(Luân Đôn) — Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận xét trong bản Phúc trình Toàn cầu 2013, chính quyền Việt Nam đang đàn áp các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa một cách có hệ thống, đồng thời trấn áp những người lên tiếng chất vấn chính sách nhà nước, phanh phui các vụ tham nhũng của giới quan chức hoặc kêu gọi các giải pháp dân chủ thay thế cho chế độ độc đảng.
Trong bản phúc trình dài 665 trang của mình, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá tiến bộ về nhân quyền tại hơn 90 quốc gia trong năm vừa qua, có kèm theo phần phân tích về tác động của Mùa xuân Ả-rập.
Trong năm 2012, các nhà hoạt động vẫn bị chính quyền tùy tiện bắt giữ, giam giữ cách ly trong thời gian dài mà không được tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý hoặc gia đình, bị tra tấn và xét xử tại các phiên tòa có chỉ đạo chính trị với các mức án tù nặng nề vì đã vi phạm các điều luật về an ninh quốc gia hoặc các điều khoản hình sự khác có nội dung mơ hồ.
“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam lại thụt lùi thêm một bước nữa trong năm 2012, khi chính quyền theo đuổi chính sách cứng rắn để đối phó với những biểu hiện bất mãn về chính trị, xã hội và kinh tế trong nước đang ngày một gia tăng,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Trong lúc một quốc gia láng giềng, đồng thành viên ASEAN là Miến Điện đang trải qua những thay đổi sâu sắc, chính quyền Việt Nam càng thể hiện rõ nét sự tương phản, qua các chính sách lạc hậu, các hành vi đàn áp những nhà hoạt động, kìm hãm sự phát triển của đất nước.”
Trong năm ngoái, có sự gia tăng chưa từng thấy của các tiếng nói phê phán nhằm vào Đảng Cộng sản đang cầm quyền. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải chịu liên tiếp nhiều đợt công kích từ nội bộ giới lãnh đạo và Quốc hội, dẫn đến ý kiến công khai kêu gọi ông Dũng từ chức do đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đưa ra trong tháng Mười một. Những tiếng nói phê phán xuất hiện giữa lúc một số đại gia và cán bộ doanh nghiệp nhà nước nhiều quan hệ quyền thế bị bắt vì tình nghi tham nhũng và các tội phạm kinh tế khác, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rớt xuống mức thấp nhất trong 13 năm, và đang có một cuộc đấu đá nội bộ giữa ông Dũng với các lãnh đạo cao cấp khác, trong đó có Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Các blogger và nhiều người khác tham gia đóng góp tiếng nói phê phán quan chức và chính sách nhà nước, để rồi nhiều người bị bắt và xử tù. Tính đến cuối năm 2012, có ít nhất 40 nhà hoạt động bị kết án và xử nhiều năm tù theo các điều 79 (lật đổ), 87 (phá hoại đoàn kết), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), 89 (phá rối an ninh) và 258 (xâm phạm lợi ích nhà nước) của bộ luật hình sự, cho thấy sự gia tăng đáng kể so với năm 2011. Ngoài ra, có thêm ít nhất 31 người khác bị bắt và tạm giam chưa xét xử, tính đến hết năm 2012.
Chính quyền cố gắng khống chế tự do internet bằng dự thảo Nghị định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng, với các quy định cấm đăng tải những nội dung bị coi là chống nhà nước hay đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật nhà nước hay quảng bá các ý tưởng “phản động” trên mạng internet. Chính quyền tiếp tục ngăn chặn đường truy cập đến các trang mạng nhạy cảm về chính trị, và yêu cầu các chủ đại lý internet phải theo dõi và lưu trữ thông tin về các hoạt động trên mạng của khách hàng. Trong tháng Chín, ông Dũng ra lệnh phải siết thêm một bước nữa, yêu cầu Bộ Công an điều tra các blog và trang mạng không vừa ý chính quyền, và trừng phạt những người đã lập ra các trang này.
“Việc các nhà tài trợ và những ai quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam phóng tay chi những khoản tài trợ khổng lồ và đầu tư to lớn mà không hề sử dụng vị thế của mình để yêu cầu chấm dứt đàn áp đã kéo dài quá lâu,” ông Adams nói. “Cứ mỗi ý kiến công khai phê phán về tình hình nhân quyền Việt Nam được một chính phủ nước ngoài đưa ra, lại có hàng chục phái đoàn sang thăm để tạo cơ hội chụp hình và quảng bá cho một chính quyền vốn có thành tích tồi tệ về nhân quyền.”
