Skip to main content

Việt Nam: Ông Macron cần nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm

Hà Nội gia tăng đàn áp bất chấp đã cam kết cải cách trong các thỏa thuận với EU và Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) chào đón Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm tại Điện Elysee ở Paris, ngày mồng 7 tháng 10 năm 2024. © 2024 Eliot Blondet/Abaca/Sipa via AP Photo

(Paris) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bày tỏ trong một lá thư gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng các thỏa thuận gần đây của Việt Nam với Liên minh Châu Âu và Pháp với các cam kết cải cách nhân quyền đã không dẫn tới việc nhân quyền được tôn trọng hơn ở đất nước này. Ông Macron dự kiến sẽ tới thăm Hà Nội từ ngày 25 đến ngày 27 tháng Năm năm 2025.

Hồi tháng Mười năm 2024 ở Paris, Tổng thống Macron và Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký kết Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện và một bản tuyên bố chung nhấn mạnh rằng cả hai nước cam kết tuân thủ Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, trong đó bao gồm nội dung đáng chú ý về “tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.” Bản tuyên bố cũng đề cập tới Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam năm 2021 và Hiệp ước Hợp tác và Đối tác EU – Việt Nam năm 2016, trong đó nêu rõ rằng việc tôn trọng nhân quyền là một “thành tố thiết yếu” của các quan hệ EU – Việt Nam.

“Chính sách đàn áp sâu rộng các quyền tự do ngôn luận và nhóm họp của chính quyền Việt Nam đi ngược lại với những gì họ đã cam kết với Pháp và EU,” bà Bénédicte Jeannerod, giám đốc Pháp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam ngày càng nhiều nhà vận động dân chủ và bất đồng chính kiến và chống lại các cải cách cần thiết để thực hiện được các nghĩa vụ nhân quyền của mình.”

Việt Nam hiện có hơn 170 tù nhân chính trị bị cáo buộc và xử có tội theo các điều luật hà khắc với nội dung hình sự hóa tự do ngôn luận và vận động ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền. Chính quyền Việt Nam hầu như đã không thực hiện được các cải cách pháp lý đã cam kết trong các thỏa thuận thương mại tự do và hiệp ước đối tác. Nhà cầm quyền còn thẳng tay đàn áp các nhóm nhân quyền độc lập, công đoàn độc lập, báo chí độc lập, các nhóm tôn giáo độc lập và các tổ chức khác muốn hoạt động bên ngoài sự kiểm soát của chính quyền.

Trong khi thăm Hà Nội, Tổng thống Macron cần công khai nêu quan ngại về hồ sơ nhân quyền đang xấu đi của chính quyền Việt Nam và phát đi tín hiệu rằng thất bại của Việt Nam trong việc thực hiện các cải cách hữu hiệu sẽ ảnh hưởng xấu tới quan hệ song phương, bao gồm cả lĩnh vực thương mại. Ông Macron cũng cần gây sức ép với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm về những trường hợp tù nhân chính trị cụ thể, trong đó có Phạm Đoan Trang, Bùi Tuấn Lâm, Phạm Chí Dũng, Đặng Đình Bách, Lê Đình Lượng, Đinh Văn Hải và Nguyễn Thái Hưng.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country