Đối thoại Nhân quyền Australia – Việt Nam
Tờ Trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
Tháng Bảy Năm 2017
Chúng tôi soạn thảo tài liệu này nhân dịp cuộc đối thoại nhân quyền Việt Nam – Australia lần thứ 14 sắp tới được dự kiến sẽ tổ chức tại Canberra vào tháng Tám năm 2017. Australia cần nêu các vấn đề cấp thiết về nhân quyền một cách thẳng thắn, đưa ra các mốc đánh giá rõ ràng mức độ cải thiện và công bố công khai kết quả các cuộc thảo luận.
Chính quyền Việt Nam tiếp tục đè nén một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và nhóm họp ôn hòa. Những người cầm bút độc lập, blogger và các nhà hoạt động nhân quyền lên tiếng chất vấn các chính sách của chính quyền, tố cáo quan chức tham nhũng hay kêu gọi các giải pháp dân chủ thay thế cho chế độ độc đảng thường xuyên bị công an theo dõi gắt gao. Những người phê bình chính quyền phải đối mặt với nhiều hình thức sách nhiễu của công an, như đe dọa các thành viên trong gia đình, tùy tiện cấm đoán đi lại trong nước hay ra nước ngoài, hành hung thân thể dã man, và phạt tiền. Chính quyền cũng tùy tiện giam giữ biệt lập những người lên tiếng phê bình trong thời gian dài mà không cho tiếp xúc với luật sư hay gia đình thăm gặp. Nhiều người đã bị kết các bản án nhiều năm tù theo các tội danh an ninh quốc gia mơ hồ và các điều luật hà khắc khác. Công an thường xuyên tra tấn nghi can để ép nhận tội và đôi lúc sử dụng vũ lực quá mức để đối phó với các cuộc biểu tình đông người.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị phía Australia cần tập trung vào những người bị giam giữ vì lý do chính trị; sách nhiễu, hành hung và cản trở những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động; đàn áp tự do tôn giáo; và công an bạo hành.
1. Những tù nhân, người bị tạm giam vì lý do chính trị
Việt Nam có hồ sơ về việc xử các nhà hoạt động ôn hòa và các blogger thực thi các quyền cơ bản của mình với các mức án tù nặng nề. Được biết có hơn một trăm tù nhân chính trị đang ở sau song sắt, dù con số thực tế có thể cao hơn. Nhà cầm quyền thường giam giữ người dân trong thời gian dài vì các hành vi bị cho là xâm phạm an ninh quốc gia, mà không được tiếp cận với nguồn trợ giúp pháp lý hay gia đình thăm gặp, và không được chăm sóc y tế đầy đủ.
Việt Nam thường sử dụng các điều luật có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các luật khác để xử tù những người bất đồng chính kiến ôn hòa về chính trị và tôn giáo. Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ ngày mồng 1 tháng Giêng năm 2018, các điều luật đó bao gồm “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 109, khung hình phạt cao nhất là tử hình); “phá hoại khối đoàn kết” (điều 116, khung hình phạt tới 15 năm tù); tuyên truyền “chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 117, khung hình phạt tới 20 năm tù); “phá rối an ninh” (điều 118, khung hình phạt tới 15 năm tù); và các “hình phạt bổ sung” tước bỏ một số quyền của những người từng bị xử tù về các tội “an ninh quốc gia,” buộc họ phải chịu quản chế tới năm năm và có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (điều 122). Việt Nam cũng sử dụng các điều khoản khác trong bộ luật hình sự để đối phó với những người phản đối chính quyền một cách ôn hòa, như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (điều 331, trước đây là điều 258), “gây rối trật tự công cộng” (điều 318, trước đây là điều 245) và các tội danh khác, như trốn thuế.
Bộ luật hình sự sửa đổi có những quy định khắt khe hơn với nhiều trường hợp, như điều 109 (trước đây là điều 79); điều 117 (trước đây là điều 88. Mỗi điều nêu trên đều có thêm một khoản quy định “Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ một đến năm năm.”
