Skip to main content

Đối thoại Úc–Việt Nam về Nhân quyền

Khuyến nghị của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền

Trong năm 2011 và Quý I năm 2012, có rất nhiều vi phạm về nhân quyền ở Việt Nam, với một chuỗi liên tục các vụ xử án và bắt bớ mang tính chính trị. Chính quyền Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa. Các nhà văn, blogger và các nhà vận động nhân quyền độc lập – những người lên tiếng chất vấn chính sách nhà nước, phát hiện tham nhũng hoặc kêu gọi thay đổi chế độ độc đảng bằng các giải pháp dân chủ thường xuyên bị công an sách nhiễu, theo dõi gắt gao, giam giữ biệt lập trong thời gian dài, đồng thời không được tiếp cận với các nguồn trợ giúp pháp lý, và bị xử với các mức án ngày càng nặng hơn với các tội danh mơ hồ về xâm phạm an ninh quốc gia. Công an thường tra tấn can phạm để ép nhận tội và, trong một số vụ việc, đã sử dụng vũ lực quá mức khi đối phó với những cuộc biểu tình đông người để phản đối cưỡng chiếm nơi ở, đất đai, hay bạo hành của công an. Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2011 bị công an cưỡng chế giải tán, những người tham gia biểu tình bị đe dọa, sách nhiễu, và một số trường hợp bị bắt giữ trong vài ngày.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị Úc nên chú trọng vào các vụ việc của những những người đang bị bỏ tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị, và xem xét bốn nội dung ưu tiên chính trong cuộc đối thoại nhân quyền sắp tới với Việt Nam. Bốn nội dung ưu tiên chính nói trên gồm có: ngăn cản tự do ngôn luận và tự do lập hội; ngăn cản quyền tự do thực hành tín ngưỡng; bạo hành của công an; và cưỡng bức lao động trong các trung tâm quản lý người nghiện ma túy.

Chúng tôi hoan nghênh cuộc đối thoại về nhân quyền với vai trò là một kênh trao đổi với chính quyền Việt Nam về các quan ngại trong lĩnh vực nhân quyền, nhưng đồng thời chúng tôi vẫn cho rằng điều cốt yếu nhất là phải duy trì mối quan tâm về nhân quyền như một thành tố hữu cơ trong quan hệ Úc-Việt Nam ở mọi cấp. Để đảm bảo hiệu quả của cuộc đối thoại nhân quyền lần này, Úc cần phải bảo đảm nó không bị biến thành một sự kiện đơn lẻ, thiếu vắng sự gắn kết với tổng quan mối quan hệ chung Úc – Việt Nam.

1. Các vụ liên quan tới các tù nhân, phạm nhân chính trị

Chính quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng những điều luật có nội dung mơ hồ và có thể được diễn giải khá lỏng lẻo về an ninh quốc gia trong bộ luật hình sự và các bộ luật khác để xử tù những người đã ôn hòa thể hiện sự bất đồng chính kiến về chính trị và tôn giáo. Những điều luật này gồm có tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79 bộ luật hình sự, có khung hình phạt cao nhất là tử hình); “phá hoại chính sách đoàn kết” (điều 87, khung hình phạt tới 15 năm tù giam); “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88, khung hình phạt tới 20 năm tù); “phá rối an ninh” (điều 89, khung hình phạt tới 15 năm tù); “trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (điều 91, khung hình phạt tới tù chung thân); “hình phạt bổ sung” (điều 92, quy định chế tài bổ sung đối với những người đã bị kết án các tội về “an ninh quốc gia” nêu trên là có thể tước một số quyền công dân trong thời hạn lên tới 5 năm, bị quản chế, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản); và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để “xâm phạm lợi ích nhà nước” (điều 258, có khung hình phạt tới bảy năm tù giam).

Úc cần kêu gọi Việt Nam thả hết những tù nhân, phạm nhân chính trị đang bị tù hoặc tạm giam - tức là tất cả những người bị giam giữ vì đã thực thi quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, đi lại, hoặc tiến hành các hoạt động chính trị hay tôn giáo. Đồng thời, Úc cần tạo sức ép để hủy bỏ ngay lập tức những “tội danh” mơ hồ nêu trên, khiến Việt Nam vi phạm nghĩa vụ của một quốc gia đã tham gia Công ước Quốc tế về Các quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR).

Nếu có bất đồng phát sinh về vấn đề trên, đồng thời để đưa ra biện pháp trước mắt nhằm xây dựng lòng tin, Úc cần yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép gia đình, cố vấn pháp lý, và các quan sát viên của Úc, Đại sứ quán Úc cũng như các tổ chức nhân quyền và nhân đạo quốc tế được tiếp xúc với các tù nhân, phạm nhân bị giam giữ. Cụ thể là:

Đối với những người tạm giam chưa xét xử: ngay lập tức cho phép gia đình thăm nuôi và cố vấn pháp lý vào gặp. Việc tiếp xúc với những người bị biệt giam trước khi xét xử là tối cần thiết, bởi vì nguy cơ bị tra tấn thường cao hơn trong giai đoạn này. Một ví dụ là vào ngày 28 tháng Ba năm 2012, Tòa án Nhân dân Tỉnh Nghệ An dự kiến mở phiên tòa phúc thẩm xử blogger dân chủ Hồ Thị Bích Khương và nhà hoạt động tôn giáo Mục sư Nguyễn Trung Tôn. Hồ Thị Bích Khương tuyên bố với tòa rằng bà bị biệt giam, và thậm chí không được thông báo trước về phiên xử phúc thẩm, và đã thành công trong việc yêu cầu hoãn phiên xử. Bà cũng kể với người nhà rằng có bốn lần mình bị tù nhân khác đánh trước sự làm ngơ của cán bộ quản giáo.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền gửi quý vị một bản danh sách những vụ bị bắt giữ gần đây trong phụ lục kèm theo khuyến nghị này. Tính riêng trong năm 2011 và quý I năm 2012, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi nhận được ít nhất 46 người bịgiam giữ chưa xét xử, chỉ vì niềm tin tôn giáo hoặc chính trị của mình. Danh sách gồm có hai nhạc sĩ, bốn blogger, ba mươi lăm nhà hoạt động tôn giáo, hai nhà vận động vì quyền lợi người lao động, hai nhà vận động quyền lợi đất đai và một nhà hoạt động chính trị. Chúng tôi cũng biết ít nhất có hai blogger (Nguyễn Văn Hải, viết blog với bút danh Điếu Cày và Phan Thanh Hải, viết với bút danh Anhbasg) bị giam giữ từ năm 2010 mà chưa đưa ra xét xử. Ngoài ra, blogger ủng hộ dân chủ Nguyễn Trung Lĩnh đã mất tích từ ngày 10 tháng Mười Một năm 2011. Bài viết cuối cùng trên blog của ông ghi ngày mồng 8 tháng Mười Một năm 2011. Là một người thành lập kiêm phát ngôn viên của “Nhóm người Việt Nam yêu nước,” một nhóm vận động dân chủ được thành lập từ tháng Hai năm 2007, Nguyễn Trung Lĩnh từng bị nhà cầm quyền sách nhiễu, thẩm vấn và tạm giữ. Úc cần tạo sức ép buộc Việt Nam công khai về hiện trạng của Nguyễn Trung Lĩnh.

Đối với những tù nhân chính trị đã thành án: cho phép các quan sát viên của Úc và các tổ chức nhân quyền, nhân đạo quốc tế tới thăm gặp các tù nhân, nhất là những người bị tuyên án tù nhiều năm, bắt đầu theo thứ tự như sau: 1) Trần Huỳnh Duy Thức (bị kết án 16 năm tù); 2) Nguyễn Văn Cảnh (13 năm); 3) Siu Hlom (12 năm); 4) Rmah Hlach (12 năm); 5) Nguyễn Công Chính (11 năm); 6) Phạm Thị Phượng (11 năm); 7) Siu Nheo (10 năm); 8) Siu Brơm (10 năm); 9) Siu Thái (10 năm); 10) Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (9 năm); 11) Rah Lan Mlih (9 năm); 12) Ro Mah Pró (9 năm); 13) Rah Lan Blom (9 năm); 14) Siu Koch (9 năm); 15) Trần Thị Thúy (8 năm); 16) Kpă Sinh (8 năm); 17) Rơ Mah Klít (8 năm); 18) Phùng Lâm (7 năm); 19) Đỗ Thị Minh Hạnh (7 năm); 20) Đoàn Huy Chương (7 năm); 21) Cù Huy Hà Vũ (7 năm); 22) Nguyễn Tiến Trung (7 năm); 23) Phạm Văn Thông (7 năm); và 24) Nguyễn Ngọc Cường (7 năm).

Úc cũng cần kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho những phạm nhân, tù nhân chính trị bị ốm đau nặng để họ có điều kiện chữa bệnh đầy đủ. Trong tháng Bảy và tháng Chín năm 2011, ít nhất có hai tù nhân chính trị bị chết trong tù (Nguyễn Văn Trại và Trương Văn Sương). Một số trường hợp khẩn cấp nhất cần được thả ngay là:

  • Nhà hoạt động Công giáo Nguyễn Văn Lý, 65 tuổi, đã nhiều lần bị đột quỵ trong trại giam vào năm 2009, để lại di chứng gây liệt chân và tay phải. Ông đã được cho tại ngoại chữa bệnh trong 16 tháng và bị quản chế tại gia, nhưng đến tháng Bảy năm 2011 lại bị đưa trở lại nhà tù để thi hành nốt phần còn lại của bản án 8 năm. (Ghi chú: Cha Lý chính là người mà viên chức ngoại giao phụ trách nhân quyền của Đại sứ quán Hoa Kỳ, Christian Marchant muốn đi gặp để rồi bị chặn đánh). Muốn biết thêm thông tin về vụ của linh mục, xin xem: https://www.hrw.org/node/101400

 

  • Nhà thơ và nhà vận động chống tham nhũng Nguyễn Hữu Cầu, 65 tuổi, người đã bị ngồi tù tổng cộng 34 năm kể từ năm 1975 – lần đầu tiên là từ năm 1975 đến năm 1980; lần thứ hai từ năm 1982 đến nay, vì đã vạch trần các hành vi tham nhũng của quan chức địa phương. Nguyễn Hữu Cầu đã bị mất hầu hết thị lực và gần như bị điếc hoàn toàn.

