Skip to main content

Nhật Bản: Hãy thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Nhật trong khi đàn áp nhân quyền tồi tệ hơn

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 16 tháng Giêng năm 2017. © 2017 Reuters

(Tokyo) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cần gây sức ép để Việt Nam ngay lập tức chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa và cải thiện hồ sơ nhân quyền đang có xu hướng xấu đi trầm trọng. Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang sẽ tới thăm Nhật Bản từ ngày 29 tháng Năm đến ngày mồng 2 tháng Sáu.

“Chính quyền Việt Nam hiện vẫn là một trong những chính quyền hà khắc nhất thế giới,” bà Kanae Doi, Giám đốc phụ trách Nhật Bản của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Với tư cách nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản vừa có cơ hội vừa có trách nhiệm lên tiếng về những vi phạm của chính quyền Việt Nam đối với người dân nước mình.”

Trong một bức thư đề ngày 25 tháng Năm năm 2018, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đề nghị ông Abe nêu các quan ngại về việc Việt Nam hạn chế các quyền tự do ngôn luận và hội họp, cản trở các nhóm tôn giáo và công đoàn, và bỏ tù những người bất đồng chính kiến.

Bức thư ghi nhận rằng Việt Nam “đè nén các quyền tự do cơ bản về ngôn luận, lập hội, nhóm họp và tự do tôn giáo. Nhà cầm quyền sở hữu và kiểm soát tất cả báo chí, truyền thông trong nước, và kiểm duyệt mạng Internet. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) độc quyền lãnh đạo mọi thiết chế công và sử dụng các thiết chế này để duy trì quyền lực của mình. Kể từ khi nắm quyền vào năm 1954, chính quyền này chưa từng cho phép một cuộc bầu cử tự do và công bằng nào. Hiện vẫn không có một quy trình dân chủ thực sự nào ở Việt Nam; hầu như tất cả các đại biểu Quốc hội đều là đảng viên ĐCSVN do chính đảng chọn lựa. Hệ thống tòa án và các bộ trong Chính phủ đều chịu sụ kiểm soát của ĐCSVN. Công đoàn độc lập bị cấm và các tổ chức xã hội, tôn giáo và dân sự đều phải chịu các quy định ngặt nghèo.”

Việt Nam đã và đang gia tăng đàn áp các hoạt động ủng hộ nhân quyền trong nhiều tháng gần đây. Tính riêng trong năm 2017, chính quyền đã bắt giữ ít nhất 41 nhà vận động nhân quyền và blogger vì tham gia biểu tình hoặc các sự kiện khác, hay đăng các bài viết phê phán chính phủ. Trong năm tháng đầu năm 2018, các tòa án do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát đã kết án ít nhất là 26 nhà bảo vệ nhân quyền; nhiều người trong số đó chịu mức án hơn mười năm tù. Trong số các nạn nhân của nỗ lực khởi động lại chủ trương dập tắt các tiếng nói phê phán có những nhà hoạt động nổi tiếng Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình, Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm), Trần Thị Nga, Bùi Văn Trung và nhiều người khác nữa.

Trong bức thư gửi ông Abe, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền liệt kê 140 người hiện đang bị cầm tù ở Việt Nam vì đã bày tỏ quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, tham gia các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê duyệt, hoặc gia nhập các tổ chức dân sự hay chính trị bất đồng chính kiến. Tổng số tù nhân chính trị ghi nhận được trong những năm gần đây có biểu hiện tăng lên.

“Thủ tướng Abe cần công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với những nhà vận động nhân quyền đầy quả cảm của Việt Nam và thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích những người đang bị cầm tù chỉ vì đứng lên đòi nhân quyền,” bà Doi nói. “Tiếp tục im lặng về những vi phạm của Việt Nam chỉ làm chính quyền nước này bạo dạn hơn trong việc duy trì chủ trương đàn áp.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country