Skip to main content

Việt Nam: Hãy phóng thích các nhà hoạt động bị kết án

Hủy bỏ mọi cáo buộc đối với blogger Lê Quốc Quân

(New York) – Việc Tòa án Nhân dân Tỉnh Nghệ An ra phán quyết có tội và xử án tù đối với 14 nhà hoạt động vào ngày mồng 9 tháng Giêng năm 2012 đánh dấu sự gia tăng rõ rệt của chủ trương đàn áp những người phê phán chính quyền. Phán quyết đối với 14 người nói trên cần phải bị hủy bỏ ngay lập tức, cũng như các cáo buộc đối với blogger nổi tiếng Lê Quốc Quân, bị bắt từ cuối tháng Mười hai. Mười ba trong số các bị cáo bị xử án tù từ 3 đến 13 năm mỗi người, có người phải chịu thêm tới năm năm quản chế. Người còn lại phải nhận án treo ba năm, khiến có thể bị bắt lại dễ dàng.

14 người bị truy tố sau khi dự một khóa tập huấn ở Băng Cốc của Việt Tân – một tổ chức bị cấm. Mười một người bị cáo buộc là thành viên Việt Tân, ba người bị cáo buộc tham gia tích cực vào tổ chức đó. Việt Tân là một tổ chức từng dẫn dắt phong trào kháng chiến chống lại chính quyền cộng sản Việt Nam trong những năm 1980, nhưng trong vài thập niên gần đây đã hoạt động vì các mục đích cải cách chính trị một cách ôn hòa, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Như trong nhiều vụ án trước đây, chính quyền dựa vào các điều luật về an ninh quốc gia có nội dung lỏng lẻo – trong trường hợp này là điều 79 của bộ luật hình sự, cấm một cách khái quát các hoạt động nhằm mục đích “lật đổ chính quyền” – để truy tố những người thi hành các quyền con người cơ bản của mình.

Để thể hiện tính chất nhạy cảm của vụ án, rất đông công an được điều đến khu vực tòa án. Công an câu lưu và khống chế một số blogger cố tìm cách vào phòng xử án.

“Việc kết án thêm nhiều nhà hoạt động ôn hòa là một ví dụ nữa về một chính quyền ngày càng sợ ý kiến của chính người dân nước mình,” ông Brad Adams, giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói. “Thay vì bỏ tù những người lên tiếng phê phán, chính quyền Việt Nam đáng lẽ phải tôn vinh họ vì những nỗ lực đề cập tới vô vàn vấn đề mà đất nước đang gặp phải, và chính nhà nước cũng đã nhận định như vậy.”

14 người bị kết án là Đặng Ngọc Minh, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Hồ Văn Oanh, Lê Văn Sơn, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Thái Văn Dung và Trần Minh Nhật (để biết thông tin lý lịch từng người, mời xem phần phụ lục). Họ bị bắt trong khoảng thời gian từ tháng Tám đến tháng Mười hai năm 2011 và bị tạm giữ hơn một năm trước khi đưa ra xét xử.

Nhiều người trong số các bị cáo, như Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Đình Cương, Hồ Đức Hòa và Đặng Xuân Diệu đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện ở khu vực họ sinh sống trong thành phố Vinh, như khuyên giải phụ nữ đừng phá thai, hỗ trợ những người nghèo và người khuyết tật, thành lập Quỹ Phát triển Con người Vinh, và làm các việc khác để bảo vệ môi trường. Những người khác, như Nông Hùng Anh, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Oai và Nguyễn Văn Duyệt đã tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc hay tham gia vào các nỗ lực thể hiện sự ủng hộ đối với nhà hoạt động pháp lý Cù Huy Hà Vũ trong phiên xử năm 2011, khiến ông phải chịu án tù chỉ vì thi hành các quyền cơ bản một cách ôn hòa. Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Duyệt và Hồ Văn Oanh tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người lao động ở tỉnh Bình Dương, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba người ít được biết đến hơn trong nhóm là Đặng Ngọc Minh, con gái bà là Nguyễn Đặng Minh Mẫn và con trai Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc, ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Theo cáo trạng, vào tháng Tư năm 2010, Đặng Ngọc Minh và Nguyễn Đặng Minh Mẫn “dưới sự chỉ đạo của Việt Tân, mua sơn đen và sơn dòng chữ ‘HS.TS.VN’ bên ngoài ống cống và trên tường” của một trường học cũ ở xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long nhằm “kích động người dân biểu tình” để chụp ảnh và gửi cho Đảng Việt Tân. “HS.TS.VN” là chữ viết tắt của Hoàng Sa và Trường Sa, một trong những địa bàn chính về tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, một vấn đề mà chính quyền Việt Nam coi là có độ nhạy cảm cao.

