Đối thoại Nhân quyền EU- Việt Nam
Khuyến nghị của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
Tháng Mười hai năm 2015
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá cao cơ hội được đóng góp vào công việc chuẩn bị đang xúc tiến, hướng tới cuộc đối thoại nhân quyền sắp tới giữa EU và Việt Nam, dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15 tháng Mười hai năm 2015.
Dù mức tăng trưởng kinh tế được phục hồi và đã có tiến bộ về một vài chỉ số xã hội trong năm 2015, thành tích của Việt Nam về các quyền chính trị và dân sự vẫn còn rất ảm đạm. Đảng Cộng sản đang cầm quyền vẫn độc chiếm quyền lực chính trị và không cho phép bất cứ sự thách thức nào đụng chạm tới quyền lãnh đạo của mình. Các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do chính kiến, tự do báo chí, lập hội và tự do tôn giáo đều bị xiết chặt. Các nhà hoạt động về nhân quyền cũng như các blogger bất đồng chính kiến luôn phải đối mặt với sự sách nhiễu và đe dọa thường trực, kể cả việc bị hành hung và giam giữ. Nông dân tiếp tục bị mất đất cho các dự án phát triển mà không được đền bù thỏa đáng và công nhân không được phép tự thành lập công đoàn độc lập.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị EU nên tập trung vào vấn đề những người đang bị giam, giữ vì lý do chính trị, và xem xét ba nội dung ưu tiên trong cuộc đối thoại về nhân quyền sắp tới với Việt Nam. Các lĩnh vực cần ưu tiên nói trên là: tình trạng đè nén quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội; tình trạng đè nén quyền tự do thực hành tôn giáo; và nạn công an bạo hành.
Mặc dù Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hoan nghênh cuộc đối thoại nhân quyền, coi đó là một phương tiện để tiếp xúc với chính quyền Việt Nam về các quan ngại nhân quyền, chúng tôi cho rằng điều quan trọng hơn hết là phải duy trì mối quan tâm về nhân quyền như một phần hữu cơ của quan hệ EU – Việt Nam ở mọi cấp độ. EU cần bảo đảm rằng đây không phải là một cuộc đối thoại biệt lập, không có hoặc có rất ít ảnh hưởng tới quan hệ tổng thể giữa EU với Việt Nam.
1. Những người đang bị giam, giữ vì lý do chính trị
Hồ sơ về “thành tích” của chính quyền Việt Nam kết án các nhà hoạt động và blogger ôn hòa với mức án tù nặng nề chỉ vì họ đã thực thi các quyền cơ bản của mình vẫn đang ngày một dày lên. Chính quyền thường xuyên tạm giữ người dân trong thời gian kéo dài với lý do bị gán cho là vi phạm an ninh quốc gia mà không được tiếp cận nguồn trợ giúp pháp lý hay được gia đình thăm gặp, và không được chăm sóc y tế đầy đủ.
Tháng Mười một năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang báo cáo trước Quốc hội rằng từ tháng Sáu năm 2012 đến tháng Mười một năm 2015, “ngành công an đã tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 1.410 vụ, 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia.” Ông ta cho biết, “Cũng trong khoảng thời gian này, số đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội, nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh, thành.”
Việt Nam thường sử dụng các điều luật về an ninh quốc gia trong bộ luật hình sự và các luật khác có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện để xử tù những người bất đồng chính kiến ôn hòa về chính trị và tôn giáo. Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009, các tội danh đó bao gồm “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79, khung hình phạt cao nhất là tử hình); “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” (điều 87, khung hình phạt tới 15 năm tù); “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88, khung hình phạt tới 20 năm tù); “phá rối an ninh” (điều 89, khung hình phạt tới 15 năm tù); “trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (điều 91, khung hình phạt tới án tù chung thân); “hình phạt bổ sung” tước bỏ một số quyền của những người từng bị xử tù về các tội “an ninh quốc gia,” buộc họ phải chịu quản chế có thể lên tới năm năm và có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (điều 92). Việt Nam cũng sử dụng các điều khoản khác trong bộ luật hình sự để đối phó với những người phản đối chính quyền một cách ôn hòa, như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (điều 258), “gây rối trật tự công cộng” (điều 245) và các cáo buộc khác như trốn thuế.
Đáng lẽ phải hủy bỏ các điều luật hà khắc này, thì Quốc hội Việt Nam lại thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi vào ngày 27 tháng Mười một năm 2015, có vẻ còn đặt ra nhiều trách nhiệm hình sự hơn đối với các nhà hoạt động và blogger. Trong số các quy định pháp luật khắt khe hơn trước, có thể kể khoản mới trong điều 109 (trước đây là điều 79), điều 117 (trước đây là điều 88), và điều 118 (trước đây là điều 89), quy định rằng “Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.” Bộ luật sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày mồng 1 tháng Bảy năm 2016.