Trong năm 2016, có ít nhất 21 nhà hoạt động và phê bình chính phủ bị kết án vì các hành vi tự do ngôn luận ôn hòa với các bản án từ ba đến 13 năm tù giam, trong đó có các blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh[1] (bút danh Ba Sàm) và Nguyễn Đình Ngọc[2] (bút danh Nguyễn Ngọc Già). Các nhà hoạt động nhân quyền Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng và Cấn Thị Thêu[3].
Kể từ tháng Mười năm 2016, công an đã tiến hành một đợt đàn áp mới nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động. Chính quyền đã bắt giam ít nhất là 12 nhà hoạt động trong tám tháng vừa qua, hiện họ vẫn bị tạm giam hầu tra, trong đó có Hồ Văn Hải, Trần Thị Nga, Hoàng Đức Bình, Phan Kim Khánh, Bùi Hiếu Võ, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Danh Dũng, Lưu Văn Vịnh, và Nguyễn Văn Đức Độ.
Một vài trường hợp tù nhân chính trị hiện đang bị giam, giữ phía Australia cần nêu rõ, gồm có:
- Blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh[4], người viết blog với bút danh “Mẹ Nấm.” Tháng Sáu năm 2017, cô bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự và bị kết án 10 năm tù.
- Luật sư nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà[5] bị tạm giam từ tháng Mười hai năm 2015. Họ bị truy tố theo điều 88. Kể từ ngày Nguyễn Văn Đài bị bắt, được biết các luật sư biện hộ vẫn chưa được gặp ông.
- Nhà hoạt động vì quyền của người lao động Nguyễn Hoàng Quốc Hùng[6] đang phải thụ án chín năm vì bị cho là đã hỗ trợ tổ chức một cuộc đình công tự phát ở một nhà máy giày tại tỉnh Trà Vinh vào năm 2010.
- Blogger nhiều ảnh hưởng Trần Huỳnh Duy Thức[7] đang thụ án tù 16 năm vì viết bài trên mạng và vận động thành lập một nhóm ủng hộ dân chủ. Tháng Năm năm 2016, Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực hai tuần để phản đối việc vi phạm nhân quyền trong tù.
- Các nhà hoạt động tôn giáo Ngô Hào và Nguyễn Công Chính đang thụ các án tù lần lượt là 15 năm và 11 năm vì vận động cho tự do tôn giáo. Được biết Nguyễn Công Chính từng bị các tù nhân khác tấn công trong khi quản giáo làm ngơ. Gia đình ông cũng bị công an theo dõi gắt gao và thường xuyên bị sách nhiễu và đe dọa.
- Các nhà hoạt động nhân quyền Hồ Đức Hòa và Nguyễn Đặng Minh Mẫn đang phải thụ các án tù dài từ 8 đến 13 năm vì bị cho là liên quan tới một đảng chính trị phi cộng sản.
Khuyến nghị
Phía Australia, cả khi họp riêng và công khai, cần kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Phóng thích tất cả các tù nhân chính trị đang bị giam, giữ, trong đó có những người bị giam, giữ vì thực thi các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, đi lại, lập hội chính trị cũng như tôn giáo, và chấm dứt bắt giam những người khác về những hành động tương tự. Những người có vấn đề về sức khỏe cần được trả tự do để được chữa trị y tế đầy đủ. Một số trường hợp khẩn cấp nhất về sức khỏe cần phóng thích ngay lập tức là các blogger Trần Huỳnh Duy Thức[8], Trần Thị Nga[9], Nguyễn Hữu Vinh[10] (bút danh Ba Sàm), và các nhà hoạt động tôn giáo Ngô Hào và Nguyễn Công Chính.[11].
- Phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả những người bị bắt giam vì các hành động ôn hòa nhằm vận động cho quyền của người lao động được tự do lập hội, bao gồm quyền được thành lập và gia nhập các công đoàn theo ý muốn, được nhóm họp ôn hòa để bảo vệ và thúc đẩy các quyền lợi của mình; và được thực thi quyền tự do ngôn luận trong vai trò đại diện cho những người lao động và các mối quan tâm của họ.
- Sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều khoản trong bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật khác có nội dung hình sự hóa các hành vi bất đồng chính kiến ôn hòa dựa trên các tội danh “an ninh quốc gia” được định nghĩa thiếu chính xác.
- Sửa đổi luật lao động để công nhận quyền tự do lập hội, và ngay lập tức công nhận các công đoàn độc lập.
- Phê chuẩn các Công ước ILO Số 87 (Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền Tổ chức) và Số 98 (Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể).
- Với vai trò là một biện pháp xây dựng lòng tin tức thì, cho phép gia đình, chuyên gia tư vấn pháp luật, các nhà quan sát từ Australia và các nhóm nhân quyền và nhân đạo quốc tế được tiếp xúc với những người đang bị giam, giữ.
2. Sách nhiễu, bạo hành và cản trở các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến
Chính quyền Việt Nam từ lâu nay vẫn sử dụng các điều luật có nội dung vi phạm nhân quyền và hệ thống công an, tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát để bắt bớ và truy tố các nhà hoạt động nhân quyền trong nước. Nhưng khi phong trào hoạt động nở rộ nhờ mạng internet, thì cùng lúc đã xuất hiện một hình thức đàn áp chính trị đáng sợ khác: hành hung thân thể các nhà hoạt động nhân quyền, với bàn tay của côn đồ hung hãn mặc thường phục, có vẻ như ra tay với sự cho phép hoặc biết nhưng làm ngơ của chính quyền. Các vụ đánh đập xảy ra ngoài đường phố, trong quán cà phê, thậm chí trong đồn công an. Những kẻ thủ ác tấn công nạn nhân ngay trước mặt lực lượng cảnh sát mặc sắc phục mà những người này không can thiệp, nhiều khả năng vì họ biết những kẻ tấn công là mật vụ của chính quyền. Trong nhiều vụ, những kẻ tấn công đeo khẩu trang để giấu danh tính. Một số nhà hoạt động đã bị bắt cóc, đưa đi trên xe hơi hay xe van, bị đánh đập rồi bỏ mặc ở một nơi vắng vẻ. Trong hầu hết mọi vụ việc, không có kẻ thủ ác nào bị truy cứu trách nhiệm về các hành vi đã thực hiện.
Tháng Sáu năm 2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã công bố bản phúc trình Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động nhân quyền[12], nghiên cứu 36 vụ hành hung các blogger và các nhà vận động dân chủ ở Việt Nam.
Cụ thể, chúng tôi đề nghị phía Australia nêu các vụ sau:
- Nhà vận động vì quyền lợi đất đai Trương Minh Hưởng, bị đánh ngày 22 tháng Mười hai năm 2016 ở tỉnh Hà Nam, sau khi cảnh sát giao thông chặn xe taxi chở ông và luật sư Hà Huy Sơn. Được biết ít nhất sáu người đàn ông mặc thường phục tấn công ông Trương ngay trước mặt hai người cảnh sát giao thông mà họ chẳng làm gì để can thiệp. Cảnh sát cũng bỏ ngoài tai lời luật sư Hà yêu cầu can thiệp ngăn chặn vụ đánh đập đang tiếp tục diễn ra ngoài đường ngay giữa ban ngày ban mặt. Đây là lần thứ ba chúng tôi được biết những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công Trương Minh Hưởng hoặc tư gia của ông từ khi ông bắt đầu quan tâm đến các vấn đề về đất đai sau khi chính quyền thu đất đai của gia đình ông cho một dự án du lịch.
