(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố, chính quyền Việt Nam cần lập tức phóng thích các blogger Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày), Phan Thanh Hải (bút danh Anhbasg) và Tạ Phong Tần, đồng thời hủy bỏ mọi cáo buộc đối với họ. Có tin là Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ mở phiên tòa vào ngày 17 tháng 4 để xử họ về tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của Bộ luật hình sự.
Ba blogger nêu trên đều là thành viên sáng lập của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, được họ thành lập vào tháng Chín năm 2007 để thúc đẩy tự do ngôn luận và báo chí độc lập. Trong vài tháng đầu tiên đi vào hoạt động, các thành viên câu lạc bộ theo sát tin tức và sự kiện nhạy cảm mà báo chí nhà nước và chính quyền địa phương bỏ qua hoặc ỉm đi. Trong số các tin tức họ đã đăng tải gồm có các cuộc đình công tự phát của công nhân ở tỉnh Bình Dương, vụ xử các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, các cuộc biểu tình phản đối Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, các vụ tranh chấp đất đai giữa các nhà thờ Công giáo với chính quyền một số địa phương, và vụ biểu tình của các nhà sư Miến Điện năm 2007.
Tuy nhiên, không lâu sau khi câu lạc bộ được thành lập, công an bắt đầu sách nhiễu, đe dọa và bắt bớ các thành viên, khởi đầu với vụ bắt giữ người sáng lập và điều hành Nguyễn Văn Hải vào tháng Tư năm 2008.
“Phát triển kinh tế và ổn định xã hội đòi hỏi phải có tự do ngôn luận và một nền báo chí độc lập để đưa tin về những vụ việc và hành vi lạm dụng chức quyền mà quan chức chính quyền muốn che giấu,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Việc bắt giữ các blogger không thể che giấu hay giải quyết được những vụ việc mà họ đưa tin. Chính quyền không những đã xâm phạm quyền cá nhân của những người chấp bút, mà còn của độc giả nữa.”
Nguyễn Văn Hải, một cựu chiến binh 60 tuổi, được trao giải thưởng uy tín Hellman Hammett năm 2009 dành cho những cây bút bị đàn áp vì các bài viết của họ. Ông bị công an Thành phố Hồ Chí Minh câu lưu và thẩm vấn nhiều lần vì tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong thời gian từ ngày mồng 9 tháng Mười Hai năm 2007 đến ngày 19 tháng Giêng năm 2008. Công an bắt giữ ông vào ngày 20 tháng Tư năm 2008, chín ngày trước khi ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó khởi tố ông về tội danh trốn thuế được ngụy tạo. Vào ngày mồng 10 tháng Chín năm 2008, Tòa án Nhân dân Quận 3 xử ông hai năm sáu tháng tù giam.
Ngày 20 tháng Mười năm 2010, đúng ngày Nguyễn Văn Hải mãn hạn tù, giới chức công an không chịu phóng thích ông. Ngược lại, chính quyền đưa ra một cáo buộc mới về việc ông vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự vì đã “tuyên truyền chống nhà nước Xã hội Chủ nghĩa.” Vợ cũ của ông, bà Dương Thị Tân, bị công an Thành phố Hồ Chí Minh câu lưu và thẩm vấn khi đang sửa soạn đón ông từ trại giam, sau đó bị khám nhà.
“Chính quyền Việt Nam trơ tráo ngụy tạo các cáo buộc và lấy cớ bắt giữ những người phê phán chính quyền một cách ôn hòa như ông Nguyễn Văn Hải,” ông Robertson nói. “Cáo buộc mới nhất này bộc lộ sự thật là chính quyền bắt giam ông Hải chỉ vì lý do chính trị.”
Phan Thanh Hải, 43 tuổi, là một cây bút bất đồng chính kiến viết blog dưới bút danh “Anhbasg hoặc Anh Ba Sài Gòn.” Các bài viết của ông nhằm kêu gọi sự minh bạch trong quản lý, tự do ngôn luận và tự do lập hội. Sau khi tham gia một cuộc biểu tình phản đối Thế vận hội Bắc Kinh ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng Mười Hai năm 2007, công an theo dõi gắt gao và nhiều lần câu lưu, thẩm vấn ông.
Mặc dù đã hoàn thành chương trình luật học từ năm 2008 và hoàn tất mọi điều kiện để hành nghề luật sư, đơn của ông bị Bộ Tư pháp từ chối vì các hoạt động tham gia biểu tình và viết blog. Sự sách nhiễu thường trực của công an khiến ông không có được việc làm ổn định. Vào ngày 18 tháng Mười năm 2010, công an bắt giữ ông tại Thành phố Hồ Chí Minh với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự. Phan Thanh Hải được trao giải thưởng uy tín Hellman Hammett năm 2011.
