(Sydney) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc về khủng bố đối với ba người bị truy tố vì liên quan tới một tổ chức chính trị ở hải ngoại hiện đang vận động cho dân chủ, nhân quyền và cải cách chính trị. Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ xử vụ án này vào ngày 11 tháng Mười một.
Ba người, Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền, bị cáo buộc tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo điều 113 bộ luật hình sự. Ông Châu Văn Khảm, năm nay 70 tuổi, một thợ làm bánh ở Sydney đã nghỉ hưu, còn bị cáo buộc tội “sử dụng giấy tờ giả” theo điều 341. Chính quyền Australia cần gia tăng nỗ lực tạo sức ép cho ông được trả tự do.
Công an bắt ông Châu Văn Khảm và Nguyễn Văn Viễn vào ngày 13 tháng Giêng năm 2019 ở Thành phố Hồ Chí Minh và bắt Trần Văn Quyền vào ngày 23 tháng Giêng ở tỉnh Bình Dương. Cả ba người bị cáo buộc có liên quan đến Việt Tân – một đảng chính trị ở hải ngoại. Bộ Công an Việt Nam chính thức dán nhãn Việt Tân là tổ chức khủng bố vào tháng Mười năm 2016. Việt Tân có quá khứ chống đối chính quyền cộng sản Việt Nam từ những năm 1980, nhưng trong thời gian gần đây đã tuyên bố “cam kết đấu tranh hòa bình, bất bạo động.” Cho đến giờ này, chính quyền Việt Nam chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào về ý định hay hành vi bạo lực của ba người.
“Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiểm soát quyền lực rất chặt chẽ trong hơn 40 năm qua và sẽ không cho phép bất kỳ sự đối lập chính trị nào,” bà Elaine Pearson, Giám đốc Australia của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ và bỏ tù bất kỳ ai bị coi là mối nguy đối với vị thế độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản, và ba người này chỉ là những nạn nhân mới nhất.”
Châu Văn Khảm là công dân Australia. Ông gia nhập quân lực Việt nam Cộng hòa hồi trước năm 1975. Sau khi cuộc chiến kết thúc, ông bị đưa đi trại cải tạo ba năm. Ông trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền và tới Australia năm 1983. Theo công an Việt Nam, ông Châu Văn Khảm nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên giữa Việt Nam và Cambodia bằng một tấm chứng minh thư giả. Công an Việt Nam bắt ông và Nguyễn Văn Viễn sau khi hai người gặp nhau trong một khách sạn ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 12 tháng Giêng, và cáo buộc hai người tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 của bộ luật hình sự. Tới tháng Bảy, công an quyết định truy tố Châu Văn Khảm và những người cộng sự theo tội danh “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.”
Nguyễn Văn Viễn, 48 tuổi, là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, do nhà hoạt động hiện đang phải lưu vong Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động khác thành lập hồi tháng Tư năm 2013, nhằm “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và để “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Theo Hội Anh em Dân chủ, Nguyễn Văn Viễn vận động chống lại thảm họa môi trường do công ty Formosa thải độc gây ra hồi tháng Tư năm 2016.
Không có nhiều thông tin về Trần Văn Quyền, năm nay 20 tuổi, là một thợ lắp đặt camera ở tỉnh Bình Dương. Người anh trai tên là Trần Văn Cường kể với phóng viên Đài Á Châu Tự do rằng sau khi bắt Quyền, công an tới khám nhà họ và yêu cầu anh ký biên bản khám xét, nhưng không đưa cho anh bất cứ bản sao nào của biên bản khám xét.
Việt Nam thường xuyên vận dụng các điều khoản có nội dung mơ hồ và có thể diễn giải lỏng lẻo trong bộ luật hình sự để bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo. Tính đến tháng Mười một năm 2019, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi nhận được có ít nhất 138 người đang bị giam, giữ chỉ vì thực thi các quyền cơ bản.
Công an đã bắt giữ và bỏ tù một số người bị cho là có liên quan tới Việt Tân, trong đó có nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng, blogger Phạm Minh Hoàng và nhà vận động dân chủ Nguyễn Văn Oai.
Theo lời con trai ông Châu Văn Khảm, sau khi bị bắt từ tháng Giêng tới tận ngày mồng 5 tháng Mười một năm 2019, cha anh chỉ được gặp luật sư có đúng một lần 30 phút. Ở Việt Nam, công an thường giam giữ những bị can với những tội danh được gọi là an ninh quốc gia “đang trong thời gian điều tra” hàng tháng trời mà không được tiếp cận người trợ giúp pháp lý.
“Có liên quan tới một đảng chính trị không được Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận không phải là phạm tội,” bà Pearson nói. “Chính quyền Việt Nam cần tiếp nhận một hệ thống chính trị đa nguyên để hạn chế độc quyền thay vì trừng phạt những người muốn tìm kiếm các lựa chọn khác.”
Ông Châu Văn Khảm có được gặp đại diện lãnh sự của Đại sứ quán Australia hàng tháng, nhưng các cuộc gặp luôn có mặt những người quản giáo và bị ghi hình, khiến ông có thể không dám trao đổi một cách tự do.
Chính quyền Australia chưa có các động thái tích cực hay công khai gây sức ép để ông được phóng thích. Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng Tám năm 2019, Thủ tướng Australia, ông Scott Morrison, nói, “Công dân Australia cần tuân thủ luật pháp các quốc gia mình tới. Nhất thiết phải tuân thủ. Họ không có thẻ miễn trừ pháp lý khi đi tới một nước khác mà phạm tội. Đó không phải là điều mà Australia có thể ủng hộ hay miễn thứ. Nhưng chúng tôi sẽ luôn tìm cách hỗ trợ công dân mình trong các hoàn cảnh khó khăn này.”
Trong khi đó, Australia đã tạo quan hệ sâu đậm hơn với Việt Nam sau khi ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược vào năm 2018. Con trai ông Châu Văn Khảm, Dennis Châu, nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “Australia có quan hệ thương mại với Việt Nam là điều tốt, nhưng còn khía cạnh nhân đạo đang bị bỏ quên thì sao? Tôi hy vọng chính quyền Australia sẽ làm nhiều hơn nữa. Cha tôi đã chạy trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền, và tôi chắc rằng ông không muốn bị kẹt lại ở đó lâu hơn chút nào nữa.”
“Chính quyền Australia cần công khai lên tiếng và bảo vệ công dân mình,” bà Pearson nói. “Việt Nam là một nước thường xuyên sử dụng luật hình sự để trừng phạt những người phê phán ôn hòa, đi ngược lại công pháp quốc tế. Cần cấp thiết tạo sức ép ngoại giao để bảo vệ quyền lợi của một công dân Australia cao tuổi đã nghỉ hưu đang bị cầm tù tại Việt Nam tới gần một năm rồi.”