(Bangkok) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc và ngay lập tức phóng thích các blogger Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Ba Sàm) và Nguyễn Thị Minh Thúy. Hai người bị bắt vào ngày mồng 5 tháng Năm năm 2014 và bị cáo buộc theo điều 258 của Bộ luật Hình sự với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.”
“Việc Việt Nam bắt giữ thêm nhiều blogger với cáo buộc lợi dụng “các quyền tự do dân chủ” là một động thái vừa lố bịch vừa đáng sợ,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Việt Nam cần ngay lập tức hủy bỏ các cáo buộc giả hiệu này, và bước tiếp theo là xóa bỏ điều 258 và các điều khoản khác của bộ luật hình sự thường được mang ra sử dụng để trừng phạt các hành vi tự do ngôn luận.”
Các blogger Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy chỉ là hai trong số ngày càng nhiều người lên tiếng phê bình một cách ôn hòa bị cáo buộc theo điều 258. Trong ba tháng đầu năm 2014, ít nhất có sáu người khác đã bị xét xử cũng theo tội danh đó, gồm có các blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, và các nhà hoạt động nhân quyền người thiểu số Thào Quán Mua, Dương Văn Tu, Lý Văn Dinh và Hoàng Văn Sang.
Nguyễn Hữu Vinh, 58 tuổi, từng là công an và đảng viên Đảng Cộng sản, từng công tác ở Ủy ban Việt kiều. Cha ông là Nguyễn Hữu Khiếu, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Công an Liên khu 4 gồm nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô. Sau khi bỏ việc nhà nước vào giữa thập niên 1990, Nguyễn Hữu Vinh học luật. Năm 2000, Nguyễn Hữu Vinh thành lập Công ty TNHH Điều tra và Bảo vệ - V, là công ty thám tử tư đầu tiên ở Việt Nam. Ngày mồng 9 tháng Chín năm 2007, Nguyễn Hữu Vinh mở blog Ba Sàm - cơ quan ngôn luận Thông tấn xã Vỉa hè trên mạng xã hội Yahoo 360 thời đó.
Có rất ít thông tin công khai về Nguyễn Thị Minh Thúy, 34 tuổi. Theo một nguồn tin chưa được kiểm chứng, có thể cô đã làm việc tại công ty Điều tra và Bảo vệ - V, và trợ giúp Nguyễn Hữu Vinh điều hành blog Ba Sàm.
Dưới khẩu hiệu “Phá vòng nô lệ,” mục tiêu chính của Ba Sàm là mang lại tin tức từ nhiều góc nhìn đến cho độc giả. Ba Sàm dẫn đường link tới các tin “nóng sốt” (nhiều khi kèm theo lời bình ngắn của người quản trị blog) về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và thời sự thế giới từ nhiều nguồn, cả báo chí nhà nước Việt Nam lẫn các blog cá nhân. Blog cũng chỉ dẫn người đọc cách vượt tường lửa do nhà nước Việt Nam dựng, để đọc tin tức phát hành bên ngoài Việt Nam, trong đó có những bài đăng trên các trang thường xuyên bị chặn như Đài Á Châu Tự do (Bộ phận Việt ngữ), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Bộ phận Việt ngữ), Đài BBC (Bộ phận Việt ngữ) và các trang web khác. Ba Sàm cũng đăng các bài phân tích, bình luận và bản dịch tiếng Việt của các bài viết ở nước ngoài về tình hình chính trị, xã hội Việt Nam.
Chỉ trong vài năm, Ba Sàm trở thành một trong những blog quan trọng nhất được viết ngay tại Việt Nam, với số độc giả tăng theo cấp số nhân. Đến năm 2014, hàng ngày blog được hàng vạn độc giả ở Việt Nam truy cập, và tổng số lượt xem có thể lên tới hàng triệu với các độc giả từ hàng chục quốc gia trên khắp thế giới. Với thành công bất ngờ này, blog Ba Sàm đã phải nhận rất nhiều vụ tấn công trên mạng, cả dưới hình thức DDS (từ chối dịch vụ) và hack xâm nhập. Báo chí nhà nước Việt Nam từng nêu đích danh blog này để phê phán, và chính quyền từng lặng lẽ yêu cầu người sáng lập gỡ bỏ một số tin khỏi blog. Trong tháng Chín năm 2012, năm năm sau ngày khai sinh Ba Sàm, Nguyễn Hữu Vinh tuyên bố không trực tiếp tham gia trang blog nữa để tránh gây thêm “không khí sặc mùi thuốc súng” và nhường quyền điều hành cho biên tập viên Ngọc Thu và các trợ lý khác.
Vào ngày mồng 10 tháng Tư năm 2014, sau hàng loạt đợt tấn công trên mạng, Ba Sàm buộc phải tạm ngừng đăng tin mới. Trang blog mới hoạt động lại một phần vào ngày mồng 5 tháng Năm như một hình thức phản đối việc bắt giữ Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy. Rất nhiều blogger độc lập và các nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc bắt giữ nói trên.
“Chính quyền cần nhận thấy rằng mình không thể dùng vũ lực để kéo người dân Việt Nam trở lại một thế giới không có mạng Internet, nơi truyền thông nhà nước hoàn toàn độc quyền như trước đây,” ông Robertson nói. “Chính sách đàn áp của chính quyền sẽ chỉ khiến người dân thêm quyết tâm trong việc đòi hỏi các quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận của mình.”