Skip to main content

Việt Nam: Thanh thiếu niên LGBT không được bảo vệ

Huyền thoại hoang đường về xu hướng tính dục và bản dạng giới cản trở nhân quyền

© 2020 Sally Deng for Human Rights Watch
 

(Bangkok) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu trong một bản phúc trình công bố ngày hôm nay rằng những huyền thoại hoang đường phổ biến về xu hướng tính dục và bản dạng giới ở Việt Nam góp phần gia tăng tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực, có tác động mạnh tới thanh thiếu niên LGBT.

Bản phúc trình dài 68 trang, Giáo viên nói tôi bị bệnh”: Những rào cản đối với quyền giáo dục của thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam ghi nhận tình trạng các thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam phải đối mặt với định kiến và sự phân biệt đối xử ở nhà cũng như ở trường do các huyền thoại hoang đường, ví dụ như niềm tin sai lầm rằng cảm giác thích người cùng giới là một chứng bệnh tâm thần có thể chẩn đoán, điều trị và chữa khỏi được. Nhiều người trong số đó từng bị sách nhiễu bằng lời nói và bị bắt nạt, có một số vụ dẫn tới hành hung cơ thể. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận thấy rằng các giáo viên thường không được tập huấn và trang bị đủ để giải quyết các vụ kỳ thị đối với người LGBT, và các bài giảng ở trường thường bảo lưu các huyền thoại hoang đường phổ biến ở Việt Nam rằng thích người cùng giới là một chứng bệnh. Chính quyền Việt Nam cần hoàn thành các cam kết về bảo vệ quyền của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT).

“Trong vài năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã thể hiện việc ủng hộ quyền của người LGBT nhưng các bước cải cách cụ thể về chính sách vẫn chậm trễ,” ông Graeme Reid, giám đốc về quyền của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Thanh thiếu niên LGBT đặc biệt dễ bị tổn thương do thiếu sự bảo vệ về pháp lý, và sự lan tràn của thông tin sai lệch về xu hướng tính dục và bản dạng giới.”

Phúc trình được căn cứ trên các cuộc phỏng vấn kỹ lưỡng với 52 thanh thiếu niên LGBT, cùng với các giáo viên và cán bộ, nhân viên nhà trường ở Việt Nam. Phúc trình phân tích các chính sách hiện hành và các văn bản kế hoạch nhà nước, và các cam kết của chính phủ Việt Nam về cải thiện tình trạng cho người LGBT.

Những thông tin không chính xác về xu hướng tính dục và bản dạng giới vẫn lan tràn ở Việt Nam và gây ra tác động nặng nề, đặc biệt là với thanh thiếu niên. Dù đã có một số quy định pháp luật cấm phân biệt đối xử và bảo đảm quyền được giáo dục cho mọi trẻ em, giáo trình hiện hành ở cấp quốc gia cũng như chính sách về giáo dục giới tính ở Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, và thiếu phần thảo luận bắt buộc về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận thấy, dù một số trường học và giáo viên có tự lực đưa những bài học đó vào chương trình giảng dạy, khoảng trống ở cấp quốc gia khiến đa số học sinh Việt Nam không có kiến thức cơ bản về xu hướng tính dục và bản dạng giới.

“Tôi chưa bao giờ được dạy về LGBT,” Tuyến, một phụ nữ luyến ái song tính 20 tuổi, kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. “Có rất ít người nghĩ rằng điều đó là bình thường.” Một chuyên gia tư vấn ở trường học nói rằng: “Có rất nhiều sức ép đối với trẻ em phải trở thành người luyến ái dị tính. Luôn luôn có những thông tin tham chiếu gợi ý rằng có rung động với người đồng giới là một triệu chứng có thể và cần được thay đổi và được chữa trị.”

