Skip to main content

Trung Quốc: Phản ứng trước sự đàn áp leo thang

Chủ tịch Tập đối mặt với biểu tình ở Hồng Kông, tiếng nói bất bình trên khắp thế giới về Tân Cương

Protesters march on a street during a rally against the extradition law proposal on June 9, 2019 in Hong Kong.  © 2019 Anthony Kwan/Getty Images
(Hồng Kông) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu khi công bố Phúc trình Toàn cầu 2020 của mình, chính sách đàn áp leo thang của chính quyền Trung Quốc đã gặp phải sự phản kháng chưa từng có của người dân Hồng Kông và tiếng nói chỉ trích ngày càng tăng từ các quốc gia hữu quan đúng vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt mốc kỷ niệm 70 năm cầm quyền của mình.

Sự phản kháng này biểu hiện rõ nét ở các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh xâm phạm vào các quyền tự do của người dân Hồng Kông kéo dài nhiều tháng nay, và các tuyên bố công khai của các quốc gia phê phán Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo gốc Turk ở Tân Cương.

“Các chính sách của Chủ tịch Tập đang bị thách thức bởi các cuộc biểu tình đông đảo ở Hồng Kông và các tuyên bố chung đưa ra tại Liên Hiệp Quốc,” bà Sophie Richardson, Giám đốc phụ trách Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế cần đứng về phía những người bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc và đẩy lùi các chính sách đàn áp của Bắc Kinh.”

Trong Phúc trình Toàn cầu 2020 dài 652 trang, là ấn bản lần thứ 30, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá việc thực hành nhân quyền trên gần 100 quốc gia. Trong bài đề dẫn, Giám đốc Điều hành Kenneth Roth nói rằng chính phủ Trung Quốc, vốn dựa vào đàn áp để duy trì quyền lực, đang tiến hành cuộc tấn công dữ dội nhất trong vài thập niên gần đây vào hệ thống nhân quyền toàn cầu. Ông thấy hành động của Bắc Kinh đã cổ vũ và nhận được sự ủng hộ của các thế lực dân túy độc tài trên thế giới, đồng thời nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng quyền lực kinh tế để ngăn chặn sự chỉ trích của các chính phủ khác. Điều khẩn cấp là phải chống lại cuộc tấn công này, vì nó đe dọa những tiến bộ về nhân quyền trong vài thập niên qua, và đe dọa tương lai của chúng ta.

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục đàn áp khốc liệt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo gốc Turk ở vùng Tân Cương phía Tây Bắc. Ước tính có khoảng 1 triệu người Hồi giáo đang bị giam giữ vô thời hạn ở các trại “cải tạo chính trị,” ở đó họ bị ép buộc phải từ bỏ bản sắc gốc và tuyên thệ trung thành với Đảng Cộng sản. Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng cưỡng ép ly tán nhiều trẻ em có cha mẹ đang bị giam giữ hay đi tị nạn, không cho ở với họ hàng và giữ các em trong các trung tâm “giáo dưỡng trẻ em” hay các trường nội trú do nhà nước quản lý. Chính quyền Trung Quốc cũng áp đặt các hệ thống theo dõi khổng lồ - được trang bị kỹ thuật mới nhất – đối với những người dân sống ở khu vực này, giám sát và hạn chế quyền đi lại của họ.       

Vào tháng Tư ở Hồng Kông, một tòa án đã kết án Benny Tai và Chan Kin-man, hai học giả đã lãnh đạo “Phong trào Dù vàng” ủng hộ dân chủ năm 2014 tới 16 tháng tù với các cáo buộc về gây rối nơi công cộng. Tháng Sáu, nỗi bất bình với dự định sửa đổi luật nhằm cho phép dẫn độ nghi phạm hình sự sang Trung Hoa đại lục đã khiến một triệu người xuống đường biểu tình. Phản ứng ban đầu của chính quyền Hồng Kông là từ chối rút lại điều luật dẫn độ cộng với tình trạng cảnh sát sử dụng bạo lực quá mức đã dẫn tới các cuộc biểu tình leo thang. Nhà cầm quyền Hồng Kông liên tiếp từ chối các lời kêu gọi điều tra độc lập đối với các khiếu nại về vi phạm của cảnh sát. Từ tháng Sáu, nhà cầm quyền đã bắt hơn 6,000 người và từ chối ít nhất là 17 đơn đăng ký biểu tình.

