Skip to main content

Giới thiệu

Tờ trình này nêu bật những mối quan ngại của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Kể từ sau đợt kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ ba vào tháng Giêng năm 2019, tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xuống dốc đáng kể. Đảng Cộng sản Việt Nam tìm cách duy trì vị thế độc tôn quyền lực của mình với việc tùy tiện bắt bớ và truy tố người dân trong các phiên tòa không công bằng, chỉ vì họ viết hay đăng trên mạng xã hội các ý kiến phê phán chính quyền, hay tham gia các tổ chức độc lập, và vận động cải cách chính trị. Ngoài việc hình sự hóa các hành vi tự do ngôn luận và nhóm họp ôn hòa, cũng như hạn chế gắt gao các quyền tự do dân sự và chính trị khác, nhà cầm quyền Việt Nam  cũng quản lý chặt các nhóm tôn giáo, và cấm ngặt truyền thông và ấn phẩm độc lập.

Việt Nam đã là một quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và các công ước quốc tế cơ bản khác về nhân quyền. Tuy nhiên, luật pháp, chính sách và các việc làm của chính quyền đang vi phạm các quyền của người dân Việt Nam một cách có hệ thống.

Từ năm 2019 đến năm 2023, Việt Nam đã mở rộng phạm vi đàn áp từ các nhà hoạt động chính trị sang tới các nhà hoạt động liên quan tới các tổ chức xã hội dân sự dòng chính. Tháng Năm năm 2023, công an bắt giữ nhà bảo vệ môi trường nổi tiếng toàn quốc Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc ngụy tạo về tội trốn thuế. Hoàng Thị Minh Hồng là một học giả Obama 2018, và nguyên tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ghi nhận vai trò lãnh đạo về môi trường của bà trong một dòng tweet vào thời điểm đó. Tháng Tám năm 2023, nhà vận động biến đổi khí hậu Đặng Đình Bách, người đang phải thụ án năm năm tù từ tháng Bảy năm 2021 với các cáo buộc mang động cơ chính trị về tội trốn thuế, cho biết bị quản giáo hành hung vì cố tìm cách thông báo với gia đình về điều kiện giam giữ trong một cuộc điện đàm ngắn. Tháng Chín, công an bắt giữ thêm một nhà nghiên cứu môi trường nổi tiếng nữa, Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành của Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam.

 

Hình sự hóa Quyền tự do Biểu đạt, Lập hội và Tôn giáo

Nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng các điều luật có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự để truy tố và xử án tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo ôn hòa. Trong đó bao gồm “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 109), “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 117), “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88 bộ luật hình sự năm 1999), và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (điều 331).

Trong kỳ kiểm định phổ quát về Việt Nam lần trước hồi tháng Giêng năm 2019, chính phủ Việt Nam bác bỏ mọi khuyến nghị về việc hủy bỏ hay sửa đổi các điều luật vi phạm nhân quyền nói trên trong bộ luật hình sự, bao gồm các khuyến nghị của Pháp[1], Thụy Sĩ[2], Phần Lan[3], Hà Lan[4], New Zealand, Thụy Điển, Áo, Canada[5] và Na Uy[6]. Chính phủ Việt Nam cũng bác bỏ mọi khuyến nghị về người bảo vệ nhân quyền, bao gồm các khuyến nghị của Hoa Kỳ[7], Đức[8], Iceland[9], Ba Lan[10] và Séc[11].

Từ tháng Giêng năm 2019 đến tháng Tám năm 2023, chính quyền Việt Nam đã truy tố và kết tội ít nhất là 139 người và xử án họ nhiều năm tù giam vì phê phán chính quyền hay tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ theo các điều 88, 109, 117 và 331 của bộ luật hình sự. Trong số đó có các blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Thành, Phạm Văn Điệp và Nguyễn Lân Thắng. Tại thời điểm này, có ít nhất 166 tù nhân chính trị ở trong nước Việt Nam. Nhà cầm quyền hiện đang giam giữ ít nhất là 17 người nữa trong các trại tạm giam với các cáo buộc tương tự.

Khuyến nghị:

  • Hủy bỏ các điều luật 109, 117 và 331 của bộ luật hình sự có tính chất vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người về tự do biểu đạt và lập hội.
  • Hủy bỏ bản án và ngay lập tức phóng thích tất cả các nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ vì đã thực hành các quyền tự do biểu đạt, lập hội, nhóm họp ôn hòa và các quyền dân sự và chính trị khác của họ. Trong số những người đang bị cầm tù có: Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Lê Đình Lượng, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Thành, Cấn Thị Thêu, Đinh Văn Hải, Lê Trọng Hùng và Hoàng Đức Bình.

