặng nề mà Ngọc cảm nhận được ở gia đình và nhà trường vì ngoại hình của mình khiến em cảm thấy sợ hãi. “Lúc cô hỏi em [chọn giữa nam hay nữ] em thực sự lúng túng về câu trả lời, vì em sợ nếu trả lời ‘sai’ thì cô sẽ báo với cha mẹ em,” em nói.[82]

Một em song tính nữ 17 tuổi giải thích rằng: “Em nghĩ vai trò giới theo cách cũ, truyền thống cần phải thay đổi – như kiểu một người con gái luôn phải có một người chồng – và đàn ông được hưởng tiêu chuẩn kép. Nhưng khi em bày tỏ ý kiến của mình, mọi người nói rằng em ngổ ngáo.”[83]

Một số em tham gia trả lời phỏng vấn đã phân tích cách giới chức trong nhà trường ngầm áp đặt quy ước về giới tính theo thông lệ. Ví dụ như, trong trường hợp của Nguyên, giáo viên cấp hai quan sát thấy em chỉ chơi với con gái, liền thông báo việc này với cha mẹ em đồng thời áp đặt hình thức kỷ luật em ở trường. Em nói:

Hồi học cấp hai, em chỉ chơi với các bạn nữ vì em không thích kiểu bọn con trai chỉ nói về con gái và chơi game. Các bạn gái vui hơn nhiều. Giáo viên chủ nhiệm lớp nhận thấy điều này và nói lại với cha mẹ em. Cha mẹ em lo lắng, nên giáo viên giao cho em làm trực nhật lớp suốt ba tháng liền. Em không được làm các việc nhẹ trong lớp nữa, ví dụ như lau bảng. Em toàn phải làm người quét dọn. Lớp học xong lúc 5 giờ chiều, còn em phải ở lại một mình đến 8 giờ tối để lau dọn lớp.[84]
Nguyên, 17 tuổi Hồi học cấp hai, Nguyên chưa nhận định mình là đồng tính nam, nhưng em chỉ chơi với các bạn gái cùng lớp. Giáo viên thông báo điều này cho cha mẹ Nguyên, và họ rất buồn giận. Giáo viên trừng phạt Nguyên bằng cách bắt em quét dọn phòng học sau mỗi buổi tan trường trong ba tháng trời, và mỗi ngày em đều phải ở lại trường một mình đến tận 8 giờ tối để lau dọn. Một hôm khi đến kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện, Nguyên thấy một cặp đồng tính nam chăm sóc nhau. Việc trông thấy họ ủng hộ nhau khiến Nguyên cảm thấy vui mừng và đầy hy vọng.  © 2020 Sally Deng minh họa cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Cúc, một sinh viên đồng tính nữ 18 tuổi, kể lại rằng dù có một số giáo viên trung học ủng hộ em khi em công khai giới tính, thì những người tỏ vẻ tích cực đó lại khuyên can em đừng trở thành người đa dạng tính dục. “Một trong những giáo viên em quý nhất cũng quý em vì em học giỏi môn của cô ấy [hóa học], một lần nói chuyện với em [về xu hướng tính dục],” em nói. “Cô ấy bảo em ‘này, em cũng xinh xắn thế mà, có phải thật là em như thế không, là em thích con gái không?’ Cô ấy nói như thể đó là việc rất kỳ quái [rằng em thích con gái]…Cô ấy cố thuyết phục em đổi ý, nói rằng ‘con gái thật [dị tính] vẫn tốt hơn,” Cúc giải thích như trên, và kể thêm cô giáo còn nhấn mạnh rằng cha mẹ em có thể sẽ rất buồn nếu em không phải là người luyến ái dị tính.[85]

Rất nhiều học sinh LGBT chúng tôi tiếp xúc cảm thấy có sức ép hữu hình buộc phải tuân thủ những thông lệ xã hội. Đối với một số em, điều này có nghĩa là không bao giờ bộc lộ xu hướng tình dục hay bản dạng giới với bạn bè. Sự kín đáo sẽ đổi lại được một chút an toàn. Diệp, 21 tuổi, nói, “Nếu trong khi một nhóm bạn đang tán gẫu và có một người nhắc đến LGBT, các bạn khác sẽ ngăn người đó và nói, ‘Đừng nhắc đến chuyện đó, ghê lắm.’ Cho nên mọi người không bao giờ muốn ra công khai.”[86]

Hằng, một nữ song tính 22 tuổi, kể lại cách em tự bảo vệ mình, khi nói về thời gian em học cấp hai và cấp ba: “Nếu em xử sự bình thường sẽ không có gì rắc rối. Nếu em thể hiện mình hơi quá, em sẽ bị những người khác ở trường nhắc nhở, nhưng vì em giữ kín hầu như mọi lúc, nên điều đó không xảy ra.”[87] Một chuyên gia tư vấn ở trường giải thích: “Có các giáo viên nói với tôi, “Vâng, kỳ thị xảy ra cũng có nguyên nhân – có những đứa trẻ khác lạ thì sẽ bị đối xử khác lạ.””[88]

Hậu quả của tình trạng bị bắt nạt và cô lập

Em không thấy an toàn ở trường, do quan niệm và định kiến của những người khác về LGBT. Em không bị bạo hành thân thể, nhưng em bị tổn thương tâm lý. Chắc chắn ai cũng thấy tổn thương khi mọi người cứ liên tục nói rằng bạn bị bệnh như thế.


—Nhung, một nữ song tính 17 tuổi, tháng Giêng năm 2019

Các thanh thiếu niên LGBT bị bắt nạt và cô lập ở trường phải chịu hàng loạt hậu quả tiêu cực. Các em tham gia phỏng vấn kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng họ cảm thấy căng thẳng do bị bắt nạt và sách nhiễu, và tình trạng căng thẳng đó ảnh hưởng tới khả năng học tập. Một số em nói rằng do bị bắt nạt vì xu hướng tính dục và bản dạng giới khiến các em đi học thất thường hoặc bỏ học ở nhà. “Việc bị bắt nạt ảnh hưởng tới em rất nhiều, nhất là về sức khỏe tinh thần,” Trung, một người chuyển giới nam, 18 tuổi, nói. “Em không muốn đi học và rất sợ phải bước qua cổng trường.”[89]

Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy thanh thiếu niên LGBT có nguy cơ phải chịu các hậu quả tiêu cực về sức khỏe tinh thần cao hơn, bao gồm trầm cảm, bất an, lạm dụng chất hướng thần và có ý định tự tử.[90] Ví dụ như, dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ từ năm 2016, gần đây mới ghi chép cụ thể về các trải nghiệm của thanh thiếu niên LGBT trên toàn quốc, chỉ ra rằng 8 phần trăm học sinh, sinh viên xác định là đồng tính nữ, đồng tính nam, và song tính trên toàn quốc đã có tỷ lệ trầm cảm và muốn tự tử cao hơn so với các bạn luyến ái dị tính.[91] Dữ liệu cũng cho thấy một con số đáng báo động là 42,8 phần trăm thanh thiếu niên đồng tính nữ, đồng tính nam, và song tính tham gia khảo sát đã nghiêm túc cân nhắc việc tự sát trong năm trước đó, và 29,4 phần trăm đã thử tự tử, so với 14,8 phần trăm thanh thiếu niên luyến ái dị tính đã nghiêm túc cân nhắc việc tự sát vào năm trước đó, và 6,4 phần trăm thanh thiếu niên luyến ái dị tính đã thử tự tử. [92] Một công trình nghiên cứu học thuật ở Hoa Kỳ cho thấy một tỷ lệ bất cân xứng, tới 40% trong số các thanh thiếu niên từng có trải nghiệm vô gia cư xác định mình là LGBT, chủ yếu do gia đình không chấp nhận xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của họ.[93]

Các nghiên cứu nói trên, thực hiện ở các nước khác, cũng đưa đến các luận điểm tương tự như ở Việt Nam. Ví dụ như, trong báo cáo năm 2015 của Viện Nghiên cứu Y tế và Xã hội và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save The Children) về thanh thiếu niên LGBT vô gia cư ở Việt Nam cho thấy rằng “bị gia đình kỳ thị, ruồng rẫy hay bạo hành là những nguyên nhân chính dẫn đến quyết định bỏ nhà và mong muốn tìm kiếm một cộng đồng bao dung hơn để gia nhập.” [94]

Một số học sinh nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng mình bỏ học để tránh bị bắt nạt. Ví dụ như, Duệ nói: “Một lần một bạn trai trong lớp - mà bạn này không ưa em – bảo em ‘mày mà đến trường là bị ăn đòn đấy’ nên ngày hôm sau em không đi học.” [95] Trung, 18 tuổi, nói khái quát về nỗi sợ của mình: “Em không thấy an toàn khi đi học, vì thường bị bắt nạt và xô đẩy.”[96]

Đối với các em khác, như Hiền, 17 tuổi, việc bị bắt nạt liên tục ở trường đã dẫn đến bỏ học có quy luật. Em nói:

Ở trường cấp hai em bỏ học vì thấy không an toàn ở trong lớp. Em biết rằng nếu em đi học, sẽ phải nghe những lời trêu chọc bài bác người đồng tính, nên tốt hơn hết là ở nhà. Điểm số của em bị ảnh hưởng. Trường em học sáu ngày một tuần và em nghỉ ít nhất ba ngày, và trong những ngày đi học thì em cũng bỏ một số tiết vì quá sức chịu đựng. Cha mẹ em biết em nghỉ học. Họ biết em là đồng tính nam và nghĩ rằng em thấy không hợp với mọi người xung quanh nên ở nhà vì lẽ đó. Họ không biết gì về việc em bị bắt nạt.[97]

Với đa số các học sinh trả lời phỏng vấn của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, mong muốn làm vừa lòng cha mẹ về việc học hành đã lấn át nỗi sợ phải đi học. Phúc, một người đồng tính nam 20 tuổi, giải thích: “Mọi người trêu chọc em rất nhiều. Em thấy chán nản và không muốn bị như vậy nữa. Nhưng rồi em vẫn đi học vì không muốn làm cha mẹ thất vọng.”[98]

Nhà trường không giải quyết thỏa đáng các vụ bạo hành

Nhà trường cần thay đổi – đó là điều cấp thiết. Nguyên nhân thế hệ tôi ghét bỏ LGBT hoặc không hiểu về LGBT là do chúng tôi chưa bao giờ được dạy về sự khác biệt. Điều đó sẽ không chỉ giúp riêng cho người LGBT – mà sẽ giúp toàn bộ chúng ta có một xã hội tốt hơn.


—Một bà mẹ có con trai là đồng tính nam ở Thành phố Hồ Chí Minh

 

Hầu như tất cả các thanh thiếu niên LGBT từng trải nghiệm việc bị bắt nạt ở học đường được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn đều nói họ không thấy thoải mái đi báo cáo với nhà trường. Trong một số trường hợp là do cách hành xử định kiến ra mặt của nhân viên nhà trường; ở những trường hợp khác, học sinh quyết định không báo với nhà trường do suy đoán rằng nếu nhờ người lớn can thiệp thì sẽ không an toàn.

Đây là một chỉ dấu đáng lưu ý, vì ngoài các nội dung học chính khóa, các trường học thường phải cung cấp nhiều nguồn lực khác cho học sinh: sự hỗ trợ từ các giáo viên, các chuyên gia tư vấn, và các nhân viên khác trong trường, là một tài sản giá trị, và phải dễ dàng tiếp cận để hướng dẫn cho các thanh thiếu niên LGBT cũng như mọi học sinh khác. Theo UNESCO, “sự hỗ trợ từ các thầy cô có thể tạo ảnh hưởng đặc biệt tích cực đối với các học sinh LGBT và liên giới, tăng cường lòng tự trọng và góp phần giảm hiện tượng nghỉ học, tạo cảm giác an toàn và hòa nhập tốt hơn và kết quả học tập cao hơn.”[99]

“Em chưa từng nghĩ đến việc nói với thầy cô về chuyện đó,” Tuyến, 20 tuổi, nói. “Em biết các bạn phản ứng như thế nào rồi, và em sợ với các thầy cô còn tệ hơn thế. Em cảm giác rằng họ sẽ không giúp em.”[100] Đức kể với chúng tôi rằng các bạn ở lớp 8 đánh đập em, để lại những vết xước trông thấy rõ, nhưng em không báo cáo với nhà trường. Em giải thích:

Việc đó xảy ra ở trường nhưng em không nghĩ rằng các thầy cô biết. Sau đó em không nói lại với giáo viên, vì sợ nhà trường sẽ làm sự việc trầm trọng thêm và qua việc đó em sẽ bị để ý hơn. Em cũng nghĩ rằng nếu báo cáo với trường sẽ chẳng thay đổi được gì.[101]

Khánh, một người chuyển giới nam 22 tuổi, tả lại trải nghiệm bị bắt nạt hồi ở trường trung học và việc đó ảnh hưởng tới ấn tượng của em về cách những người lớn ở trường sẽ hành xử ra sao:

Ở trường trung học, mọi người nghi ngờ em vì em đi đứng như con trai. Các bạn chế giễu em ngay trước lớp, có mặt cả thầy cô. Các bạn trong lớp gọi em là ‘bê đê’, ‘les’ ngay giữa lớp, trước mặt tất cả mọi người. Đa số cả lớp đều im lặng và phớt lờ. Khi bị giễu như thế, lúc đầu em nổi cáu và cãi lại vì các bạn cứ nhắc đi nhắc lại. Nhưng một thời gian sau em chỉ thấy buồn và quyết định im lặng. Em không trông mong gì vào các thầy cô giáo vì em nghĩ họ cũng như những người khác, nếu biết chuyện đó họ cũng chỉ ngó lơ đi và im lặng thôi.”[102]

Hay như Ngọc, một người chuyển giới nam từng bị bắt nạt ở trường học, giải thích:

Em không kể chuyện này với ai vì em không thể nói với họ nguyên nhân của việc em bị bắt nạt. Nói thật là, ở trường em, nếu hai học sinh đánh lộn, thì cả hai đều bị kỷ luật. Nên em không nói với ai vì không muốn mình bị phạt.[103]

Một số học sinh có suy nghĩ rằng các giáo viên biết chuyện bắt nạt có xảy ra nhưng không muốn can thiệp. “Các thầy cô có thể biết chuyện đó xảy ra nhưng dường như không làm gì cả,” là lời em Giang, cũng là cảm giác chung của nhiều em học sinh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn.[104] Nhiều em khác có trải nghiệm trực tiếp về việc nhà trường bỏ qua không phản ứng. Trong trường hợp của Liễu, 19 tuổi, bị các bạn trong lớp làm gẫy tay vào một trong nhiều lần bị hành hung cơ thể, ngay cả khi bố em can thiệp trực tiếp với nhà trường, họ cũng chỉ hành động nửa vời. Em kể:

Bố em nói với giáo viên, nhưng thầy cô chẳng làm gì cả. Bố muốn em chuyển trường, nhưng em không đồng ý vì em chỉ muốn học cho xong và không muốn có sự thay đổi nào hết. Khi bố em nói với cô giáo chủ nhiệm, cô đến lớp và yêu cầu các bạn không làm thế nữa. Cô không hỏi xem ai đã làm thế với em. Một tuần sau khi bố em báo với cô giáo việc em bị bắt nạt, bố em lại nói chuyện với cô giáo lần nữa, và nhận ra rằng làm ầm ĩ như thế không phải là cách tốt để giải quyết tình hình. Em nói với bố rằng báo thầy cô chẳng giải quyết được chuyện bắt nạt đâu. Thế nên bố em chỉ cố gắng hỗ trợ tinh thần cho em tiếp tục học cho xong phổ thông.[105]

Tác động của môi trường học đường dung hợp và hỗ trợ

Em thấy rất an toàn ở trường trung học. Em cũng thấy mình rất may mắn. Khi còn ở trường, em luôn nghĩ rằng đó là chuyện bình thường. Nhưng sau khi ra trường và nói chuyện với các bạn khác, em mới nhận ra rằng trường cũ là một nơi rất an toàn.