Nguyễn Đình Cương, Đặng Xuân Diệu, Nông Hùng Anh, Thái Văn Dung và Trần Nhật Minh đã viết blog cổ vũ tự do ngôn luận và ủng hộ việc thành lập một hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng. Trước phiên xử, Đặng Xuân Diệu nói, “Tôi không làm bất cứ điều gì trái với lương tâm nên dù nhà cầm quyền có dùng nhục hình và bản án nặng nề để hại tôi thì chính quyền đang dẫm đạp lên đạo lí tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam và đó là chuyện của họ, họ phải tự chịu trách nhiệm.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng vụ của Lê Văn Sơn (còn gọi là Paulus Lê Sơn), một blogger 27 tuổi viết bài về các tranh chấp đất đai, các vụ nhà cầm quyền địa phương tấn công những nhà hoạt động bạn bè mình, các vụ công an lạm quyền, và về sự phân biệt đối xử với bệnh nhân nhiễm HIV, cho thấy tòa án đã bị sử dụng sai vào mục đích chính trị. Trước khi bị bắt, Lê Văn Sơn đã cố tới quan sát các phiên xử những nhà bất đồng chính kiến khác, như vụ của nhà hoạt động pháp lý nổi tiếng Cù Huy Hà Vũ. Như Lê Văn Sơn đã viết trong một bài, “Chung quy, những người bị kết tội ‘chống chính quyền’ là những người dùng các vật liệu xây dựng quý giá để…chỉ ra các chỗ nứt, hổng, khe hở trong thể chế chính trị có nguy cơ gây sụp đổ.” Anh bị kết án 13 năm tù giam cộng thêm năm năm quản chế tại gia.

Nhiều người trong số 14 người đó có quan hệ với các nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà ở Hà Nội và Kỳ Đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh, được biết là hai nơi ủng hộ mạnh mẽ các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền và tôn giáo ôn hòa. Trong hai năm qua, cả hai nhà thờ thường xuyên tổ chức là buổi cầu nguyện, thể hiện sự ủng hộ với những người được cho là tù nhân lương tâm đang bị tù đày hay tạm giam vì đức tin tôn giáo hoặc chính trị. Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Văn Duyệt, Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung, Nông Hùng Anh và Lê Văn Sơn đã từng dự các khóa báo chí do hai nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế tổ chức hoặc đóng góp tin bài cho trang mạng của nhà thờ. Dòng Chúa Cứu thế, có tên cũ là Dòng Chúa Cứu chuộc, là một dòng truyền giáo Công giáo thành lập ở Italy từ năm 1732 và đến nay đang hiện diện tại hơn 77 quốc gia trên khắp thế giới.

Các nhà hoạt động dòng Chúa Cứu thế là một tiếng nói đang lớn mạnh trong các phong trào dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhất là ở các địa phương có nhiều người theo đạo, như Nghệ An, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Một số nhà thờ và giáo xứ dòng Chúa Cứu thế đã trở thành các trung tâm bất đồng chính kiến. Các nhà hoạt động liên quan tới tôn giáo đã trở thành đối tượng bị bắt giữ và chịu các hình thức sách nhiễu hay đe dọa khác của chính quyền, trong đó có hạn chế đi lại, hành hung thân thể cá nhân hay điều động lực lượng an ninh vũ trang phong tỏa các nhà thờ.

