(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu, Việt Nam cần hoãn xử sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và điều tra xem các hoạt động nghiệp vụ của công an nhằm vào họ có phải vì nguyên nhân kỳ thị hay đàn áp tôn giáo không. Tòa án Nhân dân huyện An Phú tỉnh An Giang sẽ mở phiên tòa hình sự xử sáu người với tội danh gây rối trật tự công cộng vào ngày mồng 9 tháng Hai năm 2018.
Vụ bắt giữ phát sinh từ một cuộc biểu tình do họ khởi xướng để phản đối hành vi của công an nhằm vào các tín đồ ở tỉnh An Giang đang trên đường đi dự đám giỗ bà mẹ một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo. Công an vẫn thường xuyên sách nhiễu các thành viên độc lập của nhóm tôn giáo thiểu số này, vốn có quá trình hiềm khích với nhà nước từ rất lâu.
“Vụ việc có vẻ là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền nhằm vào các thành viên nhóm tôn giáo này,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền cần chấm dứt sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không được đăng ký và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình.”
Những người bị cáo buộc gồm: Bùi Văn Trung (còn gọi là Út Trung) 54 tuổi; vợ ông là bà Lê Thị Hên, 56 tuổi; con gái ông là Bùi Thị Bích Tuyền (còn gọi là Lài), 36 tuổi; con trai ông là Bùi Văn Thâm, 31 tuổi; Nguyễn Hoàng Nam (còn gọi là Tèo), 36 tuổi; và Lê Hồng Hạnh, 41 tuổi.
Buổi tối ngày 18 tháng Tư năm 2017, cảnh sát giao thông và nhiều người mặc thường phục dựng chốt chặn gần nhà ông Bùi Văn Trung ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, để chặn các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập tới dự đám giỗ mẹ của ông Bùi Văn Trung. Cảnh sát không lập biên bản phạt vi phạm luật giao thông mà thu giữ luôn giấy tờ của họ. Những người mặc thường phục chửi bới và dọa đánh họ trong khi cảnh sát giao thông không can thiệp. Đây dường như là một vụ nữa theo kịch bản công an dùng ‘côn đồ’ mặc thường phục để đe dọa người dân.
Buổi sáng hôm sau, cảnh sát giao thông và những người mặc thường phục lại tới dựng chốt chặn. Cảnh sát giao thông để những người mặc thường phục thu giữ xe máy của Mai Thị Dung, một cựu tù nhân chính trị, cùng với xe của một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo khác khi hai người bị chặn tại trạm kiểm soát, dù họ không bị lập biên bản về lỗi vi phạm giao thông. Khi Bùi Văn Thâm, con trai ông Bùi Văn Trung, cố cản những người này không cho lấy xe máy của khách, họ quay sang đánh anh.
Đáp lại hành động này, Bùi Văn Trung và một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo liền tiến hành một cuộc biểu tình để phản đối chính quyền đàn áp. Bùi Văn Thâm sau này bị cáo buộc về tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 của bộ luật hình sự và “chống người thi hành công vụ” theo điều 257. Năm người còn lại bị cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng.”
Hòa Hảo là một tông phái Phật giáo được Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ thành lập từ năm 1939 ở miền Tây đồng bằng sông Cửu Long. Thái độ hiềm khích của người cộng sản đối với Hòa Hảo bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) khi rất nhiều tín đồ Hòa Hảo chống lại lực lượng Việt Minh do cộng sản lãnh đạo, sau khi vị lãnh đạo tinh thần của giáo phái, Huỳnh Phú Sổ đi gặp đại diện phía cộng sản vào năm 1947 rồi mất tích không bao giờ trở về. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1954-1975), các vùng đất thuộc giáo phái Hòa Hảo ở phía tây đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chống lại lực lượng du kích Việt cộng.