—Trân, một nữ chuyển giới 22 tuổi, tháng Giêng năm 2019

Những thanh thiếu niên LGBT cho biết đã nhận được thông tin chính xác, tích cực về xu hướng tính dục và bản dạng giới ở học đường, hay sự ủng hộ từ phía bạn bè hoặc thầy cô, nói rằng trải nghiệm đó có giá trị khích lệ cao. Điều đó khuyến khích các em đi học thường xuyên hơn, và biết tự bảo vệ mình trước các trường hợp thiếu thông tin hay sách nhiễu.

Châu, một nữ song tính 16 tuổi, nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng các bài học giáo dục giới tính ở lớp 9 trường em có thảo luận về chủ đề LGBT. “Giáo viên nói rằng hai người con trai hay hai người con gái cũng có thể có con với nhau, các em có thể có con không lệ thuộc vào loại quan hệ, nên không cần phải lo xem người mình yêu là ai,” Châu nói.[106] Mến, một nữ song tính 17 tuổi, kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Ở cấp hai, giáo viên sinh học nói với chúng em về một thực tế là ngày nay, một cặp đồng tính kết hôn và có con là chuyện rất bình thường.”[107]

Các em khác có thể tìm hiểu vấn đề LGBT trong các bài nghiên cứu độc lập. Ví dụ, Trần nói rằng vấn đề LGBT thường được đề cập tới trong các môn liên quan, và em có thể viết một bài luận cho lớp văn học về một cặp đồng tính. “Đoàn Thanh niên trường em cũng có một cuộc thi phim ngắn về quyền của người LGBT, được học sinh rất quan tâm và gửi nhiều tác phẩm dự thi,” em nói.[108]

Được nhận biết về các trải nghiệm bản thân và học về xu hướng tính dục và bản dạng giới giúp các thanh thiếu niên LGBT thấy an toàn ở học đường. Như em Ngọc nhận xét:

Em thấy rằng khi có nhiều kiến thức hơn, em có thể tự bảo vệ tốt hơn. Em có thể yêu cầu giáo viên gọi em theo đúng đại từ nhân xưng… và các thầy cô thường đồng ý. Em nghĩ tạo năng lực cho người LGBT có thể tự bảo vệ mình và thay đổi người khác là điều rất quan trọng.[109]

Một chuyên gia tư vấn ở Hà Nội nhấn mạnh với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng các em học sinh LGBT đến gặp cô ở văn phòng có thể phát triển tốt nếu được hỗ trợ đúng. “Tôi có thể đưa sách cho các em và nói các sự thật về tính dục và giới tính, như thế có thể góp phần đẩy lui các thông tin tiêu cực và không đúng sự thật, từ đó các em có xu hướng tốt lên,” cô nói. Nhưng đa số các em, kể cả những em đã vượt qua được nỗi tự nghi ngờ và ghét bỏ bản thân khiến họ không dám tìm gặp tư vấn – vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Ngay cả khi các em có gặp một người đa dạng tính dục trong cuộc sống – khả năng này xảy ra hay không cũng tùy hoàn cảnh – cũng không có nghĩa là các em có được đầy đủ thông tin đúng đắn.”[110]

 

II.  Các bc cha m hành đng

“Cách duy nhất để giữ con là dùng tình yêu thương”


—Một người cha ở Thành phố Hồ Chí Minh

Hằng trở thành một nhà hoạt động vì chị không muốn mất Phong, con trai mình. Giờ đã ở độ tuổi 20, nhưng khi Phong đang học phổ thông, các bạn trong lớp bắt nạt em vì phong cách “không đàn ông” khiến em bị trầm cảm. Khi chị Hằng cố trình bày với nhà trường về vấn đề này, họ phản ứng bằng cách nói với chị rằng nếu con chị đừng hành xử bất bình thường nữa thì việc bắt nạt cũng sẽ chấm dứt.

Hiện giờ, chị là một trong số vài tình nguyện viên với PFLAG-Việt Nam, một tổ chức đặt tên theo chữ viết tắt từ “Parents and Friends of Lesbians and Gays” (Cha mẹ và Bạn bè của những Người đồng tính Nam và Nữ).[111]

Nhóm khởi xướng của tổ chức giờ đây là PFLAG tập hợp ở Thành phố New York vào năm 1973 (đến thập niên 1980 mới lấy tên là PFLAG) sau khi con trai một cô giáo dạy tiểu học bị đánh, và bà muốn vận động cho con. Bà tổ chức các bậc cha mẹ của những đứa trẻ là người đa dạng tính dục lại để hỗ trợ và ngăn ngừa bạo hành nhằm vào các con. Các chi nhánh của PFLAG – cũng như các tổ chức có mục đích và cơ cấu tương tự - đã được thành lập ở hàng chục quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam.[112]

Ở Việt Nam, PFLAG vẫn là một dự án không chính thức, chưa đăng ký, nhưng các tình nguyện viên là cha mẹ đã bắt đầu thấy được kết quả qua việc tương tác với các bậc cha mẹ khác cũng có con là thanh thiếu niên LGBT. Trong thời gian làm việc với vai trò tình nguyện viên suốt năm năm qua, chị Hằng đã gặp các cha mẹ có con là LGBT với đủ loại quan điểm và niềm tin khác nhau. “Ngay cả một người có bằng tiến sĩ về tâm lý học cũng hỏi là con trai [đồng tính] của mình có phải thực sự là đàn ông không, hay trong quan hệ thì cháu là chồng hay là vợ,” chị kể. “Họ cũng thường muốn tự trách móc bản thân – họ nghĩ họ đã làm điều gì đó sai trong quá trình nuôi dạy con.”

Tâm thế đó thật đáng lo ngại, chị Hằng nói: “Họ thực sự hỏi chúng tôi về phương pháp thay đổi đứa trẻ - trong khi chúng tôi chuẩn bị chỉ cho họ cách thay đổi bản thân.” PFLAG tổ chức cả các buổi gặp riêng với các tình nguyện viên giàu kinh nghiệm và các cuộc gặp chung của cả nhóm cha mẹ. Chị giải thích:

Các buổi họp nhóm chúng tôi tổ chức cho cha mẹ mang một tinh thần cộng đồng giữa những người tham gia – theo nghĩa không phải chỉ có mình họ đơn độc trải qua những việc đó. Như thế giúp đẩy nhanh tiến trình hơn nhiều so với các buổi gặp riêng.

Các tình nguyện viên của PFLAG từ các địa phương trên khắp đất nước Việt Nam chủ yếu bắt đầu bằng cách thảo luận các thuật ngữ cơ bản với những cha mẹ mới tham gia: ví dụ như các thuật ngữ về xu hướng tính dục và bản dạng giới. “Điều đó được coi là vấn đề hết sức riêng tư,” chị Hằng nhấn mạnh, và nói thêm rằng có được buổi gặp đầu tiên cũng là một dấu hiệu triển vọng rồi. “Nếu cha mẹ đồng ý gặp tôi, thì theo cách nào đó họ cũng đã bắt đầu chấp nhận con mình rồi.”

Truyền thống cũng được đề cập đến nhiều trong hầu hết các cuộc thảo luận. “Ở Việt Nam, có một nhận thức rất cơ bản là mục tiêu chính của gia đình là sinh con đẻ cái,” chị Hằng nói. “Vấn đề có một đứa con không phải chỉ của riêng cặp vợ chồng, mà còn được coi là nhiệm vụ của các bậc cha mẹ nữa. Điều đó tạo sức ép khủng khiếp lên gia đình và họ trút toàn bộ sức ép đó lên đầu hai vợ chồng,” chị nói. Một tài liệu năm 2014 của Viện Nghiên cứu Phát triển ghi nhận:

Những người đàn ông đồng tính là con trai cả và/hoặc là con trai duy nhất do vậy phải đối mặt với gánh nặng và nghĩa vụ theo đặc thù giới tính. Không đáp ứng được như vậy sẽ ảnh hưởng tới không chỉ bản thân họ, mà còn đối với toàn bộ gia đình, cả gia đình có thể sẽ bị cô lập về quan hệ xã hội. Phụ nữ cũng bị sức ép về nghĩa vụ và bổn phận làm mẹ và chăm sóc gia đình.[113]

“Khi cha mẹ mới gặp chuyện này, họ nghĩ con mình sẽ không hạnh phúc nếu không có gia đình theo mô hình truyền thống,” chị Hằng nói. PFLAG cố gắng khai thác nguyện vọng mong muốn được thấy con mình hạnh phúc này của các bậc cha mẹ. “Chúng tôi cố thuyết phục họ bằng cách chỉ ra rằng với tình yêu và sự ủng hộ của cha mẹ, đứa con sẽ có thể đương đầu với tất cả những sự kỳ thị và bi kịch phải đối mặt ngoài xã hội,” chị Hằng nói.

PFLAG cũng cố gắng tổ chức thuyết trình trong các trường học, để chứng minh cho giáo viên và thanh thiếu niên rằng thế hệ lớn hơn cũng chấp nhận và hiểu người LGBT. Tuy nhiên, như họ cho biết, họ thường bị các trường từ chối.

“Hầu như lần nào chúng tôi cũng bị các trường từ chối,” chị Hằng nói. “Ở Việt Nam chúng tôi rất coi trọng đạo đức của các thầy cô giáo. Các thầy cô nói rằng chủ yếu là do họ e ngại các phụ huynh sẽ trách thầy cô rao giảng các giá trị xấu và khiến cho học sinh trở thành đồng tính – nên họ không đồng ý cho PFLAG tới trường.”

Và chị Hằng tin rằng đó chính là điểm mấu chốt cần cấp thiết thay đổi.

“Các trường học cần thay đổi – đó là điều cấp thiết,” chị nói. “Nguyên nhân khiến thế hệ tôi phản đối LGBT hay bị nhầm lẫn về LGBT là do chúng tôi chưa bao giờ được dạy về những điều khác biệt.”

Anh Thắng, một tình nguyện viên PFLAG và là cha của một cậu con trai đồng tính, nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng anh đã khóc nhiều tuần sau khi con trai công khai giới tính với mình khi cháu đang học trung học. “Tôi biết mình phải tỏ ra cứng rắn vì cháu có một kỳ thi quan trọng, và tôi muốn cháu tập trung vào kỳ thi đó, nhưng tôi đã khóc rất nhiều,”[114] anh nói. Anh rất khó chịu về xu hướng đồng tính luyến ái của con trai và muốn tìm cách thay đổi con.

Nhưng với anh Thắng, sự lựa chọn đã rõ ràng: “Vào lúc đó tôi có một lựa chọn. Tôi không bao giờ hình dung được rằng con mình lại có thể trở thành nạn nhân của sự căm ghét từ chính bố nó. Và tôi biết nếu cứ tiếp tục suy nghĩ như thế, thì mình sẽ mất con,” anh nói. “Con tôi là một người tốt. Cách duy nhất để giữ con là dùng tình yêu thương.”

Anh gặp được các tình nguyện viên – phụ huynh trước khi mạng lưới PFLAG thành lập, và trải nghiệm đó khiến anh quyết định trở thành một nhà hoạt động.

“Tôi không bao giờ quên được lần gặp đầu tiên những bậc cha mẹ khác,” anh nói. “Cảm giác thấy mình không còn bị đơn độc thật kỳ diệu. Tôi có thể thấy các cha mẹ khác cũng có cảm giác ấy – rằng chúng tôi đều cần người đồng hành trong hành trình này.”

Hành trình của anh Thắng là một sự thay đổi tâm thế – từ chỗ công khai ghét bỏ người đồng tính đến chấp nhận đứa con đồng tính, rồi tới chỗ chủ động khuyến khích các bậc cha mẹ khác cũng làm như mình.

“Khi con tôi mới công khai, tôi sợ cháu sẽ phải đối mặt với những sự kỳ thị. Lúc đó, chỉ khác thường một chút thì ai cũng gọi là bê đê,” anh nói. “Và tôi cũng là một người dùng từ lóng có tính miệt thị đó. Tôi từng rất ghét người đồng tính và tôi biết điều đó độc ác đến mức nào.”

Theo ý kiến anh Thắng, các trường học đang trở nên cởi mở hơn, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Ví dụ như, trong vài năm gần đây, anh đã từng làm thuyết trình cho PFLAG ở một số tỉnh, có các thầy cô giáo ở một số trường đã tự nguyện đến dự.

“Trường học phải cải thiện về vấn đề này. Chúng ta cần có thêm nhiều sự hỗ trợ cho các nhóm cộng đồng LGBT để họ phát triển tốt hơn,” anh nói.