“Chưa rõ chính quyền đưa những người vừa bị kết án vào vòng ngắm do cho rằng họ có liên quan tới Việt Tân, là giáo dân của dòng Chúa Cứu thế, hay chỉ đơn thuần vì các hoạt động của họ,” ông Adams nói. “Dù nguyên nhân là gì chăng nữa, chính quyền đã thể hiện bạo quyền với chính người dân nước mình và với thế giới khi tuyên bố rằng những người đang cố gắng bảo vệ nhân quyền của đồng bào họ là mối nguy đối với nhà nước.”

 

Vụ Lê Quốc Quân

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng kêu gọi hủy bỏ các cáo buộc có động cơ chính trị đối với nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Lê Quốc Quân, bị bắt ngày 27 tháng Mười hai năm 2012, chín ngày sau khi ông viết bài báo nhan đề “Hiến pháp hay hợp đồng điện nước?” Bài viết phê phán Quốc hội vẫn giữ nguyên điều 4 trong bản dự thảo hiến pháp mới và các vấn đề khác liên quan tới bản hiến pháp. Điều 4 ghi nhận rằng Đảng Cộng sản có vai trò lãnh đạo ở Việt Nam. Lê Quốc Quân mở đầu bài viết bằng lời tuyên bố “Tôi biết rằng những điều tôi viết sau đây có thể bị Đảng Cộng sản vứt vào sọt rác hoặc thậm chí tệ hơn là có thể bị tống giam nhưng lòng tin vào con người, sự hệ trọng của vấn đề cùng ý thức công dân thúc bách tôi.” Bài viết được BBC đăng ngày 18 tháng Mười hai.

Vụ bắt giữ Lê Quốc Quân chỉ là sự kiện sau cùng trong một chuỗi dài các đối sách của nhà cầm quyền nhằm dập tắt nỗ lực vận động cho nhân quyền và pháp quyền của ông, trong đó có nỗ lực đưa lời hứa về tự do tôn giáo trở thành hiện thực. Ông rất tích cực viết blog về hàng loạt các chủ đề, từ luật pháp đến quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc. Ông từng bị bỏ tù một thời gian trong năm 2007, liên tiếp bị đe dọa bắt lại sau khi được thả, bị công an thẩm vấn và câu lưu, và bị những kẻ lạ mặt hành hung. Các cáo buộc về trốn thuế có động cơ chính trị cũng từng được vận dụng để bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến khác, trong đó có blogger Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày). Hai người họ hàng của Lê Quốc Quân, em trai Lê Đình Quản và em họ Nguyễn Thị Oanh, cũng đã bị câu lưu cũng với cáo buộc về thuế. Ông bị bắt không lâu sau khi đăng bài bình luận lên án hiến pháp bảo đảm quyền lãnh đạo cho Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

“Chính quyền coi Lê Quốc Quân là đối tượng cần đặt vào vòng ngắm vì các ý kiến của ông có sức mạnh và thực sự được nhiều người ở Việt Nam tán thành,” ông Adams nói. “Đã đến lúc các nhà tài trợ của Việt Nam cần lên tiếng với chính quyền nước sở tại rằng mình không thể tiếp tục làm ăn như không có chuyện gì xảy ra nếu họ tiếp tục bắt giam những người mà tội duy nhất của họ là muốn đòi quyền nói lên ý nghĩ của mình và đưa đất nước vào quỹ đạo dân chủ.”  

 

Tóm tắt lý lịch của 14 người bị xử án

Đặng Ngọc Minh, 55 tuổi, làm nội trợ ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Bà bị bắt ngày mồng 2 tháng Tám năm 2011, và bị cáo buộc theo khoản 2 điều 79 và kết án 3 năm tù giam cộng với 2 năm quản chế. Đặng Ngọc Minh là mẹ đẻ của Nguyễn Đặng Minh Mẫn và Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc, cả hai người cũng đều bị xử trong vụ này.     

