Thưa ngài chủ tịch,
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hoan nghênh việc Việt Nam chấp thuận các khuyến nghị về việc thông qua Công ước số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Quyền Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền Thành lập Tổ chức. Nhưng thông qua công ước mới chỉ là bước đầu tiên. Việt Nam cần chứng tỏ rằng mình tôn trọng quyền tự do lập hội và tổ chức qua việc cho phép các công đoàn độc lập hình thành và hoạt động.
Mặc dù Việt Nam vẫn khoa trương là, tính đến tháng Mười hai năm 2022, có tới “72.000 tổ chức” và “125.000 công đoàn cơ sở,” nhưng Việt Nam lờ đi không nhắc tới việc hầu như toàn bộ các tổ chức và cơ sở công đoàn này đều do chính quyền kiểm soát.
Chúng tôi thất vọng sâu sắc trước thực tế là rất nhiều nội dung trong số 49 điểm khuyến nghị bị Việt Nam bác bỏ có liên quan trực tiếp tới các nhà bảo vệ nhân quyền, trong đó có một số khuyến nghị kêu gọi phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền đang bị giam giữ vì thực hành các quyền cơ bản của mình. Tính đến tháng Chín năm 2024, Việt Nam có ít nhất là 171 tù nhân chính trị và ít nhất là 21 can phạm chính trị đang bị tạm giam chờ xét xử - tất cả đều bị truy tố vì đã ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình.
Ngoài ra, Việt Nam còn bác bỏ các khuyến nghị về việc sửa đổi các điều luật có tính chất vi phạm nhân quyền như điều 117 (tuyên truyền chống nhà nước) và 331 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ) của Bộ Luật Hình sự, là các điều luật mà nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng để dập tắt các tiếng nói phê phán. Trong chín tháng đầu năm 2024, các tòa án Việt Nam đã kết tội và xử tù ít nhất là 28 người theo hai điều luật nói trên. Việt Nam cũng từ chối các khuyến nghị về việc bãi bỏ các điều luật có nội dung hạn chế quyền tự do biểu đạt, và một khuyến nghị về việc thông qua Hiệp ước Chống Cưỡng bức Mất tích.
Việt Nam không chấp nhận một khuyến nghị nhằm “lập tức chấm dứt việc ép buộc từ bỏ tín ngưỡng,” và nêu lý do là nội dung khuyến nghị đó “không phản ánh đúng thực tế ở Việt Nam.” Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam đã phát biểu rằng họ đã “vận động” người dân “tự nguyện từ bỏ tà đạo.” Chính quyền Việt Nam không công nhận khoảng 140 tổ chức tôn giáo, và dán nhãn “tà đạo” cho nhiều tổ chức trong số đó. Không chỉ bị ép buộc từ bỏ tín ngưỡng, thành viên của các nhóm “tà đạo” nói trên còn đối mặt với nguy cơ bị theo dõi gắt gao, bị sách nhiễu, đe dọa, đấu tố đông người, hành hung cơ thể, bắt giữ và bị bỏ tù nhiều năm.
Thậm chí Việt Nam còn bác bỏ một khuyến nghị về việc lập tức chấm dứt mọi hành vi trả đũa những người hợp tác với Liên Hiệp Quốc về các vấn đề nhân quyền, và nói rằng khuyến nghị đó cũng “không phản ánh đúng thực tế ở Việt Nam,” dù chính Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã ghi nhận các việc trả đũa đó.
Cuối cùng, có thể coi như một dấu hiệu biểu hiện chính xác rằng các cam kết cải thiện nhân quyền của nước này vẫn chỉ là những lời hứa suông, Việt nam bác bỏ tất cả các khuyến nghị liên quan tới khả năng thành lập một định chế nhân quyền độc lập ở cấp quốc gia phù hợp với các Nguyên tắc Paris.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam hoàn tất các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình bằng cách đảm bảo cho người dân được hưởng đầy đủ và không bị cản trở các quyền tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa, đồng thời chấm dứt mọi hình thức sách nhiễu, đe dọa và trả đũa các nhà bảo vệ nhân quyền.