Chính quyền Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo. Các đảng phái chính trị, các tổ chức nhân quyền và hiệp hội lao động độc lập đều bị cấm. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã cai trị đất nước gần năm thập kỷ và trừng phạt nặng nề bất kỳ ai dám thách thức vị thế độc tôn quyền lực của mình.
Chính quyền Việt Nam cấm báo chí và truyền thông độc lập, ngăn chặn một cách có hệ thống các đường tiếp cận tới các trang mạng và truyền thông xã hội nhạy cảm về chính trị, cũng như thường xuyên gây sức ép buộc các công ty truyền thông và mạng xã hội phải gỡ bỏ hoặc hạn chế các nội dung phê phán chính phủ và đảng cầm quyền.
Đầu năm 2023, trong một cuộc điều tra chống tham nhũng cấp cao liên quan tới chính sách ứng phó với dịch Covid-19, tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã buộc chủ tịch nước, nguyên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hai phó thủ tướng, phải từ chức. Tuy nhiên, cơn địa chấn chính trị hiếm hoi này không giúp cải thiện được hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam.
Tự do Biểu đạt
Những người lên tiếng phê phán chính quyền phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, hạn chế đi lại, bắt bớ câu lưu tùy tiện, và bỏ tù sau các phiên tòa không công bằng. Công an thường xuyên giam giữ các can phạm chính trị hàng tháng trời không cho tiếp xúc với luật sư và thẩm vấn họ thô bạo. Các tòa án do Đảng kiểm soát xử các nhà lãnh đạo cộng đồng, các nhà vận động tự do ngôn luận trên mạng, và các nhà hoạt động xã hội dân sự với các mức án tù nặng nề với các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia.
Chính quyền Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người trong tù vì đã ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình. Trong mười tháng đầu năm 2023, các tòa án đã kết tội ít nhất là 28 người vận động cho nhân quyền và xử họ các bản án tù nhiều năm. Trong số đó có Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước.
Tính tại thời điểm viết phúc trình này, công an đang tạm giam ít nhất là 19 người khác để điều tra trước khi xét xử với các cáo buộc mang động cơ chính trị, trong đó có nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh và các cựu tù nhân chính trị Nguyễn Hoàng Nam và Lê Minh Thể.
Năm 2023, chính quyền Việt Nam không hề nới lỏng chính sách đè nén các nhà hoạt động trong các tổ chức phi chính phủ. Tháng Năm năm 2023, công an bắt giữ nhà bảo vệ môi trường hàng đầu Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc ngụy tạo về tội trốn thuế. Hoàng Thị Minh Hồng là một học giả Obama năm 2018, và nguyên tổng thống Barack Obama đã khen ngợi vai trò lãnh đạo về môi trường của bà. Nhà vận động bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách, người bị xử án tù từ tháng Giêng năm 2022 với các cáo buộc mang động cơ chính trị về tội trốn thuế vẫn đang ở sau song sắt. Tháng Tám, một số tù thường phạm được đưa vào phòng giam của Đặng Đình Bách và của tù nhân chính trị nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức để dọa dẫm và đe sẽ sử dụng vũ lực với họ, theo lời của gia đình kể với báo chí. Ông Đặng Đình Bách có tin đã bị đánh vào đầu từ phía sau vì cố thông báo với gia đình trong một cuộc điện đàm về điều kiện giam giữ. Tháng Chín, một tòa án đã kết luận có tội và xử Hoàng Thị Minh Hồng ba năm tù giam.
Tự do Báo chí, Tự do Tiếp cận Thông tin
Chính quyền cấm các kênh truyền thông độc lập hoặc thuộc sở hữu tư nhân, và áp đặt sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với các đài truyền hình và truyền thanh cũng như các nhà xuất bản. Chính quyền chặn đường truy cập các trang mạng, thường xuyên đóng các blog và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet gỡ bỏ thông tin hay các tài khoản mạng xã hội bị cho là trái ý về chính trị.
Nhà cầm quyền Việt Nam liên tiếp yêu cầu các công ty truyền thông xã hội, trong đó có Meta (sở hữu Facebook và Instagram), Google và TikTok gỡ bỏ các nội dung phê phán các nhà lãnh đạo chính quyền hay Đảng Cộng sản. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), trong ba tháng đầu năm 2023, Meta “đã chặn, gỡ bỏ hơn 1096 bài viết có nội dung thông tin xấu độc (tỷ lệ 93% [so với yêu cầu của chính quyền]); Google đã gỡ 1670 videos vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 93% [so với yêu cầu của chính quyền]); TikTok gỡ 323 link vi phạm, khóa 47 tài khoản, kênh thường xuyên đăng tải nội dung xấu độc (tỷ lệ 91% [so với yêu cầu của chính quyền]).”
