(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với blogger Phạm Văn Điệp và ngay lập tức trả tự do cho ông.
Ông Phạm Văn Điệp phải đối mặt với phiên xử dự kiến vào ngày 26 tháng Mười một năm 2019 ở tỉnh Thanh Hóa với các cáo buộc về hành vi đăng tải, bấm nút thích và chia sẻ thông tin trên Facebook, vi phạm Điều 117 của bộ luật hình sự Việt Nam có nội dung hình sự hóa hành vi làm hoặc phát tán thông tin “nhằm chống lại nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
“Điều 117 của bộ luật hình sự Việt Nam được thiết kế để dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến, và vụ này là thành viên thứ mười bốn của cộng đồng người sử dụng Facebook bị truy tố theo điều luật nói trên chỉ riêng trong năm 2019,” ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Các công ty mạng xã hội và các quốc gia hữu quan cần lên tiếng phản đối điều luật vi phạm nhân quyền này.”
Ông Phạm Văn Điệp, 51 tuổi, là một người vận động nhân quyền và phê phán chính quyền Việt Nam từ nhiều năm nay. Ông liên tục sử dụng blog, rồi sau này là Facebook, để viết về tình trạng vi phạm nhân quyền. Ông cũng không ngừng nỗ lực vận dụng hệ thống pháp luật của Việt Nam để đối đầu với chính quyền, để rồi kết luận rằng sử dụng các phương tiện pháp lý đó chỉ vô ích mà thôi.
Một bài báo của nhà nước, “[Công an] bắt tạm giam ông Phạm Văn Điệp sử dụng mạng xã hội chống phá Đảng và Nhà nước,” viết rằng “ông Điệp thường xuyên có hành vi viết, chia sẻ, đăng tải, phát tán các bài viết, hình ảnh, tài liệu và phát trực tiếp các video clip có nội dung xấu nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kêu gọi đa nguyên đa đảng, bôi nhọ, nói xấu lãnh tụ, xúc phạm danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bịa đặt, phỉ báng chính quyền các cấp, kích động nhân dân biểu tình, chống đối, gây rối an ninh trật tự.”
Quê gốc ở Thanh Hóa, ông đã sang Nga du học từ tháng Mười hai năm 1992 và cư trú ở đó tới tháng Sáu năm 2016. Ông bắt đầu viết và đăng tải trên mạng các ý kiến phê phán chính quyền từ năm 2002. Năm 2006, ông gia nhập Đảng Dân chủ 21, do nhà bất đồng chính kiến đã qua đời Hoàng Minh Chính sáng lập. Năm 2009, ông Phạm Văn Điệp viết một bài bênh vực cho nhà vận động dân chủ Trần Anh Kim, và năm 2010, ông viết bài ủng hộ nhà bảo vệ nhân quyền Cù Huy Hà Vũ.
Mùa hè năm 2011, trong một chuyến về thăm nhà ở Việt Nam, ông tham gia hai cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội. Năm 2012, ông viết một bức thư ngỏ gửi Đảng Cộng sản Việt Nam, phê phán Điều 4 Hiến pháp Việt Nam có nội dung tuyên bố rằng đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Ông cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ điều luật 258 cũ (nay là điều 331) của bộ luật hình sự, và trả tự do ngay lập tức cho những người đang bị giam giữ theo điều luật này.
Ông Phạm Văn Điệp từng gặp nhiều rắc rối trong các lần nhập cảnh và xuất cảnh từ Việt Nam, và đã nộp đơn lên tòa án khiếu kiện về việc cản trở quyền đi lại – nhưng chưa lần nào thắng kiện. Năm 2007, trong một chuyến về Việt Nam thăm gia đình, ông bị triệu tập để chất vấn và tận bốn tháng sau đó mới được cho xuất cảnh.
Tháng Tư năm 2013, Phạm Văn Điệp bay về Việt Nam và bị từ chối không cho nhập cảnh. Ông phải quay lại Nga, nộp đơn khiếu nại lên Đại Sứ quán Việt Nam và nộp đơn khiếu kiện hành chính từ xa lên một tòa án ở Hà Nội. Ông không nhận được phản hồi của cả hai nơi. Ông vẫn kiên trì trở về Việt Nam hai lần trong tháng Mười hai năm 2013, vẫn bị từ chối không cho nhập cảnh, rồi lại khiếu nại với tòa đại sứ, và cũng không nhận được bất cứ hồi âm nào.
Ông cố thử lại hai lần nữa vào tháng Sáu năm 2016, và vẫn bị từ chối nhập cảnh, rồi sau đó thử cố nhập cảnh lại từ Lào, ở đó ông bị tịch thu hộ chiếu. Sau đó ông biểu tình phản đối Đảng Cộng sản Việt Nam tại tượng đài chiến thắng ở thành phố Viêng Chăn, rồi bị bắt và cáo buộc tội “sử dụng lãnh thổ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chống lại nước láng giềng.” Một tòa án ở Lào đưa ông ra xử vào tháng Hai năm 2018, kết luận ông có tội và tuyên án ông 21 tháng tù.
Ông được ra tù vào tháng Ba năm 2018 và bị công an Lào đưa tới cửa khẩu Cầu Treo. Lúc đó, không rõ vì lý do gì, các nhà chức trách phía Việt Nam cho phép ông nhập cảnh.
Tháng Sáu năm 2018, ông tham gia biểu tình ở Hà Nội phản đối dự thảo luật đặc khu kinh tế. Công an câu lưu ông suốt mấy tiếng đồng hồ, và theo lời ông kể, trong thời gian đó, họ đánh ông ba lần vào đầu. Ông nộp đơn kiện công an về hành vi sử dụng bạo lực quá mức, rồi bị một tòa án bãi đơn, sau đó ông khiếu nại tiếp với chính quyền để phản đối quyết định đó.
Ông Phạm Văn Điệp mở một tài khoản Facebook vào tháng Mười năm 2018. Cho đến khi bị bắt vào tháng Sáu năm 2019, ông đã đăng và chia sẻ các tin tức về những vấn đề chính trị xã hội như tịch thu đất đai, công an bạo hành, tham nhũng và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Ông phê phán luật an ninh mạng và kêu gọi chính quyền bỏ hệ thống Đảng cử dân bầu để chuyển đổi hướng tới một hệ thống bầu cử tự do.
Vào ngày 26 tháng Năm, ông viết rằng “Người Việt Nam phải được hưởng các quyền đã ghi trong Công ước quốc tế và Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Đó là đòi hỏi chính đáng.
Mấy ông cậy thế, cậy quyền không trấn áp được đâu.”
Tháng Tư, ông Phạm Văn Điệp muốn xuất cảnh Việt Nam để đi Nga, nhưng bị chặn lại ở sân bay và được thông báo rằng ông có tên trong danh sách cấm xuất cảnh. Ông nộp đơn kiện việc mình bị công an giữ ở Việt Nam không cho xuất cảnh nhưng không có kết quả.
“Tất cả những gì ông Phạm Văn Điệp làm trong 17 năm qua chỉ là bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề chính trị xã hội quan trọng và phản đối việc mình bị trả đũa vì dám lên tiếng,” ông Sifton nói. “Không có lý do chính đáng gì để Việt Nam đối xử với ông như một tội phạm.”