Skip to main content

Các tổ chức phi chính phủ kêu gọi Nghị viện châu Âu hoãn thông qua các hiệp định thương mại EU – Việt Nam

Kính thưa các quý Nghị viên châu Âu,

Chúng tôi viết văn thư này trước thềm cuộc bỏ phiếu toàn thể ngày 11 tháng Hai về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) để kêu gọi quý vị bỏ phiếu hoãn việc thông qua các hiệp định nói trên cho tới khi chính quyền Việt Nam đồng ý phải đạt được các mốc cụ thể và có thể kiểm chứng được về bảo vệ quyền lợi cho người lao động và các quyền con người.

Mặc dù Việt Nam không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu liên tiếp về cải thiện nhân quyền do các nghị viên châu Âu đưa ra, ngày 21 tháng Giêng vừa qua đại đa số thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) đã bỏ phiếu thuận về việc nhanh chóng thông qua các hiệp định, đi ngược lại với ý kiến của Ủy ban Đối ngoại (AFET) và bỏ qua các lời thỉnh nguyện liên tiếp của nhiều NGO quốc tế và Việt Nam[1]. Với các lý do sẽ nêu trong phần phụ lục, chúng tôi thất vọng sâu sắc về quyết định nói trên, và kêu gọi quý vị nghị viên sửa lại sai lầm đó.

Có nhiều tiền lệ đáng lưu ý về việc Nghị viện châu Âu đặt ra các mốc nhân quyền phải đạt được trước khi thông qua hiệp định song phương nhằm thúc đẩy tiến bộ nhân quyền, phù hợp với các cam kết được ghi trong điều 21 của Hiệp ước Liên minh Châu Âu. Trong số đó, gần đây nhất là việc thông qua hiệp định ngành dệt may của EU với Uzbekistan vào năm 2016, khi Nghị viện chỉ phê chuẩn sau khi đã có cơ sở hợp lý để kết luận rằng quốc gia đó đã thực hiện các nỗ lực nghiêm túc nhằm loại trừ lao động trẻ em. Tương tự như thế, Nghị viện châu Âu đã kiên quyết từ chối không phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Hữu nghị EU-Turkmenistan do quốc gia này do dự không đạt được các tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền và pháp quyền – quan điểm này được bảo lưu trong một nghị quyết vào tháng Ba năm 2019.

Nghị viện châu Âu cần áp dụng quan điểm tương tự với Việt Nam, bảo lưu việc phê chuẩn và thông qua một nghị quyết đi kèm, trong đó đặt ra các điều kiện nhân quyền mà Việt Nam phải đạt được trước khi các nghị viên Châu Âu bật đèn xanh cho hiệp định. Các điều kiện đó tối thiểu phải bao gồm các nội dung sau:

  • Một sự cam kết công khai và lộ trình của nhà cầm quyền Việt Nam về việc sửa đổi hay hủy bỏ các điều luật hình sự hà khắc, trong đó có các điều 109, 116, 117, 331 và 318, thường xuyên được áp dụng để truy tố các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà báo, luật sư, lãnh đạo tôn giáo và bất đồng chính kiến ôn hòa;
  • Phóng thích những người bị giam, giữ vì lý do chính trị, trong đó có nhà báo Phạm Chí Dũng, cùng với nhiều người khác, bị bắt giam vì vận động và liên hệ với Nghị viện châu Âu về các hiệp định thương mại EU-Việt Nam;
  • Cam kết một tiến trình cụ thể về thời gian thông qua Hiệp ước ILO Số 87 (Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được Tổ chức) chậm nhất là vào năm 2021;
  • Hình thành một cơ chế giám sát và khiếu nại độc lập để cung cấp cho những người dân bị tác động tiêu cực của hiệp định các giải pháp, đền bù và cách thức giải quyết khiếu tố liên quan đến các hiệp ước EU-Việt Nam.

Lựa chọn của các Nghị viên châu Âu vào ngày 11 tháng Hai thực ra rất đơn giản: hoặc là hoãn việc thông qua các hiệp định và gửi đến Hà Nội một thông điệp rõ ràng là quý vị đang nghiêm túc kêu gọi họ cải thiện về nhân quyền; hoặc là phê chuẩn bất chấp tình trạng thiếu vắng các bước cải thiện có ý nghĩa hay triển vọng rõ rệt về các bước cải thiện đó, và gửi đi một thông điệp ngược lại.   