Tương tự, cũng theo chính quyền Việt Nam, trong tháng Bảy “Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt tỷ lệ đáp ứng 90% [yêu cầu của chính quyền]). Google cũng đã gỡ 1.052 video vi phạm trên YouTube, đạt tỷ lệ đáp ứng 91% [so với yêu cầu của chính quyền]. TikTok đã gỡ bỏ 19 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, đạt tỷ lệ đáp ứng 90% [so với yêu cầu của chính quyền].”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã liên hệ với TikTok, Google và Meta yêu cầu họ bình luận các số liệu về nội dung bị gỡ bỏ khỏi nền tảng của mình theo tuyên bố của chính quyền Việt Nam. TikTok và Google không trả lời trực tiếp về các số liệu của chính quyền Việt Nam mà lại giới thiệu với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về các chính sách gỡ bỏ nội dung và phúc trình về tính minh bạch của công ty mình. Meta không hồi âm đối với yêu cầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Tháng Sáu, báo Washington Post có bài viết rằng Meta cộng tác với chính quyền Việt Nam bóp nghẹt tự do ngôn luận. Hai cựu nhân viên của Meta kể với tờ báo rằng Meta “đã tiếp nhận một danh sách nội bộ về các quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam không được phê phán trên Facebook” và danh sách này “được giữ kín ngay cả trong công ty và chưa từng được công khai đề cập bao giờ.” Họ cũng cho rằng danh sách này đã được tính đến trong quy định hướng dẫn về kiểm soát nội dung trên mạng và “phần lớn do nhà cầm quyền Việt Nam định hình.” Meta không đưa ra được phản hồi về các cáo buộc cụ thể được nêu trong bài báo của Washington Post.
Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng
Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định về đăng ký, và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị quy định phải được sự phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước kiểm soát. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn thường cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tùy tiện cho là đi ngược với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội,” hay “khối đoàn kết dân tộc.” Trên thực tế, việc cấm đoán nói trên bao gồm cả những lễ nghi tôn giáo thông thường.
Công an giám sát, sách nhiễu và đôi khi dùng vũ lực đàn áp đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống do nhà nước kiểm soát. Các nhóm tôn giáo không được công nhận – bao gồm các chi phái độc lập của đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Cơ Đốc giáo và Phật giáo, trong đó có các chùa Khmer Krom - phải liên tục đối mặt với việc bị theo dõi, bị sách nhiễu và đe dọa. Các tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập này có thể bị đấu tố trước đông người, bị buộc từ bỏ đạo, bị giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù. Tính đến tháng Chín năm 2021, Việt Nam thừa nhận rằng, chính quyền đã không công nhận khoảng 140 nhóm tôn giáo với xấp xỉ một triệu tín đồ.
Quyền của Trẻ em
Bạo hành đối với trẻ em, bao gồm cả lạm dụng tình dục, là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam, ở nhà cũng như ở học đường. Nhiều bài báo Việt Nam đưa tin về các trường hợp người giám hộ, giáo viên hay người trông giữ trẻ của các cơ sở nhà nước lạm dụng tình dục, và đánh đập trẻ em.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, “Trong 4 tháng đầu năm 2023, …các cuộc gọi đến tổng đài 111 [đường dây tiếp nhận thông tin về xâm hại trẻ em] liên quan đến bạo lực trong trường học đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.”
Việt Nam đã tìm cách phòng chống bạo lực đối với trẻ em bằng các biện pháp tổ chức các phong trào vận động ở nhiều tỉnh, bao gồm việc chọn tháng Sáu là tháng hành động vì trẻ em, và cung cấp các chương trình đào tạo cho giới chức chính quyền địa phương và cán bộ học đường, triển khai các phong trào nâng cao nhận thức, và tổ chức các đợt tập huấn cho trẻ em.
Quyền của Phụ nữ và Trẻ em gái
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, kể cả xâm hại tình dục, tràn lan ở Việt Nam. Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ, bản “Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực với Phụ nữ ở Việt Nam” năm 2019 cho thấy gần như 2 trong số 3 phụ nữ Việt nam (gần 63 phần trăm) đã trải nghiệm một hay nhiều hình thức bạo hành thân thể, tình dục, tinh thần hay kinh tế cũng như là nạn nhân của lối ứng xử kiểm soát từ phía chồng/bạn tình trong đời. Hơn 90 phần trăm phụ nữ từng bị chồng/bạn tình bạo hành thân thể và/hoặc tình dục không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào của các dịch vụ chính thức hay chính quyền.”
Theo báo chí nhà nước, trong tổng số các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam, 74 phần trăm số nạn nhân là phụ nữ và 11 phần trăm là trẻ em.
Vào tháng Bảy năm 2022, Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình sửa đổi bắt đầu có hiệu lực. Bộ luật sửa đổi đưa ra các quy định bổ sung về bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Quy định của bộ luật mới cũng tăng tổng số hành vi cấu thành bạo lực gia đình từ 9 lên 16, bổ sung thêm quyền cho các nạn nhân bạo lực gia đình và gia tăng chế tài đối với người vi phạm.
