Skip to main content

Việt Nam: Cần hủy bỏ cáo buộc và phóng thích các blogger

Thủ tướng chỉ đạo tấn công các tiếng nói chỉ trích và bưng bít blog

 

Cập nhật: Ngày 24 tháng Chín năm 2012, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết án blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) 12 năm tù cộng 5 năm quản chế sau khi mãn hạn tù; blogger Tạ Phong Tần bị xử 10 năm tù, cộng 3 năm quản chế; blogger Phan Thanh Hải (Anhbasg) bị xử 4 năm tù, cộng 3 năm quản chế.

(New York, ngày 21 tháng Chín năm 2012) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ba blogger nổi tiếng và phóng thích họ ngay lập tức. Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày), Phan Thanh Hải (bút danh Anhbasg) và Tạ Phong Tần vào ngày 24 tháng Chín năm 2012 theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.” Nếu bị kết án, các bị cáo có thể phải đối mặt với mức án tù đến 20 năm.

Vào ngày 12 tháng Chín vừa qua, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đảm nhận trách nhiệm đàn áp tự do ngôn luận bằng văn bản chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông và các cơ quan hữu quan ngăn chặn các blog chính trị không vừa ý chính quyền, xử lý những cá nhân đứng đằng sau, và ngăn cấm công chức nhà nước đọc, phát tán các tin tức đăng tải trên các blog đó. Văn bản nói trên xuất hiện giữa lúc Việt Nam đang có những bất ổn kinh tế, sau khi một loạt các đại gia có quan hệ tầm cỡ và các quan chức doanh nghiệp nhà nước bị bắt.

“Tội bị quy kết cho các blogger này chỉ là đưa những thông tin mà chính quyền không muốn người dân Việt Nam đọc,” ông Brad Adams, Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chừng nào chính quyền còn tùy tiện sử dụng các điều luật an ninh quốc gia có nội dung mơ hồ để bỏ tù những người lên tiếng phê phán chính phủ, các blogger còn là đối tượng của sự tấn công vào quyền tự do ngôn luận.”

Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh HảiTạ Phong Tần đều là thành viên sáng lập của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, được thành lập vào tháng Chín năm 2007 với mục đích thúc đẩy tự do báo chí, tự do ngôn luận và nhân quyền. Từ ngày Câu lạc bộ ra đời, chính quyền liên tục sách nhiễu, đe dọa và bắt bớ các nhà báo và blogger độc lập có liên hệ với câu lạc bộ.

Công an bắt giữ bà Tạ Phong Tần từ tháng Chín năm 2011 và ông Phan Thanh Hải từ tháng Mười năm 2010. Cả hai đều bị tạm giam chờ xét xử suốt từ đó đến nay. Ông Nguyễn Văn Hải bị bắt từ tháng Tư năm 2008 và bị kết án 30 tháng tù với tội danh trốn thuế ngụy tạo. Sau khi bản án của Nguyễn Văn Hải được thi hành xong vào tháng Mười năm 2010, đáng lẽ phải trả tự do cho ông thì chính quyền lại truy tố với tội danh mới theo điều 88. Phiên tòa xử họ đã bị hoãn đến ba lần.

Vào ngày mồng 3 tháng Tám năm 2012, Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền bày tỏ “quan ngại sâu sắc rằng phiên tòa sắp xử Nguyễn Văn Hải…, P[h]an Thanh Hải và Tạ Phong Tần về tội ‘tuyên truyền’ chống Nhà nước có liên quan trực tiếp đến việc thực thi hợp pháp quyền tự do ngôn luận của họ, trong đó có việc đăng tải ý kiến về các vấn đề xã hội và nhân quyền trên mạng.” Ngày mồng 3 tháng Năm, Tổng thống Obama phát biểu rằng “chúng ta không được quên [các nhà báo] như blogger Điếu Cày, người bị bắt từ năm 2008 trùng với thời điểm của một đợt trấn áp hàng loạt các nhà báo công dân ở Việt Nam.” Trong tháng Tư, chính phủ Hoa Kỳ nêu rõ sự can đảm của Điếu Cày, đặt vụ của ông lên đầu tiên trong một loạt hồ sơ các blogger và nhà báo được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh nhân dịp kỷ niệm Ngày Tự do Báo chí Thế giới.

Trong một vụ việc đau buồn, vào ngày 30 tháng Bảy, thân mẫu blogger Tạ Phong Tần, bà Đặng Thị Kim Liêng, 64 tuổi, đã tự thiêu bên ngoài trụ sở Đảng ủy tỉnh Bạc Liêu và qua đời ngay trong ngày hôm đó. Nguyên nhân của việc tự thiêu được cho biết là do sự sách nhiễu của công an với gia đình và phiên tòa sắp xử con gái của bà. Các blogger và những người ủng hộ nhân quyền như nhà vận động quyền lợi đất đai Bùi Thị Minh Hằng và cựu tù nhân chính trị Trương Minh Đức và Trương Minh Nguyệt đã bị công an sách nhiễu và đe dọa khi cố đến viếng tang.

“Trong khi đang phải đối mặt với khủng hoảng  kinh tế, nhiều vụ bê bối và mâu thuẫn chính trị nội bộ, chính quyền Việt Nam đáng ra phải có nhu cầu tạo dòng chảy thông tin trong nước một cách tự do hơn,” ông Adams nói. “Việt Nam cần tiếp thu thông điệp sau: bịt miệng những người chỉ trích và bỏ tù các blogger không giúp gì cho việc giải quyết các vấn nạn của đất nước.” 

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country