Chúng tôi hy vọng quý vị sẽ đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Kính thư,

  1. Alliance for Independence and Democracy of Vietnam (Liên minh Việt Nam Độc lập Dân chủ)
  2. Association for the Advancement of Freedom of Religion or Belief in Vietnam (Hiệp hội Phát triển Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng ở Việt Nam)
  3. Boat People SOS (Tổ chức Cứu trợ Thuyền nhân)
  4. Buddhist Solidarity Association (Hiệp hội Đoàn kết Phật giáo)
  5. Campaign to Abolish Torture in Vietnam (Phong trào Loại trừ Tra tấn ở Việt Nam)
  6. Christian Solidarity Worldwide (CSW - Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu)
  7. Committee for Religious Freedom in Vietnam (Ủy ban Tự do Tôn giáo Việt Nam)
  8. Con Dau Parishioners Association (Hiệp hội các Giáo dân Cồn Dầu)
  9. Defend the Defenders (Người Bảo vệ Nhân quyền)
  10. Federation Free Viet Labor (Liên đoàn Lao động Việt Tự do)
  11. Front Line Defenders (Những Người Bảo vệ Tuyến đầu)
  12. Hmong United for Justice (Tổ chức Thống nhất Vì Công lý Người H’mong)
  13. Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền)
  14. Independent Journalists Association of Vietnam (Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam)
  15. International Federation for Human Rights (FIDH – Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền)
  16. Legal Initiatives for Vietnam (Sáng kiến Pháp lý Việt Nam)
  17. Montagnard Evangelical Church of Christ (Giáo hội Tin lành Đấng Christ)
  18. Organisation zur Wahrung der Menschenrechte in Vietnam e.V. (Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền tại Việt Nam của người Việt Hải ngoại)
  19. People in Need (Người Cần Giúp đỡ)
  20. Save Vietnam's Nature (Diễn đàn Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam)
  21. The 88 Project (Dự án 88)
  22. Unified Buddhist Church of Vietnam, Office of International Relations (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Văn phòng Đối ngoại)
  23. Van Lang (Văn Lang)
  24. VETO! Human Rights Defenders’ Network (VETO! Mạng Bảo vệ Nhân quyền)
  25. Vietnamese Americans for Human Rights (Người Mỹ gốc Việt vì Nhân quyền)
  26. Vietnam Coalition Against Torture (Liên minh Chống Tra tấn – Việt Nam)
  27. Vietnamese Women for Human Rights (Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam
  28. Voice Vietnam (Sáng kiến Thể hiện Lương tâm người Việt Hải ngoại)

PHỤ LỤC

Thật đáng tiếc là vào ngày 21 tháng Giêng, Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) đã phê chuẩn EVFTA và IPA, mở đường cho cuộc bỏ phiếu toàn thể sắp tới. Các nghị viên ngành thương mại đã quyết định không theo ý kiến của các cộng sự ngành ngoại giao trong cùng nghị viện, cũng như của nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) của người Việt và quốc tế, những người đã kêu gọi Nghị viện hoãn lại việc phê chuẩn các hiệp định nói trên, trước thực tế chính quyền Việt Nam không đáp ứng được một điểm nào trong số các yêu cầu cải thiện nhân quyền do các Nghị viên Châu Âu[2] và các quốc gia thành viên EU[3] đưa ra.

Dù đã nhiều lần đề nghị, các NGO nhân quyền chưa có được một cơ hội trình bày với Ủy ban. Chúng tôi cũng ghi nhận quyết định từ nhiệm mới đây của Nghị viên Jan Zahradil, xin rời khỏi vai trò là đầu mối đàm phán các hiệp định thương mại ông vẫn giữ lâu nay, sau khi có nghi vấn về xung đột lợi ích do các mối quan hệ của ông với chính quyền Việt Nam, và muốn lưu ý rằng nghi vấn về xung đột lợi ích nói trên có thể đã tác động tới quá trình làm việc của nghị viện dẫn tới cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng Hai.