- Nhà hoạt động vì môi trường và chống Formosa Lã Việt Dũng bị đánh trọng thương vào ngày mồng 10 tháng Bảy năm 2016, khi ba bốn người đàn ông tấn công anh trên đường về nhà sau một trận đấu của Câu lạc bộ Bóng đá No-U ở Hà Nội. Anh bị đập gạch vào đầu khiến sọ bị rạn, phải đi cấp cứu và nhập viện. Vào tháng Năm 2016, côn đồ tấn công xe và đập vỡ kính xe anh; công an tạm giữ anh sau khi anh tọa kháng yên lặng ở nơi công cộng, và chính quyền đấu tố anh trên đài truyền hình quốc gia như một kẻ “phản động tráo trở.” Câu lạc bộ Bóng đá No-U, với nhiều nhà bất đồng chính kiến là thành viên, liên tục bị chính quyền theo dõi.
- Nhà hoạt động vì tự do tôn giáo Trần Thị Hồng bị đánh đập vào các ngày 30 tháng Ba, 14 tháng Tư và 13 tháng Năm, liên quan tới các nỗ lực trình bày tình trạng sách nhiễu và tấn công nhằm vào Đạo Tin lành Lutheran ở tỉnh Gia Lai thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam. Công an ngăn chặn không cho bà tới dự cuộc gặp ngày 30 tháng Tư với Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, ông David Saperstein, và đã lôi bà xuống xe máy rồi yêu cầu bà đi về đồn công an với họ. Họ hành hung bà, tịch thu xe máy và dùng vũ lực buộc bà về nhà bằng taxi khi bà từ chối không tới đồn công an. Vào ngày 14 tháng Tư, bà bị ép buộc tới trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Hoa Lư ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai để thẩm vấn, và bị các nhân viên công lực đánh đập ở đó trước khi được cho về. Ngày 13 tháng Năm, các nhân viên công lực hành hung bà ở trụ sở công an phường Hoa Lư. Chồng bà, Mục sư Nguyễn Công Chính, đang thụ án 11 năm tù với tội “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” liên quan tới các việc ông làm vì tự do tôn giáo.
- Ngày mồng 6 tháng Mười hai năm 2015, một nhóm hơn chục kẻ côn đồ chặn xe taxi chở Nguyễn Văn Đài, Lý Quang Sơn, Vũ Văn Minh (tên khác là Vũ Đức Minh), và Lê Mạnh Thắng trên đường về Hà Nội sau khi nói chuyện ở giáo xứ Vạn Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bọn côn đồ kéo tất cả mọi người ra khỏi xe và đánh họ bằng gậy và cây sắt. Hai anh Nguyễn Văn Đài và Lê Mạnh Thắng bị đẩy vào xe khác, bị đánh liên tục và cuối cùng bị bỏ xuống một nơi vắng vẻ sau khi bị cướp sạch ví và điện thoại di động. Trước khi xảy ra vụ này, Nguyễn Văn Đài liên tục bị sách nhiễu và tấn công nhiều lần
Chính quyền cũng cản trở ngày càng nhiều nhà bảo vệ nhân quyền và bất đồng chính kiến không cho xuất cảnh. Các nhà hoạt động và blogger như Nguyễn Quang A, Phạm Đoan Trang, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Kim Chi, Trần Bang và nhiều người khác nữa bị quản chế tại gia hay câu lưu tạm thời khiến họ không thể dự các cuộc họp hay các sự kiện đặc biệt.
Khuyến nghị
Phía Australia, cả khi họp riêng và công khai, cần kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Chấm dứt ngay lập tức tình trạng chính quyền bảo trợ cho những cá nhân tự phát hành xử như đại diện cho pháp luật và hành hung các nhà hoạt động và blogger, và truy cứu trách nhiệm những cá nhân có hành vi bạo lực.
- Công khai và thẳng thắn lên án việc hành hung và các hình thức sách nhiễu, trả thù khác nhằm vào các nhà hoạt động và blogger về nhân quyền, nhấn mạnh rằng các hành vi đó là vi phạm pháp luật và bất kể cá nhân nào tham gia ra lệnh hoặc tạo điều kiện cho các vụ tấn công như vậy sẽ bị truy cứu trách nhiệm.
