Skip to main content

Vì sao người nghiện ở Việt Nam không muốn đi cai

Cai nghiện ở Đông Nam Á đồng nghĩa với tàn nhẫn, bóc lột và vô tác dụng.

Published in: Foreign Policy

Trong tháng này, gần 600 trại viên đồng loạt bỏ trốn khỏi một trung tâm cai nghiện ở Hải Phòng - một thành phố miền Bắc Việt Nam. Số đông trại viên áp đảo lực lượng bảo vệ của cơ sở cai nghiện do nhà nước quản lý và bỏ trốn. "Chúng tôi hoàn toàn bất lực" một nhân viên bảo vệ nói với phóng viên thông tấn xã AP. "Bốn mươi nhân viên bảo vệ không thể khống chế được số trại viên trốn trại, nhiều người trong số họ còn cầm gậy gộc, gạch đá." Đoạn video clip trên mạng internet chiếu cảnh nhiều đám đông trại viên trốn trại đi lại trên đường phố. (http://www.vnexpress.net/GL/Phap-luat/2010/05/3BA1BE99/page_2.asp)

Vì sao hàng trăm bệnh nhân trốn khỏi nơi cai nghiện? Bởi vì ở Việt Nam, "cai nghiện" có vẻ giống với cưỡng bức lao động, kèm thêm đánh đập và nhiều năm quản chế bắt buộc hơn là điều trị. Cũng giống các quốc gia láng giềng như Cam-pu-chia, Trung Quốc, Lào, Ma-lai-xi-a và Thái Lan, chính quyền Việt Nam áp dụng chính sách "cứng rắn" đối với cai nghiện hơn là điều trị theo kết quả nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam, có hơn 100 cơ sở cai nghiện thuộc quản lý nhà nước, tại đó tập trung khoảng từ 35 đến 45 nghìn trại viên bị quản chế không thành án, có trường hợp kéo dài tới bốn năm.

     
Học viên ở các trung tâm cai nghiện này phải tham gia "lao động để cai nghiện" - theo ngôn từ của chính quyền, nhưng thực chất là làm công việc nặng nhọc hàng tiếng đồng hồ với tiền công thấp hơn giá thị trường, tức là những gì còn lại sau khi trung tâm khấu trừ các chi phí tiền ăn tính cho các bữa ăn không đủ no và tiền ở cho chỗ ở như trong trại tập trung. Học viên nào không hoàn thành chỉ tiêu công việc thì bị đánh đập. Còn những học viên vi phạm nội quy của trung tâm có thể bị giam cách ly. "(H)ọ đánh học viên, đá vào mặt, vào ngực," một người từng ở một trung tâm cai nghiện gần Hà Nội kể với phóng viên đài BBC vào năm 2008 [http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/05/080522_drug_human_right.shtml]. "Rồi học viên phải lao động rất cực nhọc. Họ nói làm việc để quên đi cơn nghiện, lao động là để cai nghiện."         

Hút và trồng thuốc phiện không phải là hiện tượng mới lạ ở Việt Nam. Nhưng kể từ thập kỷ 1980, cùng với sự cởi trói kinh tế và gia tăng di cư là tình trạng gia tăng phân hóa giàu nghèo và lạm dụng ma túy. Ước chừng hiện có hơn 100,000 người nghiện phải chích ma túy ở Việt Nam, và gần một phần ba trong số đó nhiễm HIV.


Công tác cai nghiện không theo kịp với mức độ gia tăng của tình trạng lạm dụng ma túy, và ngoại trừ một số chương trình quy mô nhỏ, được chính quyền cho phép nhưng chủ yếu hoạt động nhờ vốn tài trợ phi chính phủ, gần như không tồn tại một chương trình cai nghiện hữu hiệu nào. Thay vào đó, chính quyền chỉ chú trọng biện pháp cai nghiện tập trung, bắt buộc - một biện pháp không chỉ phi nhân tính mà còn gần như vô hiệu quả. Theo các báo cáo của chính phủ, khoảng 70 - 80 phần trăm số người từng tham gia cai nghiện tại các trung tâm đã tái nghiện. Các ước tính khác cho rằng tỷ lệ tái nghiện lên tới gần 90 phần trăm - và khi con nghiện tái nghiện, họ không có chỗ điều trị nào để lựa chọn, càng không muốn đến trung tâm "cai nghiện" bắt buộc. Theo một nghiên cứu công bố vào đầu năm nay trên tạp chí Sức khỏe Đô thị, những người nghiện ma túy đã từng qua các trung tâm cai nghiện có nguy cơ nhiễm bệnh viêm gan C cao hơn những người chưa đi cai. Một nghiên cứu khác cho thấy việc quản chế tập trung và sợ bị công an phát hiện đã dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn đối với những người sử dụng ma túy.

Thực ra, những trại viên trốn trại ở Hải Phòng có cơ hội tốt hơn nếu họ không phải vào lại trại: Hải Phòng là một trong ba thành phố ở Việt Nam đang thí điểm sử dụng methadone trong cai nghiện các chất ma túy gốc á phiện, một biện pháp được ưa chuộng ở hầu hết các nước phát triển. Trên thực tế, việc thử nghiệm dùng methadone để cai nghiện đã được triển khai thành công ở Hà Nội từ giữa những năm 1990. Vậy thì tại sao lại không gia tăng thêm công suất của các cơ sở cai nghiện dùng methadone ở Hải Phòng và cho các học viên đang trốn trại cơ hội đăng ký điều trị tự nguyện? Chính phủ Hoa Kỳ cũng có thể đảm bảo cho những người nghiện đang bỏ trốn có thể tiếp cận dịch vụ đó bằng cách chuyển kênh ngân sách tài trợ, hiện đang được rót vào các chương trình phòng chống HIV trong các trung tâm cai nghiện cưỡng bức này (dù không tài trợ trực tiếp cho các trung tâm đó) sang các chương trình tại cộng đồng.


Trên thực tế, nếu Hải Phòng có thể mở rộng các dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng hiện đang hoạt động ở thành phố để mọi người có thể tiếp cận và sử dụng dễ dàng hơn, bổ sung thêm dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ về chỗ ở, thành phố hoàn toàn có thể xây dựng một kiểu mẫu về chương trình cai nghiện nhân bản và bền vững. Những người sử dụng ma túy không liên tục - và nhất là những người ngay từ đầu đã không cần cai nghiện, có khả năng tìm được những việc làm có ý nghĩa và mạng lưới hỗ trợ xã hội ngay tại cộng đồng để tránh dấn sâu vào con đường nghiện ngập. Những người nghiện nặng cũng như những người sử dụng không thường xuyên đều có thể tiếp cận được những chương trình và dịch vụ phòng ngừa HIV tại cộng đồng.

Cai nghiện còn có nghĩa là phải tạo cho những người sử dụng ma túy một cơ hội để giành lại quyền làm chủ cuộc sống của họ, gây dựng lại các mối quan hệ bị sứt mẻ và chiến thắng được cơn nghiện tàn hại. Cai nghiện ở Việt Nam làm cuộc sống của người nghiện khổ sở hơn, cắt đứt các kênh hỗ trợ xã hội và hầu như đồng nghĩa với sự bảo đảm việc tái sử dụng ma túy sau những năm dài bị lạm dụng trong trại cai nghiện. Chuyện học viên cai nghiện trốn trại không có gì là lạ cả.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country