Các blogger Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm), Nguyễn Thị Minh Thúy, và Nguyễn Đình Ngọc (bút danh Nguyễn Ngọc Già) bị bắt từ năm 2014 vì viết blog ủng hộ dân chủ, vẫn đang bị công an giam giữ và chưa đưa ra xét xử tính đến thời điểm bản khuyến nghị này được viết.
Vào tháng Tư, chính quyền bắt giữ Nguyễn Viết Dũng vì tham gia vào một cuộc tuần hành “bảo vệ cây xanh” ở Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội và truy tố anh về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245 bộ luật hình sự. Tháng Tám, công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ Đinh Tất Thắng về hành vi phát tán thư tín có nội dung phê bình lãnh đạo và công an tỉnh. Ông bị truy tố theo điều 258. Tháng Chín, công an tỉnh Thái Bình bắt giữ cựu tù nhân chính trị Trần Anh Kim về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 luật hình sự vì cho rằng ông đã thành lập một nhóm ủng hộ dân chủ. Ông Trần Anh Kim vừa mới thi hành xong bản án năm năm sáu tháng tù vào tháng Giêng năm 2015, cũng với điều luật 79 vì bị cho rằng có liên hệ với Đảng Dân chủ Việt Nam bị chính quyền cấm. Tháng Mười một, công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ Nguyễn Hữu Quốc Duy với cáo buộc vi phạm điều 88 vì cho rằng anh đã đăng các lời nhận xét phê phán chính quyền trên facebook.
Tình trạng phân biệt đối xử với những phạm nhân là người dân tộc thiểu số còn có thể làm cho điều kiện giam giữ vốn đã khủng khiếp trở nên tệ hơn rất nhiều. Nhiều người dân tộc thiểu số bị đặt vào tầm ngắm bắt giữ của chính quyền chỉ vì họ theo các tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn hoặc vì tín ngưỡng của họ.
Những người đang bị tù giam vì đã thực thi quyền tự do ngôn luận và nhóm họp một cách ôn hòa gồm có: 1) Trần Huỳnh Duy Thức (bị kết án 16 năm tù); 2) Ngô Hào (15 năm); 3) Hồ Đức Hòa (13 năm); 4) Đặng Xuân Diệu (13 years); 5) Nguyễn Công Chính (11 năm); 6) Phạm Thị Phượng (11 năm); 7) Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (9 years); 8) Trần Thị Thúy (8 năm); 9) Nguyễn Đặng Minh Mẫn (8 năm); 10) Cha Nguyễn Văn Lý (8 năm); 11) Phùng Lâm (7 years); 12) Đoàn Huy Chương (7 năm); 13) Phạm Văn Thông (7 năm); 14) Nguyễn Ngọc Cường (7 năm); 15) Trần Vũ Anh Bình (6 năm); 16) Nguyễn Kim Nhàn (5 năm sáu tháng); và nhiều người khác.
Những người dân tộc thiểu số bị tù giam vì thực thi quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng và tôn giáo gồm có: 1) Rmah Hlách (tên khác: Ama Blút; bị kết án 12 năm tù); 2) Siu Hlom (12 năm); 3) Siu Ben (12 năm); 4) Nơh (12 years); 5) A Tách (tên khác: Bă Hlôl; 11 years); 6) Đinh Yum (11 năm); 7) Kpuih Khuông (11 năm); 8) Rung (10 năm); 9) Siu Nheo (10 năm); 10) Siu Wiu (10 năm); 11) Siu Brơm (10 năm); 12) Siu Thái (tên khác: Ama Thương; 10 năm); 13) Nhi (tên khác: Bă Tiêm; 10 năm); 14) Rôh (10 năm); 15) A Kuin (tên khác: Bă Chăn; 9 năm 6 tháng); 16) Rưn (9 năm); 17) Rơ Mah Plă (tên khác: Ama Em; 9 năm); 18) Rah Lan Mlih (9 năm); 19) Rơ Mah Pró (9 năm); 20) Rah Lan Blom (9 năm); 21) Siu Kơch (a.k.a. Ama Liên; 9 năm); 22) Kpuil Mel (9 năm); 23) Rơ Lan Jú (tên khác: Ama Suit; 9 năm); 24) Pinh (9 năm); 25) Jơnh (tên khác: Chình; 9 năm); 26) Rmah Khil (9 năm); 27) Rmah Bloanh (8 năm); 28) Kpuil Lễ (8 years); 29) Kpă Sinh (8 năm); 30) Rơ Mah Klít (8 năm); 31) Am Linh (tên khác Bă Blưng; 8 năm); 32) Chi (8 năm); 33) Yưh (tên khác: Bă Nar; 8 năm); 34) Rơ Mah Then (8 năm); 35) Byưk (8 năm); 36) A Hyum (tên khác: Bă Kôl; 8 năm); 37) Siu Tinh (8 năm); và nhiều người khác.