Gia tăng đàn áp
Chỉ dấu cho thấy xu hướng đàn áp đang gia tăng, nhằm đối phó với những tiếng nói bất đồng chính kiến ngày càng nhiều, là một loạt các vụ xử án trong năm 2012 dẫn đến án tù cho những người chỉ thực thi các quyền tự do cơ bản của mình, được nêu chi tiết trong Phúc trình Toàn cầucủa Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Đơn cử, vào tháng Ba, Mục sư Tin lành bất đồng chính kiến Nguyễn Công Chính bị kết án 11 năm tù với tội danh “phá hoại khối đoàn kết dân tộc.” Hai nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Hồ Thị Huệ và Nguyễn Bích Thủy phải nhận mỗi người hai năm tù vì tham gia biểu tình phản đối trưng thu đất đai ở tỉnh Tây Ninh.
Trong các vụ án điểm khác vào tháng Ba, tháng Năm và tháng Chín, năm nhà hoạt động Công giáo – Võ Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Thanh, Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức và Chu Mạnh Sơn bị kết án từ 2 năm 6 tháng đến 4 năm tù mỗi người vì phát tán các truyền đơn ủng hộ dân chủ. Trong một phiên xử chớp nhoáng vào ngày 24 tháng Chín, tòa án kết tội ba blogger bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Việt Nam là Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày), Tạ Phong Tần, và Phan Thanh Hải (bút danh Anhbasg) vi phạm điều 88 bộ luật hình sự và xử họ lần lượt là 12, 10 và 4 năm tù (sau đó mức án của Phan Thanh Hải được giảm xuống còn ba năm). Chính quyền cũng vận dụng điều 88 để dập tắt tiếng nói của các nhà vận động nhân quyền và blogger khác. Vào tháng Mười, hai nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và Võ Minh Trí (nghệ danh Việt Khang) bị kết án lần lượt là sáu năm và bốn năm tù, vì đã viết các ca khúc phê phán chế độ.
Năm 2012 kết thúc với một cú đòn nặng nề nữa giáng vào nhân quyền: việc bắt giam luật sư bảo vệ nhân quyền Lê Quốc Quân ở Hà Nội vào ngày 27 tháng Chạp với cáo buộc trốn thuế có vẻ có động cơ chính trị, vì trước đó ít ngày ông viết một bài phê bình vai trò lãnh đạo được trao cho Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị của Việt Nam.
Đất đai vẫn là vấn đề nóng bỏng, khi nông dân và cư dân nông thôn phải đối mặt với nạn trưng thu đất đai tùy tiện của quan chức chính quyền và các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân.
“Mâu thuẫn về đất đai liên tiếp dẫn đến các vụ xung đột bạo lực giữa người dân và các lực lượng an ninh, và nếu chính quyền không giải quyết các khiếu tố của người dân một cách thỏa đáng, việc các xung đột xã hội tiếp tục bùng nổ là điều không thể tránh khỏi,” ông Adams nói.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng bày tỏ quan ngại về nạn tra tấn và các hình thức ngược đãi khác của công an. Theo số liệu của báo chí do nhà nước kiểm soát, có ít nhất 15 người chết trong khi bị công an giam giữ, chỉ tính riêng trong chín tháng đầu năm 2012, trong đó có những người bị đánh đến chết. Công an sử dụng bạo lực quá mức cần thiết để đối phó với các cuộc biểu tình đông người. Ví dụ như, vào ngày mồng 5 tháng Tám, chính quyền sử dụng vũ lực giải tán những người tuần hành ôn hòa ở Hà Nội để phản đối cách ứng xử của chính quyền Trung Quốc về chủ quyền ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Nghị định 92 của Chính phủ ban hành ngày mồng 8 tháng Mười một có tác dụng tăng cường kiểm soát tự do tôn giáo qua việc đặt ra những quy định mới về điều kiện cho các nhóm tôn giáo được công nhận chính thức, như phải chứng minh chưa từng vi phạm an ninh quốc gia trong quá khứ. Chính quyền thường hạn chế tự do tôn giáo bằng các quy định pháp luật, yêu cầu về đăng ký, và bằng hành động sách nhiễu và đe dọa các nhóm không được công nhận hoặc có nghi vấn chính trị, trong đó có các nhóm Phật giáo, Tin lành, Công giáo và các cộng đồng tín ngưỡng khác.
“Phải coi năm 2012 vừa qua như một hồi chuông thức tỉnh những người, ví dụ như chính phủ Nhật Bản, vẫn làm ăn bình thường với chính quyền Việt Nam trong lúc các công dân Việt Nam thường xuyên bị kết các mức án tù nhiều năm chỉ vì đơn thuần bày tỏ ý kiến của mình,” ông Adams phát biểu.