(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Trung Quốc cần đảm bảo các dự án do mình đầu tư hoặc tham gia trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) phải tôn trọng quyền con người. Từ ngày 25 đến 27 tháng Tư năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các tổ chức quốc tế tới Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ hai tại Bắc Kinh. Sáng kiến BRI, được công bố năm 2013, là chương trình đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng với số vốn hàng ngàn tỉ đô la của Trung Quốc, trải suốt 70 quốc gia, nối liền Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á, Châu Phi và Châu Âu qua các mạng lưới đường bộ và đường thủy.
Theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, chính phủ Trung Quốc cần đưa ra các yêu cầu nhằm bảo đảm việc tham vấn hữu hiệu với các nhóm dân có khả năng bị ảnh hưởng bởi các dự án đang được đề xuất. Chính phủ Trung Quốc cũng cần đảm bảo rằng các cộng đồng bị ảnh hưởng có thể công khai bày tỏ quan điểm mà không sợ bị trả đũa. Các chính quyền quốc gia khác, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức tài chính cần gây sức ép để chính quyền Bắc Kinh thông qua các biện pháp bảo vệ đó.
“Bắc Kinh tuyên bố rằng họ cam kết sẽ hợp tác với các quốc gia khác để thực hiện việc phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, nhưng những gì họ đang thực hiện cho đến nay đã làm dấy lên các quan ngại sâu sắc,” bà Yaqiu Wang, nghiên cứu viên về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Các ý kiến phê phán một số dự án Vành đai và Con đường – như thiếu minh bạch, bất chấp các quan ngại của cộng đồng, và bất chấp các nguy cơ về môi trường xuống cấp – gợi ý rằng các cam kết của Bắc Kinh khá hời hợt.”
Trong những năm gần đây, một số dự án BRI không tiến hành hay công bố các đánh giá tác động về xã hội và môi trường một cách đầy đủ, hay tham vấn đầy đủ với các cộng đồng địa phương sẽ bị ảnh hưởng trong các quá trình thiết kế và xây dựng dự án, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình lan rộng.
Cách làm việc nói trên không phù hợp với những nghĩa vụ cơ bản của các quốc gia theo công pháp quốc tế về nhân quyền liên quan tới môi trường bền vững và lành mạnh. Một số dự án BRI cũng bị phê phán vì tạo điều kiện cho tham nhũng, các thỏa ước vay vốn không minh bạch, và các hợp đồng không có sự cạnh tranh bình đẳng khi đưa ra yêu cầu phải sử dụng các nhà thầu Trung Quốc. Khi các dự án bị đội vốn, một số nước nhận dự án BRI như Djibouti, Pakistan và Maldives, đang đứng trước nguy cơ bị đội nợ cao, có thể dẫn đến tình trạng chảy máu các nguồn lực nhà nước vốn đã hạn hẹp, đáng lẽ dùng vào các dịch vụ thiết yếu nay phải dùng để điều chỉnh nợ.
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, hai ngân hàng chính sách của Trung Quốc và hai nhà đầu tư lớn nhất của BRI, vẫn chưa công khai giải thích chi tiết cơ chế đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm hay tôn trọng nhân quyền trong quá trình cấp vốn cho các dự án BRI. Một tài liệu chính sách do Văn phòng Chỉ đạo Sáng kiến Vành đai và Con đường – cơ quan chính quyền Trung Quốc phụ trách việc triển khai BRI, ban hành năm 2017, không hề nhắc tới nhân quyền.