Khuyến nghị
Trong cuộc đối thoại sắp tới, EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Phóng thích toàn bộ những người đang bị giam, giữ vì lý do chính trị, bao gồm những người bị cầm tù hoặc tạm giam vì đã thực thi các quyền tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do đi lại hay tham gia chính trị và tôn giáo, đồng thời chấm dứt việc bắt giữ, tạm giữ những người khác vì các hành vi nêu trên.
- Sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều khoản trong bộ luật hình sự và các bộ luật khác có nội dung hình sự hóa các hành vi bất đồng chính kiến ôn hòa bằng cách quy kết lệch lạc thành các tội danh về “an ninh quốc gia.”
- Với mục đích tạo dựng lòng tin ngay lập tức, cho phép gia đình, những người trợ giúp pháp lý, và những quan sát viên của EU và các tổ chức nhân quyền và nhân đạo quốc tế tiếp xúc với những người đang bị bỏ tù hoặc tạm giam.
EU cũng nên kêu gọi Việt Nam phóng thích ngay lập tức những người bị cầm tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị có vấn đề sức khỏe để họ được khám chữa bệnh đầy đủ. Những trường hợp khẩn cấp nhất cần phóng thích ngay lập tức là Cha Nguyễn Văn Lý, các nhà hoạt động tôn giáo Ngô Hào và Nguyễn Công Chính và các blogger Đặng Xuân Diệu và Nguyễn Hữu Vinh.
2. Đè nén quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội
Việt Nam tiếp tục đàn áp những hành vi bày tỏ bất đồng của các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động, và trừng phạt họ về việc thành lập các tổ chức bị chính quyền cho là đi ngược lại lợi ích của mình. Chính quyền cấm mọi đảng phái chính trị, công đoàn và tổ chức nhân quyền độc lập với chính phủ hay Đảng Cộng sản.
Vì công luận đang chú ý tới vấn đề quyền lợi của người lao động, vào tháng Sáu năm 2014, chính quyền Việt Nam phóng thích nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh, trước đó bị bắt và truy tố trong năm 2010 theo điều 89 của bộ luật hình sự năm 2009 vì đã hỗ trợ tổ chức một cuộc đình công tự phát. Nhưng những nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động khác, trong đó có Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, vẫn đang phải thi hành bản án nặng nề. Ngày 22 tháng Mười một năm 2015, công an tỉnh Đồng Nai câu lưu và hành hung Đỗ Thị Minh Hạnh vì giúp công nhân ở công ty Yupoong thực thi các quyền của mình.
Các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam phát biểu rằng việc côn đồ hay công an thường phục hành hung và sách nhiễu họ đang trở thành một thông lệ mới. Côn đồ, có vẻ là nhân viên công lực mặc thường phục, đã và đang tấn công các nhà bất đồng chính kiến với tần suất ngày càng cao, thường ở nơi công cộng và hoàn toàn được miễn trách nhiệm hình sự. Công an mặc cảnh phục không can thiệp, nhiều khả năng vì họ tin rằng những kẻ hành hung là nhân viên an ninh. Chính quyền cũng đã sử dụng những kẻ được ủy quyền trên mạng xã hội để tấn công và thóa mạ các nhà hoạt động và các blogger.
Trong năm 2015, có ít nhất 40 blogger và nhà hoạt động nhân quyền bị nhân viên an ninh mặc thường phục đánh đập. Trong đó có Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, J.B Nguyễn Hữu Vinh, Trần Thị Nga, Nguyễn Chí Tuyến, Trịnh Anh Tuấn, Đinh Quang Tuyến, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Chu Mạnh Sơn, Đinh Thị Phương Thảo và Trần Minh Nhật. Không một ai liên quan đến các vụ tấn công đó bị truy cứu trách nhiệm.
Khuyến nghị
Trong cuộc đối thoại sắp tới, EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Xây dựng luật báo chí cho phù hợp với điều 19 của công ước ICCPR.
- Cho phép xuất bản các tờ báo và tạp chí tư nhân, độc lập và không bị kiểm duyệt.
