(Berlin, ngày 30 tháng Mười một năm 2015) – Ngày 24 tháng Mười một năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một văn bản luật mới, hợp pháp hóa phẫu thuật điều chỉnh giới tính và đưa ra quyền được công nhận giới tính hợp pháp cho những người chuyển giới đã trải qua phẫu thuật nói trên.
Luật mới cho phép những người muốn qua phẫu thuật xác định giới tính được thực hiện tại Việt Nam chứ không phải đi nước ngoài, và sau đó được đăng ký lại giới tính trên các hồ sơ nhân thân của mình. Đây là một bước nhỏ, nhưng quan trọng, tiến tới việc thừa nhận các quyền của người chuyển đổi giới tính, theo phát biểu ngày hôm nay của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Tuy nhiên, quy định phải qua phẫu thuật là điều kiện tiên quyết để được công nhận giới tính hợp pháp đặt ra một gánh nặng đối với người chuyển giới, và không phù hợp với quyền cơ bản của họ là đương nhiên được công nhận giới tính mình tự chọn. Bộ trưởng Tư pháp thông báo rằng các quy định chi tiết về phẫu thuật chuyển giới sẽ được ban hành qua các văn bản pháp luật tiếp theo trong năm 2016.
“Chúng tôi ăn mừng thắng lợi này không chỉ cho cộng đồng mình, mà còn cho cả đất nước. Việt Nam đã trở thành một quốc gia bao dung và hòa đồng hơn,” Nguyễn Hải Yến, giám đốc dự án trung tâm ICS (Hướng dẫn, Kết nối và Phục vụ) ở Thành phố Hồ Chí Minh, một tổ chức vận động cho quyền bình đẳng đối với những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) phát biểu. “Vẫn còn nhiều việc cần làm để đảm bảo thủ tục thừa nhận giới tính phù hợp với nhu cầu của người chuyển giới. Qua việc điều chỉnh nội dung bộ luật dân sự, một cánh cửa quan trọng đã mở ra cho chúng tôi.”
282 trong số 366 đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thuận tán thành thông qua văn bản luật mới – sửa đổi điều 37 của Bộ Luật Dân sự 2005 và Nghị định 88/2008/ND-CP, được dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày mồng 1 tháng Giêng năm 2017.
Theo luật dân sự hiện hành, Phẫu thuật Điều chỉnh Giới tính (PTĐCGT) chỉ được phép thực hiện trên người lưỡng tính, và những người chuyển đổi giới tính bị cấm tiến hành PTĐCGT. Trước đây, một số người Việt Nam đã sang Thái Lan để thực hiện PTĐCGT. Tuy nhiên, rất nhiều người chuyển đổi giới tính ở Việt Nam chọn lựa không thực hiện phẫu thuật trên cơ thể, và theo quy định của luật mới thì họ vẫn không thể thay đổi thông tin giới tính trên hồ sơ nhân thân.
“Qua việc sửa đổi điều 37, chính phủ Việt Nam đã thực hiện một bước nhỏ, nhưng quan trọng, trên con đường tiến tới công nhận quyền của người chuyển giới, thật đáng được khen ngợi,” ông Boris Dittrich, giám đốc vận động chương trình Quyền của LGBT thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Nhưng Việt Nam cũng nên cho phép những người chuyển giới không muốn trải qua phẫu thuật được công nhận chính thức giới tính họ lựa chọn.”
Theo các Nguyên tắc Yogyakarta – một tài liệu tổng hợp các điều luật quốc tế hiện hành liên quan đến quyền của LGBT – các quốc gia cần xem xét những biện pháp cho phép tất cả mọi người được xác định giới tính của riêng mình. Luật về công nhận giới tính của Argentina, được thông qua năm 2012, trong đó không yêu cầu phải qua phẫu thuật hay can thiệp bằng hormon hoặc can thiệp của bên thứ ba, được thừa nhận rộng rãi là bộ luật có ít cản trở nhất đối với người chuyển giới trong việc đăng ký giới tính mà họ chọn. Các quốc gia khác – như Colombia, Đan Mạch, Ireland và Malta – đã công khai hủy bỏ các rào cản chính đối với việc công nhận giới tính hợp pháp, trong đó có các quy định về phẫu thuật, triệt sản bắt buộc, đánh giá tâm lý, thời gian chờ đợi kéo dài và ly hôn. Một số quốc gia khác cũng cho phép xác định giới tính không cần PTĐCGT và điều trị bằng hormon.
Năm 2010, Hiệp hội Chuyên môn Quốc tế về Sức khỏe Người Chuyển giới (WPATH), một tổ chức chuyên môn đa ngành quốc tế đã công bố: “Không nên ép buộc bất cứ người nào phải trải qua phẫu thuật hay triệt sản bắt buộc mới được công nhận nhân thân.” Trong một thông cáo về chính sách trong tháng Giêng năm 2015, WPATH kêu gọi chính phủ các quốc gia “loại bỏ các rào cản không cần thiết, áp dụng các thủ tục hành chính đơn giản và thuận lợi đối với người chuyển giới để được đăng ký và công nhận chính thức về giới tính, phù hợp với bản thân, khi thông tin về giới tính trên các giấy tờ nhân thân được coi là cần thiết.”
“Trong những bước sửa đổi pháp luật tiếp theo, Việt Nam nên dựa theo các Nguyên tắc Yogyakarta và quan điểm y học đang ngày càng được sự đồng thuận cao là phẫu thuật không nên là điều kiện bắt buộc để thay đổi bản chất giới tính của một cá nhân,” ông Dittrich nói. “Người chuyển giới ở Việt Nam cần có được quyền tự quyết định nhân thân của mình.”