(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga và hủy bỏ mọi cáo buộc có động cơ chính trị đối với bà. Các nhà tài trợ cho Việt Nam cần công khai kêu gọi chính phủ nước này chấm dứt sách nhiễu và truy tố những người lên tiếng phê phán và vận động nhân quyền.
Trần Thị Nga (còn được biết đến với tên khác là Thúy Nga), 40 tuổi, bị bắt vào ngày 21 tháng Giêng năm 2017 với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự. Báo chí nhà nước đưa tin rằng Trần Thị Nga đã “truy cập mạng Internet đưa một số video, clip, bài viết tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
“Chính quyền Việt Nam coi việc truy cập Internet và đăng tải quan điểm phê phán là một tội hình sự thì thật là kỳ cục,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần nói thẳng và rõ ràng rằng mình sẽ xem xét lại quan hệ nếu chính phủ Việt Nam cứ tiếp tục bỏ tù những người phê phán ôn hòa.”
Chỉ trong năm tháng vừa qua, chính quyền đã bắt ít nhất là hơn một chục nhà hoạt động và blogger và cáo buộc họ với các tội danh mơ hồ về an ninh quốc gia.
Bà Trần Thị Nga từ lâu nay vẫn bị đe dọa, sách nhiễu, câu lưu, thẩm vấn và hành hung vì đã hoạt động vì người lao động và trong các lĩnh vực khác. Bà cũng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bảo vệ môi trường, đến các phiên tòa xử các nhà hoạt động nhân quyền và blogger, và tới thăm gia đình các tù nhân chính trị để bày tỏ tình đoàn kết. Bà từng là thành viên trong ban điều hành hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, được thành lập vào tháng Mười một năm 2013.
Tháng Năm năm 2013, bà Trần Thị Nga và hai con trai, lúc đó mới được 3 tuổi và 5 tháng, đi từ Hà Nam lên Hà Nội để dự một buổi dã ngoại nhân quyền ở Công viên Nghĩa Đô vào ngày hôm sau. Công an gây áp lực buộc chủ nhà trọ đuổi họ ra vào lúc nửa đêm, giữa trời mưa, khiến ba mẹ con phải ra vỉa hè mãi cho đến khi bạn bè đến giúp được.
Tháng Năm năm 2014, một nhóm năm người đàn ông tấn công bà Nga bằng gậy sắt, khiến bà Nga bị gãy chân gãy tay. Tháng Ba năm 2015, nhân viên an ninh ở Hà Nội câu lưu và áp giải bà về quê ở Hà Nam. Trên đường đi, một người bẻ cổ và bịt miệng khiến bà không kêu cứu được. Hai người khác giữ chân tay bà trong khi người còn lại tát và đấm bà. Tháng Hai năm 2016, trên đường từ một siêu thị ở Phủ Lý, Hà Nam về nhà, ba mẹ con bà bị những người đàn ông mặc thường phục ném mắm tôm vào người. Bà bị thương ở mắt và cậu con trai lớn, Phú, bị dị ứng.
Những vụ bắt giữ khác trong thời gian gần đây gồm có:
- Ngày 19 tháng Giêng, công an Nghệ An bắt giữ một cựu tù nhân chính trị, Nguyễn Văn Oai, vì cho rằng ông vi phạm lệnh quản chế. Ông bị bắt từ tháng Tám năm 2011 với cáo buộc đã tham gia Việt Tân – một đảng chính trị tại hải ngoại bị Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật, và bị kết án bốn năm tù. Sau khi hoàn tất án tù vào tháng Tám năm 2015, ông bị quản chế thêm bốn năm nữa. Hiện nay ông vẫn đang bị giam giữ.
- Ngày 11 tháng Giêng, công an tỉnh Hà Tĩnh bắt nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Hóa, người đã vận động chống Công ty Thép Formosa vì gây ra thảm họa môi trường vào tháng Tư năm 2016. Ông bị cáo buộc đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước” theo điều 258 của bộ luật hình sự.
- Tháng Mười hai năm 2016, công an tỉnh Thanh Hóa bắt Nguyễn Danh Dũng vì cho là anh tham gia Thiên An TV, một kênh trên YouTube có nội dung phê phán chính phủ, và buộc anh tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước” theo điều 258 của bộ luật hình sự.
- Tháng Mười một, công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt một blogger, Hồ Văn Hải (bút danh Bác sĩ Hồ Hải) vì phê phán chính quyền trên mạng, theo điều 88 bộ luật hình sự. Hai nhà hoạt động khác, Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ cũng bị bắt ở Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng Mười một vì vận động thành lập một nhóm dân chủ với tên gọi là Liên minh Dân tộc Việt Nam và bị buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ luật hình sự.
- Tháng Mười, công an tỉnh Khánh Hòa bắt blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm), vì các bài đăng trên mạng và cáo buộc cô tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự.
- Tháng Chín, công an tỉnh Gia Lai bắt giữ bốn người Thượng – Puih Bop (tên khác là Ama Phun), Ksor Kam (tên khác là Ama H’Trưm), Đinh Nông (tên khác là Bá Pol) và Rơ Lan Kly (tên khác là Ama Blan) – vì tham gia vào nhà thờ Tin lành Đề Ga độc lập và cáo buộc họ tội phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc theo điều 87 bộ luật hình sự.
Việt Nam hiện có ít nhất 112 nhà hoạt động và blogger đang thụ án tù chỉ vì thực thi các quyền tự do cơ bản của mình, như tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo. Từ lâu rồi, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã kêu gọi loại bỏ những điều luật có nội dung hình sự hóa ngôn luận ôn hòa ở Việt Nam.
“Việt Nam có một quá trình dài trừng phạt bất cứ ai bị Đảng Cộng sản cầm quyền coi là mối đe dọa tới vị thế độc tôn quyền lực của mình,” ông Adams nói. “Việt Nam cần gia nhập thế kỷ 21 và loại bỏ những điều luật hà khắc có từ thời trước.”