 

  • Nhà vận động Phật giáo Hòa Hảo Mai Thị Dung, 42 tuổi, đang thụ án 11 năm tù. Bà bị ốm nặng, liệt cả hai chân và mắc bệnh tim và sỏi mật (chồng bà, ông Võ Văn Bửu, cũng đang bị tù với mức án 7 năm).

 

  • Nhà vận động Phật giáo Hòa HảoNguyễn Văn Lía, 71 tuổi, cựu tù nhân tôn giáo, người đang phải thụ án bốn năm rưỡi tù giam. Ông đã bị mất gần hết thínhlực, một số xương sườn bị gãy từ các chấn thương cũ và bị bệnh cao huyết áp. Muốn biết thêm thông tin về vụ của ông, xin xem: https://www.hrw.org/node/103580

 

  • Nhà văn ủng hộ dân chủ Nguyễn Xuân Nghĩa, 63 tuổi, đang thụ án 6 năm tù. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa hiện đang mắc các bệnh sỏi thận, trĩ và bao tử. Để biết thêm các thông tin về trường hợp của ông, xin xem: https://www.hrw.org/node/101673

 

2. Ngăn cấm tự do ngôn luận và tự do lập hội

Việt Nam tiếp tục ngăn cản tiếng nói phản biện ôn hòa của các nhà bất đồng chính kiến và các nhà vận động, và trừng phạt họ về hành vi thành lập các tổ chức bị cho là đi ngược lại lợi ích của chính quyền. Chỉ riêng trong ba tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã xử án ít nhất 12 nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động. Ví dụ, vào ngày mồng 6 tháng Ba năm 2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An xử Võ Thị Thu Thủy và Nguyễn Văn Thanh với các mức án lần lượt là 5 và 3 năm tù giam về tội phát tán tài liệu ủng hộ dân chủ. Chỉ tính riêng trong năm 2011, chính quyền đã xử phạt ít nhất 33 nhà bất đồng chính kiến và nhà vận động với tổng cộng mức án lên tới 185 năm tù và 75 năm quản chế vì đã thực thi các quyền tự do ngôn luận hoặc lập hội đã được tôn vinh trong Hiến pháp Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam đã trơ trẽn không trả tự do cho Nguyễn Văn Hải (còn được biết đến với bút danh blogger Điếu Cày) vào ngày 20 tháng Mười năm 2010, sau khi ông đã thi hành mãn hạn bản án 30 tháng tù với tội danh trốn thuế được ngụy tạo, rồi tiếp tục giam giữ ông với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Ngoài ra, ngày mồng 2 tháng Mười Hai năm 2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định xử phạt Huỳnh Ngọc Tuấn, một blogger nổi tiếng ủng hộ dân chủ, 100 triệu đồng (gần 5.000 đô la Mỹ) về hành vi sử dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Con gái và con trai của ông Huỳnh Ngọc Tuấn là Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu cũng bị phạt mỗi người 85 triệu đồng (xấp xỉ 4.250 đô la Mỹ) vì sử dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cả Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu đều là các blogger được nhiều người biết đến. Dù gia đình họ Huỳnh đã nộp đơn phản đối quyết định xử phạt, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Quảng Nam vẫn ban hành tiếp quyết định ngày 21 tháng Ba năm 2012 buộc họ phải nộp phạt.

Chính quyền cấm mọi đảng phái chính trị, công đoàn, tổ chức nhân quyền hoạt động độc lập với chính phủ hoặc Đảng. Nghị định 88 (2003) đặt các hội, trên thực tế phải phụ thuộc vào các bộ ngành chính phủ hoặc Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự quản lý chặt chẽ của chính phủ. Người lao động Việt Nam bị cấm thành lập công đoàn độc lập ngoài liên đoàn lao động do chính phủ quản lý. Chính phủ  đặt ra các quy định xử phạt người lao động nếu tham gia các đình công “trái phép,” không được sự phê chuẩn của chính quyền, khiến các quan chức địa phương có quyền bắt ép những người lao động đang đình công phải trở lại làm việc, và cấm đình công trong 54 ngành nghề “chiến lược.”

Những người tuyên bố thành lập các công đoàn độc lập ở Việt Nam đều bị bắt bớ, xử tù, sách nhiễu, đe dọa, đánh đập và trong một số vụ bị “mất tích,” như đối với trường hợp của Lê Trí Tuệ, một trong những người sáng lập Công đoàn Độc lập, hiện vẫn chưa biết tung tích kể từ khi bị “mất tích” vào tháng Năm năm 2007. Những nhà vận động vì quyền lợi người lao động khác bị xử phạt với mức án nặng nề, như trường hợp của Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương. Các vụ mới nhất diễn ra vào ngày mồng 1 tháng Chạp năm 2011, khi công an Hà Nội bắt Lê Thanh Tùng, một người bảo vệ quyền lợi người lao động, tại nhà riêng ở huyện Sóc Sơn vì ông đã bênh vực những người lao động và khiếu kiện đất đai, và vào ngày 25 tháng Ba, công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt nhà vận động quyền lợi Lô Thanh Thảo trong khi cô đang chụp ảnh và quay phim những người khiếu kiện đất đai ở nơi công cộng. Cô Thảo bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước.