- Gỡ bỏ mọi hạn chế về sử dụng Internet, như chặn lọc, theo dõi, và trả tự do cho những người bị tù giam vì đã phát tán quan điểm của mình trên mạng Internet một cách ôn hòa.
- Đưa các quy định pháp luật điều chỉnh việc tụ tập nơi công cộng và biểu tình cho phù hợp với các quyền tự do nhóm họp và lập hội nêu trong điều 21 và 22 của công ước ICCPR.
- Giải quyết các khiếu kiện về đất đai và tham nhũng của quan chức địa phương mà không dùng đến bạo lực quá mức cần thiết hay các vi phạm nhân quyền khác, bằng cách tăng cường hệ thống pháp luật và tính độc lập của ngành tư pháp và cung cấp các dịch vụ pháp lý đến tận người dân nghèo ở các vùng nông thôn.
- Cho cá nhân người dân có quyền tự do và ôn hòa lập hội với những người khác có cùng quan điểm, dù những quan điểm của họ có đi ngược lại với các quan điểm chính trị và tư tưởng đã được Đảng và nhà nước chấp thuận.
- Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện những người bị bắt giữ vì các hành động ôn hòa nhằm bảo vệ quyền tự do lập hội của những người lao động, trong đó có quyền thành lập và gia nhập công đoàn theo sự lựa chọn riêng; nhóm họp ôn hòa để bảo vệ và đòi hỏi các quyền của họ; và thực thi các quyền tự do ngôn luận đại diện cho người lao động và các mối quan tâm của họ.
- Lập tức công nhận các công đoàn độc lập.
- Phê chuẩn các Công ước ILO số 87 (Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được lập hội) và số 98 (Quyền Lập hội và Thương lượng Tập thể).
- Chấm dứt ngay lập tức nạn côn đồ được chính quyền dung túng.
3. Đè nén quyền tự do tôn giáo
Chính quyền khống chế việc thi hành tín ngưỡng bằng pháp luật, bằng quy định đăng ký, sách nhiễu và theo dõi. Các nhóm tôn giáo phải được phê duyệt và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước quản lý.
Song song với việc cho phép rất nhiều nhà thờ, chùa chiền chịu phục tùng chính quyền được tiến hành các hoạt động thờ cúng, chính quyền cấm các hoạt động tôn giáo mà họ tùy tiện cho là đi ngược lại “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội,” hay “khối đại đoàn kết dân tộc.” Trong năm 2015, chính quyền can thiệp vào các hoạt động tôn giáo của các chi nhánh không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ Tin lành và Công giáo tại gia ở khu vực Tây Nguyên và nhiều nơi khác, của các chùa Phật giáo Khmer Krom, và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Tháng Giêng năm 2015, đặc sứ của Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng Heiner Bielefeldt công bố một bản báo cáo nêu rõ các “vấn đề nghiêm trọng” trong chính sách tôn giáo của chính quyền Việt Nam, đáng lưu ý là “các quy định pháp luật với nội dung có thể mở ra hành lang pháp lý rất rộng để quản lý, hạn chế, kiểm soát hay cấm đoán việc thực thi quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.”
Tháng Tư năm 2015, Bộ Nội Vụ công bố dự thảo lần thứ tư của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, dự kiến sẽ được đưa ra Quốc hội thông qua vào năm 2016. Mặc dù dự thảo có thể hiện một số cải tiến nhỏ so với khung pháp lý hiện hành, nhưng vẫn duy trì các cơ chế tạo điều kiện cho chính quyền đàn áp những nhóm tôn giáo không vừa ý, thậm chí tăng cường uy thế pháp lý cho các cơ chế đó.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng muốn nhấn mạnh việc chính quyền Việt Nam vẫn đang tiếp tục đàn áp những người Thượng theo Thiên Chúa Giáo ở Tây Nguyên, một khía cạnh thể hiện tình trạng vi phạm nhân quyền rộng lớn hơn đối với những người dân tộc thiểu số theo tôn giáo trên khắp đất nước. Bị quy kết là theo “tà đạo,” những tín đồ người Thượng theo dòng Đề Ga và Hà Mòn của Thiên Chúa Giáo bị đàn áp theo chính sách nhà nước ở cấp cao. Họ bị theo dõi liên tục và phải chịu nhiều hình thức đe dọa, bắt giữ tùy tiện, và ngược đãi khi bị lực lượng an ninh giam giữ. Trong lúc bị bắt giữ, họ bị chính quyền chất vấn về các hoạt động tôn giáo và chính trị, và có kế hoạch trốn khỏi Việt Nam hay không. Trong năm qua, hàng trăm người đã trốn chạy sang Campuchia và các khu vực khác của Đông Nam Á. Chính quyền Việt Nam đã đối phó với việc người Thượng trốn sang Campuchia bằng cách gây sức ép với chính quyền Campuchia ngăn chặn những người trốn qua biên giới và từ chối không cho những người đã trốn qua được đăng ký tị nạn; đến lượt mình, chính quyền Campuchia cũng từ chối nhiều người không cho đăng ký tị nạn.