 

III. Các tiêu chun pháp lý v nhân quyn

Trong đợt Đánh giá Định kỳ Toàn cầu (UPR) năm 2014 tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, chính phủ Việt Nam đã chấp thuận một khuyến nghị của Hội đồng về xu hướng tính dục và bản dạng giới: “Xây dựng luật chống kỳ thị để đảm bảo bình đẳng cho mọi người dân, bất kể xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ.”[115]

Trong đợt UPR năm 2019, Việt Nam từ chối các khuyến nghị về việc phải bao gồm cả xu hướng tính dục và bản dạng giới trong Luật Lao động và hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã chấp thuận các khuyến nghị về:

  • Xây dựng quy phạm pháp luật chống phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dục và bản dạng giới.[116]
  • Thực hiện các bước tiếp theo để bảo đảm cơ chế bảo vệ cho các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, trong đó có những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới.[117]
  • Thực thi các quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ y tế về điều chỉnh giới tính và công nhận pháp lý về giới tính.[118]

Tháng Chín năm 2019, văn phòng Thủ tướng đã ban hành một quyết định hướng dẫn cụ thể các cơ quan hữu quan thực hiện các khuyến nghị của UPR đối với Việt Nam.[119] Quyết định bao gồm các nội dung sau:

  • Chỉ thị Bộ Tư pháp thực hiện việc: “Ban hành và thc hin các kế hoch, chương trình hành đng quc gia đ xóa b đnh kiến, phân bit đi x đi vi ph n (nhm tăng cường s tham gia ca ph n trong mi lĩnh vc và xóa b bo lc gii) và các nhóm đi tượng d b tn thương, [trong đó có] người đồng tính - song tính - chuyn gii - liên giới (LGBTI).”
  • Giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ “lưu ý vấn đề về phẫu thuật xác đnh li gii tính…, công nhn gii tính mà không có s đòi hi v mt y tế” và “Ban hành và bố trí đủ nguồn nhân lực và tài chính nhằm thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động quốc gia để xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương… [trong đó có] người đồng tính - song tính - chuyển giới - liên giới (LGBTI).”
  • Giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhiệm vụ “rà soát và đ xuất hoàn thin pháp lut nhm đm bo bình đng gia nam và n, chng phân bit đi x trên cơ s gii (k c đi vi người LGBTI).”[120]

Quyền được giáo dục

Quyền về giáo dục được đảm bảo trong một số bộ luật của Việt Nam. Các văn bản hướng dẫn việc đảm bảo thực thi quyền giáo dục bằng cách, chẳng hạn, giảm thiểu bạo lực học đường, được cụ thể trong các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Luật Trẻ em Việt Nam năm 2016 ghi rõ:

Điều 16. Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu

1. Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.

2. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục.[121]

Trong báo cáo sơ bộ với Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên hiệp quốc cho đợt đánh giá sắp tới, chính phủ Việt Nam nhấn mạnh:

Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa vào và mở rộng các nguyên tắc [của Công ước về Quyền Trẻ em] trong đó có nguyên tắc “không phân biệt đối xử đối với trẻ em” và cấm “đnh kiến, phân bit đi x đi vi trẻ em trên cơ sở cá tính, hoàn cảnh gia đình, giới tính, sắc tộc, quốc tịch, tín ngưỡng và tôn giáo.”[122]

Luật Giáo dục Việt Nam quy định tại điều 10 rằng “học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân” và “mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.”[123] Trong một nghị định ban hành năm 2017, chính phủ Việt Nam quy định các biện pháp phòng chống bạo lực học đường. Trong đó có yêu cầu trường học không được “định kiến giới [hay] phân biệt đối xử” trong lớp học và quy định cụ thể các biện pháp hỗ trợ học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường, bao gồm:

  • Phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường.
  • Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể.
  • Thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.[124]

Năm 2019, Bộ Giáo dục ban hành một chỉ thị cụ thể về phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, văn bản này chưa nêu rõ các nhóm học sinh có nguy cơ dễ bị tổn thương, trong đó có các học sinh LBGT.[125]

Quyền giáo dục được bảo đảm trong công pháp quốc tế, nhất là trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước về Quyền Trẻ em đã được Việt Nam tham gia lần lượt trong các năm 1982 và 1990.[126] Công ước về Quyền Trẻ em quy định rằng giáo dục phải hướng tới các mục tiêu, trong đó có “phát triển tính cách, tài năng và năng lực thể chất, trí tuệ đến tiềm năng tối đa,” “xây dựng ý thức tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản,” và “chuẩn bị cho trẻ cách sống có trách nhiệm trong một xã hội tự do, trên tinh thần hiểu biết, ôn hòa, bao dung, bình đẳng giữa các giới và hữu nghị giữa các nhóm người, sắc tộc, dân tộc và các nhóm tôn giáo và những người có gốc bản xứ.”[127] Trong đợt đánh giá năm 2012 về Việt Nam, Ủy ban về Quyền Trẻ em kêu gọi “Quốc gia thành viên phải bảo đảm cho mọi trẻ em trong quốc gia thành viên được thụ hưởng một cách hiệu quả quyền bình đẳng theo Công ước và không bị phân biệt đối xử trên bất cứ cơ sở nào.”[128] Như sẽ trình bày dưới đây, cơ quan công ước Liên hiệp quốc đã phát biểu rõ rằng không phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính được hiểu là bao gồm cả xu hướng tính dục.[129]

Học sinh LGBT bị tước đoạt quyền giáo dục khi bị bắt nạt, cô lập, và các chính sách phân biệt đối xử cản trở các em tham gia lớp học hay đến trường. Quyền giáo dục của các em học sinh LGBT cũng bị hạn chế khi giáo viên và giáo trình không có các thông tin có ý nghĩa tới sự phát triển của các em, hoặc công khai kỳ thị người LGBT.

Để cho quyền giáo dục thực sự có ý nghĩa, các trường học phải bảo đảm rằng giáo trình, cách hành xử của nhân viên nhà trường và nội quy của trường phải không phân biệt đối xử và cung cấp thông tin cho các thanh thiếu niên LGBT đầy đủ về chất và lượng như các học sinh khác, không phải là người LGBT.[130]

Quyền giáo dục bao gồm cả quyền được giáo dục toàn diện về tính dục,[131] là nội dung mà các thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam đang thiếu. Như Đặc ủy Liên hiệp quốc về Quyền Giáo dục đã phân tích: “Quyền giáo dục bao gồm cả quyền giáo dục giới tính, vừa là một nội dung quyền con người vừa là một phương tiện không thể thiếu được để đạt được các quyền con người khác, như quyền về sức khỏe, quyền thông tin, quyền tình dục và quyền sinh sản.”[132] 

Một giáo trình mà chỉ nêu và cung cấp cho học sinh các thông tin về tình dục dị tính luyến ái trong vòng hôn nhân sẽ “bình thường hóa, tạo định khuôn và quảng bá các hình ảnh có tính kỳ thị vì dựa trên thông lệ luyến ái dị tính; việc giáo trình phủ nhận sự tồn tại của những người đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới, người chuyển đổi giới tính, và song tính, khiến những nhóm người này phải đối diện với các hành xử có tính kỳ thị và nguy hại.”[133]

Để đảm bảo quyền giáo dục được tôn trọng, Ủy ban về Quyền Trẻ em đã yêu cầu rằng nội dung giáo dục giới tính do các trường học cung cấp:

[P]hải bao gồm kiến thức và ý thức về cơ thể, bao gồm các khía cạnh giải phẫu, sinh lý và tình cảm, và phải dễ tiếp cận cho mọi trẻ em, trai hay gái. Trong đó phải bao gồm nội dung liên quan tới sức khỏe tình dục và phúc lợi, như thông tin về sự thay đổi cơ thể và quá trình trưởng thành, và phải được xây dựng sao cho trẻ em có thể thu được kiến thức về sức khỏe sinh sản và ngăn ngừa bạo hành giới, và hình thành hành vi tình dục có trách nhiệm.[134]

Các thông tin đó không nên chỉ được cung cấp cho các học sinh dị tính luyến ái hay người hợp giới. Các trường học cũng phải cung cấp cho học sinh LGBT các nội dung liên quan để đảm bảo cho các em được hưởng quyền giáo dục mà không bị phân biệt đối xử. Giáo dục giới tính toàn diện “phải hoàn toàn không có những định kiến và định khuôn có thể được sử dụng để biện minh cho việc phân biệt đối xử và bạo lực nhằm vào bất cứ nhóm nào,”[135] và “phải đặc biệt chú ý đến tính đa dạng, vì mọi cá nhân đều có quyền tự quyết về giới tính của mình mà không bị phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới.”[136]

Bạo hành và bắt nạt

Theo công pháp quốc tế về nhân quyền, trẻ em được bảo vệ trước mọi hình thức bạo lực.[137] Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dễ phải đối mặt với bạo lực, trong đó bao gồm việc bị bắt nạt, phải được nhà nước quan tâm cụ thể và bảo vệ. Như Ủy ban về Quyền Trẻ em, cơ quan giám sát việc thực hiện Công ước về Quyền Trẻ em của Liên hiệp quốc đã ghi nhận, “[các] nhóm trẻ em có nguy cơ dễ bị bạo hành bao gồm, nhưng không giới hạn trong, các nhóm trẻ… là đồng tính nữ, đồng tính nam, chuyển giới hoặc người chuyển đổi giới tính.”[138] Ủy ban đã nhiều lần xác định các hành vi bắt nạt, sách nhiễu và bạo hành đối với thanh thiếu niên LGBT là xâm hại quyền trẻ em,[139] và nhấn mạnh rằng “[một] trường học để cho hành vi bắt nạt hay các cách hành xử mang tính cô lập và bạo hành xảy ra là một cơ sở giáo dục không đáp ứng được yêu cầu của điều 29 khoản 1,” điều khoản quy định mục đích giáo dục của Công ước.[140]

Ủy ban về Quyền Trẻ em đã xác định các bước mà các chính phủ các quốc gia thành viên cần tiến hành để bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt, sách nhiễu và các hình thức bạo hành khác. Trong đó có việc xử lý các thái độ kỳ thị có thể tạo tiền đề cho việc không khoan dung và bạo hành sinh sôi,[141] thiết lập các cơ chế báo cáo,[142] và đưa ra các hướng dẫn và tập huấn cho giáo viên và giáo chức biết cách phản ứng khi nhìn thấy hoặc nghe được về các vụ bạo hành.[143] Trong khi thực hiện những bước nói trên, ủy ban đã nhấn mạnh rằng chính các em phải được tham gia “vào quá trình xây dựng chiến lược phòng ngừa nói chung và ở học đường nói riêng, đặc biệt là nhằm loại trừ và phòng ngừa bắt nạt và các hình thức bạo lực học đường khác.”[144]

Chính sách chống bắt nạt và dung hợp LGBT

Các chính sách phòng ngừa bắt nạt bao gồm quy định bảo vệ công khai đối với các học sinh LGBT là điều cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ về nhân quyền. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng các chính sách phòng ngừa bắt nạt có bao gồm chống bắt nạt người LGBT giúp tăng cường cảm giác an toàn cho học sinh. Ví dụ như, một công trình nghiên cứu ở Hoa Kỳ có phân tích dữ liệu từ hơn 7.000 học sinh cho thấy các thanh thiếu niên LGBT học ở các học khu có chính sách chống bắt nạt bao gồm cả chống bắt nạt người LGBT cảm thấy an toàn hơn so với các học sinh LGBT học ở các học khu không có chính sách chống bắt nạt hay có chính sách chống bắt nạt nhưng không nhắc cụ thể về xu hướng tính dục và bản dạng giới.[145] Các kinh nghiệm lâu năm ở các nơi khác cũng thể hiện tầm quan trọng của việc nêu đích danh. Ví dụ như, GLSEN, một NGO ở Hoa Kỳ từng tiến hành khảo sát về môi trường học tập cho học sinh LGBT từ năm 1999, đã khuyến cáo mạnh mẽ rằng các quy định chống bắt nạt cần ghi cụ thể các nhóm học sinh dễ bị tổn thương, đặc biệt là các học sinh LGBT.[146]

Trong những năm gần đây, chính phủ các quốc gia trên khắp thế giới đã và đang thực hiện các thay đổi chính sách để bảo vệ thanh thiếu niên LGBT ở học đường. Năm 2015, có 55 vị Bộ trưởng giáo dục đã ký vào bản Kêu gọi Hành động của UNESCO chống bạo lực bắt nguồn từ chứng ghét sợ người đồng tính và chuyển giới. Bản tuyên bố đã ghi nhận cam kết của các chính phủ này về việc giám sát tình trạng lan tràn của việc bắt nạt ở học đường bắt nguồn từ chứng ghét sợ người đồng tính và chuyển giới, cung cấp cho học sinh thông tin về các định khuôn phân biệt giới tính có hại, tập huấn cho các giáo chức, và thực hiện các bước nhằm đảm bảo an toàn ở học đường cho thanh thiếu niên LGBT.[147] Hai quốc gia đã ký văn bản nói trên trong khi đang xây dựng chính sách dung hợp LGBT là Nhật Bản và Philippines.

Nhật Bản

Tháng Ba năm 2017, chính phủ Nhật Bản đã cập nhật Chính sách Cơ bản về Phòng chống Bắt nạt, buộc các trường học phải có trách nhiệm ngăn ngừa việc học sinh bị bắt nạt vì xu hướng tính dục hay bản dạng giới bằng cách “tăng cường hiểu biết đúng đắn của giáo viên về… xu hướng tính dục/bản dạng giới và đồng thời phải thông báo về các biện pháp cần thiết của nhà trường đối với vấn đề này.”[148] Trước chính sách này, đã có thông tư năm 2015 của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) về học sinh là người chuyển giới và bộ sách hướng dẫn giáo viên năm 2016 cũng của Bộ MEXT về học sinh LGBT.[149] Bộ sách có chỉ dẫn cho giáo viên về một số chủ đề, trong đó có:

  • Phân biệt rõ định nghĩa về “xu hướng tính dục” và “bản dạng giới” và khuyến khích giáo viên không nên lầm lẫn giữa hai khái niệm.
  • Ghi nhận các định kiến xã hội đối với người LGBT ở Nhật Bản và hậu quả của các định kiến đó có thể gây ra phân biệt đối xử ở nơi làm việc như thế nào. Ngoài ra, sách hướng dẫn ghi rõ: “điều quan trọng là giáo viên phải rũ bỏ các định kiến và có hiểu biết tốt hơn về vấn đề này.”
  • Xem xét khả năng đưa chủ đề xu hướng tính dục và bản dạng giới vào các bài học.[150]

Philippines

Trong những năm gần đây, các nhà làm luật và quản lý học đường ở Philippines đã nhận thấy rằng nạn bắt nạt học sinh LGBT là một vấn đề nghiêm trọng, và thiết kế các biện pháp can thiệp để giải quyết vấn nạn này. Năm 2012, Bộ Giáo dục (DepEd) có chức năng quản lý các trường tiểu học và trung học, đã áp dụng Chính sách Bảo vệ Trẻ em được thiết kế nhằm giải quyết tình trạng bắt nạt và phân biệt đối xử ở học đường, trong đó bao gồm cả bắt nạt và phân biệt đối xử xuất phát từ nguyên nhân xu hướng tính dục và bản dạng giới.[151]

Năm 2013, Quốc hội Philippines thông qua Luật Chống Bắt nạt, với các văn bản hướng dẫn áp dụng ghi rõ rằng xu hướng tính dục và bản dạng giới bị cấm trở thành nguyên nhân cho các hành vi bắt nạt và sách nhiễu. Các văn bản hướng dẫn áp dụng bộ luật này giải thích rằng thuật ngữ “bắt nạt” bao gồm cả “bắt nạt trên cơ sở giới tính,” dùng để “chỉ bất kỳ một hành vi nào có tính nhục mạ hoặc cô lập một người trên cơ sở xu hướng tính dục và bản dạng giới (SOGI) theo cảm nhận hoặc thực tế.”[152]

