(New York) - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tuyên bố, ba nhà hoạt động trẻ tuổi từng vận động bảo vệ quyền lợi người lao động và các nạn nhân bị tịch thu oan đất đai ở Việt Nam phải được thả ngay lập tức. Họ bị bắt giam từ tháng Hai năm 2010; cho đến nay, gia đình những người này hầu như không có tin tức gì về họ.
Đoàn Huy Chương, 25 tuổi, bị bắt ngày 11 tháng Hai ở tỉnh Trà Vinh và bị áp giải về Thành phố Hố Chí Minh. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 29 tuổi, bị bắt ngày 24 tháng Hai, và Đỗ Thị Minh Hạnh, 25 tuổi, bị bắt ngày 23 tháng Hai ở tỉnh Lâm Đồng. Được biết, công an nói với gia đình họ rằng ba người này bị bắt vì rải truyền đơn chống chính phủ. Tuy nhiên, thực tế họ có bị truy tố vì tội danh gì hay không thì vẫn chưa rõ.
"Đã ba tháng rồi, và họ vẫn bặt vô âm tín", ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. "Thông lệ đối xử khắc nghiệt với tù nhân chính trị ở Việt Nam khiến chúng tôi quan ngại rằng chính quyền có thể sử dụng các biện pháp tàn nhẫn, phi nhân tính hoặc nhục mạ, thậm chí tra tấn - để buộc ba nhà hoạt động trẻ tuổi này phải nhận tội."
Đoàn Huy Chương là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội Đoàn kết Công Nông và đã từng bị tù 18 tháng vào năm 2006 với tội danh "lợi dụng tự do dân chủ". Thân phụ của Chương, ông Đoàn Văn Diên, cũng bị bắt với tội danh trên cùng năm 2006, hiện vẫn đang bị giam ở Trại B5, thuộc tỉnh Đồng Nai. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh tích cực ủng hộ phong trào khiếu kiện của Dân Oan, hỗ trợ công nhân nghèo và nông dân mất đất đòi chính quyền phải xem xét lại việc đền bù cho họ.
Kể từ khi bị bắt - mà không một đài báo chính thức nào ở Việt Nam đưa tin - chính quyền vẫn không cho phép gia đình và luật sư liên lạc với ba người này, ngoại trừ một lần thân mẫu của Đỗ Thị Minh Hạnh được gặp con vào ngày 14 tháng Năm.
Các cơ quan quản lý trại giam ở Việt Nam thường xuyên ngược đãi và tra tấn tù nhân chính trị trong quá trình thẩm vấn nhằm ép họ ký tên vào bản nhận tội đã được viết sẵn, buộc họ khai báo thông tin về những nhà hoạt động khác. Trong thời gian tạm giữ chờ xét xử, có khi kéo dài tới 20 tháng, tù nhân chính trị thường bị cùm biệt giam trong các xà lim tối và không được sự đãi ngộ nào khác ngoài các cuộc thẩm vấn và sự ngược đãi.
Biệt giam người, không cho phép liên hệ với bất cứ ai khác suốt ba tháng, không cho họ tiếp cận các nguồn trợ giúp pháp lý cũng đồng nghĩa với việc giam giữ dài hạn một cách tùy tiện, vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính quyền Việt Nam cung cấp luật sư cho ba người nói trên ngay lập tức, đồng thời công bố tội danh truy tố, hoặc trả tự do cho họ.