(Bangkok, ngày 25 tháng Tám năm 2014) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc hình sự nhưng có nguyên do chính trị đối với ba nhà hoạt động sau đây, đồng thời phóng thích họ ngay lập tức.
Vào ngày 26 tháng Tám năm 2014, Tòa án Nhân dân Tỉnh Đồng Tháp có lịch xét xử vụ Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh, bị bắt từ tháng Hai năm 2014 và bị truy tố về tội danh “gây rối trật tự công cộng” bằng hành vi “gây cản trở giao thông nghiêm trọng.” Theo điều 245 của Bộ luật hình sự Việt Nam, họ có thể phải đối mặt với mức án bảy năm tù nếu bị kết án.
“Chính quyền Việt Nam giờ đây đã dùng tới cả lỗi giao thông ngụy tạo để truy tố hình sự các nhà hoạt động,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Đáng lẽ chính quyền Việt Nam nên nhận thấy rằng vụ này không đáng để phải chịu sự chỉ trích của quốc tế mà nó có thể gây ra, và hủy bỏ các cáo buộc ngay lập tức.”
Ngày 11 tháng Hai, một nhóm 21 nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo và blogger đi xe máy từ Thành phố Hồ Chí Minh về huyện Lấp Vò thuộc tỉnh Đồng Tháp để thăm cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển và vợ chưa cưới của ông là Bùi Thị Kim Phượng, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập, những người vừa bị công an sách nhiễu, câu lưu và thẩm vấn ngày hôm trước. Khi cả nhóm gần đến nơi, công an chặn xe họ với lý do được cho là có vi phạm giao thông, rồi đứng sang một bên để một nhóm côn đồ không biết từ đâu, mặc thường phục, đánh đập một số người trong nhóm. Sau đó công an bắt cả nhóm, nhưng rồi chỉ truy tố 3 người là blogger nổi tiếng Bùi Thị Minh Hằng, 50 tuổi, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, 28 tuổi và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập Nguyễn Văn Minh, 34 tuổi.
Các nhà hoạt động nói trên đã bị mất tự do lại còn phải chịu nhiều vi phạm về quy trình pháp lý trong thời gian bị giam giữ, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Ngay sau khi bị bắt, Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh lập tức tuyệt thực trong hai tuần để phản đối cách thức chính quyền bắt giữ họ. Ban đầu, chính quyền còn cản trở khi luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho họ, tìm cách tiếp cận hồ sơ vụ án. Ngày 22 tháng Bảy, ông Hà Huy Sơn gửi thư khiếu nại về việc công an tỉnh Đồng Tháp không cung cấp cho ông bản kết luận điều tra theo như luật định. Ngày 22 tháng Ba, chính quyền sách nhiễu và đe dọa những người trong gia đình Bùi Thị Minh Hằng, trong đó có con trai bà là Trần Bùi Trung và con gái bà là Đặng Thị Quỳnh Anh, khi họ đi vận động tìm kiếm sự hỗ trợ cho mẹ mình ở Hà Nội.
Về các nhà hoạt động
Bùi Thị Minh Hằng là một nhà hoạt động nổi tiếng, thường đi đầu trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tuyên bố chủ quyền các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng Sáu đến tháng Tám năm 2011. Ngày 27 tháng Mười ột năm 2011, công an bắt Bùi Thị Minh Hằng bên ngoài Nhà thờ Đức Bà ở Thành phố Hồ Chí Minh với lý do được cho là “gây rối trật tự công cộng” khi bà đang biểu tình thầm lặng để phản đối việc bắt bớ những người tham gia biểu tình ôn hòa. Ngày hôm sau, chính quyền ra lệnh quản chế không cần xét xử và đưa bà tới Cơ sở Giáo dục Thanh Hà ở tỉnh Vĩnh Phúc để quản chế hành chính 24 tháng.
Do nhiều làn sóng phản đối từ trong nước và quốc tế, chính quyền trả tự do cho Bùi Thị Minh Hằng vào tháng Tư năm 2012. Ngay sau khi được thả, bà lập tức tiếp tục cuộc vận động cho nhân quyền. Bà viết và công bố trên mạng một hồi ký ghi lại những kinh nghiệm bản thân ở Cơ sở Giáo dục Thanh Hà. Bà tiến hành biểu tình tại nhà riêng ở thành phố Vũng Tàu bằng cách gắn các bản phản đối tình trạng lạm quyền của công an và chính quyền trên cổng nhà và phân phát miễn phí các bản sao cho những người đi qua. Bà phân phát cuốn “Cẩm nang thực thi quyền làm người” cho những ai muốn đòi các quyền con người của mình thông qua các hoạt động ôn hòa. Bà cũng luôn cố gắng tới tham dự các phiên xử những nhà hoạt động nhân quyền khác.
Bùi Thị Minh Hằng và những người trong gia đình từ lâu đã phải chịu sự đe dọa, sách nhiễu và theo dõi gắt gao của công an. Báo chí và các kênh truyền hình nhà nước từng nhiều lần công kích bà. Công an cũng không làm gì khi có những kẻ lạ mặt hành hung bà và con trai, và những kẻ không rõ danh tính ném đồ thối rữa vào sân trước nhà bà trong đêm.
“Chính quyền càng cố dập tắt tiếng nói của Bùi Thị Minh Hằng, bà càng lên tiếng mạnh hơn đòi các quyền tự do cơ bản,” ông Robertson nói. “Chính quyền nên bắt đầu lắng nghe những gì bà Hằng và các nhà hoạt động khác muốn nói, thay vì nhốt họ vào xà lim.”
Nguyễn Văn Minh là một nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo độc lập, vận động cho tự do tôn giáo và lương tâm. Vợ anh, Bùi Thị Diễm Thúy, cũng là một nhà hoạt động tôn giáo, có cha là Bùi Văn Trung và em trai Bùi Văn Thâm đang phải thi hành án tù vì bị xử trong các vụ án có nguyên do chính trị, theo điều 257 bộ luật hình sự với tội danh “chống người thi hành công vụ.” Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tin rằng họ bị truy tố vì họ theo và ủng hộ một nhóm Phật giáo Hòa Hảo độc lập chứ không theo giáo hội được nhà nước bảo trợ.
Có rất ít thông tin về người thứ ba, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, hiện đang bị tạm giam.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định, việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong năm 2013 chưa mang lại tiến bộ quan trọng nào về thành tích nhân quyền của quốc gia này.
“Việt Nam được một ghế trong Hội đồng Nhân quyền, nhưng hành động đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền trong nước vẫn chưa chấm dứt,” ông Robertson phát biểu. “Các nhà tài trợ song phương và các cơ quan Liên Hiệp Quốc cần gây sức ép để Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình và chấm dứt bỏ tù những thường dân mà tội duy nhất của họ chỉ là kêu gọi cải cách dân chủ và nhân quyền.”