Khuyến nghị
Trong cuộc đối thoại sắp tới, EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và tự quản. Các cơ sở thờ tự hay dòng phái không muốn tham gia một tổ chức tôn giáo được chính quyền cho phép, với ban trị sự được chính quyền phê chuẩn, cần được cho phép hoạt động độc lập.
- Chấm dứt sách nhiễu, bắt giữ, kết án, bỏ tù và ngược đãi người dân chỉ vì họ là tín đồ các tôn giáo không vừa ý nhà nước, và phóng thích tất cả những người hiện đang bị giam giữ vì ôn hòa thực thi các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn luận, nhóm họp và lập hội.
- Chấm dứt mọi biện pháp ngăn chặn người Thượng và các công dân Việt Nam khác rời khỏi đất nước và không trừng phạt những người hồi hương.
- Bảo đảm mọi quy định pháp luật trong nước liên quan tới tôn giáo phải phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền, trong đó gồm có Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam và EU đều đã tham gia ký kết. Cần sửa đổi các quy định pháp luật trong nước đang xâm phạm tự do tôn giáo và tín ngưỡng, tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, đi ngược lại với nội dung ICCPR.
- Cho phép các quan sát viên bên ngoài, như các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ quan tâm tới nhân quyền, và các nhà ngoại giao nước ngoài, được tới thăm vùng Tây Nguyên mà không bị cản trở hay đi cùng, cụ thể là đến các xã, thôn có người Thượng mới trốn đi tị nạn ở nước ngoài. Bảo đảm sẽ không trả đũa hay trừng phạt đối với những người nói chuyện hoặc liên hệ với những quan sát viên quốc tế nói trên.
4. Nạn công an bạo hành: Tra tấn và đối xử tàn ác, vô nhân và nhục mạ
Trên khắp các vùng miền, công an Việt Nam đã và đang bạo hành những người bị giam giữ, thậm chí dẫn đến cái chết trong một số trường hợp. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân tử vong chỉ bị câu lưu vì những lỗi nhỏ. Nhiều người sống sót cho biết họ bị đánh đập để buộc nhận tội, đôi khi về những hành vi họ đã tuyên bố không hề thực hiện. Dù chính quyền có cam kết sẽ khắc phục sau khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố phúc trình về nạn công an bạo hành, dường như những cán bộ công an đã gây ra những sai phạm nghiêm trọng, thậm chí chết người, rất ít khi phải chịu những hậu quả tương xứng theo luật định.
Khuyến nghị
Trong cuộc đối thoại sắp tới, EU cần:
- Thể hiện quan ngại mạnh mẽ với quan chức Việt Nam về nạn công an bạo hành, nhấn mạnh rằng các hành vi đó vi phạm pháp luật cả trong nước lẫn công pháp quốc tế, và những thủ phạm phải bị trừng trị, và nạn nhân phải được bồi thường và bù đắp.
- Thúc đẩy chính quyền Việt Nam xây dựng một cơ chế trách nhiệm hiệu quả. Ví dụ như, Việt Nam cần thành lập một ủy ban độc lập về khiếu tố đối với ngành công an để tiếp nhận những khiếu nại của người dân, và giám sát các cơ quan “thanh tra nội bộ” hay “giám sát trách nhiệm nghề nghiệp” của công an. Ủy ban này cần phải là pháp nhân có chức năng pháp lý có thể khởi tố hoặc áp đặt kỷ luật nếu cơ quan “thanh tra nội bộ” hay “giám sát trách nhiệm nghề nghiệp” không làm được việc đó dù đã có thông tin cáo buộc đáng tin cậy.
- Sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự để tạo điều kiện cho luật sư hay người trợ giúp pháp lý có mặt ngay sau khi bắt giữ, tạm giam để:
- Luật sư hay người trợ giúp pháp lý chỉ cần xuất trình chứng minh thư và một bản photocopy có công chứng của giấy phép hành nghề là có thể gặp thân chủ.
- Luật sư hay người trợ giúp pháp lý được phép gặp riêng thân chủ ở nơi kín đáo và không hạn chế thời gian.
- Luật sư hay người trợ giúp pháp lý được phép có mặt tại tất cả các buổi lấy cung giữa công an và nghi can.