(New York) — Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng văn bản pháp luật mới của chính quyền Việt Nam về công tác điều tra trong ngành công an có cải thiện so với các quy định cũ, nhưng vẫn chưa đủ để thực hiện những cải tổ sâu sắc nhằm ngăn chặn tình trạng công an lạm quyền đang tràn lan.
Thông tư 28 của Bộ Công an, với tiêu đề “Quy định về Công tác Điều tra Hình sự Trong Công an Nhân dân” sẽ có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng Tám năm 2014 và thay thế các quy định hiện có.
“Nạn lạm quyền của công an Việt Nam đã lan tràn ngoài tầm kiểm soát trong những năm gần đây vì chính quyền chưa có hành động thích đáng đối với những người vi phạm trong ngành công an,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phụ trách Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Nếu có ý chí chính trị để thực thi nghiêm túc, thì những quy định mới đối với ngành công an có thể khởi động một quá trình dẫn tới việc đảm bảo rằng mọi hành vi lạm quyền của công an sẽ bị điều tra và truy tố.”
Thông tư 28 đưa ra nhiều thay đổi tích cực so với quy định hiện có, theo nhận định của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Văn bản này đưa ra nguyên tắc đầu tiên của hoạt động điều tra trong ngành công an là “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng lợi ích của nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (điều 4). Thông tư cũng giải thích rõ về việc triển khai các quy định pháp luật đã ban hành, như Pháp lệnh số 23 về Tổ chức Điều tra Hình sự, vốn không đả động gì đến “quyền con người” hay nhu cầu phải tôn trọng quyền và lợi ích của cá nhân trong công tác điều tra. Thông tư 28 nghiêm cấm các điều tra viên trong ngành công an “mớm cung, bức cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào.” (điều 31). Thông tư này cũng cấm điều tra viên “không được nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với bị can, người bị tạm giữ, thân nhân của họ và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan” (điều 31).
Thông tư 28 còn quy định buộc những người trong ngành công an được giao nhiệm vụ điều tra “phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về mọi hành vi và quyết định của mình.” (điều 4) – quy định này có thể làm tăng ý thức trách nhiệm đối với những việc làm của công an. Tuy nhiên, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Bộ Công an cần giải thích rõ rằng “chịu trách nhiệm trước pháp luật” không thể có hiệu lực thấp hơn “chịu trách nhiệm trước cấp trên”, nhất là khi cấp trên có thể đã gây ra tình trạng lạm quyền.
Thông tư 28 cũng chứa đựng nhiều nội dung có thể dẫn tới việc quy trách nhiệm trong một số hoạt động, như thanh kiểm tra các cơ sở tạm giam, tạm giữ, và quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hành vi sai phạm và lạm quyền của công an
“Nếu chính quyền Việt Nam thật sự nghiêm túc trong nỗ lực chấm dứt nạn lạm quyền của công an, Thông tư 28 có thể là một sự khởi đầu tốt,” ông Robertson nói. “Nhưng mọi người không nên giả định sẽ có những bước tiến thực sự cho đến khi cấp lãnh đạo cao nhất của chính quyền thực tâm muốn cải cách ngành công an một cách hiệu quả.”
Những quy định có vấn đề; và các quan ngại về quy trình pháp lý thích hợp
Thông tư 28 cũng chứa đựng nhiều quy định rất có vấn đề, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Ví dụ như, các quy định nhấn mạnh về vai trò của công an xã, là lực lượng kém chuyên nghiệp nhất trong cả ngành công an. Không có cơ sở để đảm bảo rằng công an xã sẽ thực hiện một cách hiệu quả các trách nhiệm của mình theo Thông tư này, trong đó có nhiệm vụ “xác minh sơ bộ ban đầu để phân loại” (điều 27) và “lấy lời khai” (điều 28).
Công an xã là lực lượng được trang bị kỹ năng và nguồn lực ở mức thấp nhất đối với công tác xử lý can phạm và hỏi cung, và thường bị tố cáo là đánh đập can phạm trong khi giam giữ. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, giao cho công an xã nhiệm vụ tiến hành điều tra với các hướng dẫn chung chung sẽ chỉ làm tăng khả năng họ sẽ sử dụng các biện pháp bạo hành để đạt được lời thú tội và các chứng cứ.
Trong Thông tư này cũng có sử dụng ngôn ngữ thể hiện tư duy tiên đoán có tội, ví dụ như nói về nghi can đang bị điều tra là “người phạm tội” (điều 28). Điều này gây quan ngại vì một người phải được coi là vô tội trước pháp luật nếu chưa có kết luận của tòa án.
Thông tư 28 thu hẹp chứ không nới rộng vai trò của luật sư bào chữa, là nhân tố thiết yếu để bảo đảm quy trình pháp lý thích hợp đối với nghi can hình sự, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định. Theo điều 38, luật sư và người trợ giúp pháp lý có thể bị trừng phạt về “hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như:… ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật,…khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ.” Thông tư 28 dường như còn khuyến khích điều tra viên trong ngành công an “thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ” bằng mọi biện pháp có thể, bao gồm cả việc “ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác.” Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các quy định này về trợ giúp pháp lý đã trao quá nhiều quyền cho điều tra viên ngành công an khiến họ có thể tùy tiện định đoạt những hoạt động trợ giúp pháp lý nào là chấp nhận được, còn hoạt động nào có thể trừng phạt.
Ngày mồng 7 tháng Tám, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đại diện cho giới luật sư trên toàn quốc đã gửi công văn đến Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang yêu cầu hủy bỏ hoặc sửa đổi nội dung điều 38. Theo liên đoàn luật sư, nội dung điều này của Thông tư đặt luật sư và người trợ giúp pháp lý ở vị trí thấp hơn điều tra viên ngành công an, khiến có thể dẫn tới lạm quyền. Ngày 16 tháng Tám, Luật sư Đoàn thành phố Hà Nội dự định tổ chức buổi hội thảo để trao đổi về Thông tư 28. Tuy nhiên, buổi hội thảo phải hủy bỏ vào phút cuối vì công an can thiệp với bên chủ quản của địa điểm thuê để tổ chức sự kiện này, sau đó họ thông báo với các luật sư là địa điểm đó không còn chỗ nữa. “Không nên để các luật sư bị gây khó dễ ngay cả khi đi tìm nơi họp mặt để thảo luận về các quy định pháp luật mới sẽ ảnh hưởng tới bản thân và thân chủ của họ,” ông Robertson nói. “Việt Nam không thể trông mong sẽ trở thành một quốc gia tôn trọng pháp trị nếu vẫn cản trở các luật sư làm công việc của họ.”