Campuchia

Đầu năm 2020, học sinh Campuchia từ 13 tuổi trở lên sẽ được học các bài học bao gồm nội dung về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Yung Kunthearith, phó giám đốc phòng nghiên cứu sức khỏe trực thuộc bộ giáo dục, cho biết sự thay đổi này là “về sự bình đẳng.” Ông nói: “Chúng tôi muốn trẻ em [Campuchia] nhận thức rõ những vấn đề này, và hiểu rằng không một ai phải chịu bị phân biệt đối xử tại trường học hay bất cứ khi nào trong cuộc đời.”[153]

Các nhóm xã hội dân sự bắt đầu làm việc với Bộ Giáo dục Campuchia để huấn luyện giáo viên về các vấn đề LGBT vào năm 2017.[154]

Các nhà hoạt động vì thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam rất mong muốn được thấy chính phủ mình đưa ra các chính sách và quy định tương tự, nhưng họ cũng nhắc lại một lịch sử dài từng bị gạt ra ngoài lề những khi cố vận động. “Người ta nói với chúng tôi ‘bây giờ chưa được’ hoặc ‘vấn đề này hiện còn quá nhạy cảm,’” một nhà hoạt động ở Hà Nội kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. “Hay tại một vài cuộc họp, ngay cả với các lãnh đạo thanh niên, vấn đề LGBT được dự kiến trong chương trình nhưng rồi lại bị lờ đi.”[155]

Quyền về sức khỏe

Quyền được an toàn không bị bắt nạt

Bắt nạt, cô lập và phân biệt đối xử gây ra các rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, đe dọa quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể đối với thanh thiếu niên LGBT. Ủy ban về Quyền Trẻ em đã bày tỏ quan ngại về các hậu quả đối với sức khỏe do bị bắt nạt, trong đó có cả tự tử, và đã kêu gọi chính phủ Việt Nam “có các hành động cần thiết để ngăn ngừa và nghiêm cấm mọi hình thức bạo hành và xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục, trừng phạt về thân xác và các hình thức đối xử hoặc kỷ luật vô nhân, đày đọa hay nhục mạ ở trường, do nhân viên nhà trường cũng như các học sinh gây ra.”[156]

Thông tin sức khỏe

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành một văn bản hướng dẫn giáo viên về cách tham vấn, tư vấn cho học sinh.[157] Văn bản này hướng dẫn giáo viên:

a)      Hiểu được tầm quan trọng của việc tư vấn cho học sinh; hiểu được tính chất, nội dung, hình thức, nguyên tắc và quy trình của công tác tư vấn cho học sinh.

b)      Áp dụng đúng quy trình và các nguyên tắc chung khi tiến hành tư vấn và hướng dẫn cho học sinh để các em giải quyết được các vấn đề cụ thể; áp dụng nhiều phương pháp và kỹ năng để tìm hiểu và đánh giá các vấn đề tâm lý của học sinh và xây dựng kế hoạch tư vấn để giúp học sinh giải quyết các vấn đề cá nhân.

c)      Sẵn sàng lắng nghe và tìm hiểu để có đánh giá khách quan về học sinh và giúp đỡ học sinh khi gặp phải các vướng mắc cần giải quyết.[158]

Một trong những thực hành bắt buộc với giáo viên, được đề cập trong văn bản hướng dẫn nói trên, là “tư vấn về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.” Điều quan trọng là chính quyền Việt Nam cần nhân cơ hội này tác động để việc thực thi văn bản nói trên bao gồm cả các đối tượng là học sinh LGBT.

Đặc sứ của Liên hiệp quốc về quyền giáo dục đã nhận định trong năm 2010 rằng tính dục, sức khỏe và giáo dục là “các quyền có ảnh hưởng qua lại,” và giải thích rằng “chúng ta phải có khả năng chăm sóc sức khỏe của mình, cũng như giải quyết vấn đề tính dục một cách tích cực, có trách nhiệm và tôn trọng, do đó phải ý thức được các nhu cầu và quyền của mình.” Đặc biệt là, đặc sứ có cảnh báo đối với các chương trình giáo dục giới tính chỉ căn cứ hoàn toàn vào các quan hệ luyến ái dị tính, bởi vì “việc chối bỏ sự tồn tại của những người đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới, người chuyển đổi giới tính, và song tính, [các giáo trình đó] khiến những nhóm người này phải đối diện với cách hành xử có tính phân biệt đối xử và rủi ro.”[159]

Công ước Quốc tế về Các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa đã ghi nhận “quyền của tất cả mọi người được hưởng tiêu chuẩn cao nhất có thể về sức khỏe thể chất và tinh thần.” Công ước về Quyền Trẻ em nhấn mạnh thêm rằng trẻ em được hưởng quyền đó, và nêu rõ rằng, để đạt mục tiêu đó, chính phủ các quốc gia sẽ “đảm bảo rằng mọi thành phần xã hội, nhất là cha mẹ và trẻ em, được cung cấp thông tin [và] có thể tiếp cận giáo dục,” và sẽ “xây dựng chương trình chăm sóc y tế phòng ngừa, hướng dẫn cho các bậc cha mẹ cũng như cung cấp các dịch vụ và giáo dục về kế hoạch hóa gia đình.”[160]

Ủy ban về Quyền Trẻ em đã tuyên bố rằng “để thực thi đầy đủ được quyền về sức khỏe của mọi trẻ em, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đảm bảo rằng sức khỏe của trẻ em không bị ảnh hưởng do hậu quả của phân biệt đối xử, là một yếu tố đáng kể góp phần vào tình trạng dễ bị tổn thương,” trong đó bao gồm cả phân biệt đối xử có nguyên do từ “xu hướng tính dục, bản dạng giới và tình trạng sức khỏe.”[161]

Các thiếu sót đáng kể trong chương trình giáo dục giới tính ở các trường học Việt Nam đã ảnh hưởng đến quyền về sức khỏe của mọi học sinh, đặc biệt là các học sinh LGBT. Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc là một chương trình phát triển chú trọng đến việc bảo đảm “không ai bị bỏ lại,” trong đó có một cam kết đảm bảo giáo dục có chất lượng và bao dung cho tất cả mọi người. Với tư cách là một quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc, chính phủ Việt Nam đã ký các cam kết phát triển bền vững toàn cầu nói trên, bao gồm cả cam kết bảo đảm cho tất cả mọi người được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế về tình dục và sinh sản.[162] Trong đợt đánh giá SDG năm 2018, chính phủ Việt Nam ghi nhận rằng, dù đã có đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, “Hệ thống giáo dục quốc gia vẫn chưa đồng bộ” và “tài liệu và cơ sở kỹ thuật của các trường vừa thiếu vừa lạc hậu.”[163]

Ủy ban về Quyền Trẻ em đã nhận xét rằng thanh thiếu niên “dễ bị lây nhiễm HIV/AIDS vì trải nghiệm tình dục đầu tiên của họ có thể diễn ra trong một hoàn cảnh mà họ không được tiếp cận thông tin hoặc chỉ dẫn đúng đắn.”[164] Loại bỏ thông tin về hoạt động tình dục đồng giới và bản dạng giới ra khỏi các giáo trình giáo dục giới tính là gây ảnh hưởng tới quyền về sức khỏe của các học sinh LGBT. Để đảm bảo cho quyền đó của các em được tôn trọng, ủy ban đã tuyên bố rằng chính phủ các quốc gia phải “không được kiểm duyệt, bảo lưu hay cố ý giải thích sai thông tin liên quan đến sức khỏe, bao gồm các thông tin và chương trình giáo dục giới tính, và… bảo đảm cho học sinh có khả năng tiếp nhận kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ bản thân và những người khác khi bắt đầu biểu lộ giới tính.”[165]

Chấm dứt quan niệm coi đồng tính luyến ái là bệnh lý

Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), là tổ chức đưa ra các tiêu chuẩn toàn cầu về chẩn đoán bệnh tâm thần trong Sổ tay Thống kê và Chẩn đoán (DSM) do hiệp hội này xuất bản, đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh lý trong Sổ tay vào năm 1973.[166] Tổ chức Y tế Thế giới đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế (ICD) vào năm 1990.[167]

Nhân đà cải cách DSM và ICD, các cơ quan sức khỏe tâm thần quốc tế và ngày càng nhiều các hiệp hội chuyên khoa tâm thần quốc gia và các bộ y tế trên toàn cầu đã xây dựng các chính sách chống phân biệt đối xử trong điều trị cho người LGBT. Trong đó có thể kể các tổ chức sức khỏe tâm thần quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Hồng Kông, Thái Lan, Ấn Độ, Nam Phi, Braxin, Philippines và Argentina.[168] Đơn cử, Hiệp hội Ngành Tâm thần Thế giới (WPA) tuyên bố năm 2016 rằng “y học hiện đại đã loại bỏ việc coi xu hướng và hành vi tình dục đồng giới là một loại bệnh từ nhiều thập niên trước.”[169]

Ấn Đ

Hiệp hội Y khoa Ấn Độ, trong một bản tường trình gửi Tòa án Tối cao, ghi rõ rằng hiệp hội “quan ngại nghiêm trọng về việc tình dục đồng giới bị coi là một triệu chứng rối loạn” và khẳng định rằng “các bác sĩ tâm thần cần phải làm đúng công việc của mình – điều trị các nỗi đau cảm xúc cho những người cần được điều trị. Trong đó có việc hỗ trợ các nhóm người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT) giao tiếp với gia đình, xây dựng các mạng lưới hỗ trợ, giúp phát hiện và xử lý các hiện tượng trầm cảm và lo âu như tất cả các bệnh nhân khác cần được trợ giúp.”[170]

Thái Lan

Năm 2002, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan ra tuyên bố rằng “những người yêu người cùng giới không thể bị coi là bất bình thường về tâm lý hay mắc bất kỳ một loại bệnh nào.”[171] Năm 2009, Trường Đại học Tâm thần học Hoàng Gia Thái Lan tuyên bố: “[Luyến ái đồng tính]…xảy ra ở cả hai giới, có nghĩa là đàn ông thích đàn ông (đồng tính nam) và phụ nữ thích phụ nữ (đồng tính nữ), và có những người thích cả hai giới (song tính); đó không phải là một loại bệnh tâm thần.”[172]

Hồng Kông

Hiệp hội Tâm lý học Hồng Kông tuyên bố rằng “Các nhà tâm lý học hiểu rằng luyến ái đồng tính và song tính không phải là bệnh tâm thần.”[173]

Philippines

Hiệp hội Tâm lý học Philippines (PAP) tuyên bố: “nhiều thập niên nghiên cứu khoa học đã dẫn các tổ chức chuyên ngành sức khỏe tâm thần trên thế giới đến kết luận rằng các xu hướng tính dục đồng tính nữ, đồng tính nam và song tính là các biến thể bình thường của tính dục ở con người” và “APA đồng hành với các sáng kiến toàn cầu nhằm xóa bỏ định kiến về bệnh tâm thần đã từ lâu bị gán cho tính dục đa dạng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người LGBT.”[174]

Bình đẳng giới

Như bản phúc trình này ghi nhận, các thanh thiếu niên LGBT phải đối mặt với tình trạng vi phạm nhiều quyền con người do các định khuôn về giới. Chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ phải triển khai các chính sách nhằm xóa bỏ định khuôn về giới trong xã hội.

Luật Bình đẳng Giới năm 2006 của Việt Nam nghiêm cấm “phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.” Trong luật có đề cập đến định khuôn về giới, với nội dung:

Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.[175]

Các hành vi “truyền bá sách giáo khoa có nội dung chứa đựng định kiến về giới” và “cản trở, lôi kéo hay ép buộc người khác không tham gia vào các hoạt động giáo dục giới tính vì các lý do liên quan đến định kiến về giới” đều vi phạm quy định của bộ luật này.

Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền định nghĩa các định khuôn về giới như sau:

[là] quan niệm khái quát hay định kiến về đặc điểm, tính cách hay vai trò thuộc về, hoặc được coi là thuộc về, hay được coi là phải được thực hành bởi, phụ nữ hay nam giới. Định khuôn về giới sẽ có hại khi nó hạn chế khả năng của phụ nữ hay đàn ông không phát triển được năng lực cá nhân, theo đuổi nghề nghiệp chuyên môn và đưa ra các lựa chọn về cuộc sống của mình.[176]

Điều 5 của Công ước về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Đối xử Với Phụ nữ (CEDAW) quy định rằng:

Các quốc gia thành viên sẽ thực hiện mọi biện pháp thích hợp: a) Để sửa đổi các định dạng xã hội và văn hóa về đặc tính nam giới và nữ giới, hướng tới mục tiêu xóa bỏ định kiến và tập quán và các thói quen khác dựa trên quan niệm cho rằng giới này cao hơn, giới kia kém hơn hay dựa trên định khuôn về vai trò của nam giới và phụ nữ.[177]

Trong đợt đánh giá năm 2015 về Việt Nam, Ủy ban CEDAW ghi nhận với quan ngại, “rằng các định khuôn và thiên vị mang tính chất phân biệt đối xử về giới vẫn tràn ngập các tài liệu giảng dạy” và khuyến nghị chính phủ Việt Nam “Áp dụng các biện pháp chiến lược tổng thể để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất bình đẳng giới và cải tạo các định khuôn mang tính phân biệt về giới đã ăn sâu từ lâu nay.”[178]

Trong một văn bản chính sách năm 2016, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) kêu gọi Việt Nam xóa bỏ “mọi quan niệm định khuôn về vai trò của nam và nữ ở mọi cấp và dưới mọi hình thức giáo dục bằng cách…sửa đổi sách giáo khoa và các chương trình học tập và điều chỉnh các phương pháp giảng dạy.”[179]

Trong bản Nhận xét Chung ban hành liên thông giữa Ủy ban CEDAW và Ủy ban về Quyền Trẻ em năm 2014, có giải thích rằng:

Lứa tuổi thiếu nhi, và muộn nhất là vào giai đoạn chớm vị thành niên, là thời điểm đột phá để hỗ trợ các em trai cũng như gái, và giúp các em thay đổi thái độ về giới và tiếp nhận các vai trò tích cực hơn cũng như các hình thức ứng xử ở nhà, ở trường và ngoài xã hội. Điều đó có nghĩa là tạo điều kiện trao đổi với các em về các thông lệ xã hội, thái độ và sự kỳ vọng gắn liền với nam tính và nữ tính truyền thống, và các vai trò theo định khuôn sẵn có liên quan tới giới và giới tính…[180]

Như được ghi nhận trong bản phúc trình này, định khuôn về giới và các sự kỳ vọng về cách ứng xử “bình thường” ở con trai và con gái có thể dẫn tới bắt nạt và cô lập ở học đường, và góp phần gián tiếp duy trì các tài liệu giảng dạy mang tính phân biệt đối xử về giới. Dù xu hướng tính dục và bản dạng giới không được nêu rõ trong Luật Bình đẳng Giới Việt Nam, các cơ quan công ước Liên hiệp quốc đã minh xác rằng không phân biệt đối xử về giới phải được hiểu là bao gồm cả về xu hướng tính dục.[181] Hơn nữa, chính phủ các quốc gia khác đã cho thấy quy định pháp luật về bình đẳng giới có thể tạo cơ hội để xây dựng các chính sách dung hợp người LGBT. Ví dụ như, Điều luật Bình đẳng Giới của Thái Lan năm 2015 là bộ luật cấp quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ghi cụ thể việc bảo vệ chống phân biệt đối xử trên cơ sở biểu hiện giới tính. Luật này quy định rõ cấm mọi cách thức phân biệt đối xử nếu một người “có ngoại hình khác với giới tính khi sinh” – một công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ người chuyển giới.[182]

Luật Bình đẳng Giới của Việt Nam đã đặt nền móng cho việc xóa bỏ định khuôn về giới và bao gồm cả việc bảo vệ các xu hướng tính dục và bản dạng giới trong quá trình đó. Chính phủ Việt Nam cần có hành động đồng bộ theo hướng đó, bằng cách vừa áp dụng các chính sách hướng dẫn thực thi pháp luật hiện có để bảo vệ chống lại sự phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dục và bản dạng giới, đồng thời sửa đổi pháp luật hiện hành để có quy định cụ thể về xu hướng tính dục và bản dạng giới.