 

Tố tụng không công bằng đối với các bị can, bị cáo hình sự

Chính quyền Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn kép trong cách đối xử với những người dân bị nghi là phạm tội hình sự. Trong các vụ án liên quan tới các hành vi mà chính quyền cho là có động cơ chính trị, chính quyền hạn chế quyền của các nghi can bằng cách chặn không cho họ tiếp cận nguồn trợ giúp pháp lý trong nhiều tháng, thậm chí cả năm; không cho gặp gia đình trong thời gian tạm giam chờ xử án; và cản trở gia đình, bạn bè và các nhà hoạt động không tới dự phiên tòa xử họ.

Ở thái cực ngược lại, đối với một số vụ án phi chính trị mà nhà cầm quyền muốn chuyển một thông điệp tới cộng đồng, các kiểm sát viên và tòa án dựng lên các phiên tòa công cộng để bêu danh các bị cáo (và gián tiếp là gia đình họ) đồng thời “giáo dục” công chúng. Trong nhiều vụ, các tòa án đã định trước là bị cáo có tội ngay trước khi các hoạt cảnh phiên tòa công khai được diễn. Trong cả hai trường hợp nói trên, đối với cả các phiên tòa chính trị cũng như phi chính trị, công an, viện kiểm sát và tòa án đều vi phạm nguyên tắc pháp lý cốt lõi nhất: mọi người được coi là vô tội trước một phiên tòa công bằng do một tòa án độc lập xét xử.

 

Các vụ án có động cơ chính trị:

Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định rằng Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể quyết định tạm giam một người bị nghi là đã phạm các tội về an ninh quốc gia cho đến khi kết thúc điều tra (điều 173 (khoản 5)), và có thể không cho bị can tiếp cận nguồn trợ giúp pháp lý đến khi quá trình điều tra đã kết thúc (điều 74). Trên thực tế, điều này có nghĩa là những người bị tình nghi phạm các tội về an ninh quốc gia thường xuyên bị công an giam, giữ mà không được tiếp xúc với luật sư trong thời gian dài bao lâu tùy ý cán bộ điều tra.

Đơn cử như nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Bùi Tuấn Lâm bị công an tạm giam từ tháng Chín năm 2022 đến tháng Năm năm 2023 mà không được tiếp xúc với luật sư. Các nhân viên hữu quan trong vụ án nói dối với các luật sư của ông qua việc tuyên bố rằng Bùi Tuấn Lâm đã tự nguyện từ chối quyền được bào chữa. Chỉ đến khi vợ ông, bà Lê Thanh Lâm, yêu cầu được gặp và nghe trực tiếp lời tuyên bố đó từ chồng mình thì nhà cầm quyền mới xuống nước và thôi không cấm ông gặp luật sư. Sau đó chính quyền trả đũa gia đình vì đã vận động hỗ trợ Bùi Tuấn Lâm bằng cách từ chối không cho gia đình vào trong phòng xử để tham dự phiên tòa xử ông vào ngày 25 tháng Năm năm 2023. Khi vợ ông xuất hiện bên ngoài tòa án cùng với người nhà, công an cưỡng chế và câu lưu bà trong nhiều tiếng đồng hồ, và đánh đập vài người trong gia đình bà. Bên trong phòng xử án, thẩm phán trục xuất một trong các luật sư bào chữa khi ông luật sư còn chưa trình bày xong ý kiến biện hộ. Tháng Tám, luật sư Lê Đình Việt đề nghị được gặp Bùi Tuấn Lâm trước phiên xử phúc thẩm, nhưng nhà cầm quyền thẳng thừng từ chối.

Tương tự như vụ trên, nhà cầm quyền bắt giữ người sử dụng Facebook Nguyễn Minh Sơn vào ngày 28 tháng Chín năm 2022 vì đăng các ý kiến phê bình những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản trên Facebook. Họ cáo buộc ông theo điều 117 của bộ luật hình sự. Tính đến ngày 14 tháng Chín năm 2023, gần một năm sau, nhà cầm quyền vẫn chưa cho ông gặp gia đình hay tiếp xúc với luật sư bào chữa.

