Cập nhật: Vào ngày 15 tháng Tám năm 2024, một tòa án ở Hà Nội đã kết án Nguyễn Chí Tuyến năm năm tù giam.
(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Chí Tuyến. Công an bắt Nguyễn Chí Tuyến vào ngày 29 tháng Hai năm 2024 ở Hà Nội vì phê phán chính quyền trên mạng xã hội. Ông bị cáo buộc theo điều 117 của bộ luật hình sự, có nội dung hình sự hóa hành vi “làm, tàng trữ, làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước.”
Phiên xử Nguyễn Chí Tuyến dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng Tám tại một tòa án ở Hà Nội. Nếu bị phán quyết có tội, ông phải đối mặt với mức án lên tới 12 năm tù.
“Nhà cầm quyền Việt Nam nhắm vào Nguyễn Chí Tuyến vì ông đã bày tỏ quan điểm trái ý họ,” bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền Việt Nam cần ngừng bỏ tù những người phê bình ôn hòa, sửa đổi các điều luật hình sự hà khắc, và chấm dứt vi phạm một cách có hệ thống các quyền cơ bản.”
Nguyễn Chí Tuyến (còn được gọi là Anh Chí), 50 tuổi, là một nhà vận động nhân quyền đã sử dụng YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác để bình luận về các vấn đề xã hội và chính trị. Kênh YouTube chính của ông, Anh Chí Râu Đen, đã đăng hơn 1.600 đoạn video và có 98.000 người đăng ký. Kênh YouTube thứ hai, AC Media, đã đăng hơn 1.000 video và có gần 60.000 người đăng ký.
Nguyễn Chí Tuyến là một thành viên sáng lập của No-U FC (Câu lạc bộ Bóng đá Không đường Lưỡi bò) giờ không còn hoạt động nữa, với các thành viên công khai phản đối việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên các vùng lãnh hải đã được Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Ông góp phần tổ chức và tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào đầu thập niên 2010, và các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường vào giữa thập niên đó. Ông cùng các nhà hoạt động bạn bè làm từ thiện để hỗ trợ những người khó khăn ở nông thôn và những nạn nhân thiên tai.
Ông cũng công khai ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền bị bỏ tù, trong đó có Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) và Nguyễn Lân Thắng. Trước phiên tòa xử Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Chí Tuyến công bố một bức thư ngỏ để ủng hộ bạn mình. Ông viết: “Chúng ta chỉ hành động theo lương tâm mách bảo, nói ra những suy nghĩ, những khát khao, những ước vọng.”
Nguyễn Chí Tuyến từng liên tục phải đối mặt với sự đe dọa, sách nhiễu, bị chặn đi lại, cấm xuất cảnh, tùy tiện câu lưu và thẩm vấn của công an. Tháng Năm năm 2015, năm người đàn ông lạ mặt tấn công và đánh đập ông ngay gần nhà ông ở Hà Nội. Vụ tấn công khiến ông bị thương và phải khâu nhiều mũi ở mặt.
Bất chấp nguy cơ bị truy tố với các cáo buộc mang động cơ chính trị, Nguyễn Chí Tuyến tiếp tục vận động cho dân chủ và nhân quyền. Trong một bài trả lời phỏng vấn năm 2017 trên tạp chí Mekong Review, ông nói: “[Đảng Cộng sản] có mọi quyền lực trong tay. Họ có nhà tù, súng đạn, công an, quân đội, tòa án: họ có mọi thứ. Họ có báo chí. Chúng tôi chẳng có gì ngoài trái tim và khối óc. Và chúng tôi nghĩ rằng việc mình làm là đúng…thế là đủ.”
Phiên tòa xử Nguyễn Chí Tuyến diễn ra ngay sau khi Tô Lâm vừa nhậm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Tô Lâm là người đứng đầu Bộ Công an đầy tai tiếng từ tháng Tư năm 2016 đến tháng Năm năm 2024. Trong thời gian đó, công an Việt Nam đã bắt giữ ít nhất là 269 người ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình.
“Chính quyền Việt Nam sẽ vẫn bị kẹt trong thế đàn áp nếu cứ tiếp tục bắt giữ những người bất đồng chính kiến dám nói lên suy nghĩ của mình như Nguyễn Chí Tuyến,” bà Gossman nói. “Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế không nên có bất kỳ ảo tưởng nào khi giao dịch với chính quyền vi phạm nhân quyền này.”