Mối hiềm khích giữa cộng đồng Hòa Hảo và Đảng Cộng sản tiếp tục tồn tại sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975. Năm 1999, chính quyền Việt Nam công nhận Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo chính thức. Tuy nhiên, nhiều tín đồ từ chối tham gia Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được nhà nước công nhận. Họ bị đàn áp và theo dõi gắt gao. Hàng năm, công an địa phương dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập tập trung lại trong các sự kiện quan trọng như ngày thành lập giáo phái, hay ngày giỗ người sáng lập Hòa Hảo, Huỳnh Phú Sổ. Chính quyền liên tiếp dựng chốt chặn mọi người tới Quang Minh Tự ở Chợ Mới (An Giang), nơi các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập thường đến thờ cúng.
Bùi Văn Trung đã biến ngôi nhà mình thành một đạo tràng cho các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập từ năm 2005 và giảng đạo cho các tín đồ tới nhà mình trong nhiều dịp mà không có sự phê chuẩn của chính quyền.
Kể từ đó, gia đình ông thường xuyên bị đe dọa, sách nhiễu và theo dõi gắt gao. Tháng Tư năm 2012, chính quyền địa phương cắt điện, ném đá và xác mắm vào nhà, và phun nước để cản trở người dân tụ tập ở nhà ông Bùi Văn Trung. Theo lời ông Bùi Văn Trung kể với phóng viên đài RFA, công an địa phương có đánh đập một số người. Tháng Năm năm 2013, chính quyền sách nhiễu, đe dọa và tấn công rất nhiều người đang cố gắng tới dự đám giỗ mẹ ông Trung.
Các thành viên trong gia đình ông cũng từng bị đi tù. Tháng Bảy năm 2012, Bùi Văn Thâm bị bắt về tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 bộ luật hình sự. Anh bị kết án hai năm sáu tháng tù giam. Tháng Mười năm 2012, ông Bùi Văn Trung cũng bị bắt với cùng tội danh. Ông bị kết án bốn năm tù giam. Tháng Hai năm 2014, con rể ông Bùi Văn Trung là anh Nguyễn Văn Minh cũng bị bắt vì lỗi giao thông ngụy tạo, bị cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 và bị kết án hai năm sáu tháng tù giam. Chính quyền cũng sử dụng lỗi giao thông ngụy tạo để bắt giữ ông Nguyễn Văn Lía, một nhà lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo độc lập khác, vào năm 2011.
Trong những năm gần đây, có nhiều vụ việc biểu tình và chính quyền tấn công có đối tượng trung tâm là các tín đồ Hòa Hảo. Tháng Tám năm 2005, sau một vụ đàn áp nghiêm trọng, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, ông Trần Văn Út, tự thiêu đến chết để phản đối. Nhiều nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo đã bị bắt và kết án nhiều năm tù. Tháng Năm năm 2017, công an tỉnh Vĩnh Long bắt Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập, với cáo buộc về tội danh tuyên truyền chống nhà nước. Sau đó, công an tuyên bố anh tự sát bằng một con dao do một công an viên để lại trong phòng hỏi cung. Gia đình đã phản đối, chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn giữa các dấu vết tìm thấy trên thi thể anh và một cuốn băng video không rõ hình do công an ghi lại và cho họ xem qua.
Gần đây nhất, vào ngày 23 tháng Giêng Năm 2018, Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang kết án nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo Vương Văn Thả, con trai ông Vương Thanh Thuận và hai cháu trai song sinh, Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng, mỗi người từ 6 đến 12 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88.
Hiện nay, ở Việt Nam có ít nhất 129 người đang bị ngồi tù vì thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền cho là nguy cơ đối với quyền lực độc tôn của mình. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng chính quyền Việt Nam cần phóng thích họ vô điều kiện và hủy bỏ mọi điều luật có nội dung hình sự hóa hành vi ngôn luận ôn hòa.
“Ba thành viên trong gia đình ông Bùi Văn Trung đã từng phải thụ án tù chỉ vì họ từ chối không thực hành tôn giáo của mình dưới sự kiểm soát của nhà nước,” ông Adams nói. “Và giờ đây có vẻ chính quyền lại đang đưa ông và các thành viên trong gia đình ông ra xử với cùng lý do đó.”