Đặng Xuân Diệu, 33 tuổi, là nhà hoạt động Công giáo và doanh nhân ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Anh bị bắt ngày mồng 2 tháng Tám năm 2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo buộc theo khoản 1 điều 79 và kết án 13 năm tù giam cộng thêm 5 năm quản chế.

Hồ Đức Hòa, 38 tuổi, là doanh nhân ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Anh bị bắt ngày mồng 2 tháng Tám năm 2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo buộc theo khoản 1 điều 79 và kết án 13 năm tù giam cộng thêm 5 năm quản chế. 

Hồ Văn Oanh, 27 tuổi, là sinh viên Công giáo ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh bị bắt ngày 16 tháng Tám năm 2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo buộc theo khoản 2 điều 79 và kết án ba năm tù giam cộng thêm hai năm quản chế. 

Lê Văn Sơn, viết blog với bút danh Paulus Lê Sơn, 27 tuổi, là nhà hoạt động Công giáo và blogger. Anh bị bắt ngày mồng 3 tháng Tám năm 2011 tại Hà Nội, bị cáo buộc theo khoản 1 điều 79 và kết án 13 năm tù giam cộng thêm năm năm quản chế.

Nguyễn Đặng Minh Mẫn, 27 tuổi, là nhà hoạt động Công giáo ở Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Chị bị bắt ngày mồng 2 tháng Tám năm 2011, bị cáo buộc theo khoản 1 điều 79 và kết án tám năm tù giam cộng thêm năm năm quản chế. Chị là con gái bà Đặng Ngọc Minh và em gái của Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc, cả hai người cũng bị xử trong vụ này.  

Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc, 32 tuổi, là công nhân ở Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Anh bị bắt ngày mồng 2 tháng Tám năm 2011, bị cáo buộc theo khoản 2 điều 79 và kết án ba năm tù cho hưởng án treo. Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc là con trai bà Đặng Ngọc Minh và là anh trai của Nguyễn Đặng Minh Mẫn, cả hai người cũng bị xử trong vụ này.  

Nguyễn Đình Cương, 31 tuổi, là nhà hoạt động Công giáo và doanh nhân ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Anh bị bắt ngày 24 tháng Mười hai năm 2011 tại tỉnh Nghệ An, bị cáo buộc theo khoản 2 điều 79 và kết án bốn năm tù giam cộng thêm ba năm quản chế. 

Nguyễn Văn Duyệt, 32 tuổi, là nhà hoạt động Công giáo ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh bị bắt ngày mồng 7 tháng Tám năm 2011, bị cáo buộc theo khoản 2 điều 79 và kết án sáu năm tù giam cộng thêm bốn năm quản chế. 

Nguyễn Văn Oai, 31 tuổi, là nhà hoạt động Công giáo ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh bị bắt ngày mồng 2 tháng Tám năm 2011 ở Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo buộc theo khoản 2 điều 79 và kết án ba năm tù giam cộng thêm hai năm quản chế. 

Nguyễn Xuân Anh, 30 tuổi, là nhà hoạt động Công giáo ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh bị bắt ngày mồng 7 tháng Tám năm 2011 ở tỉnh Nghệ An, bị cáo buộc theo khoản 2 điều 79 và kết án ba năm tù giam cộng thêm hai năm quản chế. 

Nông Hùng Anh, 29 tuổi, là nhà hoạt động Tin Lành và đang là sinh viên ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Anh bị bắt ngày mồng 5 tháng Tám năm 2011 ở Hà Nội, bị cáo buộc theo khoản 2 điều 79 và kết án năm năm tù giam cộng thêm ba năm quản chế. 

Thái Văn Dung, 24 tuổi, là nhà hoạt động Công giáo ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Anh bị bắt ngày 19 tháng Tám năm 2011 ở Hà Nội, bị cáo buộc theo khoản 2 điều 79 và kết án năm năm tù giam cộng thêm ba năm quản chế.

Trần Minh Nhật, 24 tuổi, là nhà hoạt động Công giáo ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Anh bị bắt ngày 27 tháng Tám năm 2011 ở Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo buộc theo khoản 2 điều 79 và kết án bốn năm tù giam cộng thêm ba năm quản chế.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country
Topic