Trong năm 2019, có một bước tiến đầy hứa hẹn khi Bộ Giáo dục, với sự trợ giúp của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra các hướng dẫn về một giáo trình giáo dục giới tính toàn diện có dung hợp những người LGBT, nhưng giáo trình đó đến nay vẫn chưa được thành hình.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận thấy rằng trong các trường học Việt Nam, tình trạng sách nhiễu bằng lời nói đối với các học sinh LGBT rất phổ biến. Học sinh từ các loại trường học khác nhau – ở đô thị và nông thôn, công lập cũng như tư thục – đều nói rằng nhiều học sinh và giáo viên sử dụng những từ ngữ miệt thị để nói về những người LGBT, đôi khi nhằm vào chính họ, kèm theo những lời đe dọa bạo lực.

Các nghiên cứu khác, trong đó có nghiên cứu của các cơ quan Liên Hiệp Quốccác nhóm Việt Nam, cũng đưa ra các bằng chứng tương tự. Trong một báo cáo năm 2014, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) nhận xét: “[C]ác cơ sở giáo dục không an toàn đối với học sinh LGBT do thiếu chính sách ngăn ngừa bắt nạt và phân biệt đối xử. Hơn nữa, giáo dục giới tính, xu hướng tính dục và bản dạng giới ở Việt Nam vẫn còn hạn chế và bị coi là chủ đề nhạy cảm nên các giáo viên thường tránh né.”

Dù có vẻ hiếm xảy ra hơn, nhưng một số thanh thiếu niên LGBT cũng cho biết đã từng bị bạo hành về thể chất. Một người trả lời phỏng vấn cho biết: “[Việc bắt nạt] chủ yếu là bằng lời nói, nhưng có một lần em bị năm sáu đứa con trai đánh hồi lớp tám – chỉ vì họ không ưa ngoại hình của em.”

Cách nhà trường xử lý các vụ xâm hại bằng lời nói hay cơ thể thường không nhất quán. Đa số các thanh thiếu niên LGBT từng trải nghiệm việc bị bắt nạt ở học đường được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn đều nói họ không thấy yên tâm đi báo cáo với nhà trường. Trong một số trường hợp là do cách hành xử định kiến ra mặt của nhân viên nhà trường. Ở những trường hợp khác, các em học sinh suy đoán rằng nếu nhờ người lớn can thiệp thì sẽ không an toàn.

Ngay cả khi không phải đối mặt với sự xâm hại cơ thể hay bằng lời nói, nhiều em cho biết đã bị gia đình, bạn bè và giáo viên cô lập và kỳ thị một cách công khai hay ngấm ngầm. Điều đó diễn ra trong các lớp học, khi giáo viên nói rằng bất cứ dạng quan hệ nào ngoài quan hệ dị tính luyến ái với mục đích sinh sản đều là “phi tự nhiên,” hay ở gia đình, khi cha mẹ dọa đánh, đuổi đi hoặc đưa đi chữa trị nếu con cái là người đồng tính nam hay đồng tính nữ.

Năm 2016, khi đang giữ ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết chống bạo hành và phân biệt đối xử do xu hướng tính dục và bản dạng giới, với lời tuyên bố: “Nguyên nhân Việt Nam bỏ phiếu thuận xuất phát từ các thay đổi về chính sách liên quan đến quyền của người LGBT cả ở trong nước lẫn quốc tế.” Gần đây, chính phủ các quốc gia khác ở Châu Á đã thay đổi chính sách để dung hợp và bảo vệ thanh thiếu niên LGBT – trong đó có Nhật Bản, CampuchiaPhilippines.

“Lời tuyên bố của chính phủ Việt Nam về việc thuận theo xu hướng toàn cầu nhằm tôn trọng quyền của người LGBT là tín hiệu của ý chí chính trị hướng tới các cải cách rất cần thiết về pháp luật và chính sách,” ông Reid nói. “Bước quan trọng đầu tiên là bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi bị bạo hành và phân biệt đối xử, và đảm bảo rằng việc giáo dục họ phải căn cứ trên sự thật chứ không phải định kiến.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country