(Sydney) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng phía Australia cần thúc đẩy để đạt được tiến bộ cụ thể về nhân quyền trong đợt đối thoại nhân quyền song phương với Việt Nam vào ngày mồng 10 tháng Tám năm 2017 ở Canberra, xét tình hình gần đây đang xấu đi rất nhanh. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã có tờ trình về các lĩnh vực chủ chốt cần cải thiện, như những người bị giam, giữ vì lý do chính trị, chấm dứt sách nhiễu và bạo lực nhằm vào các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến, và tôn trọng quyền tự do biểu đạt và tự do tôn giáo.
“Trong năm 2017, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để đàn áp các tiếng nói phê bình trên mạng,” bà Elaine Pearson, Giám đốc phụ trách Australia nói. “Australia và các quốc gia khác cần có sự thống nhất về cách tiếp cận để buộc chính quyền Việt Nam chịu trách nhiệm, điều này có nghĩa là phải lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình trạng đàn áp các nhà hoạt động và blogger đang ngày càng tồi tệ đi.”
Chính quyền Việt Nam có hồ sơ từ lâu dài về hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và nhóm họp ôn hòa đối với các nhóm dám lên tiếng phê phán chính quyền. Những người dũng cảm lên tiếng thường phải chịu nhiều hình thức sách nhiễu của công an, trong đó có việc dọa nạt những người thân trong gia đình, tùy tiện cản trở đi lại trong nước và ra nước ngoài, hành hung thân thể một cách tàn ác, và phạt tiền.
Chính quyền Việt Nam cũng tùy tiện câu lưu và giam giữ công dân cách ly trong thời gian dài không được tiếp cận với nguồn trợ giúp pháp lý hay được gia đình thăm gặp. Tòa án ra các bản án tù dài hạn đối với các tội danh mơ hồ về an ninh quốc gia, có nội dung hình sự hóa các hành vi ngôn luận và hoạt động có tính phê phán chính quyền. Công an thường xuyên tra tấn các nghi can để ép nhận tội và đôi khi sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để đối phó với các cuộc biểu tình nơi công cộng.
Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động và blogger, những người đăng tải các ý kiến phê phán trên mạng xã hội, buộc tội nhiều người theo điều 88 của bộ luật hình sự về hành vi “tuyên truyền chống nhà nước.” Hơn 100 nhà hoạt động đang phải ngồi tù chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản về tự do biểu đạt, nhóm họp, lập hội và tôn giáo.
Hồi tháng Sáu, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã công bố một bản phúc trình ghi nhận 36 vụ tấn công các nhà hoạt động nhân quyền trong thời gian gần đây, trong đó có các vụ người dân bị những người mặc thường phục đánh đập, và những người này có vẻ như đang hành động với sự điều khiển hoặc cho phép của chính quyền. Công an thường không làm gì khi có khiếu nại tố cáo về các vụ tấn công dạng này. Trong một số vụ, việc đánh đập diễn ra ngay trước mắt công an mặc sắc phục mà họ không can thiệp, thậm chí ngay cả khi vụ đánh đập diễn ra chính trong đồn công an.
Gần đây nhất, Trần Thị Nga, tên khác là Thúy Nga, bị kết án chín năm tù theo điều 88 trong một phiên xử chỉ vỏn vẹn một ngày, sau khi bà chia sẻ các bài viết và đoạn phim trên mạng nêu các trường hợp vi phạm nhân quyền liên quan tới các thảm họa môi trường và tham nhũng chính trị. Báo chí nhà nước đưa tin bà bị truy tố vì đã “nói xấu chính quyền” và “gieo rắc tư tưởng phản động.” Trước đó một tháng, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bút danh Mẹ Nấm, bị kết án 10 năm tù, cũng theo điều 88.
Không chỉ có các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố hình sự theo bộ luật hà khắc của Việt Nam. Ngày mồng 1 tháng Giêng năm 2008, bộ luật hình sự sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực, với 1 điều khoản có nội dung buộc các luật sư bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không khai báo với chính quyền về một số hành vi phạm tội của thân chủ, trong đó có các tội về “an ninh quốc gia” được quy định chẳng hạn như trong điều 88. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã phản đối rằng một quy định pháp luật như thế sẽ tước bỏ quyền được bào chữa.
Chính quyền cũng thả một số tù nhân chính trị sau khi có sức ép quốc tế. Ngày 28 tháng Bảy năm 2017, một nhà hoạt động tôn giáo, Mục sư Nguyễn Công Chính, được phóng thích sau một cuộc gặp với giới chức Hoa Kỳ, và được đưa đi Mỹ sau khi bị kết án 11 năm tù về tội “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” theo điều 87 bộ luật hình sự. Vợ ông đã bị sách nhiễu và đánh đập sau khi gặp đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế, David Saperstein, hồi tháng Ba năm 2016.
Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau khi thả Mục sư Nguyễn Công Chính, vào ngày 30 tháng Bảy năm 2017, công an bắt bốn nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng và cựu tù nhân chính trị - Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức – vì bị cho là đã tiến hành “các hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ luật hình sự.
Công an cũng tuyên bố rằng luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà sẽ bị truy tố vì “các hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 chứ không phải điều 88, và nối vụ của họ với các vụ bắt giữ gần đây. Chính quyền đã bắt giữ hai người từ tháng Mười hai năm 2015 và giam họ suốt từ bấy đến nay. Tính từ tháng Mười một năm 2016, có ít nhất 14 nhà hoạt động nhân quyền khác đã bị bắt và truy tố về các tội danh an ninh quốc gia mơ hồ, và vẫn đang bị tạm giam chờ điều tra.
“Các nhà hoạt động và blogger Việt Nam hàng ngày phải đối mặt với sách nhiễu, dọa nạt, bạo lực và nhà tù,” bà Pearson nói. “Phía Australia cần thẳng thắn ép buộc Việt Nam chấm dứt các hành vi đàn áp này.”