Các nghị viên INTA đã biện luận về quyết định bỏ phiếu của mình bằng cách viện dẫn điều mà họ cho là hai bước phát triển tích cực xuất phát từ vận động ngoại giao của họ với chính quyền Việt Nam, cụ thể là:   

  • Việc công bố các thông tin cơ bản của chính quyền Việt Nam về lộ trình quyết định phê chuẩn các công ước cốt lõi của ILO. Tuy nhiên:
  • Trên thực tế, chính quyền Việt Nam không công bố bất kỳ một thông tin nào mới – hoặc ít nhất là không có một thông tin nào mà Ủy ban chưa có trước đó – và không hề đẩy nhanh kế hoạch phê chuẩn mới, tức là vẫn giữ nguyên mốc 2023. Vì thế, không có một bước đi hay tiến bộ nào mới;
  • Hơn nữa, lộ trình nói trên vẫn mang tính tự nguyện, không có bất kỳ chế tài nào về trách nhiệm hay mức phạt nếu Việt Nam chậm trễ hoặc không phê chuẩn những công ước;
  • Năm 2016, khi kết thúc đàm phán TPP, chính quyền Việt Nam cam kết phê chuẩn Công ước ILO 87 vào năm 2021. Đáng lưu ý là không có một hạn định nào về việc phê chuẩn ILO được đưa vào nội dung văn bản EVFTA và IPA, dù việc đàm phán đã chính thức kết thúc từ tháng Sáu năm 2019, và kế hoạch phê chuẩn vào năm 2023 là do Việt Nam tự đặt ra và không có tính ràng buộc;
  • Chính ILO đã thừa nhận trong một cuộc tranh biện tại INTA gần đây rằng bộ luật hình sự Việt Nam vẫn là một rào cản nghiêm trọng để thực hiện đầy đủ các quyền được ghi nhận trong các hiệp ước đã nêu, chủ yếu là trong Công ước 87 về quyền nhóm họp, ngay cả khi nếu công ước này được Việt Nam phê chuẩn.
  • Thứ hai là việc đưa ra các cải thiện khiêm tốn trong luật lao động Việt Nam được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng Mười một năm 2019. Các nghị viên thương mại đã bỏ qua rất nhiều điều bất cập trong cải cách nói trên, đáng kể nhất là vẫn tồn tại các rào cản trên thực tế khiến việc đăng ký và hoạt động của các công đoàn độc lập là bất khả thi

INTA đã yêu cầu Việt Nam cam kết cải cách bộ luật hình sự cho phù hợp với quyền của người lao động, nhưng yêu cầu nói trên đã bị bị bỏ qua một cách có chủ ý. INTA cũng kêu gọi phóng thích Phạm Chí Dũng, một nhà hoạt động Việt Nam bị bắt vì liên hệ với Nghị viện châu Âu, nhưng đại sứ Việt Nam, trong bản hồi đáp nực cười, đã bào chữa cho việc bắt giữ và so sánh các hạn chế tự do ngôn luận ở Việt Nam với các quy định hiện có ở châu Âu. 

Việc bắt giữ ông Phạm Chí Dũng chỉ là một trong số nhiều vụ. Hàng loạt các nhà bảo vệ nhân quyền, ủng hộ công đoàn, hoạt động bảo vệ môi trường, lãnh đạo tôn giáo, nhà báo, blogger và luật sư phải vào tù theo các điều luật hình sự hà khắc có nội dung hình sự hóa việc bày tỏ ý kiến phê phán chính phủ hay Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày càng nhiều người bị truy tố chỉ vì hành vi không gì hơn ngoài việc đăng các bài trên Facebook. Chỉ tính riêng trong năm 2019, có ít nhất 30 người bị bắt hay truy tố vì thể hiện quan điểm một cách ôn hòa, đưa tổng số tù nhân chính trị ở Việt Nam lên ít nhất là 144, trong xu hướng đàn áp một cách có hệ thống hành vi bày tỏ ôn hòa, mà chính EU đã ghi nhận đang gia tăng trong những năm gần đây.