 

IV. Li cm ơn

Một nghiên cứu viên cao cấp trong chương trình Quyền của Người Đồng tính Nữ, Đồng tính Nam, Song tính và Chuyển giới (LGBT) của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, MJ Movahedi, điều phối viên chương trình Quyền của Người LGBT, và một nhà tư vấn đã tiến hành nghiên cứu để xây dựng phúc trình này.

Phúc trình được thẩm định bởi Graeme Reid, giám đốc chương trình Quyền của Người LGBT của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền; một nghiên cứu viên Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền; Michael Bochenek, cố vấn cao cấp về Quyền Trẻ em; và Joseph Saunders, Phó giám đốc Chương trình. Anjelica Jarrett, điều phối viên chương trình Quyền của Người LGBT, đã tham gia biên tập và phát hành. Dự án còn nhận được sự trợ giúp sản xuất từ Remy Arthur, nhân viên phụ trách kỹ thuật số và Fitzroy Hepkins, quản trị hành chính cao cấp.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền xin cảm ơn các bạn trẻ đã chia sẻ câu chuyện của mình với chúng tôi và với các nhà hoạt động vì quyền của người LGBT, những người đã cố vấn cho chúng tôi trong dự án này.

 

Chú giải thuật ngữ

 

Vô tính (Asexual): Xu hướng tính dục của người trải nghiệm rất ít hoặc hoàn toàn không có cảm giác hấp dẫn tính dục với người khác.

“Bê đê” hay “Pê đê”: Thuật ngữ thường được dùng theo cách phân biệt đối xử để gọi những người đàn ông hoặc con trai luyến ái đồng tính, hay những người nam giới bị coi là yếu ớt hoặc quá điệu đà. Phái sinh từ thuật ngữ tiếng Pháp pédé, là cách nói tắt của pédéraste, hay pederast. Từ này bắt đầu được dùng ở Việt Nam từ thời thuộc địa.

Song tính (Bisexual): Xu hướng tính dục của người thấy hấp dẫn về cả tính dục lẫn tình cảm đối với cả nam giới và nữ giới.

Người hợp giới (Cisgender): Bản dạng giới của người có giới tính khi sinh trùng với giới tính tự ý thức hoặc thể hiện trong cuộc sống.

Kín/ ẩn/ mờ (Closeted/Being in the Closet): Người không xác nhận xu hướng tính dục của mình với người khác. Một người có thể “hoàn toàn” kín/ẩn (không thổ lộ xu hướng tính dục của mình với bất kỳ người nào), hay hoàn toàn lộ, hoặc ở đâu đó giữa hai thái cực.

Đồng tính (Gay): Từ đồng nghĩa với đồng tính luyến ái ở nhiều nơi trên thế giới; nhưng trong phúc trình này được dùng để chỉ riêng xu hướng tính dục của một người đàn ông thấy hấp dẫn tính dục và tình cảm đối với những đàn ông khác.

Giới (Gender): Khái niệm xã hội và văn hóa (để phân biệt với giới tính sinh học) được sử dụng để phân định nhận thức của xã hội về “nữ tính” và “nam tính.”

Bạo lực về giới (Gender-based Violence): Bạo lực nhằm vào một người có nguyên do từ giới hay giới tính của người đó. Bạo lực về giới có thể bao gồm bạo lực tình dục, bạo lực gia đình, bạo hành tâm lý, bóc lột tình dục, sách nhiễu tình dục, thực hành truyền thống có hại, và hành vi kỳ thị dựa trên giới. Thuật ngữ này ban đầu được dùng để diễn tả bạo lực đối với phụ nữ nhưng hiện nay được hiểu rộng hơn, bao gồm các loại bạo lực nhằm vào phụ nữ, người chuyển giới và đàn ông vì cách họ ý thức và thể hiện giới và tính dục của mình.

Thể hiện giới (Gender Expression): Các hành vi và tính cách bên ngoài được xã hội xác định là “nữ tính,” “lưỡng tính,” hay “nam tính” bao gồm các yếu tố như cách ăn mặc, phong cách, kiểu tóc, cách ăn nói, các hành vi xã hội và cách giao tiếp xã hội.

Bản dạng giới (Gender Identity): Cảm nhận nội tâm, sâu thẳm của một cá nhân rằng mình thuộc giới nữ, hay nam, hay cả hai, hay một giới khác ngoài nam và nữ giới.

Khó Xác định giới tính (Gender Dysphoria) (trước đây gọi là “Rối loạn Bản dạng Giới” – “Gender Identity Disorder” - GID): Thuật ngữ chính thức được các chuyên gia tâm lý và y tế dùng để diễn tả tình trạng của những người cảm thấy rất không hài lòng với giới tính sinh học và/hoặc giới được xác định khi sinh ra. Bảng Thống kê Quốc tế về Bệnh lý và Các Vấn đề Sức khỏe Liên quan (ICD-10 CM) và Bảng Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê Các Bệnh Tâm thần (DSM-V) xếp GID là một dạng rối loạn sức khỏe. Nhưng phiên bản 2013 của Bảng DSM-V đã thay “Rối loạn Bản dạng Giới” bằng “Khó Xác định Giới” nhằm tránh mặc cảm do thuật ngữ “rối loạn” gây ra, đồng thời điều chỉnh các tiêu chí chẩn đoán.

Không theo chuẩn giới (Gender Non-Conforming): Không thuận theo định khuôn về ngoại hình, hành vi hay tính cách gắn liền với giới tính được chỉ định khi sinh ra.

Dị tính luyến ái (Heterosexual): Xu hướng tính dục của người thấy có hấp dẫn chính về tính dục và tình cảm đối với người khác giới.

Hội chứng ghét sợ người đồng tính (Homophobia): Nỗi sợ hãi, căm ghét hay kỳ thị đối với người hoặc hành vi luyến ái đồng tính, thường xuất phát từ các định khuôn tiêu cực về đồng tính luyến ái.

Đồng tính luyến ái (Homosexual): Xu hướng tính dục của người thấy có hấp dẫn chính về tính dục và tình cảm đối với người cùng giới.

Đồng tính nữ (Lesbian): Xu hướng tính dục của một người nữ thấy có hấp dẫn chính về tính dục và tình cảm đối với những người phụ nữ khác.

LGBT: Đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới; một thuật ngữ tích hợp chỉ các nhóm người và bản dạng đôi khi được gộp chung vào thành “các nhóm thiểu số về giới tính và bản dạng.”

Toàn tính (Pansexual): Xu hướng tính dục của một người có sự hấp dẫn tính dục hay tình cảm không bị giới hạn bởi giới tính chỉ định lúc sinh, giới hay bản dạng giới.

Đa dạng tính dục (Queer): Thuật ngữ phổ quát bao trùm nhiều bản dạng, đôi khi được dùng để hoán đổi qua lại với “LGBTQ.” Cũng được dùng để diễn tả biến thể khác biệt với các thông lệ dị tính luyến ái và người hợp giới mà không xác định các phạm trù bản dạng mới.

Giới tính (Sex): Sự phân loại sinh học đối với cơ thể thành nam hoặc nữ căn cứ trên các yếu tố như cơ quan sinh dục bên ngoài, cơ quan sinh dục và sinh sản bên trong, nội tiết tố và nhiễm sắc thể.

Các nhóm Thiểu số về Giới tính và Tính dục (Sexual and Gender Minorities): Một thuật ngữ tích hợp chỉ những người không theo chuẩn về bản dạng giới và bản dạng tính dục, như LGBT, đàn ông sinh hoạt tình dục với đàn ông (dù có thể không tự nhận là LGBT), và phụ nữ sinh hoạt tình dục với phụ nữ.

Xu hướng tính dục (Sexual Orientation): Định hướng về khát khao tính dục hay tình cảm của một người. Thuật ngữ này tả một người cảm thấy có sự hấp dẫn chính đối với người đồng giới tính hay khác giới tính, hoặc với cả hai giới, hay các lựa chọn khác.

Chuyển giới (Transgender): Bản dạng giới của người có giới tính ấn định khi sinh không phù hợp với giới tính tự xác định hay thể hiện trong cuộc sống. Người chuyển giới thường chọn, hoặc muốn chọn, cách thể hiện giới phù hợp với bản dạng giới của mình, nhưng có thể muốn hay không muốn thay đổi vĩnh viễn các đặc tính sinh lý cho phù hợp với bản dạng giới.

Chuyển giới nam (Transgender Men): Những người được ấn định là nữ khi sinh, nhưng ý thức và có thể thể hiện bản thân là nam. Những người chuyển giới nam thường được gọi bằng các đại từ giống đực.

Chuyển giới nữ (Transgender Women): Những người được ấn định là nam khi sinh, nhưng ý thức và có thể thể hiện bản thân là nữ. Những người chuyển giới nữ thường được gọi bằng các đại từ giống cái.

Hội chứng ghét sợ chuyển giới (Transphobia): Nỗi sợ hãi, căm ghét hay kỳ thị đối với người chuyển giới hoặc hoán đổi giới tính, thường xuất phát từ các định khuôn tiêu cực về bản dạng chuyển giới

 

[1] Công ước về Quyền Trẻ em, thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1989, Nghị quyết 44/25 điều 1, Đại Hội đồng.

[2] Ủy ban về Quyền Trẻ em, Phần Kết luận: Viet Nam, U.N. Doc. CRC/C/VNM/CO/3-4, ngày 22 tháng Tám năm 2012, https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=CRC%2fC%2fVNM%2fCO%2f3-4&Lang=en (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019), mục 28.

[3] iSEE, “Is It Because I am LGBT?” (Có phải vì tôi là LGBT?) 2016, https://www.vn.undp.org/content/vietnam/en/home/library/democratic_governance/is-it-because-i-am-lbgt.html (truy cp ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[4] Anh Hoan and Vinh Nguyen. 2013. “An Online Study of Stigma, Discrimination and Violence Against Homosexual, Bisexual, Transgender, Transsexual, and Intersex People at School. (Một Nghiên cứu trên mạng về Định kiến, Kỳ thị và Bạo hành Đối với Người Đồng tính, Song tính, Chuyển giới, Người chuyển đổi giới tính, và Liên giới tính ở Trường học].

[5] Sử gia Jacob Aronson viết rằng “Một xu hướng lặp đi lặp lại qua nhiều thế kỷ của các nhà bình luận…là loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi cộng đồng người Việt,” và nhận xét rằng, xét về khía cạnh pháp luật, chính phủ hầu như im lặng hoặc nhắc đến rất mơ hồ: “Điều khoản duy nhất trong các bộ luật có thể nhắc đến đồng tính luyến ái (và cũng chỉ mơ hồ) là điều cấm ‘đàn ông mặc quần áo dị thường hoặc đồng cốt’…Trong thời thực dân và hậu thực dân, sự im tiếng về đồng tính luyến ái vẫn được duy trì. Chính quyền thực dân Pháp không áp đặt các quy định công khai cấm tình dục qua đường hậu môn hay đồng tính nam ở các thuộc địa.” Jacob Aronson, “Homosex in Hanoi? Sex, The Public Sphere, and Public Sex,” (Tình dục đồng giới ở Hà Nội? Tình dục, Không gian Công cộng và Tình dục Công cộng”) trong William L. Leap, ed., Public Sex/Gay Space (New York: Columbia University Press, 1999), tr. 203-221.

[6] Viện Nghiên cứu Phát triển, “Negotiating Public and Legal Spaces: The Emergence of an LGBT Movement in Vietnam,” (Thương lượng về Không gian Công cộng và Không gian Pháp lý: Sự trỗi dậy của phong trào LGBT ở Việt Nam) 2014, https://www.ids.ac.uk/publications/negotiating-public-and-legal-spaces-the-emergence-of-an-lgbt-movement-in-vietnam (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[7] UNDP và USAID, Being LGBT in Asia: Viet Nam Country Report, (Người LGBT Châu Á: Phúc trình Quc gia v Vit Nam) 2014, https://www.usaid.gov/sites/default/files/documents/1861/Being_LGBT_in_Asia_Viet_Nam_report_ENG.pdf (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[8] “Hãy nhìn nhận đồng tính là bình thường,” Tui Tr Online, ngày 23 tháng Chín năm 2010, https://tuoitre.vn/hay-nhin-nhan-dong-tinh-la-binh-thuong-401989.htm (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[9] “Vietnam’s Capital Holds First Gay Pride Parade” (Thủ đô Việt Nam Tổ chức Hội Diễu hành Đồng tính Đầu tiên), Deutsche Welle, ngày mồng 8 tháng Năm năm 2012, https://www.dw.com/en/vietnams-capital-holds-first-gay-pride-parade/a-16145768 (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[10] Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.