3. Đàn áp tôn giáo

Việt Nam tiếp tục giám sát chặt chẽ, sách nhiễu có hệ thống và nhiều khi trấn áp bằng vũ lực đối với các nhóm tôn giáo độc lập, tách riêng khỏi các tổ chức tôn giáo có đăng ký và chịu sự quản lý của chính phủ. Trong số các tổ chức tôn giáo phải chịu các biện pháp đối xử nêu trên của chính quyền có thể kể các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ Tin Lành tại gia ở Tây Nguyên và nhiều nơi khác, các chùa Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Ngày 13 tháng Chạp năm 2011, hai nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo là Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài Ân bị kết án tổng cộng tám năm tù giam, cộng thêm năm năm quản chế sau khi mãn hạn tù. Trong phiên xử phúc thẩm ngày mồng 2 tháng Ba năm 2012, ông Nguyễn Văn Lía được giảm án xuống còn bốn năm rưỡi tù giam. Vào ngày 26 tháng Ba năm 2012, Mục sư Tin Lành Nguyễn Công Chính bị kết án 11 năm tù về tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo điều 87 Bộ Luật Hình sự. Ít nhất 35 nhà hoạt động tôn giáo khác đang bị tạm giam chờ xét xử. Các vị lãnh đạo tôn giáo như Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống GHPGVNTN, và Lê Quang Liêm và Võ Văn Thanh Liêm, những người lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, hiện đang bị quản chế tại gia và bị theo dõi, nhiều khi rất gắt gao. Tháng Bảy năm 2011, các chức sắc dòng Chúa Cứu thế, Cha Phạm Trung Thành và Cha Đinh Hữu Thoại, bị cấm xuất cảnh. Cũng trong tháng Bảy, linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý bị buộc trở lại nhà giam để thi hành nốt bản án tám năm. Cha Lý đã được cho tại ngoại chữa bệnh dưới sự quản chế tại gia từ ngày 15 tháng Ba năm 2010 vì bị mắc nhiều bệnh nặng và cần được chăm sóc để phục hồi sức khỏe trong suốt hơn một năm. Ông bị Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế xử ngày 30 tháng Ba năm 2007 về tội “tuyên truyền chống nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 bộ luật hình sự. Nếu còn sống đến khi thi hành xong án tám năm tù, ông vẫn còn phải chịu thêm năm năm quản chế sau khi được thả.

Mai Thị Dung, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là một trường hợp khác bị bắt giữ vì niềm tin tôn giáo. Bị bắt giam từ năm 2005, bà đang phải thi hành bản án 11 năm tù. Hiện bà đang rất ốm yếu. Theo cựu tù nhân Võ Văn Thanh Long, một đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo, người được thả từ tháng Mười Một năm 2010, ban đầu Mai Thị Dung chỉ bị xử năm năm tù, nhưng sau đó tòa án Vĩnh Long kết án bà thêm sáu năm tù, tổng cộng là 11 năm tù, vì tội gây rối trật tự công cộng. Theo thông tin cho biết, bà bị sỏi mật. Nguyễn Văn Cảnh (tên khác Trần Hữu Cảnh) một tín đồ Cao Đài, bị cảnh sát Campuchia bắt ngày 17 tháng Chín năm 2004 cùng với 11 tín hữu Cao Đài khác khi đang cố gắng đưa thỉnh nguyện thư và tài liệu cho các đoàn ngoại giao và phóng viên nước ngoài đến tham dự Hội nghị Liên Quốc Hội ASEAN ở Phnom Penh. Họ bị trục xuất về Việt Nam trong ngày 17 tháng Chín. Đến ngày 27 tháng Bảy năm 2005, sau phiên tòa diễn ra trong một ngày tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông (cùng với 8 người khác trong vụ) bị xử 13 năm tù theo điều 91 Bộ Luật hình sự, về tội “trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền.” Cả Nguyễn Văn Cảnh và Mai Thị Dung đều đang bị giam ở trại Xuân Lộc, thuộc tỉnh Đồng Nai.

4. Nạn bạo hành của công an

Nạn bạo hành do công an gây ra, kể cả bị tra tấn và chết trong khi giam giữ, là một vấn nạn lớn trong cả năm. Người bị giam, giữ thường có nguy cơ bị lạm dụng và tra tấn trong trại giam, những người bị quản chế trong các trung tâm cai nghiện là nạn nhân của lối đối xử vô nhân, trong đó có cưỡng bức lao động. Trong một số trường hợp, những người bị bắt vì những vi phạm nhỏ, như lỗi giao thông, đã bị đánh đến chết tại cơ quan công an. Riêng trong năm 2011, ít nhất có 21 người bị chết trong khi bị công an giam giữ, theo báo chí nhà nước Việt Nam.

Để biết thêm thông tin, xin xem bản tin vắn của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ra ngày 22 tháng Chín năm 2010, “Việt Nam: Tình trạng công an bạo hành, nạn nhân chết trong khi giam giữ gia tăng.”

5. Cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy tập trung

Những người nghiện ma túy có thể bị quản chế trong các trung tâm cai nghiện của chính phủ, nơi họ bị ép buộc làm các công việc nặng nhọc dưới danh nghĩa “lao động trị liệu,” đơn thuốc chính của phương pháp điều trị cai nghiện ở Việt Nam. Tính đến đầu năm 2011, trên toàn quốc có 123 trung tâm đang quản chế khoảng 40,000 người. Việc quản chế những người này không phải qua một trình tự pháp lý thích hợp hay chịu sự giám sát pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào, và thường kéo dài đến bốn năm. Nếu vi phạm các nội quy của trung tâm – trong đó có quy định về lao động – học viên sẽ bị đánh bằng dùi cui, chích điện bằng dùi cui điện, và bị giam trong các phòng kỷ luật với khẩu phần ăn uống bị cắt giảm. Trẻ em sử dụng ma túy cũng bị đưa vào các trung tâm này, và ở đó cũng phải tham gia “lao động trị liệu,” bị đánh đập và lạm dụng. Các cựu học viên cai nghiện cho biết họ từng bị ép buộc làm việc trong dây chuyền chế biến hạt điều và các việc nông nghiệp khác (trong đó có trồng khoai tây và cà-phê); các công việc xây dựng; may mặc và các ngành nghề sản xuất khác (như gia công mây tre đan). Theo luật Việt Nam, các công ty khai thác sản phẩm từ các trung tâm này được miễn thuế. Một số sản phẩm là kết quả của quá trình lao động cưỡng ép nói trên đã tìm được đường vào dây chuyền cung tiêu của các công ty xuất khẩu cung cấp hàng ra các thị trường ngoài nước, trong đó có Hoa Kỳ và châu Âu. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tin rằng đã có một số mặt hàng là sản phẩm từ sức lao động bị ép buộc được xuất sang Úc.

Trong tháng Ba năm 2012, 12 cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã ra một thông cáo chung kêu gọi đóng cửa các trung tâm nói trên, đồng thời phát triển các cơ sở điều trị cai nghiện tự nguyện, đặt tại cộng đồng và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong đợt đối thoại sắp tới, Úccần nêu rõ yêu cầu: i) trả tự do cho các trại viên đang bị quản chế trong các trung tâm cai nghiện, đặc biệt là cần tuân thủ quy định pháp luật về những người bị bệnh nặng để họ có thể được chữa bệnh tại cộng đồng, ii) đóng cửa các trung tâm, iii) điều tra các cáo buộc về vi phạm nhân quyền trong các trung tâm đó, iv) buộc những người gây ra những vi phạm nêu trên phải chịu trách nhiệm, v) đền bù hợp lý cho những trại viên và cựu trại viên về những tổn hại về sức khỏe và tinh thần gây ra trong thời gian quản chế.

Dù chính quyền Việt Nam phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền xảy ra trong các trung tâm cai nghiện tập trung ở Việt Nam, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tin rằng sự tham gia của các tổ chức bên ngoài, như các nhà tài trợ và các Tổ chức Phi Chính phủ trong vai trò đơn vị thực thi, cũng gây quan ngại nghiêm trọng về đạo đức, thậm chí trong một số trường hợp còn gián tiếp tạo điều kiện cho các vi phạm về nhân quyền. AusAID có tài trợ cho một số trung tâm ở Việt Nam, trong đó có các khoản hỗ trợ tổ chức CARE triển khai hoạt động tại một số trung tâm ở An Giang và Cần Thơ, và tổ chức HAARP (Chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Khu vực) hoạt động ở ba trung tâm tại miền bắc Việt Nam. AusAID tuyên bố “ủng hộ mạnh mẽ các quyền chính trị và dân sự trong suốt các hoạt động trợ giúp của mình” và “thúc đẩy tối đa lợi ích nhân quyền trong tất cả cả hoạt động hỗ trợ phát triển.” Tuy nhiên, dù có triển khai dự án tại các trung tâm về cơ bản là các cơ sở cưỡng bức lao động, cả AusAID và CARE của Úc đều phát biểu rằng không biết gì về các vi phạm nhân quyền đối với trại viên ở các trung tâm nói trên. Tổ chức CARE của Úc đã tuyên bố với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng, dù các dự án của họ có được định hướng bằng nhiều quy phạm đạo đức, nhưng các quy phạm đó không quy định cụ thể về xử lý các trường hợp nghi có vi phạm nhân quyền khi cán bộ dự án chứng kiến hoặc nhận được thông tin về các vi phạm đó trong khi triển khai dự án.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền một lần nữa kêu gọi chính phủ Úc rà soát lại các chương trình tài trợ, hợp tác và các hoạt động nhằm hỗ trợ các trung tâm cai nghiện tập trung ở Việt Nam để đảm bảo không một khoản tài trợ nào được dùng vào việc hỗ trợ các chính sách hay chương trình có vi phạm pháp luật quốc tế về nhân quyền, trong đó có điều khoản nghiêm cấm tùy tiện quản chế, cưỡng bức lao động và tra tấn hay bạo hành, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn tệ và vô nhân tính.

6. Những khuyến nghị của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam

Đối với việc hình sự hóa các bất đồng chính kiến ôn hòa, chính quyền Việt Nam cần:

  • Sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều khoản trong Pháp lệnh về Tôn giáo, bộ luật hình sự và các điều luật tư pháp khác có nội dung hình sự hóa các hành vi tín ngưỡng và bất đồng chính kiến ôn hòa bằng cách định danh sai lầm thành các tội “an ninh quốc gia,” trong đó có các điều 79, 87, 88, 89, 91, 92 và 258 của bộ luật hình sự.
  • Hủy bỏ Pháp lệnh 44, với nội dung cho phép quản chế hành chế hành chính, quản thúc tại gia hay tập trung vào các Trung tâm Bảo trợ Xã hội và bệnh viện tâm thần trong thời gian tới 2 năm và có thể gia hạn thêm, không qua xét xử, đối với các cá nhân bị cho là có các vi phạm về an ninh quốc gia; đồng thời yêu cầu thả ngay lập tức Bùi Thị Minh Hằng, người biểu tình yêu nước và phản đối chính sách ngoại giao với Trung Quốc một cách ôn hòa, bị đưa và cơ sở giáo dục Thanh Hà, xã Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với thời hạn 24 tháng theo quyết định số 5225 do phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký ngày mồng 8 tháng Mười Một năm 2011.