Tạ Phong Tần, 44 tuổi, nguyên sĩ quan công an và từng là đảng viên cộng sản. Bà khởi sự nghề viết vào năm 2004 với tư cách nhà báo tự do. Các bài báo của bà được đăng trên nhiều tờ báo chính thống, trong đó có các tờ Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnam Net, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Thanh Tra, Cần Thơ và Bình Dương. Bắt đầu từ tháng Ba năm 2006, nhiều bài viết của bà được đăng trên trang mạng của Ban Việt ngữ đài BBC. Điều này rốt cuộc đã khiến bà bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản.
Từ khi mở blog cá nhân Công lý & Sự thật vào tháng Mười Một năm 2006, bà trở thành một trong những blogger tích cực nhất ở Việt Nam. Bà đã chấp bút hơn 700 bài viết về các vấn đề xã hội, như tình trạng ngược đãi trẻ em, tham nhũng, đánh thuế bất công đối với người nghèo, và những oan ức vì bị quan chức địa phương thu hồi đất trái pháp luật. Ngoài ra, với những hiểu biết của mình về nghiệp vụ công an, bà đã đưa ra những nhận xét sâu sắc về tình trạng lạm dụng quyền lực tràn lan của công an ở Việt Nam.
Hậu quả của những bài viết đó là bà bị công an liên tục sách nhiễu. Kể từ năm 2008, bà đã nhiều lần bị câu lưu và thẩm vấn về các việc đã làm, bạn bè và nội dung các bài viết trên blog của mình. Tạ Phong Tần bị bắt vào ngày mồng 5 tháng Chín năm 2011.Bà được trao giải thưởng uy tín Hellman Hammett năm 2011.
“Với hơn 700 đầu báo chí do nhà nước quản lý và hàng ngàn cổng, trang điện tử ủng hộ chính phủ, chính quyền Việt Nam có một bộ máy tuyên truyền khổng lồ đang vận hành để tô đẹp bộ mặt nhà nước,” ông Robertson nói. “Vậy điều gì khiến chính quyền phải e sợ dăm ba người viết blog, chẳng có trang thiết bị gì ngoài máy tính và máy ảnh cá nhân? và tại sao họ lại quyết tâm đàn áp những người này đến như vậy?”
Trích dẫn từ các blog của Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần
“Việt Nam không có pháp quyền, chỉ có Đảng quyền. Pháp luật đã bị bẻ cong để bảo vệ cho sự lộng quyền của công an và đảng viên.”
-Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) “Hoàng Hải gửi cả nhà!” ngày 28 tháng Sáu, 2007.
“Blog là lối thoát của những cá nhân bị kềm kẹp trong ý tưởng và hành động, là nơi bộc lộ ý thức phản kháng đối với những bất công và bạo quyền. Blog là nơi cá nhân thể hiện khát vọng tự do của mình một cách mạnh mẽ.”
-Phan Thanh Hải (Anhbasg), “Blog đang tạo nên một ‘xã hội dân sự’ hoàn thiện và tự do” ngày 3 tháng 10, 2007.
“Tôi chỉ là một nhà báo tự do, tôi viết những điều tôi mắt thấy tai nghe, tôi bình luận các vấn đề xã hội theo cách nhìn của tôi, tôi chỉ ra các sai lầm của nhà nước Việt Nam, tôi viết về những bất công do nhà nước Việt Nam gây ra mà chính tôi hay bạn bè tôi là nạn nhân, tôi bênh vực những người dân Việt Nam thấp cổ bé miệng bị oan khuất. Nhưng đó là những điều nhà nước Việt Nam muốn bịt miệng tôi, cán bộ của họ đã nói với tôi rằng tôi không được viết cái gì động chạm đến nhà nước, thử hỏi nhà nước Việt Nam đang quản lý mọi mặt đời sống xã hội VN thì tôi viết bất cứ cái gì cũng đều có thể suy diễn ra là động chạm đến nhà nước. Ngay cả trong một bài viết trên blog của tôi tường thuật lại một giấc mơ (bài ‘Đêm qua tui mơ gặp cụ Marx’) cũng bị quy kết là ‘xuyên tạc’, nhà nước Việt Nam này quản lý luôn cả giấc mơ, người dân chỉ được quyền mơ theo chỉ đạo.”
-Tạ Phong Tần, “Tôi đang đối diện một âm mưu,” ngày 4 tháng Tư, 2010.