[11] Điều 37 ghi: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.” Luật này cho phép người muốn phẫu thuật chuyển giới có thể thực hiện ở Việt Nam thay vì ra nước ngoài, và sau đó được đổi thông tin về giới trên hồ sơ pháp lý. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng có thông cáo báo chí ngày 30 tháng Mười một năm 2015, “Việt Nam: Bước đi Tích cực về Quyền của Người Chuyển giới,” https://www.hrw.org/vi/news/2015/11/30/283937

[12] Arc International, “The Asian Yes Vote,” (Phiếu thuận của các nước Châu Á) http://arc-international.net/global-advocacy/human-rights-council/32nd-session-of-the-human-rights-council/appointing-an-independent-expert-on-sexual-orientation-and-gender-identity-an-analysis-of-process-results-and-implications/iv-understanding-the-political-why-did-states-vote-the-way-they-did/the-asian-yes-vote (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[13] “VN to Neither Ban nor Recognize Same-sex Marriage: Proposal,” (Đề xuất: Việt Nam Không Cấm Cũng Không Công nhận Hôn nhân Đồng tính) Tuoi Tre News, ngày 15 tháng Tám năm 2013, http://tuoitrenews.vn/society/12213/vn-to-neither-ban-nor-recognize-samesex-marriage-proposal (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[14] “Ministry Suggests Recognition of Same Sex Marriage,” (Bộ Tư pháp Đề nghị Công nhận Hôn nhân Đồng tính) SGGP Online, ngày mồng 7 tháng Bảy năm 2012, http://sggpnews.org.vn/law/ministry-suggests-recognition-of-same-sex-marriage-60885.html (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[15] iSEE, “Vietnam Context Analysis Report on Human Rights, Health and Well-being of Vietnamese LGBT Community,” (Báo cáo Phân tích Tình hình Việt Nam về Nhân quyền, Sức khỏe và Vị thế của Cộng đồng LGBT người Việt) ngày 31 tháng Năm năm 2017, https://static1.squarespace.com/static/526c21b5e4b0d43e45f6c4c2/t/59c18ff38a02c77cab2e26e0/1505857530763/Country+Context+Analysis+Vietnam.pdf (truy cập ngày 20 tháng Mười một năm 2019).

[16] Như trên đã dẫn.

[17] Đoàn Bảo Châu, “Phân tích Chiến lược Truyền thông của ‘Tôi Đồng Ý’ - Phong trào LGBT do iSEE tổ chức” bài viết chưa công bố, https://www.academia.edu/14844575/Analysis_communication_strategy_of_I_DO-_LGBT_campaign_organised_by_iSEE_Vietnam (truy cập ngày 30 tháng Mười một năm 2019).

[18] Mariah Cooper, “‘Bachelor: Vietnam’ Lesbian Couple Still Going Strong,” (Bachelor: Cặp đồng tính nữ vẫn vững vàng) Washington Blade, ngày mồng 4 tháng Tư năm 2019, https://www.washingtonblade.com/2019/04/04/bachelor-vietnam-lesbian-couple-still-going-strong (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[19] “Từ Pêđê Tới Buê Đuê” (tờ gấp giới thiệu triển lãm), tài liệu chưa công bố, tháng Chín năm 2019.

[20] Natalie Newton, “A Queer Political Economy of ‘Community’: Gender, Space, and the Transnational Politics of Community for Vietnamese Lesbians (les) in Saigon” (Nền Kinh tế Chính trị mang tính ‘Cộng đồng’ của Người Đa dạng tính dục: Giới tính, Không gian và Chính trị Cộng đồng Xuyên Quốc gia đối với Người Đồng tính Nữ ở Sài Gòn – Luận án Tiến sĩ, Đại học California, Irvine, 2012), https://pqdtopen.proquest.com/doc/1267776545.html?FMT=AI&pubnum=3547300

(truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019), tr. 152.

[21] Như trên đã dẫn.

[22] Trong bản phúc trình toàn cầu năm 2015 về giáo dục giới tính toàn diện, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đánh giá tiến độ triển khai ở 48 quốc gia so với các mục tiêu được ấn định trong hội nghị thượng đỉnh do tổ chức này chủ trì năm 2013. Để có chi tiết bản đánh giá, mời xem: UNESCO, “Comprehensive Sexuality Education: A Global Review,” (Giáo dục Giới tính Toàn diện: Đánh giá Toàn cầu) 2015, https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000235707 (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019). Về các mục tiêu, mời xem: UNESCO, “Measuring the Education Sector Response to HIV and AIDS,” (Đo lường cách ứng phó của ngành giáo dục đối với HIV và AIDS) 2013, https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000223028 (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[23] Trang 16, Hướng dẫn Kỹ thuật Quốc tế về Giáo dục Tính dục, UNAIDS, UNESCO, UNFPA, UNICEF, UN Women và WHO, 2018, https://www.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/ITGSE.pdf (truy cập ngày 13 tháng Mười hai năm 2019).

[24] Bộ Giáo dục và Đào tạo, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, “Vietnam’s Education Development Strategic Plan (2009-2020),” (Kế hoạch Chiến lược Phát triển Giáo dục 2009-2020) ngày 30 tháng Mười hai năm 2008, https://planipolis.iiep.unesco.org/sites/planipolis/files/ressources/viet_nam_education_strategy_2009-2020_viet.pdf (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[25] UNDP and USAID, Being LGBT in Asia: Viet Nam Country Report, (Người LGBT Châu Á: Phúc trình Quc gia v Vit Nam) 2014, https://www.usaid.gov/sites/default/files/documents/1861/Being_LGBT_in_Asia_Viet_Nam_report_ENG.pdf.

[26] Tổ chức Nhân quyền Phỏng vấn Đức, 22 tuổi, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[27] Tổ chức Nhân quyền Phỏng vấn Đức, 22 tuổi, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[28] Tổ chức Nhân quyền Phỏng vấn Đức, 22 tuổi, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[29] Ủy ban về Quyền Trẻ em, Nhận xét Tổng kết về Việt Nam, U.N. Doc CRC/C/VNM/CO/3-4, ngày 22 tháng Tám năm 2012, https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=CRC%2fC%2fVNM%2fCO%2f3-4&Lang=en.

[30] UNICEF và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, A Situational Analysis of Children in Viet Nam 2016, (Bn Phân tích Tình hình Tr em Vit Nam 2016) Tháng Mười hai năm 2017, https://www.unicef.org/vietnam/media/3621/file/A%20situation%20analysis%20of%20children%20in%20Viet%20Nam%202016.pdf (truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019).

[31] “Học trò rối lòng biết tìm ai?” Người Lao Đng, ngày 16 tháng Tư năm 2015, https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoc-tro-roi-long-biet-tim-ai-20150416215420347.htm (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[32] Thùy Linh, “Cả nước đang thiếu 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý,” Giaoduc, ngày 26 tháng Tư năm 2018, https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ca-nuoc-dang-thieu-70000-giao-vien-tu-van-tam-ly-post185651.gd (truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019).

[33] Bộ Giáo dục và Đào tạo, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, “Guiding the List of Employment Locations and Quantity of Workers in Public Education Establishments,” (Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập) ngày 12 tháng Năm năm 2017, Số: 16/2017/ TT-BGDĐT, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/Thong-tu-16-2017-TT-BGDDT-khung-vi-tri-viec-lam-so-luong-nguoi-lam-co-so-giao-duc-pho-thong-355050.aspx (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[34] UNICEF và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, A Situational Analysis of Children in Viet Nam 2016, (Bn Phân tích Tình hình Tr em Vit Nam 2016) https://www.unicef.org/vietnam/media/3621/file/A%20situation%20analysis%20of%20children%20in%20Viet%20Nam%202016.pdf.

[35] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Tuyết, 18 tuổi, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[36] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Quân, 18 tuổi, ngày mồng 1 tháng Hai năm 2019.

[37] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Giang, 22 tuổi, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[38] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Sinh, 23 tuổi, ngày 23 tháng Chín năm 2018.

[39] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Giang, 22 tuổi, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[40] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Phương, 17 tuổi, ngày 31 tháng Giêng năm 2019.

[41] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Tui, 17 tuổi, ngày 26 tháng Chín năm 2018.

[42] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn thầy Hòa, ngày 25 tháng Giêng năm 2019.

[43] Như trên đã dẫn.

[44] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Thám, 17 tuổi, ngày 31 tháng Giêng năm 2019.

[45] UNDP and USAID, Being LGBT in Asia: Viet Nam Country Report, (Người LGBT Châu Á: Phúc trình Quc gia v Vit Nam) 2014, https://www.usaid.gov/sites/default/files/documents/1861/Being_LGBT_in_Asia_Viet_Nam_report_ENG.pdf.

[46] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Hằng, 22 tuổi, ngày 28 tháng Giêng năm 2019.

[47] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Minh, 23 tuổi, ngày 14 tháng Hai năm 2019.

[48] Kaori Watanabe et al., “Sources of Sexual Knowledge Among Vietnamese High School Students,” (Các nguồn của kiến thức tình dục trong sinh viên cấp ba ở Việt Nam) trong Các tiến b trong Khoa hc Sinh sn - Advances in Reproductive Sciences 2 (2014): tr. 83-87, truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019, doi:10.4236/arsci.2014.24010.

[49] Theo người trả lời phỏng vấn trong phúc trình của iSEE: “Cô giáo em yêu cầu xem trước bản thuyết trình về luyến ái đồng tính của em. Cô bắt em phải loại bỏ thông tin nói rằng, ‘Tổ chức Y tế Thế giới không coi luyến ái đồng tính là một căn bệnh.’ Em nêu ý kiến của mình rằng đây là thông tin khoa học đã được kiểm chứng, nhưng cô nói điều đó sẽ khuyến khích các học sinh của cô thành người đồng tính. Cô chẳng biết gì về đồng tính luyến ái cả.” iSEE, “Is it Because I am LGBT?” (Có phi vì tôi là LGBT?) https://www.vn.undp.org/content/vietnam/en/home/library/democratic_governance/is-it-because-i-am-lbgt.html.

[50] “Ô môi” là t mit th dùng đ ch người đng tính n.

[51] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Lành, 18 tui, ngày 17 tháng Hai năm 2019.

[52] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn chuyên gia tư vn trường hc, ngày 19 tháng Chín năm 2019.

[53] Natalie Newton, “Homosexuality and Transgenderism in Vietnam,” (Đng tính và Chuyn gii Vit Nam) trong Routledge Handbook of Sexuality Studies in East Asia, (S tay ca Routledge v Nghiên cu Tính dc Đông Á) do Mark McLelland và Vera Mackie biên son (Abingdon, UK: Routledge, 2015), tr. 255-267.

[54] Như trên đã dn.

[55] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Tuyến, 20 tui, ngày 30 tháng Giêng năm 2019.

[56] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Nguyên, 17 tui, ngày 15 tháng Hai năm 2019.

[57] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Sinh, 23 tui, ngày 23 tháng Chín năm 2018.

[58] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn nhân viên NGO, ngày 21 tháng Chín năm 2019.

[59] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn An, 16 tui, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[60] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Hưng, 21 tui, ngày 23 tháng Chín năm 2018.

[61] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Thương, 23 tui, ngày 15 tháng Hai năm 2019.

[62] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Nguyt, 19 tui, ngày 25 tháng Chín năm 2018.

[63] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Giang, 22 tui, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[64] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Phúc, 20 tui, ngày 25 tháng Hai năm 2019.

[65] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Nguyên, 17 tui, ngày 15 tháng Hai năm 2019.

[66] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Phúc, 20 tui, ngày 25 tháng Hai năm 2019.

[67] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Chính, 16 tui, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[68] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Khánh, 22 tui, ngày 28 tháng Giêng năm 2019.

[69] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Quý, 23 tui, ngày 25 tháng Chín năm 2018.

[70] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Liu, 19 tui, ngày 16 tháng Hai năm 2019.

[71] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Giang, 22 tui, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[72] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Nguyên, 17 tui, ngày 15 tháng Hai năm 2019.

[73] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Nguyên, 17 tui, ngày 15 tháng Hai năm 2019.

[74] Paul Horton và Helle Rydstrom, “Reshaping Boundaries: Family Politics and GLBTQ Resistance in Urban Vietnam,” (Đnh hình li ranh gii: Quan h trong gia đình và s phn kháng ca GLBTQ thành th Vit Nam) Journal of GLBT Family Studies (Tp chí Nghiên cu Gia đình GLBT) 15 (2019), truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019, doi:10.1080/1550428X.2018.1518739.

[75] Horton và Rydstrom, “Reshaping Boundaries: Family Politics and GLBTQ Resistance in Urban Vietnam.” (Định hình lại ranh giới: Quan hệ trong gia đình và sự phản kháng của GLBTQ ở thành thị Việt Nam). Jacob Aronson có nhận định tương tự: “Trong thế giới quan truyền thống của người Việt, có ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng tân-Nho giáo về gia đình và chữ hiếu, gần như không thể tưởng tượng nổi việc một người có thể có cuộc sống riêng như một người đồng tính, vì như thế là vi phạm nghĩa vụ về hiếu với cha mẹ nặng nề và không tha thứ được.” Aronson, Homosex in Hanoi? Sex, The Public Sphere, and Public Sex (Tình dc đng gii Hà Ni? Tình dc, Không gian Công cng và Tình dc Công cng), tr. 203-221.

[76] Như trên đã dẫn.

[77] Paul Horton, “Recognizing Shadows: Masculinism, Resistance, and Recognition in Vietnam” (Nhận ra hình bóng: Nam tính, Phản kháng và Công nhận ở Việt Nam), International Journal for Masculinity Studies (Tp chí Quc tế v Nghiên cu Nam tính) 14 (2019), truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019, doi:10.1080/18902138.2019.1565166; Paul Horton, “The Bullied Boy: Masculinity, Embodiment, and the Gendered Social-ecology of Vietnamese School Bullying” (Cậu bé bị bắt nạt: Nam tính, Biểu tượng và Môi trường xã hội mang nặng quan niệm giới tính qua hiện tượng bắt nạt ở các trường học Việt Nam), Gender and Education (Gii tính và Giáo dc) 31 (2019): 3, truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019, doi:10.1080/09540253.2018.1458076.

[78] Đỗ Thị Lan Anh, “‘Hư Hng’: Quan niệm của cha mẹ về tính dục của trẻ tuổi teen ở đô thị Việt Nam,” BMC Public Health 17 (2017): 266, truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019, doi:10.1186/s12889-017-4133-y.

[79] Nguyễn Quỳnh Trang và cộng sự, “Negative Family Treatment of Sexual Minority Women and Transmen in Vietnam: Latent Cases and Their Predictors,” (Gia đình đối xử tiêu cực với phụ nữ thiểu số về tính dục và chuyển giới nam ở Việt Nam: Những vụ tiềm ẩn và các chỉ dấu,” Journal of GLBT Family Studies (Tp chí Nghiên cu Gia đình GLBT) 11 (2015): 3, truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019, doi:10.1080/1550428X.2014.964443.

[80] iSEE, “Is It Because I am LGBT?” (Có phi vì tôi là LGBT?) https://www.vn.undp.org/content/vietnam/en/home/library/democratic_governance/is-it-because-i-am-lbgt.html.

[81] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Ngc, 22 tui, ngày 16 tháng Hai năm 2019.

[82] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Ngc, 22 tui, ngày 16 tháng Hai năm 2019.

[83] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Mến, 17 tui, ngày 17 tháng Hai năm 2019.

[84] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Nguyên, 17 tui, ngày 15 tháng Hai năm 2019.

[85] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Cúc, 18 tui, ngày 25 tháng Chín năm 2018.

[86] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Dip, 21 tui, ngày 25 tháng Chín năm 2018.

[87] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Hng, 22 tui, ngày 28 tháng Giêng năm 2019.

[88] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn mt chuyên gia tư vn trường hc, ngày 19 tháng Chín năm 2019.

[89] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Trung, 18 tui, ngày 15 tháng Hai năm 2019.