 

Các vụ án phi chính trị

Việt Nam thường xuyên tổ chức cái mà họ gọi là “phiên tòa xét xử lưu động” tại các không gian công cộng được chuyển đổi tạm thời thành nơi xử án, như các sân vận động, không gian cộng đồng cơ sở, nhà trường hay trụ sở phường để xử các vụ án hình sự. Nhà cầm quyền tuyên bố rằng các “phiên tòa lưu động” đó có mục đích “giáo dục” người dân về luật pháp và làm gương cho công chúng. Những phiên xử lưu động kiểu đó thường được tổ chức ở khu vực cư trú của các bị cáo, khiến bản thân họ và gia đình bị xấu hổ và nhục nhã với cộng đồng.

Ví dụ như, vào ngày 19 tháng Tư năm 2023, tòa án huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa đưa Sùng Ly Pó, một người dân tộc thiểu số sinh sống ở huyện Mường Lát ra xét xử lưu động vì gây thương tích cho người khác. Phiên xử được tổ chức ở Trường Trung học Phổ thông Mường Lát. Tòa đã kết luận có tội và xử Sùng Ly Pó 26 tháng tù.

Tương tự như vụ trên, vào ngày 29 tháng Sáu năm 2023, tòa án huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn đưa ông Triệu Chàn Ghuyện ra xét xử lưu động tại xã Hà Hiệu nơi bị cáo sinh sống, về tội tàng trữ ma túy trái phép. Tòa đã kết luận có tội và xử bị cáo 15 tháng tù.

Ngày mồng 9 tháng Mười một năm 2022, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị đưa Hồ A Ran, Hồ A Khay, Hồ Văn Long và Hồ A Liêm ra “xét xử lưu động” tại Ủy ban Nhân dân xã Thuận, nơi cư trú của cả bốn bị cáo, về tội vận chuyển ma túy trái phép. Tòa án kết luận có tội và xử Hồ A Ran, Hồ A Khay và Hồ Văn Long án tử hình, và Hồ A Liêm án tù chung thân. Toàn bộ thời gian xét xử cả bốn bị cáo nói trên diễn ra chỉ trong một ngày.

Từ năm 2019 đến năm 2023, Việt Nam đã tổ chức các phiên tòa “xét xử lưu động” kiểu đó ở ít nhất 55 tỉnh (95 phần trăm số tỉnh trên cả nước) và cả năm thành phố chính (Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng). Năm 2022, riêng tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 105 phiên “xét xử lưu động” tại nhiều không gian công cộng. Chỉ trong chín tháng đầu năm 2023, tỉnh Nghệ An đã tổ chức 51 phiên tòa “xét xử lưu động.”

Trong đợt kiểm định UPR lần trước vào năm 2019, Việt Nam đã chấp thuận các khuyến nghị về “lập tức loại bỏ việc tiến hành các phiên xử ngoài trời ở tất cả các cấp nhằm bảo đảm quyền được coi là vô tội, quyền được bào chữa hữu hiệu và xét xử công bằng,”[12] “bảo đảm rằng quyền được xử công bằng và quyền có quy trình tố tụng thích đáng, như đã quy định trong luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế, được tôn trọng và thực hành trong mọi vụ án,”[13] “duy trì các nỗ lực nhằm đảm bảo quyền công bằng trước pháp luật đối với tất cả mọi người,”[14] và “sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự để mọi người đều được có luật sư đại diện ngay sau khi bị bắt giữ và bảo đảm quyền được xét xử công bằng.”[15] Việt Nam không thực hiện bất kỳ nội dung nào trong số các khuyến nghị đã được “chấp thuận” nói trên.

Khuyến nghị:

  • Hủy bỏ điều 74 và điều 173 của Bộ luật Tố tụng Hình sự và cho phép tất cả mọi người bị bắt giữ vì tình nghi phạm bất cứ tội danh nào, kể cả tội về an ninh quốc gia, được tiếp xúc ngay lập tức và thường xuyên với nguồn trợ giúp pháp lý ngay khi bị bắt và trong suốt thời gian tạm giam trước khi xét xử.
  • Ngay lập tức chấm dứt hình thức tổ chức phiên tòa “xét xử lưu động.”
  • Sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự để cho phép mọi bị can được tiếp xúc riêng tư với luật sư mà không bị can thiệp, với thời lượng và tần suất theo yêu cầu của luật sư và thân chủ, và tôn trọng tính bảo mật giữa luật sư-thân chủ.

 

Đè nén Quyền Tự do Thực hành Tôn giáo

Chính quyền Việt Nam hạn chế tự do và các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định về đăng ký, sách nhiễu và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị quy định phải được sự phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước kiểm soát. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn thường cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tùy tiện cho là đi ngược với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội,” hay “khối đoàn kết dân tộc.” Chính quyền dán nhãn “tà đạo” đối với Tin lành Đề Ga, Công giáo Hà Mòn, Pháp Luân Công và vài nhóm tôn giáo khác, và sách nhiễu những người thực hành các tín ngưỡng này.