Ở Pakistan, chính quyền Trung Quốc đã đặt việc phát triển thành phố cảng Gwadar là trọng tâm của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, một dự án BRI trọng điểm với tổng số vốn là 62 tỷ đô la Mỹ. Năm 2015, trong khuôn khổ dự án này, chính quyền Trung Quốc đề xuất cho vay 130 triệu đô la để xây dựng Đường Cao tốc Phía Đông Vịnh, nối cảng này với một quốc lộ cao tốc chính của Pakistan. Từ khi Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) – một doanh nghiệp nhà nước khởi công tuyến đường cao tốc này vào tháng Mười năm 2018, các ngư dân địa phương ở Gwadar đã quan ngại về tình trạng thiếu minh bạch và tham vấn, và các nguy cơ tác động tới đời sống của mình. Họ đã tổ chức các cuộc họp báo, đình công, và biểu tình để phản đối dự án đường cao tốc, mà họ cho rằng sẽ chặn đường tiếp cận ngư trường của họ và tước đi nguồn sinh sống từ đời cha ông truyền lại mà không đưa ra giải pháp thay thế nào. Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã cam kết “phát triển không bỏ sót” nhưng việc xây dựng đường cao tốc đã diễn ra mà không có một yêu cầu nào của ngư dân được giải quyết.
Ở Myanmar, chính quyền Trung Quốc đã gia tăng sức ép với nhà cầm quyền Myanmar về dự án Đập Myitsone ở Bang Kachin có trị giá 3,6 tỷ đô la Mỹ. Chính quyền Myanmar đình chỉ xây dựng con đập vào năm 2011, sau khi có các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Các nhà phê bình nói rằng xây con đập khổng lồ này sẽ kéo theo hậu quả là di dân quy mô lớn, mất nguồn sinh sống, tàn phá môi trường diện rộng và phá hủy các di sản văn hóa quan trọng đối với người dân tộc Kachin. Dự án cũng bị chỉ trích vì thiếu minh bạch. Tháng Hai năm nay, chính quyền Trung Quốc đưa ra phát biểu rằng đa số người Kachin ủng hộ việc tái khởi động dự án xây đập khiến hàng ngàn người xuống đường tuần hành phản đối lời phát biểu đó. Chính quyền Myanmar đã câu lưu một người lãnh đạo biểu tình trong thời gian ngắn.
Ở Sri Lanka, trong tháng Giêng năm nay, công ty CCCC hoàn thành giai đoạn đầu dự án xây dựng Thành phố Cảng Colombo, một khu tài chính trong thủ đô của quốc gia này. Dự án phát triển trị giá 1,4 tỷ đô la này đã kéo theo nhiều cuộc biểu tình kéo dài về các tác động xấu tới môi trường. Nhiều người dân lo ngại rằng việc bồi đắp đất để xây dự án sẽ dẫn tới sạt lở bờ biển và làm giảm sản lượng tôm cá, đe dọa tới hệ sinh thái vịnh và đời sống ngư dân. Cũng như nhiều dự án BRI khác, hợp đồng giữa công ty CCCC và chính quyền Sri Lanka chưa được công bố công khai.
Chính quyền Trung Quốc và các ngân hàng nhà nước Trung Quốc có đáp ứng ý kiến cộng đồng phản đối các dự án Vành đai và Con đường trong một số trường hợp. Vào tháng Ba, chính quyền Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch dùng thuốc nổ phá các vách đá và mô đá ngầm ở thượng nguồn Sông Mekong nhằm thông luồng cho các tàu lớn, sau khi bị cư dân và các nhóm bảo vệ môi trường ở Lào, Mymamar và Thái Lan phản đối mạnh mẽ. Cũng trong tháng Ba, Ngân hàng Trung Quốc – thuộc sở hữu nhà nước, nói rằng sẽ xem xét lại cam kết cho vay vốn đối với dự án nhà máy thủy điện Batang Toru ở Indonesia, khẳng định rằng ngân hàng này cam kết ủng hộ bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các nhà phê bình lo ngại rằng đập thủy điện này sẽ khiến môi trường xuống cấp và đe dọa đến loài đười ươi orangutan là loài được bảo tồn đặc biệt vì nguy cơ tuyệt chủng.
“Người dân và chính phủ của một số nước tham gia “Vành đai và Con đường” đang phản ứng lại các nguy cơ đối với cuộc sống, tài chính và môi trường của họ,” bà Wang nói. “Nhà cầm quyền Trung Quốc cần đáp ứng bằng cách đảm bảo có sự tham vấn cộng đồng hữu hiệu, tính minh bạch của dự án, tôn trọng các hành vi biểu tình ôn hòa và đáp ứng các quan ngại của cộng đồng.”