Ngày 15 tháng Sáu, một người thợ làm bánh từ Sydney đã nghỉ hưu sẽ đón sinh nhật lần thứ 71 của ông một mình trong trại giam xa xôi cách Thành phố Hồ Chí Minh những ba giờ xe về phía Nam. Vợ và các con ông chưa từng được nói chuyện với ông kể từ khi ông bị bắt vào tháng Giêng năm 2019. Nhà cầm quyền Việt Nam cũng không cho phép nhân viên lãnh sự Australia được thăm ông từ tháng Giêng năm 2020, viện cớ trại giam hạn chế thăm nuôi vì dịch vi rút corona.
Tên của công dân Australia đó là Châu Văn Khảm, bị kết tội “khủng bố” và kết án 12 năm tù giam vào tháng Mười một năm 2019 trong một phiên tòa ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam chỉ cho ông Châu được gặp luật sư bào chữa có hai lần trước phiên tòa. Bản án được đưa ra sau một phiên xử chóng vánh trong vòng bốn tiếng rưỡi với sáu bị cáo – gây nên nhiều quan ngại nghiêm trọng về quy trình tố tụng.
Mặc dù các cáo buộc có tính chất nghiêm trọng như vậy, nhưng bản cáo trạng không nêu được một hành vi bạo lực hoặc ý định sử dụng bạo lực nào của ông Châu hay các đồng bị cáo người Việt của ông. Thay vào đó, tòa án chỉ ra các bằng chứng về liên hệ và các hoạt động của ông với một đảng chính trị đối lập, Việt Tân, đang hoạt động công khai và hợp pháp ở nhiều quốc gia trong đó có Australia, nhưng bị Hà Nội tùy tiện dán nhãn “khủng bố.”
Nỗ lực kháng cáo của ông Châu bị bác bỏ. Trước khi xảy ra bệnh dịch vi rút corona, các buổi thăm gặp hàng tháng của ông với lãnh sự quán diễn ra trước mặt giới chức Việt Nam và bị ghi hình. Nhưng bây giờ thì không có đợt thăm gặp nào nữa. Vào ngày mồng 1 tháng Sáu, cán bộ quản lý trại giam không đưa ra lời giải thích nào và bất ngờ chuyển ông Châu từ Thành phố Hồ Chí Minh tới một nhà tù xa hơn ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, khiến ông càng bị cô lập hơn.
Vợ ông Châu, bà Châu Quỳnh Trang, nói rằng ông thường tổ chức sinh nhật ở nhà, cùng gia đình nấu một bữa cơm với món ưa thích của ông, thịt cừu nướng. Bà Trang rất nhớ chồng, và kể về cách ông chăm sóc gia đình và chăm chút mảnh vườn hàng ngày. Nhìn mảnh vườn đang tươi tốt với quả thanh long và hoa lan, bà thấy gợi lại hình ảnh chồng. Bà chỉ mong được nghe giọng nói của ông và biết được hiện trạng của ông.
Ông Châu Văn Khảm chỉ là một trong số hơn 160 tù nhân chính trị ở Việt Nam, bị giam giữ vì các hành vi tự do biểu đạt ôn hòa. Nhà nước độc đảng không dung thứ cho bất kỳ ai bày tỏ ý kiến ngược lại với chính quyền, coi những người đó như một mối nguy với địa vị độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản đang cầm quyền.
Nhưng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam ít khi được nêu trong tin tức quốc tế. Chính phủ Australia, do lo ngại về ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, nói chung vẫn dè dặt không đưa ra quan điểm công khai và có nguyên tắc về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump chỉ nêu các vấn đề về nhân quyền khi nào thấy có lợi về chính trị. Liên minh Châu Âu vừa hoàn tất một Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam, bỏ qua phần lớn các quan ngại của các nhà vận động về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội.
Sự thiếu vắng các tiếng nói nêu trên chắc chắn đã khiến chính quyền Việt Nam bạo dạn hơn trong việc gia tăng các nỗ lực truy đuổi và bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến. Tính từ giữa tháng Tư đến nay, có tới ba người đã bị kết tội và kết án tù với các cáo buộc về tuyên truyền chống nhà nước và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ.” Công an cũng đã bắt giữ bốn người khác, và cáo buộc họ với các tội danh như nỗ lực “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và tuyên truyền chống nhà nước.
Australia đã củng cố các mối quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam qua việc ký kết Hiệp ước Đối tác Chiến lược vào năm 2018. Hiệp ước này được trông đợi sẽ tăng cường quan hệ kinh tế ở cả hai phía. Nhưng một nền kinh tế thịnh vượng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu người dân bị từ chối các quyền con người cơ bản. Một biểu hiện rõ ràng là chính phủ Australia còn không thể bảo vệ được các quyền của chính công dân mình, người đã bị giam giữ tùy tiện đến gần 18 tháng.
Bà Châu Quỳnh Trang nói với tôi, “Tôi rất thất vọng vì chồng mình, một công dân Australia đã làm việc chăm chỉ cả đời cho đất nước này, nay đã 71 tuổi, đang phải chịu đựng một mình trong nhà giam ở ngoại quốc mà lại nhận được rất ít sự hỗ trợ. Tôi sợ mình sẽ mất chồng vì sức khỏe ông ấy không tốt chút nào.”
Chính phủ Australia cần tăng cường lại các nỗ lực đòi tự do cho Châu Văn Khảm. Nhất là xét tuổi tác và tình trạng sức khỏe, ông Châu có nguy cơ cao sẽ bị bệnh nặng nếu nhiễm vi rút corona. Các nhà ngoại giao Australia cần yêu cầu chính quyền Việt Nam cân nhắc việc phóng thích ông vì lý do nhân đạo như một ưu tiên cấp thiết.
Khi các chính phủ phương Tây gây sức ép với chính quyền Việt Nam một cách kiên quyết và mạnh mẽ về việc trả tự do cho tù nhân chính trị, đã có sự đáp ứng, với các trường hợp nhà bất đồng chính kiến được thả cho đi tị nạn ở Pháp, Đức và Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne cần tìm được tiếng nói vì lợi ích của công dân Australia này, đồng thời tuyên bố rõ với chính quyền Việt Nam rằng chính phủ Australia sẽ hành động khi các quyền cơ bản về tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa bị đè nén.