- Ngay lập tức chỉ đạo tiến hành điều tra kỹ càng và công minh về tất cả các vụ việc mà các blogger và các nhà hoạt động bị hành hung, đe nẹt hay dọa dẫm; cần truy tố những cá nhân có đủ bằng chứng khả tín là liên quan đến các vụ hành hung và các hành vi phạm tội khác.
- Cho phép các nhà báo điều tra và đưa tin tự do về các vụ tấn công các nhà hoạt động và blogger.
- Cho phép công dân có quyền tự do và ôn hòa lập hội với những người đồng quan điểm, dù cho quan điểm đó có trái với quan điểm chính trị hoặc tư tưởng chính thống của Đảng và nhà nước.
- Cho phép các nhà hoạt động tự do đi lại trong nước và ra nước ngoài.
3. Đàn áp Tự do Tôn giáo
Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định ngặt nghèo về đăng ký đối với các nhóm tôn giáo “không chính thức,” bằng các hình thức sách nhiễu và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị quy định phải được sự phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước quản lý. Chính quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ, nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị cho là đi ngược với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội” hay “khối đại đoàn kết dân tộc.” Chính quyền thường xuyên can thiệp vào các hoạt động tôn giáo của các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, của Phật giáo Hòa Hảo, của các nhà thờ tại gia Công giáo và Tin lành độc lập ở Tây Nguyên và các nơi khác, của các chùa Phật giáo Khmer Krom và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Một hình thức sách nhiễu phổ biến khác mà nhà cầm quyền thường áp dụng đối với các nhóm tôn giáo độc lập là cưỡng ép tuyên bố từ bỏ đức tin. Tháng Tư năm 2016, báo chí nhà nước đưa tin hơn 500 tín đồ Tin lành Đề Ga, một tôn giáo bị đặt ngoài vòng pháp luật, “tình nguyện bỏ đạo” ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Ép buộc từ bỏ đức tin là vi phạm tự do tín ngưỡng, một quyền bất khả xâm phạm.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng đã nêu rõ việc chính quyền Việt Nam đang tiếp tục đàn áp những người dân tộc thiểu số Cơ đốc giáo ở Tây Nguyên, một khía cạnh của mô hình bao quát hơn về sự vi phạm nhân quyền nhằm vào những giáo dân là người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.[13] Bị kết tội theo “tà đạo,” những người Thượng theo các dòng Đề Ga và Hà Mòn của đạo Tin lành bị đàn áp theo chính sách của nhà nước Việt Nam được đưa ra ở cấp cao.
Trong năm 2016, chính quyền đã kết án ít nhất là chín người Thượng, là Gyưn, Thin, Đinh Kữ, A Tik, A Jen, Siu Đoang, Ksor Púp, Siu Đik và Ksor Phít, vì tham gia các nhóm tôn giáo độc lập không được chính quyền chuẩn thuận. Họ bị cáo buộc theo điều 87 của bộ luật hình sự và bị kết án từ năm đến 11 năm tù. Tháng Tư năm 2017, năm người Thượng nữa là Rơ Mah Đaih, Puih Bop, Ksor Kam, Rơ Lan Kly và Đinh Nông bị kết án từ 8 đến 10 năm tù cũng theo điều 87.
Người Thượng bị theo dõi chặt chẽ, và phải chịu các hình thức đe dọa khác, bị bắt bớ tùy tiện và ngược đãi khi bị lực lượng an ninh giam giữ. Trong khi giam giữ, nhà cầm quyền chất vấn họ về các hoạt động tôn giáo và chính trị và có kế hoạch trốn khỏi Việt Nam hay không. Trong những năm gần đây, hàng trăm người đã trốn sang Campuchia và các vùng khác ở Đông Nam Á.