[90] Hip hi Sc khe LGBTI Quc gia Australia, “Snapshot of Mental Health and Suicide Prevention Statistics for LGBTI People,” (Sơ lược v Thng kê Sc khe Tâm thn và Ngăn nga T t người LGBTI) tháng By năm 2016, https://lgbtihealth.org.au/wp-content/uploads/2016/07/SNAPSHOT-Mental-Health-and-Suicide-Prevention-Outcomes-for-LGBTI-people-and-communities.pdf (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019); GLEN, “LGBTIreland: National Study of the Mental Health and Wellbeing of Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender and Intersex People in Ireland,” (LGBTI Ireland: Nghiên cu Quc gia v Sc khe Tâm thn và Cht lượng sng ca người đng tính n, đng tính nam, song tính, chuyn gii và liên gii Ireland) 2016, https://www.ilga-europe.org/sites/default/files/the_lgbtireland_report.pdf (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019).

[91] Trung tâm Phòng nga và Kim soát Bnh dch, B Y tế và Dch v Nhân sinh Hoa Kỳ, “Sexual Identity, Sex of Sexual Contacts, and Health-Related Behaviors Among Students in Grades 9-12 – United States and Selected Sites, 2015,” (Ý thc gii tính, Tình dc qua các Tiếp xúc Tình dc và các Hành vi Liên quan đến Sc khe Hc sinh Cp ba - Hoa Kỳ và mt s nơi khác theo chn la, 2015), Morbidity and Mortality Weekly Report: Surveillance Summaries, (Báo cáo Hàng tun v Bnh tt và T vong: Tóm tt Kho sát),Vol. 65, No. 9, ngày 12 tháng Tám năm 2016, http://www.cdc.gov/mmwr/volumes/65/ss/pdfs/s (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019).

[92] Như trên đã dn.

[93] “94% Các đim phc v thanh thiếu niên vô gia cư cho biết đang phc v nhng thanh thiếu niên LGBT,” Williams Institute, ngày 12 tháng By năm 2012, http://williamsinstitute.law.ucla.edu/press/press-releases/94-of-homeless-youth-service-providers-report-serving-lgbt-youth (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019).

[94] Save the Children và Vin Nghiên cu Xã hi và Y tế, Being LGBT Young People in Vietnam: Life on the Streets and the Light through the Crack, (Cuc sng ca người LGBT tr tui Vit Nam: Cuc sng trên đường ph và Ánh sáng qua khe) tháng By năm 2015, https://resourcecentre.savethechildren.net/sites/default/files/documents/lgbt_young_people_in_vietnam_-_save_the_childrens_report.pdf (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019).

[95] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Du, 22 tui, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[96] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Trung, 18 tui, ngày 15 tháng Hai năm 2019.

[97] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Hin, 17 tui, ngày 26 tháng Chín năm 2018.

[98] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Phúc, 20 tui, ngày 25 tháng Hai năm 2019.

[99] UNESCO, “From Insult to Inclusion: Asia-Pacific Report on School Bullying, Violence and Discrimination on the Basis of Sexual Orientation and Gender Identity,” (T s nhc đến dung hp: Báo cáo Châu Á – Thái Bình Dương v Tình trng Bt nt, Bo hành và Kỳ th Trường hc có Nguyên nhân t Xu hướng Tính dc và Bn dng Gii) 2015, http://unesdoc.unesco.org/images/0023/002354/235414e.pdf (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019), tr. 58.

[100] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Tuyến, 20 tui, ngày 30 tháng Giêng năm 2019.

[101] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Đc, 22 tui, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[102] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Khánh, 22 tui, ngày 28 tháng Giêng năm 2019.

[103] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Ngc, 22 tui, ngày 16 tháng Hai năm 2019.

[104] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Giang, 22 tui, ngày 24 tháng Chín năm 2018.

[105] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Liu, 19 tui, ngày 16 tháng Hai năm 2019.

[106] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Châu, 16 tui, ngày 16 tháng Hai năm 2019.

[107] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Mến, 17 tui, ngày 17 tháng Hai năm 2019.

[108] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Trn, 22 tui, ngày 29 tháng Giêng năm 2019.

[109] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Ngc, 22 tui, ngày 13 tháng Hai năm 2019.

[110] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn mt chuyên gia tư vn trường hc, ngày 19 tháng Chín năm 2019.

[111] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn ch Hng, ngày 15 tháng Hai năm 2019.

[112] PFLAG, “International Family Groups” (Các Nhóm Gia đình Quc tế) https://pflag.org/intlfamilygroups (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019); OutRight Action International, “The Start of PFLAG Vietnam,” (Khi đim ca PFLAG Vit Nam) ngày 17 tháng Năm năm 2011, https://outrightinternational.org/content/start-pflag-vietnam (truy cp ngày mng 3 tháng Mười hai năm 2019).

[113] Vin Nghiên cu Phát trin, “Negotiating Public and Legal Spaces: The Emergence of an LGBT Movement in Vietnam,” (Thương lượng v Không gian Công cng và Không gian Pháp lý: S tri dy ca phong trào LGBT Vit Nam) mng 1 tháng Sáu năm 2014, https://www.ids.ac.uk/publications/negotiating-public-and-legal-spaces-the-emergence-of-an-lgbt-movement-in-vietnam (truy cp ngày 14 tháng Mười mt năm 2019).

[114] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn anh Thng ngày 15 tháng Hai năm 2019.

[115] Hi đng Nhân quyn Liên hip quc, Đánh giá Đnh kỳ Toàn cu – Vit Nam, Kỳ 2, 2014, Khuyến ngh 143.88, https://lib.ohchr.org/HRBodies/UPR/Documents/Session18/VN/VietNam_Thematic_List_Recommendations.docx (truy cp ngày 14 tháng Mười mt năm 2019).

[116] Hi đng Nhân quyn Liên hip quc, Đánh giá Đnh kỳ Toàn cu – Vit Nam, Kỳ 3, 2019, Khuyến ngh 38.109, https://lib.ohchr.org/HRBodies/UPR/Documents/Session32/VN/Recommendations.docx (truy cp ngày 14 tháng Mười mt năm 2019).

[117] Như trên đã dn, Khuyến ngh 38.97.

[118] Như trên đã dn, Khuyến ngh 38.93.

[119] Cng hòa Xã hi Ch nghĩa Vit Nam, Quyết đnh ca Th tướng s 1252/QĐ-TTg.

[120] Cng hòa Xã hi Ch nghĩa Vit Nam, Quyết đnh ca Th tướng s 1252/QĐ-TTg.

[121] Quc hi nước Cng hòa Xã hi Ch nghĩa Vit Nam, “Lut Tr em,” S 102/2016/QH13, https://luatvietnam.vn/lao-dong/luat-tre-em-2016-104818-d1.html (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019).

[122] Chính ph nước Cng hòa Xã hi Ch nghĩa Vit Nam, Báo cáo Quc gia Ln th Năm và Sáu v Thc thi Công ước v Quyn Tr em, CRC/C/VNM/5-6, ngày 17 tháng Mười hai năm 2018, https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=CRC%2fC%2fVNM%2f5-6&Lang=en (truy cp ngày 14 tháng Mười mt năm 2019), đon 24.

[123] Quc hi nước Cng hòa Xã hi Ch nghĩa Vit Nam, “Lut Giáo dc” S 38/2005, ngày 14 tháng Sáu năm 2005, https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2005-17474-d1.html (truy cp ngày 14 tháng Mười mt năm 2019).

[124] Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định Số 80/2017/ND-CP, “Nghị định về Môi trường Giáo dục An toàn, Lành mạnh, Thân thiện, Phòng, Chống Bạo lực Học đường,” ngày 17 tháng Bảy năm 2017, https://luatvietnam.vn/giao-duc/nghi-dinh-80-2017-nd-cp-chinh-phu-115705-d1.html (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[125] B Giáo dc và Đào to nước Cng hòa Xã hi Ch nghĩa Vit Nam, Ch th S 993/CT-BGDĐT, “Ch th v Tăng cường Gii pháp Phòng chng Bo lc Hc đường,” ngày 12 tháng Tư năm 2019, https://luatvietnam.vn/giao-duc/chi-thi-993-ct-bgddt-2019-tang-cuong-giai-phap-phong-chong-bao-luc-hoc-duong-172063-d1.html (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019).

[126] Công ước Quc tế v Các Quyn Kinh tế, Xã hi và Văn hóa (ICESCR), điu 13; CRC, điu 28. Ngoài ra, Công ước UNESCO v Chng Phân bit Đi x trong Giáo dc, chưa được Vit Nam gia nhp, quy đnh rng các quc gia thành viên có nghĩa v loi tr và ngăn nga phân bit đi x trong giáo dc trên cơ s gii tính và các cơ s khác. Công ước Chng Phân bit Đi x trong Giáo dc điu 2, 3.

[127] Công ước v Quyn Tr em, điu 29 (khon 1).

[128] y ban v Quyn Tr em, “Nhn xét Tng kết: Vit Nam 2012,” U.D. Doc. CRC/C/VNM/CO/3-4, ngày 22 tháng Tám năm 2012, đon 30.

[129] Xem, đơn c như, y ban Nhân quyn LHQ, Toonen v. Australia, U.D. Doc. CCPR/C/50/D/488/1992 (ngày mng 4 tháng Tư năm 1994), đã ghi rõ khi tham chiếu v Công ước Quc tế v Các Quyn Dân s và Chính tr “rng theo quan nim y ban, t ‘gii tính’ trong các điu 2, đon 1 và điu 26 cn được hiu là có bao gm c xu hướng tính dc” (đon 8.7). y ban v Các Quyn Kinh tế, Xã hi và Văn hóa (CESR) trong bn Bình lun Chung S 22 v sc khe tình dc ghi rõ “quyn v sc khe tình dc và sinh sn, kết hp vi [các quyn khác theo Công ước]… trong đó có quyn không b phân bit đi x và quyn bình đng nam n, cũng buc các Quc gia thành viên phi đm bo công vic làm vi... bo v chng sách nhiu tình dc nơi làm vic và nghiêm cm phân bit đi x căn c trên… xu hướng tính dc, bn dng gii, hoc tình trng liên gii.” y ban LHQ v các Quyn Kinh tế, Xã hi và Văn hóa, Bình lun Chung S 22, Quyn v Sc khe Tình dc và Sinh sn, U.N. Doc. E/C.12/GC/22 (2016), đon 9.

[130] Như y ban v Quyn Tr em đã lưu ý, “đ thc thi hiu qu điu 29(1) cn phi ci to sâu rng các giáo trình đ bao trùm nhiu mc đích giáo dc và sa đi mt cách có h thng các sách giáo khoa và các tài liu ging dy và k thut, cũng như các chính sách hc đường.” y ban v Quyn Tr em, “Mc đích Giáo dc,” Bình lun Chung S 1, U.N. Doc. CRC/GC/2001/1 (2001), đon 18.

[131]y ban CESR đã nhn thy rng “quyn v sc khe tình dc và sc khe sinh sn, kết hp vi quyn giáo dc (điu 13 và 14) và quyn không b phân bit đi x và bình đng nam n (điu 2 (2) và 3), dn đến quyn được giáo dc v tính dc và sinh sn mt cách toàn din, không phân bit đi x, căn c trên bng chng khoa hc, chính xác và phù hp vi la tui.” CESR, Bình lun Chung S 22, Quyn v Sc khe Tình dc và Sinh sn, U.N. Doc. E/C.12/GC/22 (mng 2 tháng Năm năm 2016), đon 9. Xem thêm Bình lun Chung S 20 ca y ban v Quyn Tr em, Thc thi các Quyn Tr em Trong Thi kỳ V Thành niên, U.N. Doc. CRC/C/GC/20 (ngày mng 6 tháng Mười hai năm 2016), đon 59-60 (kết lun rng mi tr v thành niên, bao gm c thanh thiếu niên LGBT, phi được tiếp cn giáo dc toàn din v sc khe sinh sn và tình dc).

[132]y ban Nhân quyn LHQ, Báo cáo ca Đc s Liên hip quc v Quyn Giáo dc, Vernor Muñoz, U.N. Doc. A/65/162, ngày 23 tháng By năm 2010, đon 19.

[133] Như trên đã dn, đon 69.

[134] y ban v Quyn Tr em, Bình lun Chung S 15, Quyn ca Tr em Được Hưởng Tiêu chun Y tế Cao nht Có th, U.N. Doc. CRC/GC/15 (ngày 17 tháng Tư năm 2013), đon 60.

[135]y ban Nhân quyn LHQ, Báo cáo ca Đc s Liên hip quc v Quyn Giáo dc, Vernor Muñoz, U.N. Doc. A/65/162, ngày 23 tháng By năm 2010, đon 63.

[136] Như trên đã dn, đon 23.

[137] Công ước v Quyn Tr em, điu 19.

[138] y ban v Quyn Tr em, Bình lun Chung S 13, Quyn ca Tr em Không Phi Chu Bt c Hình thc Bo lc nào, U.N. Doc. CRC/C/GC/13 (ngày 18 tháng Tư năm 2011), đon 72(g).

[139]y ban v Quyn Tr em, Nhn xét Tng Kết: Thy Đin, U.N. Doc. CRC/C/SWE/CO/5, ngày mng 6 tháng Ba năm 2015, đon 15; y ban v Quyn Tr em, Nhn xét Tng Kết: Cng hòa Bolivariana Venezuela, U.N. Doc. CRC/C/VEN/CO/3-5, ngày 12 tháng Mười năm 2014, đon 27.

[140]y ban v Quyn Tr em, “Các Mc đích Giáo dc,” 2001, đon 19.

[141] y ban v Quyn Tr em, Bình lun Chung S 13, Quyn ca Tr em Không Phi Chu Bt c Hình thc Bo lc nào, U.N. Doc. CRC/C/GC/13 (ngày 18 tháng Tư năm 2011), đoạn 47(a)(i).

[142] Như trên đã dn, đon 49.

[143] Như trên đã dn, đon 50-51.

[144] Như trên đã dn, đon 63.

[145] Ryan Kull và cng s, “Effectiveness of School District Antibullying Policies in Improving LGBT Youths’ School Climate,” (Hiu qu ca các chính sách chng bt nt ca hc khu đi vi vic ci thin môi trường hc tp cho thanh thiếu niên LGBT), Psychology of Sexual Orientation and Gender Diversity (Tâm lý hc v Xu hướng Tính dc và Bn dng Gii) 3:4 (2016): tr. 407-415, truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019, doi: 10.1037/sgd0000196.

[146] GLSEN, “Model District Anti-Bullying & Harassment Policy,” (Bn mu Chính sách Chng Bt nt và Sách nhiu Cho Hc khu), 2019, http://www.glsen.org/sites/default/files/Enumeration_0.pdf (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019).