Việt Nam thừa nhận rằng, tính đến tháng Chín năm 2021, chính quyền đã không công nhận khoảng 140 nhóm tôn giáo với xấp xỉ một triệu tín đồ.

Tháng Tám năm 2021, công an huyện Chư Prong tỉnh Gia Lai tổ chức kiểm điểm trước đông người với “21 đối tượng” theo Tin Lành Đề Ga. Tại buổi kiểm điểm, nhà cầm quyền đã hành động để đảm bảo rằng “các đối tượng nhận lỗi, và ký cam kết từ bỏ Tin Lành Đề Ga.”

Tháng Giêng năm 2022, nhà cầm quyền tỉnh Lào Cai khoe rằng “với sự kiên trì” họ đã thuyết phục “nhiều gia đình đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo, quay lại sinh hoạt theo tôn giáo được pháp luật cho phép; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.”

Tháng Chín năm 2023, công an tuyên bố đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm “xóa bỏ Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên” ở tỉnh Phú Yên. Cũng trong tháng Chín, Bộ Nội vụ Việt Nam gửi công văn tới Ủy ban Nhân dân tất cả các tỉnh thành, yêu cầu “đấu tranh xóa bỏ Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ,” một nhóm tôn giáo “có nguồn gốc từ Hàn Quốc, du nhập vào Việt Nam từ năm 2001.”

Công an giám sát, và đôi khi dùng vũ lực đàn áp đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống do nhà nước kiểm soát. Các nhóm tôn giáo không được công nhận phải liên tục đối mặt với việc bị theo dõi, bị sách nhiễu và đe dọa và các tín đồ của họ có thể bị đấu tố trước đông người, bị buộc từ bỏ đạo, bị giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù.

Từ năm 2019 đến 2022, các tòa án Việt Nam đã kết luận có tội và xử tù ít nhất là năm người vì liên quan đến các nhóm tôn giáo ngoài vòng kiểm soát của chính quyền Việt Nam: Rah Lan Rah, Siu Chõn, Rơ Mah Thêm, Rah Lan Hip và Ksor Ruk.

Trong năm 2023, công an bắt giữ Y Krec Bya (tên khác là Ama Guôn) vào tháng Tư, và Nay Y Blang (tên khác là Ma Tương) vào tháng Năm, vì liên quan tới các nhóm tôn giáo độc lập.

Trong đợt kiểm định UPR lần trước vào năm 2019, Việt Nam bác bỏ khuyến nghị của Canada về “xem xét lại luật tôn giáo tín ngưỡng để cho phép các nhóm tôn giáo được tự do thực hành.”[16] Việt Nam chấp thuận các khuyến nghị về “bảo đảm tự do tôn giáo và tín ngưỡng cho mọi người dân ở Việt Nam”[17] và “bảo vệ những người thiểu số về tôn giáo và sắc tộc, và hạn chế áp đặt các rào cản pháp lý đối với họ.”[18] Nhưng trên thực tế Việt Nam không thực hiện được nội dung nào trong cả hai khuyến nghị mà họ chấp thuận đó.

Khuyến nghị:

  • Hủy bỏ, hoặc sửa đổi triệt để, Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng để cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và tự quản lý. Các cơ sở thờ tự, dòng tu không muốn gia nhập một trong các tổ chức tôn giáo chính thức được công nhận, với ban trị sự do chính quyền phê chuẩn, phải được cho phép hoạt động độc lập.
  • Chấm dứt mọi hình thức sách nhiễu, ép buộc từ bỏ tín ngưỡng, bắt bớ, truy tố, bỏ tù và ngược đãi người dân vì họ thực thi quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng và theo các tôn giáo bên ngoài hệ thống chính quyền quản lý.
  • Hủy bỏ mọi cáo buộc và ngay lập tức phóng thích tất cả những người đang bị giam giữ vì đã ôn hòa thực hành quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
 

[1]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.55.

[2]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.73.

[3]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.167.

[4]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.183.

[5]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.187.

[6]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.188.

[7]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.145.

[8]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.171.

[9]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.175.

[10]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.191.

[11]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.214.

[12]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.150 (của Đan Mạch).

[13]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.158 (của Slovakia).

[14]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.163 (của Bolivia).

[15]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.164 (của Canada).

[16]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.212.

[17]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.210.

[18]A/HRC/41/7, Khuyến nghị số 38.277.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country