Chính quyền Việt Nam đã đối phó với phong trào trốn sang Campuchia của người Thượng bằng cách gây sức ép buộc chính quyền Campuchia ngăn chặn những người vượt biên và từ chối quyền xin tị nạn chính trị cho những người đã sang được bên kia biên giới.[14] Về phần mình, chính quyền Campuchia đã hạn chế tối đa và chỉ cho chừng chục người đăng ký tị nạn chính trị.
Khuyến nghị
Phía Australia, cả khi họp riêng và công khai, cần kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và tự quản lý. Các cơ sở thờ tự, dòng tu không muốn gia nhập một trong các tổ chức tôn giáo chính thức với ban trị sự do chính quyền phê chuẩn phải được cho phép hoạt động độc lập.
- Chấm dứt sách nhiễu, bắt bớ, xét xử, bỏ tù và ngược đãi người dân vì họ là tín đồ của các tôn giáo không vừa ý nhà nước, và phóng thích tất cả những người đang bị giam giữ vì đã thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn luận, nhóm họp và lập hội.
- Chấm dứt mọi đối sách ngăn chặn người Thượng và những công dân Việt Nam khác rời khỏi đất nước và không trừng phạt những người hồi hương.
- Bảo đảm rằng mọi quy phạm pháp luật quốc gia liên quan tới tôn giáo được ban hành sao cho phù hợp với công pháp quốc tế về nhân quyền, như Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Sửa đổi mọi điều luật trong nước có nội dung xâm phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, trái với ICCPR.
- Cho phép những quan sát viên bên ngoài, bao gồm các cơ quan của Liên Hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ quan tâm tới nhân quyền, và các nhà ngoại giao nước ngoài, được đi lại không bị cản trở hay kèm cặp tới Tây Nguyên, cụ thể là tới các thôn xã có người Thượng mới đi tị nạn nước ngoài. Bảo đảm rằng những người nói chuyện hoặc giao tiếp với những quan sát viên bên ngoài đó không bị trả đũa hay trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào.
4. Công an bạo hành: Đối xử tàn ác, phi nhân và nhục mạ, và tra tấn
Trên khắp các vùng miền, công an Việt Nam đã và đang bạo hành những người bị giam giữ, dẫn đến cái chết ở một số trường hợp. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân tử vong chỉ bị câu lưu vì những lỗi nhỏ. Một số người sống sót cho biết họ bị đánh đập để buộc nhận tội, đôi khi về những hành vi họ đã tuyên bố không hề thực hiện. Dù chính quyền có cam kết sẽ cải thiện tình trạng này sau khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố phúc trình về nạn công an bạo hành, dường như những cán bộ công an đã gây ra những sai phạm nghiêm trọng, thậm chí chết người, rất ít khi phải chịu những hậu quả nghiêm trọng tương xứng theo luật định.
Tháng Năm 2017, công an tỉnh Vĩnh Long bắt ông Nguyễn Hữu Tấn vì bị nghi có hành vi tuyên truyền chống nhà nước. Sau khi bắt giữ, công an thông báo với gia đình rằng ông đã tự tử bằng cách dùng dao cắt cổ. Theo thông báo, ông tìm được con dao trong cặp một điều tra viên trong lúc người này tạm ra ngoài. Gia đình đã phản đối cách giải thích nguyên nhân tử vong, và chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn giữa các dấu vết trên thi thể ông Nguyễn Hữu Tấn và một cuốn băng video không rõ hình do công an ghi lại.
Khuyến nghị
Phía Australia, cả khi họp riêng và công khai, cần:
- Thể hiện quan ngại mạnh mẽ với quan chức Việt Nam về nạn công an bạo hành, nhấn mạnh rằng các hành vi đó vi phạm pháp luật cả trong nước lẫn công pháp quốc tế, những kẻ thủ ác phải bị trừng trị, và nạn nhân phải được bồi thường và bù đắp.