 

Về Giam giữ và đối xử tàn tệ với những người bị tạm giam, chính quyền Việt Nam cần:

  • Ngay lập tức thả và xóa hết mọi cáo trạng đối với những người bị giam, giữ hay quản chế tại gia hoặc trong các cơ sở quản chế hành chính, hay bị cưỡng chế đưa vào các bệnh viện tâm thần hoặc Trung tâm Bảo trợ Xã hội chỉ vì đã ôn hòa thể hiện các niềm tin tôn giáo hoặc chính trị.
  • Cho các viên chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đi lại không hạn chế tới mọi vùng miền, kể cả khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc, để họ được tiến hành phỏng vấn riêng tại nhà riêng, nhà chùa, trại giam, đồn công an, Trung tâm Bảo trợ Xã hội, trại cai nghiện, bệnh viện tâm thần và những chỗ khác, nơi các nhà bất đồng chính kiến về tôn giáo hoặc chính trị bị quản chế, giam giữ.

 

Về Tự do Tôn giáo, chính quyền Việt Nam cần:

  • Cho các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tín ngưỡng ôn hòa phù hợp với các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế. Chấm dứt cản trở các hoạt động hoặc nhóm họp ôn hòa của các nhóm tôn giáo không đăng ký với chính phủ, như các chi phái không được nhà nước công nhận của Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin lành Mennonites và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Chấm dứt việc ép buộc họ gia nhập các giáo hội đã đăng ký với nhà nước cũng như chấm dứt các hành động sách nhiễu và theo dõi của công an đối với các chức sắc và tín đồ tôn giáo. Cho các tổ chức tôn giáo nói trên có tư cách pháp nhân đầy đủ, và có thể hoạt động độc lập với các hội, đoàn tôn giáo đã đăng ký tùy theo sự lựa chọn của họ.
  • Chấm dứt đàn áp những tín đồ Thiên Chúa giáo là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc, và các Phật tử người dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, và cho phép các viên chức Liên Hiệp Quốc, các Tổ chức Phi Chính phủ độc lập và quan sát viên quốc tế được tự do giám sát tình hình tại các khu vực khó khăn, hẻo lánh này.

 

Về Kiểm soát mạng Internet và Tự do ngôn luận, chính quyền Việt Nam cần:

  • Sửa đổi luật báo chí cho phù hợp với Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
  • Cho phép xuất bản các tờ báo và tạp chí tư nhân, độc lập và không bị kiểm duyệt.
  • Gỡ bỏ mọi hạn chế về sử dụng Internet, như kiểm soát, theo dõi, và trả tự do cho những người bị tù giam vì đã phát tán quan điểm của mình trên mạng Internet một cách ôn hòa.

 

Về Cản trở Quyền Tự do Nhóm họp, chính quyền Việt Nam cần:

  • Sửa đổi các quy định pháp luật về tụ tập công cộng và biểu tình cho phù hợp với quyền tự do nhóm họp theo ICCPR.
  • Giải quyết các nỗi bất bình của nông dân về quyền lợi đất đai và tham nhũng của quan chức địa phương mà không sử dụng vũ lực quá mức cần thiết hoặc các vi phạm nhân quyền khác, thông qua biện pháp tăng cường hệ thống pháp luật và tính độc lập của ngành tư pháp, và tạo điều kiện cho nông dân nghèo có thể sử dụng các dịch vụ pháp lý.

 

Về Quyền Tự do Lập hội và Quyền của Người Lao động, chính quyền Việt Nam cần:

  • Cho cá nhân người dân có quyền tự do và ôn hòa lập hội với những người khác có cùng quan điểm, dù những quan điểm của họ có đi ngược lại với các quan điểm chính trị và tư tưởng đã được Đảng và nhà nước thông qua.
  • Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện những người bị bắt giữ vì các hành động ôn hòa nhằm bảo vệ quyền tự do lập hội của những người lao động, trong đó có quyền thành lập và gia nhập công đoàn theo sự lựa chọn riêng; nhóm họp ôn hòa để bảo vệ và đòi hỏi các quyền tự do cá nhân; và thực thi các quyền tự do ngôn luận đại diện cho người lao động và các mối quan tâm của họ.
  • Công nhận các công đoàn độc lập.
  • Phê chuẩn các Công ước ILO số 87 (Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được lập hội) và số 98 (Quyền Lập hội và Thương lượng Tập thể).