Xu hướng tính dục và bản dạng giới
Trong vài năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến khiêm tốn về công nhận quyền của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT), trong đó có việc gỡ bỏ quy định cấm quan hệ đồng giới và đăng ký chuyển giới theo thủ tục pháp lý. Bộ Y tế chính thức tuyên bố vào năm 2022 rằng đồng tính luyến ái hay chuyển giới không phải là bệnh lý.
Tháng Sáu, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một Nghị quyết, cho biết sẽ góp ý kiến về dự án Luật chuyển đổi giới tính vào kỳ họp thứ 8, diễn ra vào tháng 10 năm 2024.
Các đối tác quốc tế chủ chốt
Trong năm nay, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng cường đáng kể. Ngày mồng 10 tháng Chín, Tổng thống Joe Biden tới thăm Hà Nội. Trong chuyến thăm này, Hoa Kỳ “nâng quan hệ Việt – Mỹ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện,” nhưng đề cập rất ít về hồ sơ nhân quyền ngày một tồi tệ của Việt Nam. Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hồi tháng Mười một không mang lại cam kết hay thay đổi chính sách nào đáng kể. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và có số công dân làm nên cộng đồng người gốc Việt hải ngoại lớn nhất trên thế giới, góp phần lớn vào lượng kiều hối gửi về Việt Nam.
Việt Nam cố gắng cân bằng quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng quan hệ Việt – Trung vẫn tiếp tục phức tạp. Một tuần trước chuyến thăm của ông Biden, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã tiếp đón Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu và cam kết duy trì tình hữu nghị chặt chẽ giữa hai đảng, và vào tháng Sáu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Bắc Kinh.
Nhưng vẫn tiếp tục có căng thẳng về lãnh thổ giữa hai quốc gia, khi Việt Nam thường xuyên và mạnh mẽ lên tiếng phản đối các hoạt động đơn phương của Trung Quốc trên các vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông. Tháng Bảy, Việt Nam cấm chiếu bộ phim “Barbie” vì có một cảnh xuất hiện tấm bản đồ mà Hà Nội coi là bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền trên các vùng tranh chấp, mà phía Việt Nam đã bác bỏ.
Tháng Tám năm 2023 đánh dấu ba năm kỷ niệm hiệp định thương mại tự do song phương giữa Liên minh Châu Âu với Việt Nam (EVFTA). Tháng Tư, một phái đoàn của Tiểu ban Nhân quyền Quốc Hội Liên Âu tới thăm Việt Nam và bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình nhân quyền ở quốc gia này và hối thúc Việt Nam tôn trọng các nghĩa vụ nhân quyền trong đó có các cam kết phải tuân thủ trong khuôn khổ EVFTA.
Phía EU đã trao đổi các quan ngại về nhân quyền với Việt Nam tại một loạt các cuộc gặp song phương, trong đó có đợt đối thoại nhân quyền vào tháng Sáu và các cuộc họp khác vào tháng Năm và tháng Sáu, cũng như đề cập tới Việt Nam trong các tuyên bố tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng Ba và tháng Chín. Dù bị Việt Nam thẳng thừng coi thường các nỗ lực ngoại giao công khai và riêng tư của mình, khối Liên Âu vẫn chưa cân nhắc đưa ra các biện pháp có tính thuyết phục hơn, như phong tỏa một phần hoặc đình chỉ EVFTA.
Vào tháng Tám và tháng Chín, EU cùng với một số phái đoàn châu Âu khác đã thúc giục Việt Nam ngừng thi hành các bản án tử hình sắp tới.
Năm 2023, Australia và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đón tiếp Toàn quyền Australia David Hurley vào tháng Tư, Thủ tướng Anthony Albanese vào tháng Sáu và Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong vào tháng Tám. Trong tháng Bảy, một nhà hoạt động dân chủ là công dân Australia, Châu Văn Khảm, được phóng thích sau hơn bốn năm bị bắt giữ tùy tiện. Nhưng các đồng bị cáo trong vụ án Châu Văn Khảm, là hai nhà hoạt động người Việt, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền, vẫn bị giam sau song sắt. Việt Nam và Australia đã tiến hành thảo luận về khả năng nâng cấp quan hệ lên mức “đối tác chiến lược toàn diện” trong tương lai gần.
Nhật Bản hiện vẫn là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Vào tháng Năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm Nhật Bản và hội kiến với Thủ tướng Fumio Kishida. Nhật Bản đã cam kết thêm 61 tỷ Yen (407 triệu đô la Mỹ) viện trợ phát triển cho Việt Nam. Vào tháng Mười một, trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, hai nước đã nâng quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện.” Vẫn như nhiều năm qua, Nhật Bản tiếp tục im lặng về hồ sơ nhân quyền yếu kém của Việt Nam.