Ở Tây Tạng, nhà cầm quyền tiếp tục hạn chế gắt gao các quyền tự do ngôn luận, tự do nhóm họp và tự do tôn giáo. Có tin cho biết là từ tháng Năm đến tháng Bảy năm 2019, hàng ngàn tăng ni đã bị trục xuất khỏi một tu viện ở Tứ Xuyên và khu cư trú của họ bị phá dỡ. Tháng Mười một, Yonten, nguyên là một nhà sư Phật giáo, trở thành người thứ 156 ở Tây Tạng chết vì tự thiêu tính từ tháng Ba năm 2009.

Năm 2019, chính quyền Trung Quốc tiếp tục đàn áp các nhà hoạt động, nhà báo và luật sư nhân quyền. Tháng Bảy, hai tháng sau khi được phóng thích từ trại giam, nhà hoạt động Kỷ Tư Tôn chết vì bệnh lạ không xác định được, tiếp nối chuỗi hiện tượng các nhà bảo vệ nhân quyền bị chết trong khi giam giữ hoặc không lâu sau khi được thả trong nhiều năm gần đây. Các tòa án ở Hồ Bắc và Tứ Xuyên đã kết án hai nhà hoạt động Lưu Phi DượcHoàng Kỳ lần lượt là 5 và 12 năm tù. Nhà cầm quyền các địa phương khắp cả nước cũng bắt giữ các nhà hoạt động và công dân mạng vì ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, trong đó có nhà báo Hoàng Tuyết Cầm.

Nhà cầm quyền Trung Quốc gia tăng tấn công vào tự do ngôn luận. Công an khắp nơi trên toàn quốc câu lưu hoặc triệu tập hàng trăm người sử dụng Twitter, buộc họ phải xóa hết các đoạn tweet phê phán chính quyền hoặc đóng hẳn tài khoản. Chính quyền mở chiến dịch tung thông tin sai lệch bôi nhọ những người biểu tình ở Hồng Kông là bạo lực và cực đoan, khiến Twitter và Facebook phải chặn hàng trăm tài khoản xuất phát từ Trung Quốc vì nghi là công cụ của chiến dịch này.

Bắc Kinh tiếp tục bưng bít tiếng nói phê phán ở hải ngoại bằng cách kiểm soát sinh viên Trung Quốc ở các trường đại học nước ngoài, sách nhiễu người nhà đang còn ở Trung Quốc của những người lên tiếng phê phán, kiểm duyệt các nền tảng mạng xã hội thông dụng trong cộng đồng Hoa Kiều, và sử dụng đòn trừng phạt kinh tế. Tháng Mười, sau khi người quản lý một đội bóng trong Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Hoa Kỳ (NBA) đăng một đoạn tweet ủng hộ biểu tình ở Hồng Kông, nhà cầm quyền Trung Quốc hủy lịch phát sóng các trận bóng rổ của NBA ở Trung Quốc và yêu cầu phải đuổi việc người quản lý đó. Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia NBA đã không đáp ứng yêu cầu đuổi việc người này.

Chính phủ một số quốc gia đã lên tiếng ngày càng mạnh mẽ về chính sách đàn áp của Trung Quốc, đặc biệt là qua các bước can thiệp về vấn đề Tân Cương ở Liên Hiệp Quốc. Đáp lại, Trung Quốc đã tập hợp một liên minh các quốc gia nhiều tai tiếng về vi phạm nhân quyền để phủ nhận các lời chỉ trích. Chính quyền Hoa Kỳ đã cấm vận 28 cơ quan, tổ chức của Trung Quốc vì các vi phạm ở Tân Cương. Rất ít quốc gia tiến xa hơn việc chỉ trích bằng ngôn từ về các vi phạm nhân quyền trầm trọng của Bắc Kinh để có các hành động cụ thể.

“Các chính sách của chủ tịch Tập Cận Bình đã và đang bị thách thức bởi các cuộc biểu tình đông người ở Hồng Kông và các tuyên bố chung đa quốc gia ở Liên Hiệp Quốc,” bà Sophie Richardson nói. “Các chính phủ và các tổ chức quốc tế cần đứng về phía những người bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc và đẩy lui các chính sách đàn áp của Bắc Kinh.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country