[147] UNESCO, “Call for Action by Ministers: Inclusive and Equitable Education for All Leaners in an Environment Free from Discrimination and Violence,” (Li Kêu gi Hành đng ti các B trưởng: Giáo dc Dung hp và Bình đng cho Mi Hc sinh trong Mt Môi trường Không có Kỳ th và Bo lc), tháng Mười mt 2016, http://unesdoc.unesco.org/images/0024/002462/246247E.pdf (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019).

[148] “Nht Bn: Chính sách Chng Bt nt đ Bo v Hc sinh LGBT,” thông cáo ca T chc Theo dõi Nhân quyn, ngày 24 tháng Ba năm 2017, https://www.hrw.org/news/2017/03/24/japan-anti-bullying-policy-protect-lgbt-students.

[149] B Giáo dc, Văn hóa, Th thao, Khoa hc và Công ngh (MEXT), Chính ph Nht Bn, “Regarding the Careful Response to Students with Gender Identity Disorder” (V vic Đáp ng Cn trng Đi vi Các Hc sinh có Ri lon v Bn dng Gii) ngày 30 tháng Tư năm 2015, http://www.mext.go.jp/b_menu/houdou/27/04/1357468.htm (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019).

[150] MEXT, “Guidebook for Teachers Regarding Careful Response to Students related to Gender Identity Disorder as well as Sexual Orientation and Gender Identity,” (S tay cho Giáo viên V Đáp ng Cn trng vi Hc sinh Liên quan ti Ri lon v Bn dng Gii cũng như Xu hướng Tính dc và Bn dng Gii) ngày mng 1 tháng Tư năm 2016, http://www.mext.go.jp/b_menu/houdou/28/04/1369211.htm (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019).

[151] B Giáo dc, Chính ph Philippines, “Chính sách Bo v Tr em ca B Giáo dc,” Ch th S 40 ca B Giáo dc, ngày 14 tháng Năm năm 2012, sec. 3J, http://www.deped.gov.ph/orders/do-40-s-2012 (truy cp ngày 21 tháng Mười mt năm 2019).

[152] Thc thi các Quy tc và Quy đnh ca Đo lut Cng hòa S 10627, “Thc thi các Quy tc và Quy đnh ca Đo lut Cng hòa S 10627, còn được gi là Đo lut Chng Bt nt năm 2013,” Công Báo, ngày 12 tháng Chín năm 2013, sec. 3(b)(1), http://www.officialgazette.gov.ph/2013/09/12/republic-act-no-10627.

[153] Matt Bloomberg, “Cambodia to teach LGBT+ issues in schools to tackle discrimination” (Cambodia dy các vn đ LGBT+ nhà trường đ gii quyết nn phân bit đi x), Reuters, ngày 10 tháng Mười hai năm 2019, https://www.reuters.com/article/us-cambodia-lgbt-education/cambodia-to-teach-lgbt-issues-in-schools-to-tackle-discrimination-idUSKBN1YE1RK (truy cp ngày 13 tháng Giêng năm 2020).

[154] Cristina Maza, “Lessons in LGBT: Cambodia Brings Gay Rights Into the Classroom” (Các bài hc v LGBT: Cambodia mang quyn ca người đng tính vào lp hc), NewsDeeply, ngày 28 tháng Sáu năm 2017, https://www.newsdeeply.com/womenandgirls/articles/2017/06/28/lessons-in-lgbt-cambodia-brings-gay-rights-into-the-classroom (truy cp ngày 13 tháng Giêng năm 2020).

[155] T chc Theo dõi Nhân quyn phng vn Huế, 24 tui, ngày 19 tháng Chín năm 2019.

[156] Ủy ban về Quyền Trẻ em, Bình luận Chung Số 4, Adolescent Health and Development in the Context of the Convention on the Rights of the Child (Sức khỏe và Phát triển của Trẻ Vị Thành niên trong Bối cảnh Công ước về Quyền Trẻ em), U.N. Doc. CRC/GC/2003/4 (ngày mồng 1 tháng Bảy năm 2003), đoạn 17.

[157] Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, “Ban hành Chương trình Bồi dưỡng Năng lực Tư vấn Cho Giáo viên Phổ thông Làm Công tác Tư vấn Cho Học sinh,” Quyết định Số 1876 ​​/ QĐ-BGDĐT, ngày 21 tháng Năm năm 2018, http://vanban.pgdngochoi.kontum.edu.vn/van-ban-dieu-hanh/quyet-dinh-1876qd-bgddt-ban-hanh-chuong-trinh-boi-duong-nang-luc-tu-van-cho-giao-vien-pho-thong-lam-cong-tac-tu-van-cho-hoc-sinh (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[158] Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, “Ban hành Chương trình Bồi dưỡng Năng lực Tư vấn Cho Giáo viên Phổ thông Làm Công tác Tư vấn Cho Học sinh,” http://vanban.pgdngochoi.kontum.edu.vn/van-ban-dieu-hanh/quyet-dinh-1876qd-bgddt-ban-hanh-chuong-trinh-boi-duong-nang-luc-tu-van-cho-giao-vien-pho-thong-lam-cong-tac-tu-van-cho-hoc-sinh (truy cập ngày mồng 3 tháng Mười hai năm 2019).

[159] Báo cáo của Đặc sứ về Quyền Giáo dục, U.N. Doc. A/65/162, ngày 23 tháng Bảy năm 2010. Theo đặc sứ, “Để đảm bảo tính toàn diện, giáo dục giới tính phải đặc biệt lưu ý tới tính đa dạng, vì mọi người đều có quyền quyết định vấn đề tính dục của riêng mình mà không bị phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dục hay bản dạng giới.”

[160] Công ước về Quyền Trẻ em, điều 24(1), (2)(e)-(f).

[161] Ủy ban về Quyền Trẻ em, Bình luận Chung Số 13, Quyền của Trẻ em Không Phải Chịu Bất kỳ Hình thức Bạo lực nào, U.N. Doc. CRC/C/GC/13 (ngày 18 tháng Tư năm 2011), đoạn 8.

[162] Liên hiệp quốc, “Các Mục tiêu Phát triển Bền vững,” https://sustainabledevelopment.un.org (truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019).

[163] Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Báo cáo Quốc gia tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Phát triển Bền vững (Rio+20), https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/995vietnam.pdf (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019), tr. 39.

[164] Ủy ban về Quyền Trẻ em, Bình luận Chung Số 3, HIV/AIDS và Quyền Trẻ em, U.N. Doc. CRC/GC/2003/1 (2003), đoạn 1.

[165] Như trên đã dẫn, đoạn 13.

[166] Gidi Rubenstein, “The Decision to Remove Homosexuality from the DSM: Twenty Years Later,” (Quyết định Đưa Đồng tính Luyến ái Ra Khỏi DSM: Hai mươi năm sau) American Journal of Psychotherapy (Tp chí Điu tr Tâm lý Hoa Kỳ) 49:3 (1995): tr. 416-427, truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019, doi:10.1176/appi.psychotherapy.1995.49.3.416.

[167] Tổ chức Y tế Thế giới, The ICD-10 Classification of Mental and Behavioural Disorders (Bng Phân loi ICD-10 v Các Ri lon Hành vi và Tâm thn), http://www.who.int/classifications/icd/en/bluebook.pdf?ua=1 (truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019).

[168] Xem Bộ Quy tắc Đạo đức Hiệp hội Tâm lý học Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18 tháng Tư năm 2004; Tuyên bố của Ủy ban Điều hành Hiệp hội Tâm lý học Li Băng, tháng Bảy năm 2013, http://static1.squarespace.com/static/52567f12e4b02768cf839a59/t/567bd7c8a128e603ba937910/1450956744013/LPS+homosexuality+-+revised+2015.pdf (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019); Ngành Điều trị Tâm lý, Hội Tâm lý học Hồng Kông, “Trình bày quan điểm cho các nhà tâm lý học làm việc với các vấn đề đồng tính nữ, đồng tính nam và song tính,” ngày mồng 1 tháng Tám năm 2012; Vụ Sức khỏe Tâm thần, Bộ Y tế Công cộng, Vương quốc Thái Lan, “Ban hành tài liệu học thuật khẳng định về đồng tính luyến ái,” ngày 29 tháng Giêng năm 2002; Hướng dẫn Thực hành Điều trị về Xử lý Rối loạn Chối bỏ Giới tính và Chuyển đổi Giới tính 2009, Đại học Tâm lý học Hoàng Gia Thái Lan, ngày 18 tháng Chín năm 2009; T.S. Sathyanarayana Rao và K.S. Jacob, “Đồng tính luyến ái và Ấn Độ,” Indian Journal of Psychiatry (Tp chí Tâm lý hc n Đ) 54:1 (2012): tr. 1-3; “Đồng tính luyến ái không phải là bệnh: Các chuyên gia y tế gửi Tòa án Tối cao,” Báo Indian Express, ngày 16 tháng Hai năm 2011, http://archive.indianexpress.com/news/homosexuality-not-an-illness-health-professionals-to-sc/750770 (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019); Hội Tâm lý học Philippines, “Tuyên bố của Hội Tâm lý học Philippines về không phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dục, bản dạng giới và biểu hiện giới tính” https://pages.upd.edu.ph/sites/default/files/ejmanalastas/files/pap_2011_lgbt_nondiscrimination_statement.pdf (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019); Hội Tâm lý học Nam Phi, “Tuyên bố Quan điểm Đa dạng Tính dục và Giới tính,” bản thảo sau cùng ngày mồng 7 tháng Sáu năm 2013; Hội đồng Tâm lý học Liên bang Brazil, Nghị quyết 001/99 (ngày 22 tháng Ba năm 1999), http://site.cfp.org.br/wp-content/uploads/1999/03/resolucao1999_1.pdf (nguyên bản tiếng Bồ Đào Nha) (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019); và Chính phủ Argentina, Luật Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Số 26657, Chương 2, Điều 3, Công báo của Cộng hòa Argentina, Năm CXVIII, Số 32,041 (ngày mồng 3 tháng Mười hai năm 2010).

[169] Hội Tâm lý học Thế giới (WPA), “Tuyên bố Quan điểm của WPA về Bản dạng Giới và Xu hướng, Tình cảm và Hành vi Luyến ái Đồng tính,” ngày 21 tháng Ba năm 2016, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5032493 (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[170] Đồng tính luyến ái không phải là bệnh: Các chuyên gia y tế gửi Tòa án Tối cao,” Báo Indian Express, http://archive.indianexpress.com/news/homosexuality-not-an-illness-health-professionals-to-sc/750770.

[171] Vụ Sức khỏe Tâm thần, Bộ Y tế Công cộng, Vương quốc Thái Lan, “Ban hành tài liệu học thuật khẳng định về đồng tính luyến ái,” ngày 29 tháng Giêng năm 2002.

[172]Đại học Tâm lý học Hoàng Gia Thái Lan, “Hướng dẫn Thực hành Điều trị về Xử lý Rối loạn Chối bỏ Giới tính và Chuyển đổi Giới tính 2009,” ngày 18 tháng Chín năm 2009.

[173] Ngành Điều trị Tâm lý, Hội Tâm lý học Hồng Kông, “Trình bày quan điểm cho các nhà tâm lý học làm việc với các vấn đề đồng tính nữ, đồng tính nam và song tính,” ngày mồng 1 tháng Tám năm 2012.

[174]Hội Tâm lý học Philippines, “Tuyên bố của Hội Tâm lý học Philippines về không phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dục, bản dạng giới và biểu hiện giới,” Philippine Journal of Psychology (Tp chí Tâm lý hc Philippine) 44:2 (2011): 229-230, https://pages.upd.edu.ph/sites/default/files/ejmanalastas/files/pap_2011_lgbt_nondiscrimination_statement.pdf (truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019).

[175] Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, “Luật Bình đẳng Giới” Số 73/2006/QH11, ngày 29 tháng Mười một năm 2006, https://www.ilo.org/dyn/travail/docs/934/Law%20on%20Gender%20Equality%202006.pdf (truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019).

[176] Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền, “Định khuôn về Giới,” https://www.ohchr.org/EN/Issues/Women/WRGS/Pages/GenderStereotypes.aspx (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[177] Công ước về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (CEDAW), thông qua ngày 18 tháng Mười hai năm 1979, G.A. res. 34/180, 34 U.N. GAOR Supp. (Số 46) tại 193, U.N. Doc. A/34/46, có hiệu lực từ ngày mồng 3 tháng Chín năm 1981, Việt Nam tham gia ký kết năm 1982.

[178] CEDAW, “Nhận xét Tổng kết, Việt Nam,” CEDAW/C/VNM/CO/7-8, ngày 29 tháng Bảy năm 2015, https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=CEDAW%2fC%2fVNM%2fCO%2f7-8&Lang=en (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019), đoạn 17.

[179] Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Áp dng Các Quy tc và Tiêu chun Quc tế v Nhân quyn đ Tăng cường Khung Pháp lý v Dân s ca Vit Nam, tháng Mười hai năm 2016, https://vietnam.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/PD_Policy%20paper_using%20Interl%20HR_norms%20%26%20standards%20to%20strengthen%20VNM%20legal%20framework%20on%20population_printed%20in%202016_ENG.pdf (truy cập ngày 14 tháng Mười một năm 2019).

[180] Khuyến nghị chung Số 31 của Ủy ban Chấm dứt Mọi Hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ/ bình luận chung số 18 của Ủy ban về Quyền Trẻ em đối với các thực hành có hại, CEDAW/C/GC/31-CRC/C/GC/18, ngày 14 tháng Mười một năm 2014, đoạn 67.

[181] Xem, ví dụ như, Ủy ban Nhân quyền LHQ, Toonen v. Australia, U.D. Doc. CCPR/C/50/D/488/1992 (ngày mồng 4 tháng Tư năm 1994), đoạn 8.7, đã ghi rõ khi tham chiếu về Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị “rằng theo quan niệm của chúng tôi, từ ‘giới tính’ trong các điều 2, đoạn 1 và điều 26 cần được hiểu là có bao gồm cả xu hướng tính dục.” Ủy ban về Các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa trong Bình luận Chung Số 22 về sức khỏe tình dục đã ghi rõ “quyền về sức khỏe tình dục và sinh sản, kết hợp với [các quyền khác theo Công ước]… trong đó có quyền không bị phân biệt đối xử và quyền bình đẳng nam nữ, cũng buộc các Quốc gia phải đảm bảo công việc làm với... bảo vệ chống sách nhiễu tình dục ở nơi làm việc và nghiêm cấm phân biệt đối xử căn cứ trên…xu hướng tính dục, bản dạng giới hoặc tình trạng liên giới.” Ủy ban LHQ về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, Bình luận Chung Số 22, Quyền về Sức khỏe Tình dục và Sinh sản, U.N. Doc. E/C.12/GC/22 (2016), đoạn 9.

[182] Chính phủ Thái Lan, Đạo luật Bình đẳng Giới, B.E. 2558, https://www.hrw.org/news/2015/09/21/thailand-gender-equality-act (truy cập ngày 21 tháng Mười một năm 2019).