 

Về Cưỡng ép Lao động trong các Trung tâm Cai nghiện, chính quyền Việt Nam cần:

  • Chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (BLĐTBXH) bãi bỏ chế độ cưỡng ép lao động trong tất cả các trung tâm cai nghiện tập trung.
  • Nhanh chóng triển khai các cuộc điều tra độc lập và kỹ lưỡng về điều kiện ở các cơ sở cai nghiện tập trung và các trung tâm khác về các hành vi cưỡng ép lao động, đi ngược lại với quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Đưa những người đã có các hành vi lạm dụng và tội ác đối với trại viên ra xử lý (kể cả truy tố hình sự) theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Công bố một bản danh sách các công việc trại viên của các trung tâm phải tham gia, các sản phẩm được chế biến bằng sức lao động của trại viên trong các trung tâm nói trên, và các công ty có sản phẩm được chế biến bằng sức lao động của trại viên trong các trung tâm, và giải thích rõ ràng với chính phủ Úc các biện pháp đã được chính phủ Việt Nam áp dụng để ngăn ngừa không cho các sản phẩm được làm ra từ sức lao động cưỡng bức được xuất sang Úc.
  • Chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (BLĐTBXH) đền bù thỏa đáng cho các trại viên và cựu trại viên về các công việc họ từng bị cưỡng bức lao động trong thời gian ở trung tâm.
  • Nhanh chóng phê chuẩn và thực thi hữu hiệu Công ước ILO số 105 (Bãi bỏ Cưỡng ép Lao động).
  • Thực thi trách nhiệm của nhà nước Việt Nam theo Công ước ILO số 29 bằng cách sửa đổi Bộ Luật hình sự để có thêm điều khoản riêng đối với tội danh cưỡng ép lao động.

 

Phụ Lục

Danh sách những người bị tạm giam trong năm 2011 và đầu năm 2012 vì lý do chính trị

  1. Võ Viết Dziễn(tên khác là Vang), 41 tuổi – nhà vận động chính trị; bị bắt vào tháng Tư năm 2012 ở Tây Ninh với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79 bộ luật hình sự); hiện chưa rõ nơi giam giữ.
  2. Lô Thanh Thảo, 35 tuổi - nhà vận động quyền lợi, bị bắt ngày 26 tháng Ba năm 2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp HCM) với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước (điều 88); hiện đang bị tạm giam tại số 4 Phan Đăng Lưu, Tp HCM.
  3. Hoàng Phong, 27 tuổi – Nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày 29 tháng Chạp năm 2011 tại Nghệ An với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước (điều 88); hiện đang bị tạm giam tại trại Nghi Kim, Nghệ An.
  4. Nguyễn Đình Cương, 31 tuổi  – Nhà hoạt động Công giáo, bị bắt ngày 24 tháng Chạp năm 2011 tại Nghệ An với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  5. Võ Minh Trí (tên khác làViệt Khang), 35 tuổi– nhạc sĩ; bị bắt ngày 23 tháng Chạp năm 2011 tại Mỹ Tho với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước (điều 88); hiện đang bị tạm giam tại số 4 Phan Đăng Lưu, Tp HCM.
  6. Lê Thanh Tùng, 44 tuổi—nhà báo tự do và nhà vận động nhân quyền, bị bắt ngày mồng 1 tháng Chạp năm 2011 tại Hà Nội với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước (điều 88); hiện đang bị tạm giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  7. Nguyễn Văn Tuấn, 55 tuổi—nguyên cán bộ Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và là nhà vận động chống tham nhũng, bị bắt ngày 21 tháng Mười năm 2011 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, với cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước (điều 258); hiện đang bị công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giam giữ.
  8. Đinh Đăng Định, 49 tuổi—cựu giáo viên, bị bắt ngày 21 tháng Mười năm 2011, ở Đắk Nông, với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước (điều 88) và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước (điều 258); hiện đang bị công an tỉnh Đắk Nông giam giữ.
  9. Trần Vũ Anh Bình, (tên khác làHoàng Nhật Thông), 38 tuổi—nhạc sĩ, nhà hoạt động Công giáo, bị bắt ngày 19 tháng Chín năm 2011 tại Tp HCM; hiện đang bị tạm giam tại số 4 Phan Đăng Lưu, Tp HCM; không rõ tội danh.
  10. Tạ Phong Tần, 44 tuổi—blogger người Công giáo; bị bắt ngày mồng 5 tháng Chín năm 2011 tại Tp HCM với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước (điều 88); hiện đang bị tạm giam tại số 4 Phan Đăng Lưu, Tp HCM.
  11. Trần Minh Nhật, 24 tuổi—Nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày 27 tháng Tám năm 2011, tại Tp HCM với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị tạm giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  12. Thái Văn Dung, 24 tuổi—nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày 19 tháng Tám năm 2011 tại Hà Nội với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị tạm giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  13. Hồ Văn Oanh, 27 tuổi—nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày 16 tháng Tám năm 2011 tại Tp HCM với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị tạm giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  14. Nguyễn Văn Duyệt, 32 tuổi— nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày mồng 7 tháng Tám năm 2011 tại Nghệ An với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị tạm giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  15. Nguyễn Xuân Anh, 30 tuổi— nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày mồng 7 tháng Tám năm 2011 tại Nghệ An với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị tạm giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  16. Nông Hùng Anh, 24 tuổi— nhà hoạt động Tin Lành; bị bắt ngày mồng 5 tháng Tám năm 2011 tại Hà Nội với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  17. Lê Văn Sơn, 27 tuổi— nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày mồng 3 tháng Tám năm 2011 tại Hà Nội với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  18. Chu Mạnh Sơn, 23 tuổi— nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày mồng 3 tháng Tám năm 2011 tại Nghệ An với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước (điều 88); hiện đang bị giam tại trại Nghi Kim, tỉnh Nghệ An.
  19. Trần Hữu Đức, 24 tuổi— nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày mồng 2 tháng Tám năm 2011 tại Nghệ An với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước (điều 88); hiện đang bị giam tại trại Nghi Kim, tỉnh Nghệ An.
  20. Đậu Văn Dương, 26 tuổi— nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày mồng 2 tháng Tám năm 2011 tại Nghệ An với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước (điều 88); hiện đang bị giam tại trại Nghi Kim, tỉnh Nghệ An.
  21. Hồ Đức Hòa, 38 tuổi— nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày 30 tháng Bảy năm 2011 tại Tp HCM với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  22. Đặng Xuân Diệu, 35 tuổi— nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày 30 tháng Bảy năm 2011 tại Tp HCM với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  23. Nguyễn Văn Oai, 32 tuổi— nhà hoạt động Công giáo; bị bắt ngày 30 tháng Bảy năm 2011 tại Tp HCM với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị giam tại trại B14 (Thanh Trì, Hà Nội).
  24. Nguyễn Kim Nhàn, 64 tuổi—cựu tù nhân chính trị, bị bắt ngày mồng 7 tháng Sáu năm 2011 tại Bắc Giang với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước (điều 88). Ông Nguyễn Kim Nhàn vừa mãn hạn hai năm tù với cùng tội danh nói trên (điều 88) và được thả ngày mồng 10 tháng Chạp năm 2010; hiện chưa rõ nơi giam giữ.
  25. Blei, 28 tuổi—nhà vận động tôn giáo dòng Công giáo Hà Mòn ở tỉnh Gia Lai. Bị bắt ngày 30 tháng Ba năm 2011 ở Gia Lai với cáo buộc theo dòng đạo Công giáo Hà Mòn bị cấm; hiện chưa rõ nơi giam giữ.
  26. Phơi, 34 tuổi— nhà vận động tôn giáo dòng Công giáo Hà Mòn ở tỉnh Gia Lai. Bị bắt ngày 30 tháng Ba năm 2011 ở Gia Lai với cáo buộc theo dòng đạo Công giáo Hà Mòn bị cấm; hiện chưa rõ nơi giam giữ. 
  27. Đinh Pset, 40 tuổi— nhà vận động tôn giáo dòng Công giáo Hà Mòn ở tỉnh Gia Lai. Bị bắt ngày 30 tháng Ba năm 2011 ở Gia Lai với cáo buộc theo dòng đạo Công giáo Hà Mòn bị cấm; hiện chưa rõ nơi giam giữ.
  28. Vũ Quang Thuận, 46 tuổi—lãnh đạo Phong trào Chấn hưng Nước Việt, bị bắt ngày 28 tháng Giêng năm 2011 sau khi bị trục xuất khỏi Malaysia về đến sân bay Tân Sơn Nhất, Tp HCM, với cáo buộc trốn đi nước ngoài nhằm hoạt động chống chính quyền nhân dân (điều 91); hiện chưa rõ nơi giam giữ.