Một số người lập luận rằng các hiệp định thương mại EU-Việt Nam sẽ gián tiếp dẫn tới việc cải thiện nhân quyền nói chung ở Việt Nam do kết quả của phát triển kinh tế và khả năng tạo công ăn việc làm; những người khác viện dẫn chương về phát triển bền vững và thương mại (TSD) trong hiệp định. Cũng có những người lập luận rằng các điều khoản về nhân quyền trong Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện EU-Việt Nam (PCA) có quy định rằng EU có thể đình chỉ các thỏa thuận thương mại trong trường hợp Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, khiến EU có vị thế mạnh đối với Việt Nam.

Tất cả các lập luận nói trên đều cần phải xem xét lại.

Một là, Việt Nam đã được hưởng mức phát triển kinh tế to lớn dù chưa có các hiệp định nói trên: có rất ít bằng chứng gợi ý rằng các rào cản thuế quan của EU đã cản trở đáng kể tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Đồng thời, cũng có rất ít bằng chứng thực tế về việc phát triển kinh tế ở các chế độ áp bức sẽ dẫn tới cải thiện các quyền dân sự và chính trị nói chung – không có điều đó, ví dụ như trong trường hợp của Trung Quốc.

Hai là, các điều khoản TSD rất yếu và không chứa đựng ngôn ngữ có nội dung chế tài. Chỉ có các cam kết được đưa ra một cách mơ hồ và không có điều khoản phạt, lộ trình hay hạn mức thời gian. Trong hiện tình với chính sách đàn áp một cách có hệ thống đối với các tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam, một số điều khoản TSD – ví dụ như, việc hình thành các nhóm tham vấn trong nước, DAG, có chức năng giám sát việc thực thi hiệp định, về thực chất là phi thực tế. Theo nội dung văn bản, DAG phải bao gồm các nhóm dân sự độc lập ở cả EU và Việt Nam, nhưng sẽ rất khó nếu không nói là không thể tìm được một nhóm ở Việt Nam có thể hoạt động độc lập và thực hiện đầy đủ vai trò giám sát mà không sợ bị chính quyền sách nhiễu, trả thù, hành hung hay truy tố. Phái đoàn các nghị viên trong INTA đến thăm Việt Nam vào cuối tháng Mười được hứa hẹn rằng các đại biểu công đoàn độc lập sẽ được tham gia DAG; nhưng cho đến nay, như đã ghi nhận ở trên, các công đoàn độc lập thậm chí còn không được phép thành lập và hoạt động.

Ba là, xét thực chất, suy đoán về khả năng áp dụng các điều khoản nhân quyền trong PCA để đình chỉ các hiệp ước thương mại EU-Việt Nam như một biện pháp trừng phạt đối với các vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam là điều phi thực tế, dù có khả thi trên lý thuyết: 

  1. EU chưa bao giờ đình chỉ bất kỳ một thỏa thuận thương mại nào, với bất kỳ một quốc gia nào, vì lý do nhân quyền;
  2. Việc đình chỉ thỏa thuận thương mại sẽ gây tổn hại to lớn tới các hoạt động kinh doanh và đầu tư của EU ở Việt Nam, đảm bảo rằng các quan chức EU sẽ phải chịu sức ép nặng nề để không quyết định việc đó bất chấp tình trạng nhân quyền;
  3. Việt Nam đang được hưởng lợi từ các ưu tiên thương mại đơn phương theo Quy chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP), nhưng thất bại kéo dài và rõ ràng của Việt Nam trong việc thực hiện vô số nghĩa vụ hiện có về nhân quyền theo nội dung quy chế (trong đó có việc phê chuẩn các hiệp ước cốt lõi của ILO như đã tham chiếu ở trên) vẫn không dẫn tới bất kỳ một phản ứng có ý nghĩa nào từ phía EU;
  4. Các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam quá phổ biến và nghiêm trọng đến mức, nếu các hiệp định có hiệu lực ngay tại thời điểm viết văn bản này, có thể lập luận rằng đã đủ cơ sở để đình chỉ các hiệp định đó.

Một khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn hai hiệp định nói trên, mọi sức ép của quý vị đối với nhà cầm quyền Việt Nam sẽ mất hết.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country