- Thúc đẩy chính quyền Việt Nam xây dựng một cơ chế truy cứu trách nhiệm hiệu quả. Ví dụ như, Việt Nam cần thành lập một ủy ban độc lập về khiếu tố đối với ngành công an để tiếp nhận những khiếu nại của người dân, và giám sát các cơ quan “thanh tra nội bộ” hay “giám sát trách nhiệm nghề nghiệp” của công an. Ủy ban này cần phải là pháp nhân có chức năng pháp lý có thể khởi tố hoặc áp đặt kỷ luật nếu cơ quan “thanh tra nội bộ” hay “giám sát trách nhiệm nghề nghiệp” không làm được việc đó trong các sự vụ đã có thông tin khiếu nại đáng tin cậy.
- Sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự để tạo điều kiện cho luật sư hay người trợ giúp pháp lý có mặt ngay sau khi bắt giữ, tạm giam, sao cho:
- Luật sư hay người trợ giúp pháp lý chỉ cần xuất trình thẻ căn cước và một bản sao có công chứng của giấy phép hành nghề là có thể gặp thân chủ.
- Luật sư hay người trợ giúp pháp lý được phép gặp riêng thân chủ ở nơi kín đáo và không hạn chế thời gian.
- Luật sư hay người trợ giúp pháp lý được phép có mặt tại tất cả các buổi lấy cung giữa công an và nghi can.
[1] “Việt Nam: Trong một tuần có tới 7 người bị kết án,” thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, mồng 4 tháng Tư năm 2016 https://www.hrw.org/vi/news/2016/04/03/288409
[2] Như trên đã dẫn.
[3] “Việt Nam: Hãy chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động và blogger,” thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ngày 12 tháng Giêng năm 2017, https://www.hrw.org/news/2017/01/12/vietnam-end-crackdown-bloggers-and-a....
[4] “Việt Nam: Hãy trả tự do cho blogger Mẹ Nấm,” thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ngày 28 tháng Sáu năm 2017, https://www.hrw.org/vi/news/2017/06/28/305852.
[5] “Việt Nam: Hãy tổ chức bầu cử để chọn lãnh đạo đất nước,” thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ngày 16 tháng Giêng năm 2016, https://www.hrw.org/vi/news/2016/01/19/285560
[6] “Việt Nam: Cần hủy bỏ bản án dành cho các nhà hoạt động dân chủ ôn hòa,” thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ngày mồng 10 tháng Năm năm 2010, https://www.hrw.org/news/2010/05/10/vietnam-overturn-conviction-peaceful....
[7] Như trên đã dẫn.
[8] Như trên đã dẫn.
[9] Front Line Defenders, “Trần Thị Nga bị bắt,” ngày 23 tháng Giêng năm 2017, https://www.frontlinedefenders.org/en/case/tran-thi-nga-arrested#case-up... (truy cập ngày 14 tháng Bảy năm 2017).
[10] “Việt Nam: Hãy hủy bỏ mọi cáo buộc đối với các blogger nổi tiếng,” thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ngày 22 tháng Ba năm 2016, https://www.hrw.org/vi/news/2016/03/22/287928
[11] “Việt Nam: Leo thang đàn áp những người phê phán chính quyền,” Thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ngày mồng 1 tháng Hai năm 2013, https://www.hrw.org/vi/news/2013/02/01/248636
[12] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền - Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung (New York: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, 2017), https://www.hrw.org/vi/report/2017/06/18/305189
[13] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Đàn áp các tôn giáo “Tà đạo”: Vi phạm nhân quyền của người Thượng ở Việt Nam (New York: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, 2015), https://www.hrw.org/report/2015/06/26/persecuting-evil-way-religion/abus...
[14] “Campuchia: Đừng trao trả những người Thượng tị nạn về nơi họ có nguy cơ bị hại,” thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ngày 24 tháng Chín năm 2015, https://www.hrw.org/news/2015/09/24/cambodia-dont-return-montagnard-asyl....