Việc bắt giữ Nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn

Trong tháng Hai và tháng Ba năm 2012, công an huyện Phú Yên đã bắt 18 người trong một nhóm tự gọi là Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn. Báo chí nhà nước dán cho nhóm này cái mác tổ chức “chính trị phản động” có mục tiêu “lật đổ chính quyền nhân dân” một cách “bất bạo động.” Người đứng đầu nhóm này, ông Phan Văn Thu (tên khác là Trần Công) bị đưa vào trại cải tạo mười năm từ năm 1975 vì đã lập ra một nhóm gọi là Ân đàn Đại đạo. Trần Công được thả vào năm 1983 và chuyển sang hình thức quản chế. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thúc giục chính quyền Việt Nam ngay lập tức cho phép tất cả các thành viên của nhóm được tiếp xúc các nguồn hỗ trợ pháp lý và cho phép thân nhân của họ được thăm gặp.

  1. Trương Ngọc Quang –nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào tháng 3 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  2. Phan Thành Ý- nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào tháng 3 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  3. Phan Thanh Tường, 25 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 8 tháng 3 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  4. Đỗ Thị Hồng, 61 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt ngày 14 tháng Hai năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  5. Vương Tấn Sơn, 59 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 12 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  6. Trần Phi Dũng, 46 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 12 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  7. Đoàn Văn Cư, 46 tuổi- nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 12 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  8. Trần Quân, 28 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 12 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  9. Nguyễn Kỳ Lạc, 61 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 7 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  10. Đoàn Đình Nam, 61 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 6 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  11. Tạ Khu, 65 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 6 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  12. Võ Ngọc Cư, 61 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 6 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  13. Lê Đức Động, 29 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 5 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  14. Lê Duy Lộc, 56 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 5 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  15. Lê Phúc, 61 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 5 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  16. Lê Trọng Cư, 46 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 5 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  17. Phan Văn Thu(tên khác là Trần Công), 64 tuổi - nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 5 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam.
  18. Võ Thành Lê, 57 tuổi- nhà vận động tôn giáo thuộc nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn; bị bắt vào ngày 5 tháng 2 năm 2012 ở Phú Yên với cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); hiện đang bị công an tỉnh Phú Yên tạm giam. 

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country