Hôm thứ Ba, một tòa án ở Việt Nam vừa xử nhà hoạt động Trần Thị Nga chín năm tù, cộng thêm năm năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Bản án được đưa ra sau phiên xử trong một ngày – một bản án quá chóng vánh và nặng nề mà theo lời luật sư của bà Nga, là một bản án bỏ túi. Chồng con bà Trần Thị Nga cùng với những người ủng hộ và các nhà báo độc lập bị lực lượng an ninh ngăn cản không cho tới phiên tòa.
Đã từ lâu, Việt Nam vẫn sử dụng các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia để trừng phạt những người lên tiếng phê phán và dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến. Nhưng trong thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam ngày càng cứng rắn hơn, đưa ra các bản án vô cùng nặng nề và kiểm soát trên mạng gắt gao hơn.
Trần Thị Nga, còn được gọi là Thúy Nga, bị bắt giữ từ tháng Giêng vì đã chia sẻ các bài viết và video trên mạng, đưa tin về các trường hợp vi phạm nhân quyền liên quan tới khủng hoảng môi trường và tham nhũng chính trị. Theo báo chí của nhà nước, bà bị khởi tố về tội “bôi nhọ chính quyền” và “gieo rắc ý tưởng phản động.”
Trên mạng internet, Trần Thị Nga – một người lên tiếng phê phán thẳng thắn nạn công an bạo hành, cưỡng chế đất đai và xâm phạm quyền lợi người lao động – đã kết nối với một cộng đồng rộng lớn gồm các nhà hoạt động cùng chí hướng và những người ủng hộ. Phiên tòa xử bà diễn ra chỉ một tháng sau khi blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bút danh Mẹ Nấm, bị kết án 10 năm tù với cùng một tội danh theo điều 88 bộ luật hình sự. Trong khi mạng xã hội tạo môi trường nuôi dưỡng một diễn đàn dân chủ đang dần lớn mạnh ở Việt Nam, chính quyền đã gia tăng đàn áp các hoạt động trên mạng, ngăn chặn trang Facebook trong các cuộc biểu tình quy mô lớn và gây sức ép với các tập đoàn đa quốc gia để buộc họ hỗ trợ kiểm duyệt.
Suốt một thập niên, Trần Thị Nga đã đấu tranh chống lại bất công, mặc dù bị chính quyền đe dọa và hành hung. Tháng Tám năm 2015, bà bị lôi khỏi xe buýt và bị công an mặc thường phục tấn công sau khi vừa đi thăm một tù nhân chính trị mới được thả. Tháng Năm năm 2014, một vụ tấn công có chủ đích do năm người đàn ông tiến hành trên đường phố Hà Nội khiến bà bị gẫy tay gẫy chân. Nhưng bà không chịu bỏ cuộc, vẫn tiếp tục lên tiếng phản đối các vụ hành hung và lên án chính sách sử dụng bạo lực của chính quyền.
Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cả hai đều là các nhân vật nổi tiếng trong mạng lưới các nhà hoạt động, đều thường xuyên vận động cho các tù nhân chính trị trên khắp đất nước. Hiện có khoảng hơn 100 người đang bị giam cầm chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của mình.
Các bản án dành cho hai người phụ nữ này là sự trả thù đối với tinh thần độc lập, lãnh đạo và đoàn kết của họ. Nhưng trong vai trò một lời đe dọa gửi tới các nhà bảo vệ nhân quyền khác, hai bản án này dường như không đạt được hiệu quả dập tắt tiếng nói như chính quyền mong muốn. Một bản kiến nghị kêu gọi phóng thích Trần Thị Nga vào tháng Hai, do gần 900 nhà hoạt động ký tên, có đoạn nêu rõ: “Việc bắt giam bà Nga không thể làm nhụt chí những người có lương tri, tâm huyết và can đảm. Ngược lại, phong trào đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, phản đối mọi sự khủng bố bạo ngược càng thêm mạnh mẽ.”